Với mục tiêu tổng quát tạo ra một nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về trí tuệ, thành thạo về kỹ năng và khỏe mạnh về thể chế, trong sáng về đạo đức, linh hoạt và văn minh trong ứng xử; hợp lý về cơ cấu đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát triển nguồn nhân lực Nam bộ cần quán triệt các quan điểm cơ bản dưới đây:
Một là, phát triển nguồn nhân lực phải quán triệt quan điểm “Con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. “Con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đó là nhiệm vụ hàng đầu là khâu đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, ở nước ta nói chung, vùng Nam bộ nói riêng.
Hai là, chú trọng phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt là coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ đòi hỏi người lao động phải có tri thức mà đặc biệt là kỹ năng chuyên nghiệp; không chỉ trong các lĩnh vực phi nông nghiệp mà ngay cả trong nền nông nghiệp hiện đại cũng đòi hỏi các kỹ năng chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy, đảm bảo cho sự chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại thì những thay đổi rất cơ bản của nguồn nhân lực từ trí lực đến kỹ năng lao động là rất cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một mặt, phải gia tăng nhanh chóng nguồn nhân lực nói chung, mặt khác, phải chú trọng tới số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ, nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà công nghệ… và công nhân lành nghề.
Cùng với tăng nhanh số lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay và phải được thực hiện kịp thời. Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện ở 3 mặt: Thể lực, trí lực và tâm lực. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần nhìn nhận rõ: Thể lực có quan hệ mật thiết với trí lực và tâm lực và tạo điều kiện để phát triển cả trí lực và tâm lực của người lao động. Với nhận thức này, trong kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần gắn kết việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghề nghiệp… cho người lao động với việc bồi dưỡng nâng cao thể chất, sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống nhằm nâng cao thể chất và tầm vóc của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần có vốn văn hóa. Nguồn nhân lực chỉ trở thành yếu tố quyết định nhất đảm bảo thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi nó được phát triển trên cơ sở giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, nguồn nhân lực sẽ mất đi gốc rễ, dễ bị hòa tan trong một “thế giới phẳng” như hiện nay, bị đồng hóa bởi văn hóa của các dân tộc khác. Do đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa về phương diện văn hóa cũng không thành công và từ đó kéo theo các thất bại trên các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực phải sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, “giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực - yếu tố cơ bản để tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội - môi trường một cách bền vững. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Nâng cao chất lượng đào tạo là phương tiện chủ yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chuyển trọng tâm của giáo dục từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo, kỹ năng kỹ xảo thực hành, năng lực thích nghi sự phát triển có như thế mới đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và toàn cầu.
Coi trọng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài ở trong nước và ngoài nước.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay phải đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, vùng Nam bộ nói riêng và tiến trình hội nhập quốc tế, khu vực, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của vùng Nam bộ. Phát triển nguồn nhân lực vùng Nam bộ phải gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, gắn với thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với nâng cao trình độ dân trí của dân cư.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực phải xuất phát từ điều kiện đặc thù của vùng Nam bộ, trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng. Đồng thời phát triển liên kết vùng và ngoại vùng trong phát triển nguồn nhân lực và kế thừa, phát huy những kinh nghiệm hay ở trong nước và quốc tế. Mặt khác, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế để thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài và đội ngũ chuyên gia, lao động giỏi cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Sáu là: “Phát triển nhân lực là sự nghiệp, là trách nhiệm của toàn xã hội... Mỗi công dân, mỗi tổ chức kinh tế, xã hội có trách nhiệm tham gia tích cực vào phát triển nhân lực. Thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào phát triển nhân lực”.
Quán triệt quan điểm này đòi hỏi phải huy động được vai trò, sức mạnh của mỗi chủ thể trong xã hội vào phát triển nguồn nhân lực đồng thời phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tránh lẫn lộn chức năng.
Xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý là yêu cầu trước hết trong quản lý phát triển nguồn nhân lực. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, các quan điểm, định hướng lớn về phát triển nguồn nhân lực đều do Đảng hoạch định. Sau khi có chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng nằm ở khâu tổ chức thực hiện, thông qua vai trò của tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên tham gia trong cơ cấu bộ máy nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp. Trên cơ sở các quan điểm, định hướng lớn, Nhà nước có nhiệm vụ thể chế hóa thành pháp luật, chương trình, dự án cụ thể để phát triển phát triển nguồn nhân lực ở từng vùng miền, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của từng đị phương, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước có nhiệm vụ điều hành thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đã xác định, đảm bảo cho nguồn lực đến tận địa chỉ đáng được thụ hưởng, thực hiện đúng mục tiêu mà Đảng đã xác định.
Các chủ thể ngoài Đảng và Nhà nước ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trở thành những chủ thể tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho mình và thực hiện các trách nhiệm xã hội, kể cả xuất hiện các loại hình doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận. Với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Một logic tất yếu của sự phát triển của các quốc gia, nhất là trong lĩnh vực kinh tế: nền kinh tế quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp, đến lượt mình, sự phát triển của các doanh nghiệp tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nguồn nhân lực mỗi quốc gia. Công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhiệm vụ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp bởi sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Nhận thức rõ tầm quan trọng có ý quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nên hiện nay nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình.
Việc sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tác động rất lớn tới công tác giáo dục và đào tạo của quốc gia: quy mô đào tạo; lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; trình độ đào tạo. Hơn nữa, vấn đề này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong xã hội.
Với tư cách là chủ thể trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng vai trò trực tiếp quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất lớn vào các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vì vậy, các quốc gia phát triển thường coi đây là yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam kể từ khi bước vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, hoạt động giáo dục, đào tạo được chú trọng, nhất là giáo dục đại học. Vai trò của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực được thể hiện ở các khía cạnh cụ thể như định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách, tri thức cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động; cân đối nhu cầu đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Sự phát triển toàn diện và đồng bộ của hệ thống giáo dục đào tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn lực lao động có chất lượng cao, có văn hóa, đạo đức nghề nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật tốt, phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại.
Ngoài ra, cá nhân người lao động cũng là chủ thể có ảnh hưởng tới sự phát triển nguồn nhân lực. Nếu như các chủ thể trên mang yếu tố “khách quan” trong phát triển nguồn nhân lực thì người lao động là yếu tố mang tính chất “chủ quan”. Yếu tố “người lao động” ở đây chịu ảnh hưởng của nhiều đặc điểm của các quốc gia: trình độ phát triển; đường lối phát triển; đặc điểm về lịch sử, văn hóa.... Đặc biệt với tính cách đặc điểm con người vùng Nam bộ, việc nâng cao nhận thức của gia đình và cá nhân người lao động về sự cần thiết phải tham gia quá trình đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng.
Các tổ chức xã hội ngày càng có vị thế quan trọng trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nguồn nhân lực. Nhân dân tham gia vào hoạch định cũng như tổ chức thực thi chính sách là một yêu cầu quản trị phát triển xã hội theo nguyên tắc dân chủ. Nhân dân có thể tham gia thông qua các đại diện mà họ đã bầu ra, thông qua các tổ chức chính trị xã hội mà họ tham gia hoặc có thể tham gia một cách trực tiếp.
ThS. NGUYỄN HỮU VINH
Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội