CT&PT - Đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo tài năng, kiên định, sáng tạo, đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài viết làm rõ những cống hiến của đồng chí Đỗ Mười trên cương vị Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1988).
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, quyết tâm xoay chuyển tình thế, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã xác định: “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tinh hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”1. Tại Đại hội, đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất, đồng chí Đỗ Mười được bầu vào Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Đỗ Mười được phân công làm Thường trực Ban Bí thư
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Đảng lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Với nhiệt huyết cách mạng, chú trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, cùng với tư duy sắc sảo, trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện những bước đi ban đầu của sự nghiệp đổi mới. Đồng chí đã cùng nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu, đi sát cơ sở, nghiên cứu, tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế, "kiên quyết thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ"2.
Đảng nhận định: "Quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hóa nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa. Chúng ta đang quản lý có kế hoạch một nền kinh tế sản xuất hàng hóa với những đặc điểm thời kỳ quá độ"3. Đại hội VI đã xác định rất rõ phương hướng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là: xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế. Trong những năm đầu đổi mới, đất nước đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Từ năm 1986 đến năm 1988, lạm phát "phi mã". Trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt: xóa bỏ bao cấp về kinh doanh lương thực, xuất khẩu, chính sách thuế, thay đổi giá và tỷ lệ hối đoái, tính lại tiền lương… Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989.
Thực hiện chuyển hướng các mặt hoạt động theo đường lối đổi mới của Đại hội VI, trong năm đầu, những chuyển biến tiến bộ mới là bước đầu và những nhân tố mới vẫn còn có tính chất bộ phận, chưa thật vững chắc, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục diễn biến xấu. Năm 1987, sản xuất lương thực sút kém, thường xuyên thiếu lương thực; tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp chậm lại; thu nhập quốc dân tính bình quân theo đầu người giảm sút; sản xuất không đủ tiêu dùng. Thu ngân sách không đủ chi. Tình hình phân phối lưu thông vẫn rối ren. Số người không có việc làm tăng; tiền lương thực tế tiếp tục giảm, đời sống của nhiều người ăn lương và lực lượng vũ trang khó khăn hơn. Kỷ cương, trật tự xã hội không tốt; tiêu cực xã hội tiếp tục phát triển. Nhân dân có nhiều lo lắng. Quan hệ cung - cầu càng mất cân đối nghiêm trọng trên nhiều mặt; thiên tai lại xảy ra ở cả hai miền4.
Từng bước tháo gỡ khó khăn phức tạp, để giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông, ngày 18/4/1987, đồng chí Đỗ Mười thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 18/4/1987 Về việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Trung ương Đảng (khóa VI) giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông5, nhằm “cởi trói” phân phối lưu thông, góp phần phát triển sản xuất.
Phát hành công trái xây dựng Tổ quốc là biện pháp tài chính cấp bách, ngày 12/10/1987, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười ký Chỉ thị số 17-CT/TW Về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc đợt 1987-1988.
Cuối năm 1987 đầu năm 1988, Bộ Chính trị bắt đầu bàn việc bỏ hệ thống giá cung cấp vật tư, tư liệu sản xuất, đồng thời định lại tỷ giá hối đoái. Theo đó, dự kiến giá cả vật tư hàng hóa sẽ tăng lên nhiều lần. Đây thực chất là bước tổng điều chỉnh giá, lương, tiền mới, khi thực hiện diễn biến thế nào còn rất khó lường, nhiều đồng chí Bộ Chính trị đều băn khoăn, lo lắng. Đồng chí Đỗ Mười ủng hộ thực hiện bước đi này; kiên quyết yêu cầu các cơ quan nhà nước không được tính toán một cách võ đoán trong bàn giấy mà phải đi xuống một số xí nghiệp thử tính xem với giá “đầu vào” mới, giá thành và giá bán sản phẩm của xí nghiệp sẽ đội lên đến đâu, thị trường có chấp nhận nổi không? Tiền lương và tài chính tiền tệ của Nhà nước sẽ như thế nào? Sau đó mới quyết định.
Nói về vai trò của Thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười giai đoạn này, đồng chí Phan Diễn cho biết: “Tôi còn nhớ cuộc tranh luận về việc này ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó gay gắt đến mức có một đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không tiếp thu những ý kiến phê phán đã đứng lên xin từ chức ngay tại cuộc họp. Ý kiến của đồng chí Ðỗ Mười được Bộ Chính trị chấp thuận và sau đó được đưa vào kết luận của cuộc họp. Không lâu sau, anh Ðỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng và chính Đỗ Mười đã chỉ đạo Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về cuộc điều chỉnh giá lần này thành công, hoàn thành một bước quan trọng đầy khó khăn trong quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế mà không gây ra xáo trộn lớn”6.
Ðầu năm 1988, trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Hàng triệu người ở miền Bắc lâm vào cảnh thiếu đói; Nhà nước phải lo chạy lương thực từng ngày để có đủ gạo, mỳ cung cấp cho các thành phố và khu công nghiệp. Ðồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Ðỗ Mười đã trực tiếp vào miền Nam đôn đốc việc thu mua lương thực để cung cấp cho nhân dân các thành phố, cho cán bộ, công nhân, viên chức và quân đội. Trước tình hình đó, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cùng tập thể lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có Thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười đã ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, làm thế nào để cho sản xuất bung ra, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là Khoán 10) được ban hành là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết xác định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Nghị quyết 10 đã “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo.
Trước khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Ngày 12/9/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Ngày 15/9/1997, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười ký Quyết định số 17-QĐ/TW Về việc công nhận các đảng bộ huyện, quận, thị vững mạnh. Trong đó nhấn mạnh 5 yêu cầu mới: lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng; quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc; xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; kiện toàn Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Ban chấp hành các đoàn thể các huyện; xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ7. Ngày 21/9/1987, đồng chí Đỗ Mười ký Chỉ thị số 15-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng tốt báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực. Chỉ thị này nhằm động viên toàn thể giới báo chí và sử dụng tốt hơn sức mạnh giới báo chí vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, thực hiện nhiệm vụ Đại hội VI của Đảng đề ra. Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã ký Thông tri số 16-TT/ TW ngày 03/12/1987 Về việc khẩn trương giải quyết những vụ việc đảng viên phạm sai lầm đã được kiểm điểm theo Chỉ thị 79-CT/TW của Ban Bí thư và xem xét, xử trí đảng viên thoái hóa biến chất8. Việc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ này rất cấp thiết, ngày 03/12/1987, đồng chí Đỗ Mười ký ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW Về việc tự phê bình và phê bình trong dịp kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng9.
Trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã viết nhiều bài đăng trên các báo, đặc biệt là bài “Nâng cao phẩm chất cán bộ và đảng viên, giữ gìn sự trong sạch và tăng cường sức chiến đấu của Đảng” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10-1987.
Trong lúc công cuộc đổi mới ở nước ta đang được triển khai còn hết sức khó khăn, thì công cuộc cải cách, cải tổ ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa lại có những diễn biến hết sức phức tạp. Trước thủ đoạn, âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động nhằm phá hoại mối quan hệ, liên minh ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; để tăng cường liên minh ba nước và tăng cường đoàn kết giữa ba nước với các nước XHCN trong giai đoạn mới, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười ra Thông tri số 08-TT/TW ngày 25/5/1987 của Ban Bí thư về Kỷ niệm 10 năm hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/1987), nhằm tuyên truyền giáo dục nhân dân quán triệt ý nghĩa sống còn của việc tăng cường liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào cũng như Việt Nam - Lào - Campuchia, nhất là giai đoạn này.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tăng cường sức chiến đấu của Quân đội, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười, ngày 30/7/1987 ký ban hành Quy định số 11-QĐ Về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam10. Tiếp đó, đồng chí Đỗ Mười ký Quy định số 12-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 30/7/1987 Về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam11.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười ký Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 29/9/1987 Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội12.
Trong những năm đầu đổi mới đầy cam go thử thách, vai trò to lớn của đồng chí Đỗ Mười trên cương vị Thường trực Ban Bí thư đã có những đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, về lý luận và thực tiễn, góp phần đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr. 376, 400, 397.
4. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vi/nghi-quyet-so-04-nqhntw-ngay-17121987-hoi-nghi-lan-thu-tu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vi-ve-phuong-huong-nhiem-vu-phat-1105.
5, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 48, tr. 147-152, 397-403, 491, 494, 194, 208, 420.
6. https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nho-ve-dong-chi-tong-bi-thu-o-muoi-337020/.
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Thu Hằng tổng hợp