1. Khái quát về các giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố Nha Trang
Nha Trang là một thành phố ven biển, có tổng diện tích đất tự nhiên 252,6 km2, với 27 đơn vị hành chính cơ sở, bao gồm 19 phường và 8 xã. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 1.280 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 448 km, cách thành phố Huế 630 km, Nha Trang là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Đến với Nha Trang, du khách không chỉ được khám phá cảnh đẹp, mà còn được trải nghiệm, tìm hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất “xứ Trầm, biển Yến”. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, giá trị lịch sử, văn hóa ở Nha Trang được khai thác và trở thành sản phẩm du lịch, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong quá trình phát triển, các thế hệ người dân Nha Trang đã sáng tạo ra các di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá, đó là các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị với hệ thống đình, đền, chùa, tháp, miếu: Tháp Bà Ponagar, đình Phương Sài, đình Phú Vinh, đền Hùng Vương, đền Trần Hưng Đạo, chùa Long Sơn, nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang (nhà thờ Núi)... Hiện nay, trên địa bàn thành phố Nha Trang có 3 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh xếp hạng Quốc gia, 35 di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp tỉnh, đồng thời có nhiều di tích đã được tiến hành kiểm kê (chưa xếp hạng) trên địa bàn thành phố.
Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa vật thể, phi vật thể đã phản ánh quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân Nha Trang trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Với giá trị về nhiều mặt như: văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật…, các di tích không chỉ mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất Nha Trang, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ, mà còn là “điểm đến” hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài, từ đó trở thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, quá trình cộng cư và hòa cư của các dân tộc anh em đã tạo dựng cho Nha Trang ngày nay một sắc thái văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, công tác lưu giữ, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng và khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
2. Thực trạng phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch ở thành phố Nha Trang hiện nay
Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, như: triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (từ năm 2011 đến năm 2020); Kế hoạch trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh (từ năm 2014 đến năm 2020); Dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu Ngư (từ năm 2016 đến năm 2017); Kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ tại các đình làng Khánh Hòa (từ năm 2015 đến năm 2016); Kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi (từ năm 2015 đến 2020)… Đồng thời, tỉnh thường xuyên thực hiện công tác điền dã, kiểm kê, sưu tầm, tu bổ, phục hồi, bảo tồn và xếp hạng các di tích.
Nhờ sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ đó phục vụ tốt hoạt động du lịch của địa phương. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng - hai điểm du lịch đã thu hút gần 15 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan trong 5 năm qua. Đặc biệt, nguồn thu từ hoạt động du lịch tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đều được dùng để tu bổ, tôn tạo các di tích và thực hiện các hoạt động gìn giữ giá trị các di sản văn hóa, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, Nha Trang còn có những cơ sở nghiên cứu về y học dự phòng, thiên văn, hải dương học mang tầm khu vực như: Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải dương học, Bảo tàng A.Yersin….
Công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tại các di tích lịch sử - văn hóa luôn được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. Lễ hội truyền thống tại các di tích (Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương…) đều được tổ chức một cách an toàn, hiệu quả, đúng theo nghi lễ truyền thống.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh giá: công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, chú trọng, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa từng bước được nâng cấp; chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa ngày càng được nâng cao, nhất là các kỳ Festival Biển với nhiều sự kiện văn hóa quy mô lớn, mang tầm quốc gia, khu vực..., đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của đông đảo nhân dân và du khách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; một số hạng mục di tích đã và đang xuống cấp, song chưa được trùng tu, sửa chữa; một số công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhưng chưa phát huy tối đa công năng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các di tích chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp... Ngoài ra, việc phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa được khai thác: lễ hội của đồng bào Êđê, Raglai, lễ hội Cầu Ngư ở các làng biển, tour du lịch tâm linh Am Chúa - Suối Đổ - Tháp Bà Ponagar, tour di tích lịch sử cách mạng, tour du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa cộng đồng… Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng là một trong những loại hình du lịch tiềm năng, cần được khuyến khích, song hiện nay, loại hình du lịch này chưa được Nha Trang khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện nay, Nha Trang chưa có nhà hát, bảo tàng, hay trung tâm triển lãm quy mô lớn để tổ chức các sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, thu hút du khách. Đây là một trong những vấn đề cần được tỉnh Khánh Hòa sớm quan tâm, giải quyết nhằm nâng cao sức hút cho du lịch địa phương trong thời gian tới.
3. Một số giải pháp phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch tại thành phố Nha Trang
Một là, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khai thác và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch ở thành phố Nha Trang; đồng thời nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa hiện có. Chỉ khi nhận thức đúng mới có hành động đúng, do đó, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Hai là, tăng cường tổ chức điều tra, khảo sát và trải nghiệm để đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố về văn hóa, lịch sử, con người, các lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội… Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ, từng bước tạo dựng thế mạnh của địa phương.
Ba là, chú trọng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các loại hình du lịch xanh: du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường...; thành lập và sử dụng có hiệu quả các quỹ về môi trường trong hoạt động du lịch, chú trọng công tác thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; tích cực tuyên truyền, vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo nguyên tắc du lịch có trách nhiệm…
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Trước hết, cần phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và những người dân địa phương kinh doanh du lịch, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong quá trình đào tạo, phải chú ý kết hợp giữa lý thuyết và trải nghiệm để các thành viên hiểu rõ giá trị của các di sản lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch.
Năm là, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, hướng tới tạo dựng thương hiệu du lịch của địa phương. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch tại các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm mua sắm…, nhằm tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Xây dựng các tour, tuyến du lịch với lộ trình khoa học, hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng các tour, tuyến tham quan biển, đảo.
Sáu là, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật và dịch vụ du lịch, đòi hỏi đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức. Trước hết, cần xác định rõ vị trí, vai trò của du lịch đối với tổng thể phát triển kinh tế của địa phương nói chung, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ du lịch tương xứng, bảo đảm không gian du lịch văn minh và an toàn, tận tình và chu đáo.
Bảy là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch tại địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác. Gắn phát triển du lịch với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh.
Tám là, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Nha Trang. Đa dạng hóa hình thức quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện mang tính văn hóa. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá, cũng như trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, số hóa hoạt động quản lý di sản văn hóa…) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Chín là, tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức trong hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
ThS. TRỊNH THỊ PHƯỢNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh