Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng đội ngũ cán bộ và ý nghĩa thực tiễn trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Đồng chí Lê Duẩn là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Gần 60 năm sống và chiến đấu, đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên chặng đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng đội ngũ cán bộ và ý nghĩa thực tiễn đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.

1. Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng đội ngũ cán bộ

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về số lượng và chất lượng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của Người, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Để bảo đảm cho cách mạng thắng lợi, sau khi có đường lối, chính sách đúng đắn thì điều kiện quyết định là việc tổ chức thực hiện đường lối, trong đó vấn đề then chốt là phải có một đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt3. Theo đồng chí, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cầm quyền ngày càng khó khăn và nặng nề, do đó, Đảng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng và số lượng. Đồng chí khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước mạnh cả về chất lượng và số lượng, có đủ khả năng hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là công tác rất quan trọng và cấp bách. Đảng phải có chính sách cán bộ phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới; đồng thời, cải tiến công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tiêu biểu cho đường lối chính trị4. Theo đồng chí, chất lượng của người cán bộ là sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị và năng lực công tác, thể hiện ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, không thể tách rời và đối lập giữa yêu cầu về phẩm chất chính trị với năng lực công tác, vì thiếu một mặt nào cũng là không đủ tiêu chuẩn người cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý. Phẩm chất chính trị vừa là lòng trung thành, tận tụy, đức tính hy sinh, vừa là ý thức nhạy bén và sáng suốt về chính trị, tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ của mình và đối với sự nghiệp cách mạng, lòng tin tưởng vững chắc vào đường lối của Đảng, tinh thần kiên định trong đấu tranh để bảo vệ và thực hiện đường lối đó. Cách mạng càng tiến lên, đòi hỏi người cán bộ phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin, sự hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, kiến thức chuyên môn và năng lực tổ chức thực tiễn.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ

Trong công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ là một nhiệm vụ rất quan trọng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Theo đồng chí Lê Duẩn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, cần tổ chức giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực công tác cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, cùng với việc tăng cường hệ thống trường Đảng ở các cấp, cần mở nhiều trường, lớp về tổ chức và quản lý kinh tế, đào tạo kỹ sư kinh tế; phát triển các trường bổ túc văn hóa cho cán bộ, phổ biến rộng rãi kiến thức về khoa học kỹ thuật. Đồng chí lưu ý: Người cán bộ không được thỏa mãn với những kinh nghiệm và kiến thức cũ, nếu không cố gắng vươn lên nắm lấy những tri thức mới thì sẽ dẫn đến những sai lầm trong công tác và chắc chắn không thể làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn mới5.

Đồng chí cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cần gấp rút đào tạo, bổ sung hàng loạt cán bộ mới, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có xuất thân nông dân và trí thức, đặc biệt là cán bộ có xuất thân từ công nhân nhằm kiện toàn, đổi mới đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực của cán bộ trẻ bởi đánh giá cán bộ là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng sẽ phát huy được năng lực của từng cán bộ; ngược lại, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến việc bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai vị trí, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục phát huy khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo của các cán bộ đã trải qua nhiều thử thách trong cách mạng.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả công tác bố trí, sử dụng cán bộ

Bố trí và sử dụng cán bộ là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, là cơ sở để xem xét, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác cán bộ của cơ quan chức năng và cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ đúng và hiệu quả không chỉ đòi hỏi tính nguyên tắc, mà còn phải linh hoạt và khéo léo. Trong lựa chọn, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc và tùy tài mà dùng người. Đối với cán bộ của Đảng, bố trí và sử dụng cán bộ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn và sở trường; đề bạt, bổ nhiệm đúng lúc, giao việc đúng tầm.

Nhận thức sâu sắc và kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, việc đào tạo, cất nhắc, bổ sung cán bộ phải gắn liền với đổi mới từng phần đội ngũ cán bộ. Đảng cần sử dụng đúng người, đúng việc, kết hợp giữa cán bộ công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm với cán bộ trẻ. Đây là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Đồng chí chỉ rõ: Quy luật phát triển của cách mạng cũng như của Đảng đòi hỏi phải kết hợp đúng đắn cán bộ đã từng chiến đấu lâu năm với cán bộ trẻ để bổ sung ưu điểm, khắc phục nhược điểm cho nhau. Chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lâu năm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ trẻ có phẩm chất cách mạng, năng lực công tác xuất hiện trong các phong trào cách mạng6.

Sự ổn định của đội ngũ cán bộ chỉ có ý nghĩa khi cán bộ được sử dụng đúng chỗ, đúng việc, phát huy được tài năng, phục vụ đắc lực cho cách mạng. Đồng chí cho rằng, trong công tác cán bộ “phải từ yêu cầu công việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc. Công việc đòi hỏi đến đâu thì bố trí người đến đó. Đối với mỗi công việc, phải tìm được người thích hợp nhất”7. Có chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài nhằm khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm công tác, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công việc chung của Đảng một cách tốt nhất. Đối với những cán bộ mà phẩm chất chính trị hoặc năng lực công tác không tương xứng với trách nhiệm, không đảm đương được công việc, thậm chí còn gây trở ngại cho công tác lãnh đạo và quản lý thì nhất thiết phải sắp xếp lại cho hợp lý, hợp tình, tránh làm ảnh hưởng đến công việc chung và uy tín của Đảng.

Thứ tư, thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo và quản lý cán bộ và công tác cán bộ

Theo đồng chí Lê Duẩn, công tác cán bộ phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung của Đảng. Các cấp ủy đảng cần trực tiếp xem xét và tập thể quyết định việc lựa chọn, cất nhắc, thay đổi cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân. Để thực hiện hiệu quả công tác cán bộ, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Theo đó, các cấp ủy đảng cần thực hiện đúng kế hoạch đề ra, nắm chắc tình hình cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo và dân chủ, tránh chủ quan, phiến diện. Đặc biệt, cần khắc phục tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ.

2. Ý nghĩa thực tiễn đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng. Những quan điểm cơ bản của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng đội ngũ cán bộ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công tác xây dựng Đảng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Vận dụng sáng tạo quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xác định công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt", là công việc sống còn của Đảng, dân tộc và chế độ. Nhờ vậy, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chính trị ổn định, kinh tế phát triển vượt bậc, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, khẳng định vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Có được thành tựu đó là do Đảng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, đảng viên kết tinh bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, anh dũng chiến đấu, hy sinh, phấn đấu, đi đầu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện được mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, cần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; bảo đảm về số lượng, chất lượng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược, chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Mặc dù đã đi xa, song những quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đánh giá về những công lao, đóng góp của đồng chí Lê Duẩn, nhà báo Trần Bạch Đằng khẳng định: “Lê Duẩn là nhân vật mang tầm vóc lịch sử hiện đại, chỉ xếp sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói giản đơn, sự nghiệp cứu nước, xây dựng nước hiện đại, Bác số 1, anh Ba số 2"8.


1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309, 280.

3. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 166.

4, 5. Xem Lê Luẩn: Mấy vấn đề về Đảng cầm quyền, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981.

6. Xem Lê Luẩn: Thế nào là một chi bộ tốt, đảng bộ tốt ở nông thôn hiện nay, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1997.

7. Lê Duẩn: Tuyển tập, tập III (1975 - 1986), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 338.

8. Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 706.

ThS. TRẦN VĂN TOÀN, ThS. HOÀNG THỊ THU

Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin