Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm phát triển của cả nước. Bài viết làm rõ kết quả, hạn chế và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 01/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thành phố Hà Nội thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội. Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội như sau: chính quyền địa phương ở Thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại Thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết của Quốc hội và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, nhằm tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành của Thành phố, chuẩn bị tốt cho việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, các cấp chính quyền đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị như: phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các phường; rà soát, hoàn thiện quy định phân cấp của Thành phố với các quận, thị xã, phường; tổ chức tuyên truyền mô hình chính quyền đô thị… Đến nay, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị từ ngày 01/7/2021:

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân công, triển khai các công việc cụ thể để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Trong đó, các sở, ban, ngành, quận, thị xã đã thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức phường; đóng góp xây dựng các nội dung về tổ chức, cơ chế hoạt động, tài chính - ngân sách… cho phường khi thực hiện thí điểm theo mô hình chính quyền đô thị.

Ngày 29/3/2021, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, trong đó đã phân công các công việc cần triển khai tới các cơ quan, đơn vị của Thành phố.

Tiếp đó, ngày 22/4/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 1184/UBND-NC về hướng dẫn nội dung chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND, ngày 23/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Hiện UBND Thành phố đang hoàn thiện để ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; ban hành hướng dẫn UBND quận, thị xã và UBND phường thực hiện các quy định về tài chính, ngân sách khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm các phường có đầy đủ các điều kiện đi vào hoạt động ổn định từ ngày 01/7/2021.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội có nhiều điểm đáng chú ý, nhận được sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của người dân Thủ đô. Trong đó, phải nói đến cuộc “cách mạng” về tổ chức và nhân sự khi áp dụng chính quyền đô thị, nhất là việc không tổ chức HĐND phường; cơ cấu tổ chức UBND phường theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, cơ động, linh hoạt… Đặc biệt, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; chủ động tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhân sự; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, phân chia nguồn thu… cũng được đánh giá là những quy định sẽ tạo ra “cú hích”, mở ra giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn cho Thủ đô.

ThS. PHẠM MAI PHƯƠNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin