Phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Nguyễn Thị Oanh

Với khối óc thiên tài và kinh nghiệm của một người dành cả cuộc đời để tìm tòi, nghiên cứu, Lê Quý Đôn - “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến” đã chỉ ra cách học, cách đọc của các bậc tiền hiền, đó là: “Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ, đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được”. Có thể khẳng định, đọc là một trong những thói quen quan trọng nhất của học tập suốt đời. Văn hóa đọc có vai trò to lớn đối với sự phát triển nhân cách, sự hình thành tri thức, văn hóa của mỗi người, và có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của truyền thông thị giác và truyền thông xã hội đã tác động mạnh mẽ đến các hình thái kinh tế và nhiều thói quen của con người, đặc biệt là con người đô thị, việc đọc với tư cách là một thói quen, một hành vi tích cực đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là sự phân hóa thị hiếu đọc của công chúng, nhu cầu đối với các thể loại sách cũng như sự chênh lệch về đối tượng tiếp nhận, đối tượng đọc sách.

Trong giai đoạn mới, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh bản lĩnh chính trị, niềm tin, lý tưởng và thái độ kiên quyết, kiên trì, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có tri thức, hiểu biết đúng đắn, tinh thần cách mạng triệt để. Theo đó, việc đọc sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết, phải được quan tâm, chú trọng, được thực hiện thường xuyên và không ngừng rèn luyện thành kỹ năng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Như chúng ta đã biết, hệ thống chính trị Việt Nam được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, cấp cơ sở bao gồm: xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các đơn vị công an... đóng trên địa bàn; là nơi thực tiễn diễn ra sinh động, nơi trực tiếp kiểm nghiệm tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Do đó, cấp cơ sở “là địa chỉ cần phải tới, là cái đích cần đạt được của tất cả mọi hoạt động chỉ đạo chiến lược từ Trung ương tới địa phương”, trong đó có nghiên cứu việc đọc sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, trên cơ sở xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của các tổ chức cơ sở đảng; phát triển phong trào đọc sách lý luận, chính trị sâu rộng nhằm giáo dục nhận thức, nâng cao trình độ lý luận, củng cố lập trường, rèn luyện bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước..., trong thời gian qua, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã có bước chuyển biến tích cực; nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại của sách lý luận, chính trị ngày càng phong phú và đa dạng; nhiều ấn phẩm sách lý luận, chính trị có giá trị đã được xuất bản, góp phần khẳng định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập.

Đặc biệt, thông qua việc thực hiện các Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn và Tủ sách pháp luật…, việc xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật được trang bị đến cơ sở ngày càng nhiều, nhằm phát triển phong trào đọc sách lý luận, chính trị ở cấp này:

- Từ năm 2009, khi thực hiện Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai, hàng trăm đầu sách và băng đĩa đã được xuất bản, đưa về các địa phương, đơn vị trên cả nước, bao gồm rất nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử; sách phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sách hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; sách phục vụ tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sách về tình hình thời sự, thời cuộc trong nước, khu vực và thế giới... Trong điều kiện kinh phí ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) còn khó khăn, việc trang bị sách cho cán cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào công tác, sản xuất được xem là việc làm rất hữu ích và thiết thực.

- Triển khai xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ1, đến nay, hầu hết mỗi đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đã có 01 tủ sách pháp luật. Hoạt động của Tủ sách pháp luật trong thời gian qua đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương và đáp ứng được nhu cầu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của cán bộ, đảng viên cấp cơ sở.

- Ngoài sách và tài liệu trang bị dưới dạng sách in, trong thời gian qua, Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấnTủ sách pháp luật đã đẩy mạnh việc xuất bản điện tử, sách ebook, tất cả các tài liệu trang bị đều được lưu giữ, quản lý dưới dạng số và được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông, được tra cứu, khai thác miễn phí để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ đọc sách nói chung và sách lý luận, chính trị nói riêng ở nước ta hiện nay còn rất thấp. Theo một khảo sát quốc tế tiến hành năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng đọc sách và có tới 26% dân số không đọc sách. Đặc biệt, việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của không ít cơ sở, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm, chú trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người vẫn xem sách lý luận, chính trị là loại sách khó đọc, khó tiếp thu, khó hiểu. Đây là những quan điểm còn phiến diện, thể hiện nhận thức chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc của không ít cơ sở, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị, từ đó dẫn đến tình trạng lười đọc, ngại học, lười học tập lý luận, chính trị, làm nảy sinh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.


1. Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2019 và thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin