Kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Huyện ủy Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

CT&PT - Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - một huyện thuần nông với 87,88% dân số sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp đang dần “thay da đổi thịt” nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy Phụng Hiệp, đến nay huyện đã có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao. Những kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Huyện ủy Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có giá trị tham khảo hữu ích cho các địa bàn tương tự.

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang 

Nằm cách trung tâm tỉnh Hậu Giang 37 km về phía Đông Nam của tỉnh, phía Đông tiếp giáp thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành của tỉnh Hậu Giang, phía Nam giáp huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng, phía Tây là thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, phía Bắc giáp huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, huyện Phụng Hiệp có diện tích tự nhiên 484.510 km2, dân số 194,814 người. Phụng Hiệp là huyện lớn nhất của tỉnh Hậu Giang với 15 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 3 thị trấn, 128 ấp, trung tâm huyện là thị trấn Cây Dương. Huyện có vị trí địa lý gần các trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các khu công nghiệp tập trung và các khu du lịch nổi tiếng như thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Kiên Giang, các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang giao thông quan trọng có ý nghĩa liên vùng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61 và tới đây hình thành 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Bạc Liêu - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Trần Đề. Đây là những yếu tố khách quan thuận lợi tạo đà cho huyện Phụng Hiệp có sự bứt phá trong tương lai.

Công tác triển khai xây dựng nông thôn mới được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện từ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và có trọng tâm, trọng điểm của Huyện ủy, đến cuối năm 2012, tất cả các xã trong huyện đã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2020, giúp định hướng phát triển hạ tầng nông thôn một cách khoa học và hiệu quả. Qua các năm, số lượng tiêu chí nông thôn mới mà các xã đạt được đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, từ mức bình quân 5 tiêu chí vào năm 2012, con số này đã tăng lên 9 tiêu chí vào năm 2013, và đến cuối năm 2014, các xã trung bình đã hoàn thành 12 tiêu chí. Hiện nay, 8 trong số 12 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,67% chỉ tiêu, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nâng cao. Huyện Phụng Hiệp tiếp tục phấn đấu đưa xã Tân Bình thành xã thứ 9 của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024, hoàn thành sớm mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Phụng Hiệp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, triển khai thực hiện đồng bộ kết cấu hạ tầng hoàn thiện, điện, đường, trường, trạm được đầu tư mới khang trang. Huyện ủy đã huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để triển khai các công trình, dự án, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã và các chương trình, dự án, nhiều công trình hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất được triển khai, nhất là tại các xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hệ thống điện được đầu tư kéo mới, đáp ứng trên 95% số hộ gia đình sử dụng điện an toàn. Đường giao thông nông thôn, giao thông trên địa bàn huyện cơ bản được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hoạch nông sản, góp phần đưa dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện tăng trưởng mạnh theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa và thị trường. Năm 2023, huyện đã đưa vào sử dụng hơn 20 công trình, dự án, phát huy hiệu quả vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như: Dự án nâng cấp tuyến nội ô Thị trấn Cây Dương; Dự án vỉa hè đường Quốc lộ 1A xã Tân Long; Khu tái định cư thị trấn Cây Dương giai đoạn 2; Dự án bờ kè sông Lái Hiếu chuyển tiếp và một số dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại các xã, thị trấn... 

Toàn huyện hiện có 55/63 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có một trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 duy nhất của tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm cả về đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh. 12 trạm y tế cấp xã đều có bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu, các trạm y tế xã đều được đầu tư tu sửa hoặc xây dựng mới khang trang, đạt chuẩn quốc gia về y tế. 

Là huyện thuần nông, Phụng Hiệp có 59 hợp tác xã, 170 tổ kinh tế hợp tác, 14 câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp, 165 mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy về việc tập trung đầu tư nhân rộng các vật nuôi, cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, hiện nay, huyện có 41 sản phẩm OCOP với 16 chủ thể, trong đó có 4 sản phẩm được đề nghị xếp hạng 5 sao.

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo của Huyện ủy Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Một là, củng cố nhận thức, thường xuyên quán triệt, nắm vững và chủ động vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát thực tiễn của địa phương.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể quán triệt sâu rộng, nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương, biện pháp sát đúng, thì hoạt động xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến tích cực, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Ngược lại, nơi nào cấp ủy, cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể nhận thức không đúng, không thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng nông thôn mới dẫn đến buông lỏng hoặc làm hình thức, qua loa, chiếu lệ, thì ở đó chất lượng, hiệu quả lãnh đạo các nhiệm vụ, các mặt công tác đạt thấp, thậm chí không đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được xác định trong từng thời gian.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Hậu Giang, Huyện ủy Phụng Hiệp đã ban hành các Nghị quyết, Kết luận lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời như: Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 24/8/2012 về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 06-KL/HU, ngày 01/10/2013 về sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Căn cứ Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Huyện ủy ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, trên cơ sở nghị quyết hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện cụ thể hóa bằng các chủ trương, kế hoạch, giao Ban Chỉ đạo, trực tiếp là Văn phòng điều phối huyện tập trung chỉ đạo các xã đăng ký các tiêu chí phù hợp với đặc điểm từng xã để triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình đề ra.

Với phương châm “Việc dễ làm trước, khó làm sau, làm dần, chắc và bền vững”, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phụng Hiệp đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra việc triển khai ở từng xã theo lộ trình. Căn cứ Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, 12/12 Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tính khả thi và theo lộ trình phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Ban Chỉ đạo của huyện đã chỉ đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện, tham mưu phân công từng phòng chuyên môn phụ trách tiêu chí theo chuyên môn, hướng dẫn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý các xã xây dựng kế hoạch hằng năm, chọn tiêu chí phù hợp để đăng ký thực hiện; định kỳ hàng quý kiểm tra trực tiếp tỷ lệ phần trăm các tiêu chí đã đáp ứng của từng xã, qua đó xây dựng phương hướng giúp đỡ chuẩn bị hồ sơ đề nghị các cấp sở, ngành, tỉnh kiểm tra công nhận. 

Thực hiện sự lãnh đạo của Huyện ủy Phụng Hiệp, Ủy ban nhân dân huyện căn cứ theo Bộ tiêu chí nông thôn mới xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đúng theo quy định của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh; tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình từ nguồn vốn Mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã chọn một số xã làm điểm để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng sản phẩm OCOP, mã vùng trồng, xây dựng điểm về xã nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức một số đoàn cán bộ từ huyện đến cơ sở đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiêu biểu tại một số địa phương, đơn vị ngoài tỉnh nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về cây trồng, con vật nuôi mới, phát triển công nghiệp - tiểu, thủ, công nghiệp, dịch vụ nông thôn và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn huyện. 

Các nghị quyết của Huyện ủy, chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện được tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực quan, trực tiếp, thông qua các buổi sinh hoạt của các chi tổ hội của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc ở các cấp, các đồng chí bí thư chi bộ đóng vai trò là hạt nhân tổ chức các hoạt động tuyên truyền.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, cách tổ chức khoa học, hiệu quả, với tinh thần xây dựng nông thôn mới hướng về nông thôn, nông dân, cán bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phụng Hiệp đã nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình xây dựng nông thôn mới “lấy sức dân để lo cho dân”, từ đó đặc biệt quan tâm đến việc làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thường trực Huyện ủy, Ban Chỉ đạo luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình. Các cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện đã tạo điều kiện cho các xã bằng nhiều nguồn lực, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình.

Các cơ quan truyền thông của huyện đã thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết, phóng sự về những điển hình tiên tiến, từ đó khích lệ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm đưa chương trình đến gần hơn với người dân, tạo động lực và lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp, giúp huy động được nguồn lực lớn từ cộng đồng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Người dân không chỉ tham gia góp công, góp sức mà còn tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu xây dựng. Theo thống kê, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Phụng Hiệp đã đóng góp gần 500 tỷ đồng, hơn 100.000 ngày công, hiến gần 545 ha đất nông nghiệp để xây dựng, mở rộng đường sá và các công trình phục vụ sản xuất, đời sống.

Trong suốt quá trình triển khai, vai trò của người dân luôn được đề cao với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều này không chỉ giúp xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền, mà còn phát huy tinh thần dân chủ, bảo đảm người dân có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến sự phát triển của địa phương. Chính quyền địa phương đã thực hiện công khai các thông tin liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện. Việc này không chỉ tạo ra môi trường công khai, minh bạch, mà còn huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội, từ đó đẩy mạnh tiến độ và chất lượng thực hiện chương trình.

Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo của Huyện ủy trong huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới của huyện.

Căn cứ theo Nghị quyết của Ban Thường vụ huyện ủy, Đảng ủy các xã với sự tham mưu của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã triển khai tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới. Bằng nhiều giải pháp, Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên nhận thức đầy đủ việc xây dựng nông thôn mới với mục đích xây dựng nông thôn có hạ tầng kinh tế phát triển toàn diện, đời sống văn hóa, vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, an ninh -quốc phòng ổn định, hệ thống chính trị được kiện toàn vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở chủ động xây dựng chương trình thực hiện; triển khai tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tuyên truyền, vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới; củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn; tích cực tham gia giám sát, thực hiện phản biện xã hội. Ủy ban nhân dân huyện tập trung xây dựng, triển khai các nội dung chương trình cải cách hành chính, chuyển đổi số, đổi mới công tác dân vận của các cơ quan chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn. Tổ chức ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân huyện với các đoàn thể huyện. Công khai số điện thoại di động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện để lắng nghe ý kiến tham gia, phản ánh của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật công vụ, xem xét, xử lý nghiêm công chức vi phạm, đồng thời tăng cường phối hợp, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ngành của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các tổ chức hội khác cũng phát huy vai trò của mình trong công tác vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội Cựu chiến binh tổ chức hội nghị tọa đàm “Hội Cựu Chiến binh tham gia xây dựng nông thôn mới”, xây dựng các mô hình cụ thể của Hội Cựu Chiến binh trong xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tích cực tham mưu, phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các cấp Hội, giúp đỡ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ; xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua của phụ nữ. Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong các cấp công đoàn; tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đoàn Thanh niên huyện tổ chức phát động và triển khai thực hiện tốt phong trào “Tuổi trẻ Phụng Hiệp chung tay xây dựng nông thôn mới” bằng những chương trình, việc làm cụ thể, thiết thực, hướng về cơ sở.

Bốn là, chú trọng phương pháp làm điểm, tiến tới xây dựng và nhân rộng mô hình kết hợp với công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ huyện. 

Làm điểm là phương pháp quan trọng nhằm xây dựng mô hình hoàn chỉnh trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện. Qua tổng kết, sơ kết quá trình làm điểm chỉ đạo nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025, Huyện ủy đã đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đưa nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm mang tính dài hạn và bền vững trong thực hiện các tiêu chí; không nóng vội, không chủ quan chờ đợi mà phải quyết tâm thực hiện Nghị quyết, kế hoạch đề ra. Kết quả bước đầu của thí điểm xây dựng nông thôn đã có nhiều tác động tích cực đến nhận thức của người dân với những công trình phúc lợi xã hội được đầu tư đồng bộ, xây dựng khang trang đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chăm sóc tốt đời sống của người dân hiện nay và trong thời gian tới. 

Trên cơ sở các công trình trọng điểm của xã điểm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn theo yêu cầu, từ đó bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, nhân dân đồng tình cao, tích cực ủng hộ chính quyền địa phương bằng những việc làm cụ thể như: hiến đất làm đường, xây trường học, giao mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi và ngày công lao động trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Kết quả chỉ đạo điểm cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ nhận thức đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, từng thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý các cấp, sự tiêu biểu, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở kết quả mô hình điểm nông thôn mới ở các xã điểm, Huyện ủy, đảng ủy các xã tiếp tục tập trung cao độ việc lãnh đạo chỉ đạo những mô hình điểm đối với từng việc, từng nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện thành mô hình chuẩn và nhân rộng trên phạm vi toàn huyện. Trong quá trình chỉ đạo điểm đã coi trọng việc phát hiện những nhân tố, địa phương, tổ chức điển hình, qua đó có biện pháp biểu dương, khen thưởng kịp thời và tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiêu biểu để học tập, làm theo. 

Khi tiến hành sơ, tổng kết thực tiễn lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Huyện ủy huyện Phụng Hiệp, cần bám sát tình hình nhiệm vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới ở các xã; mục tiêu, yêu cầu cụ thể của công tác lãnh đạo trong từng nhiệm vụ, tiêu chí; những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu để đối chiếu về mức độ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm, nhiệm vụ; từ đó phát hiện những cá nhân, tổ chức làm tốt, chưa tốt, những cái hay, cái mới, cái sáng tạo; nguyên nhân và bài học thực tiễn. 

Có thể thấy, những thành công của huyện Phụng Hiệp trong xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ sự chỉ đạo thống nhất và quyết liệt của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân. Sự vận dụng sáng tạo, sát hợp điều kiện đặc thù địa phương; việc phát huy vai trò lãnh đạo của Huyện ủy trong phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở và người dân; xác định đúng và trúng vai trò đi trước, tạo tiền đề của công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc tổ chức thực hiện chú trọng làm điểm và nhân rộng điển hình tiên tiến… đều là những kinh nghiệm có giá trị cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huyện ủy Phụng Hiệp: Báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Ủy ban nhân dân huyện Phụng Hiệp: Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

3. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

NGUYỄN THANH HÙNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin