Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mốc son vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự hỗ trợ đắc lực của các thế lực đế quốc, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.
Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn”, sang làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đồng thời thông qua Kế hoạch Nava, với hy vọng “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng.
Từ tháng 11/1953, dưới sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp nhanh chóng tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm và 3 phân khu liên hoàn, mỗi phân khu bao gồm một số “trung tâm đề kháng”. Trong đó, “phân khu Bắc” gồm 2 trung tâm đề kháng: Bản Kéo và Độc Lập; “phân khu giữa” gồm 5 trung tâm đề kháng; “phân khu Nam” (còn được gọi là phân khu Hồng Cúm). Các trung tâm đề kháng đều có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động với hỏa lực riêng, được bố trí trên một không gian rộng, bảo đảm khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh.
Cùng với đó, thực dân Pháp ra sức tăng cường binh lực với tổng quân số lên đến 16.200 người, đồng thời xây dựng một hệ thống hầm ngầm kiên cố cùng hệ thống giao thông hào và lô cốt bao quanh, có sân bay tiếp tế hậu cần và tăng viện, pháo và xe tăng yểm hộ. Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, một “con nhím khổng lồ” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương.
Trước tình hình đó, cuối tháng 9/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nhận định về tình hình chiến sự Đông Xuân 1953 - 1954 và đề ra phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo về phương án tác chiến mùa Xuân 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy mặt trận.
Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”1. Lời căn dặn của Người trở thành kim chỉ nam trong tư duy phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận quyết chiến chiến lược mang ý nghĩa sống còn đối với lịch sử dân tộc.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân cả nước đã huy động tối đa cho chiến dịch, với lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 5 đại đoàn chủ lực (308, 312, 316, 304, 351). Lực lượng phục vụ chiến dịch gồm 260.000 dân công hỏa tuyến, hơn 600 xe ôtô, 20.000 xe thồ, 11.800 thuyền và hàng chục tấn đạn dược... Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.
Ngày 13/3/1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quân ta nổ súng tiến công, chính thức mở màn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trước diễn biến tình hình trận chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Từ ngày 13 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo đà cho bộ đội ta tiến đánh xuống lòng chảo và khu trung tâm, tiêu diệt hai tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, phá hủy và tiêu diệt một số lượng lớn pháo và máy bay của địch. Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông trung tâm, tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, kiểm soát sân bay Mường Thanh, khống chế các khu vực còn lại của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ ngày 01 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, tiêu diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. 17 giờ 30 phút, ngày 07/5/1954, bộ đội ta đã bắt sống Tướng Chỉ huy Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu gian khổ và anh dũng, “gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã bị phá hủy hoàn toàn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 - mốc son vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”2. 70 năm đã trôi qua, song những bài học quý trong Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn vẹn nguyên giá trị, góp phần xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước.
Anh hùng Phùng Văn Khầu và trận chiến đấu vang danh tại đồi E1
Phùng Văn Khẩu, dân tộc Nùng, sinh năm 1929, tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong một gia đình thuần nông. Từ nhỏ, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải đi ở đợ để kiếm sống qua ngày. Tận mắt chứng kiến và trải qua cuộc đời nô lệ, bị thực dân đô hộ, áp bức, chính quyền quan tham bóc lột tàn bạo, Phùng Văn Khầu sớm có niềm tin và khao khát được đi theo cách mạng. Năm 1946, khi mới tròn 16 tuổi, người thanh niên dân tộc Nùng đã tự nguyện tham gia hoạt động ở địa phương. Tháng 12/1949, đồng chí xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Binh chủng Pháo binh E675, Trung đoàn 675. Ngày đầu làm quen với khẩu sơn pháo 75 mm - loại khí tài có hỏa lực mạnh, có lợi trong tác chiến rừng núi, đòi hỏi khả năng kỹ thuật, đồng chí rất bỡ ngỡ và khó khăn khi bản thân không biết chữ. Song không hề nản lòng, với sự kiên nhẫn, đồng chí luôn khiêm tốn học hỏi đồng đội, tiếp cận vũ khí để hiểu biết theo cách riêng của mình và có bước trưởng thành vượt bậc trong chiến đấu.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phùng Văn Khầu được giao nhiệm vụ chỉ huy khẩu đội Sơn pháo 75 mm, thuộc Đại đội Sơn pháo 755, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351. Chiều 30/3/1954, khẩu đội do đồng chí phụ trách được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch tại đồi E1 với 30 viên đạn. Tuy nhiên, do bộ đội ta khi đó hầu như không biết sử dụng máy ngắm, sau loạt đạn đầu, pháo thủ Khầu như đứng trên đống lửa vì bắn không hiệu quả. Ngay sau đó, đồng chí đã áp dụng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo, hướng trực tiếp đến lô cốt địch. Với cách bắn này, 22 phát trúng mục tiêu, khẩu đội đã đánh sập 4 lô cốt kiên cố của địch, tiết kiệm được 8 viên đạn so với chỉ tiêu cấp trên giao, góp phần tạo điều kiện cho bộ binh ta bao vây công kích và chiếm lĩnh trận địa.
Ngày 23/4/1954, thực dân Pháp mở đợt phản công lớn nhằm chiếm lại đồi E1. Vũ khí hiện đại và hỏa lực mạnh của quân địch đã đánh sập hầm ngụy trang hai khẩu sơn pháo của quân ta, nhiều đồng đội bị thương và hy sinh, chỉ còn lại đồng chí Phùng Văn Khầu may mắn sống sót. Trước sự hy sinh của đồng đội, lòng căm thù trút lên từ nòng pháo, với sự gan dạ và quyết tâm, đồng chí đã kiên cường bám trụ và chiến đấu, tự mình làm tất mọi công đoạn, từ nạp đạn, chỉnh hướng cho đến ngắm bắn. Đồng chí đã triệt hạ 5 khẩu pháo 105 mm, 6 khẩu đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, tiêu diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi3. Có lẽ trong ký ức của đồng chí Phùng Văn Khầu, đó là một ngày đẹp nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, đồng chí Phùng Văn Khầu đã được tặng thưởng 1 Huân Chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 7 lần được Đại đoàn và Trung đoàn khen, 2 lần là Chiến sĩ Thi đua Đại đoàn. Năm 1955, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (Xuất bản lần thứ ba, có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 5, tr. 335.
2. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 50.
3. Chuyên trang tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, https://nvsk.vnanet.vn/phung-van-khau-6864.vna.
ĐÀO XUÂN DŨNG
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên