Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay

Vũ Thị Kiều Trang

CT&PT - Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã có vai trò rất quan trọng, là những người trực tiếp triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Trong thời gian qua, nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, tỉnh Bình Dương đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ này và đạt được một số kết quả tích cực. Song, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã ở tỉnh Bình Dương vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được và hạn chế, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay.

1. Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần Thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 05 thị trấn)1.

nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-lanh-dao-cap-xa-tren-dia-ban-tinh-binh-duong-hien-nay-chinh-tri-va-phat-trien-1714819266.jpg
Tỉnh Bình Dương sẵn sàng trở thành một vùng đổi mới sáng tạo.

Trong những năm qua, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ này, nhất là về trình độ lý luận cũng như kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhằm tạo nguồn cán bộ đủ điều kiện quy hoạch vào các chức danh chủ chốt cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 116/2007/QĐ- UBND, ngày 07/11/2007 quy định về chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, yêu cầu đối với từng chức danh cán bộ, công chức được tuyển dụng phải có các văn bằng, chứng chỉ phù hợp với yêu cầu của chức danh dự tuyển. Để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nguồn các chức danh chủ chốt cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND, ngày 17/6/2013 quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đối với từng loại hình xã mà có quy định tiêu chuẩn phù hợp với các chức danh công chức lãnh đạo.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cũng có nhiều chủ trương, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung và cán bộ lãnh đạo cấp xã nói riêng gắn với từng giai đoạn cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích, hỗ trợ cán bộ yên tâm công tác và cống hiến. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 05/7/2023 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các chính sách liên quan trong thời gian tới và Nghị quyết số 16/2023/NQHĐND, ngày 26/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động; mức khoán kinh phí, hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cấp xã và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần thu hút những người có trình độ, năng lực và có nguyện vọng cống hiến tại nơi cư trú về làm việc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, tăng cường hiệu quả hoạt động của đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Ngày 31/7/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 05/19/NQ-HĐND quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Đồng thời, theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đặt mục tiêu hằng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ2. Trên cơ sở đó, tỉnh chú trọng triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng về: 1) Lý luận chính trị; 2) Kiến thức quản lý nhà nước (Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; kiến thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; cập nhật kiến thức pháp luật, văn hóa công sở, nâng cao ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp); 3) Bồi dưỡng và cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh theo các chương trình quy định cho cán bộ, công chức, viên chức; 4) Cập nhật và nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế; 5) Bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, Bình Dương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn cho 08 chức danh cán bộ lãnh đạo cấp xã theo chương trình của Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị ban hành, bao gồm: 1) Chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; 2) Chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; 3) Chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; 4) Chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã; 5) Chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở; 6) Chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã; 7) Chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; 8) Đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng thực hiện các chính sách đãi ngộ nhằm thu hút lực lượng sinh viên sau khi ra trường tham gia công tác ở cấp xã, từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở. Việc bố trí số lượng cán bộ lãnh đạo ở các xã trên địa bàn tỉnh bám sát theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 05/7/2023 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các chính sách liên quan trong thời gian tới.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã ngày càng được nâng cao, có trình độ, đủ năng lực, kiến thức và am hiểu chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngày cao của công vụ, từng bước chuyển đổi nền hành chính theo hướng phục vụ, hướng trọng tâm vào người dân, doanh nghiệp; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển của tỉnh nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa theo kịp tình hình phát triển mới, một số ít cán bộ quản lý tư duy chậm đổi mới, chưa bảo đảm trình độ, năng lực, chưa qua đào tạo. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vẫn còn một số hạn chế về chuyên môn quản lý nhà nước, nghiệp vụ hành chính; năng lực nắm bắt để tham mưu giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra còn rất hạn chế. Một số cán bộ còn thiếu rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; có tư tưởng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, gây khó khăn cho việc lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Công tác cán bộ ở cơ sở còn lúng túng, quy hoạch còn chắp vá, nguồn cán bộ cho quy hoạch số lượng ít, chất lượng chưa cao… Công tác quy hoạch, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn, tỉnh Bình Dương cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, coi đó là điều kiện để phát huy có hiệu quả công tác của đội ngũ này. Chú trọng quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng ủy, Tỉnh ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nói chung, cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân, có uy tín cao với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đối với việc tổ chức và triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Đặc biệt, bản thân cán bộ lãnh đạo cấp xã cần nhận thức được sự cần thiết và trách nhiệm nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng công tác; nhận thức rõ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng công tác là nhiệm vụ suốt đời để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề ở cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp xã tỉnh Bình Dương; có chính sách đãi ngộ, thu hút và sử dụng nhân tài, các chuyên gia trong các ngành, nghề, lĩnh vực; khuyến khích, động viên kịp thời những công chức quản lý kinh tế giỏi có những cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, nhất là đội ngũ trí thức trẻ. Trong đó, tuyển dụng là khâu đầu tiên, quan trọng trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã.

Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, lấy hiệu quả công việc, năng lực, uy tín của cán bộ làm cơ sở để quy hoạch; chú trọng quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ bảo đảm tỷ lệ phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực và có tính kế thừa; gắn quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã với quy hoạch cán bộ cấp huyện. Thực hiện nghiêm công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; qua thực tiễn hiệu quả công việc, kịp thời phát hiện nhân tố mới để bổ sung vào quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch đối với cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực hạn chế. Nghiên cứu xây dựng ban hành các chính sách đãi ngộ phù hợp, thiết thực đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và ngược lại để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; gắn luân chuyển cán bộ với việc bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân dẫn tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã vẫn còn hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay là do công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, phần đông chưa đào tạo cơ bản và có hệ thống; nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa được đổi mới phù hợp.

Trước hết, phải có chủ trương đúng đắn và mạnh mẽ, quyết liệt trong việc lựa chọn cán bộ để đưa đi đào tạo. Phải đánh giá đúng thực trạng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và năng lực của từng cán bộ để cử đi đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đúng vị trí việc làm. Chú trọng công tác đào tạo lại cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đồng thời khắc phục được tình trạng cán bộ bố trí không đúng chuyên ngành đào tạo.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo, quán triệt phương châm lý luận phải đi đôi với thực tiễn, học đi đôi với hành, đảm bảo hiệu quả và thiết thực. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo kiến thức toàn diện, chuyên sâu; phải theo chức danh; chú ý bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở. Chú trọng tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cho cán bộ lãnh đạo cấp xã hằng năm. Đặc biệt, có kế hoạch cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát sẽ đánh giá được chất lượng, hiệu quả công việc của từng cán bộ lãnh đạo cấp xã, nhất là kiểm tra, giám sát về ý thức, thái độ trong công việc. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, trước hết cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tới toàn thể cán bộ, công chức cấp xã và quần chúng nhân dân. Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, lấy phiếu tín nhiệm, phiếu hài lòng của nhân dân đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo cấp xã.


1. https://www.binhduong.gov.vn/Pages/GioiThieuChung.aspx.

2. Quyết định số 377/QĐ-UBND, ngày 05/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025.

ThS. Trương Vương Khánh

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin