Khoa Hồ Chí Minh học đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giảng dạy ở Học viện Chính trị       

CT&PT - Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị ngày càng trưởng thành trên các mặt công tác, khẳng định được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, góp phần xây dựng Học viện Chính trị “chính quy, tiên tiến, mẫu mực”. Trong đó, Khoa tập trung đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giảng dạy cho các đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Học viện Chính trị trong tình hình mới.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, quán triệt sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng đã hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Học viện Chính trị tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng theo yêu cầu “Học viện phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để giải đáp những vấn đề cơ bản và cấp bách về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp đổi mới tới thắng lợi hoàn toàn”1.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng về đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với tính chất là một bộ phận trong nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ đạo cần nhanh chóng đưa bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy ở bậc học đại học trong nhà trường quân đội.

Quán triệt các quan điểm trên của Trung ương Đảng và thực hiện chủ trương đại học hóa đội ngũ sĩ quan quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 93-NQ/ĐUQSTW, ngày 01/6/1994 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy, theo Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trước yêu cầu nhiệm vụ giáo dục bậc đại học, cuối tháng 9/1994, Giám đốc Học viện Chính trị quân sự chỉ đạo xúc tiến thành lập Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, ngày 05/10/1994, Giám đốc Học viện quyết định thành lập 3 khoa mới gồm: “Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Chính trị học, Khoa Giáo dục học (được tách ra từ khoa Tâm lý - Giáo dục học quân sự)”2.

Ghi nhận sự ra đời và quá trình xây dựng, phát triển của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như đánh dấu quá trình trưởng thành của Khoa sau 10 năm thành lập, ngày 29/9/2004, Thiếu tướng Lê Minh Vụ, Giám đốc Học viện Chính trị ký Quyết định số 988/QĐ-HV4 về việc công nhận ngày 05/10/1994 là Ngày truyền thống của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15/10/2020, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định đổi tên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh thành Khoa Hồ Chí Minh học để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Khoa hiện nay.

Với 4 bộ môn (Lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự), nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Khoa là nghiên cứu, giảng dạy di sản Hồ Chí Minh, nhất là về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đối tượng đào tạo cơ bản và đào tạo ngắn hạn cán bộ chính trị cấp trung (lữ) đoàn, sư đoàn; giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự cấp trung đoàn; giảng viên chuyên ngành Hồ Chí Minh học (văn bằng 2) cấp trung đoàn; cao cấp lý luận chính trị; thạc sĩ Hồ Chí Minh học và tiến sĩ Hồ Chí Minh học tại Học viện Chính trị. Cùng với quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện Chính trị, Khoa Hồ Chí Minh học có những tiến bộ toàn diện về nhiều mặt, đạt được nhiều thành tích quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học về di sản Hồ Chí Minh, nhất là trong công tác giảng dạy, góp phần tô thắm thêm truyền thống của Học viện Chinh trị anh hùng.

Gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Hồ Chí Minh học cùng với toàn Học viện luôn tích cực, chủ động, nỗ lực, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Học viện và các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ từng năm học của Chi bộ Khoa. Đặc biệt, cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Hồ Chí Minh luôn tập trung thực hiện tốt khâu đột phá của Đảng ủy Học viện về đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy.

Quán triệt và triển khai thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết của Đảng ủy Học viện, từ khi thành lập Khoa chỉ với 3 cán bộ, giảng viên, đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng3. Thực hiện khâu đột phá đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy học Học viện, Chi ủy, chỉ huy Khoa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ bộ môn, đội ngũ giảng viên trong Khoa tích cực nghiên cứu, quán triệt đến 100% cán bộ, giảng viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Học viện; 100% cán bộ phụ trách bộ môn trở lên tham gia hội nghị thảo luận về đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy do Học viện tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó, Khoa triển khai thực hiện việc đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy bám sát chuẩn đầu ra, góp phần nâng cao chất lượng dạy học cho các đối tượng học viên. Theo đó, đã làm tốt các bước từ phân công, giao nhiệm vụ giảng dạy cho từng chuyên đề bài giảng sát với từng đối tượng học viên; coi trọng dạy học bám sát chuẩn đầu ra cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, tập trung biên soạn và bổ sung các nội dung mới theo khung chương trình mới được cập nhật hằng năm, nhất là với đối tượng đào tạo chính ủy trung (lữ) đoàn và đào tạo ngắn hạn chính ủy trung (lữ) đoàn, đào tạo học viên chuyên ngành và đào tạo sau đại học. Ngoài thực hiện nghiêm quy trình chuẩn bị bài giảng theo hướng dẫn của Phòng Đào tạo, cấp ủy, chỉ huy Khoa đã lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giảng viên vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy, nhất là vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, trao đổi, đàm thoại ngắn cũng như định hướng, gợi mở các nội dung cho học viên đào sâu suy nghĩ và tập trung nghiên cứu trong thời gian tự học. Trên cơ sở nội dung bài giảng và phương pháp giảng bài bám sát chuẩn đầu ra, chỉ huy Khoa chủ động giao các bộ môn xây dựng ngân hàng đề thi theo mục tiêu bám sát chuẩn đầu ra và trên cơ sở thang Bloom mới, cũng như hướng dẫn của Ban Khảo thí, bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Hằng năm, định mức công lao động sư phạm của đội ngũ cán bộ, giảng viên đều vượt chỉ tiêu đề ra. Việc dự giảng được tiến hành thường xuyên; hoạt động sau bài giảng như xêmina, hướng dẫn và chấm thu hoạch, coi thi, chấm thi học phần được tổ chức chặt chẽ, đúng Quy chế của Học viện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện khâu đột phá về đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn còn một số hạn chế nhất định:  giảng viên chưa thực sự thành công trong một số chuyên đề, việc xây dựng câu hỏi và định hướng trả lời hỏi - đáp trên lớp chưa bám sát đối tượng người học.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 “tinh, gọn, mạnh”, đến năm 2030 “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng với nhiệm vụ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, đòi hỏi phải tích cực đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Học viện. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa về đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giảng dạy

Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt tập trung (sinh hoạt chi bộ, giao ban; sinh hoạt, học tập chính trị; sinh hoạt ngày chính trị - văn hóa tinh thần; sinh hoạt toàn thể quân nhân, sinh hoạt đối thoại dân chủ…) với tuyên truyền, phổ biến trên nhóm zalo nội bộ của Khoa; sinh hoạt từng bộ môn và trên cơ sở nội dung đài truyền thanh của Học viện… Thông qua công tác quán triệt, giáo dục làm cho toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nắm rõ về chức trách, nhiệm vụ được giao; có tinh thần trách nhiệm cao, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn để tập trung tốt cho nhiệm vụ đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giảng dạy cho các đối tượng học viên; nắm chắc các khâu, các bước trong quy trình giảng dạy và tạo chuyển biến vững chắc, đồng bộ, toàn diện từ khâu chuẩn bị giảng dạy, thực hành giảng dạy và kết thúc giảng dạy.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, sự chỉ đạo, điều hành của chỉ huy Khoa và các bộ môn

Trong nghị quyết chuyên đề và nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, 6 tháng và cả năm học của chi bộ cần có nội dung tập trung lãnh đạo đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giảng dạy cho các đối tượng ở Học viện. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ lãnh đạo, cần phát huy tối đa trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên để bàn bạc, đề xuất và thống nhất các nội dung, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao.

Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ khoa, cấp ủy, chỉ huy Khoa cần chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong phân công cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Trong quá trình điều hành giảng dạy cho các đối tượng, chỉ huy Khoa cần nắm chắc lịch giảng dạy cho các đối tượng, từ đó tiến hành phân công giảng dạy phù hợp với chuyên môn của giảng viên; điều hành các bộ môn thực hiện đúng kế hoạch giảng dạy, không để sai giờ, sót lớp. Căn cứ vào kế hoạch phân công giảng dạy của Khoa, các bộ môn và từng giảng viên cần nêu cao tính chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cho giảng viên sát với đối tượng người học và thực hiện nghiêm quy trình chuẩn bị và thông qua bài giảng, thục luyện bài giảng. Trong quá trình thực giảng, giảng viên cần kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực (kết hợp giữa thuyết trình với sử dụng đàm thoại, hỏi đáp và phương tiện trình chiếu); khắc phục tình trạng nặng về thuyết trình; sau khi kết thúc bài giảng, từng bộ môn cần tăng cường nắm thông tin từ người học, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên

Để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa, cấp ủy, chỉ huy Khoa và cơ quan chức năng của Học viện, Đảng ủy Học viện cần tuyển chọn kỹ lưỡng nguồn giảng viên của Khoa từ học viên chuyên ngành được đào tạo tại Học viện Chính trị có phẩm chất, năng lực tốt, có nhiệt huyết và đam mê với công tác giảng dạy, nghiên cứu về di sản Hồ Chí Minh; phối hợp chặt chẽ với Ban Cán bộ, Phòng Chính trị của Học viện xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ gắn với việc cử cán bộ tham gia lớp đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng cán bộ ở các bộ môn và Khoa; bố trí và sử dụng hợp lý cán bộ, giảng viên phù hợp với khả năng, sở trường của cán bộ, qua đó phát huy vai trò của cán bộ, giảng viên trong giảng dạy chuyên ngành Hồ Chí Minh học; xem xét một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan trong nhận xét, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực để cán bộ, giảng viên phấn đấu; quan tâm, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giảng viên, có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, giảng viên.

Bốn là, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự

Đảng ủy Học viện và các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên, các đơn vị quản lý học viên và cấp ủy, chỉ huy Khoa cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Khoa cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động của Quân đội như: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ””, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo gương Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động 50 về “quản lý vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”, “xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”…

Bên cạnh đó, cần phát huy dân chủ quân sự trong toàn Học viện thông qua việc phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân trong toàn cơ quan, đơn vị; tiếp tục củng cố và xây dựng văn hóa công sở, nhất là xây dựng nét đẹp của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong lối sống, nếp sống và trong giao tiếp, ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa học viên với cán bộ, giảng viên, duy trì mối quan hệ đồng chí, đồng đội gắn bó, đoàn kết, chân thành, thân ái, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình công tác. Qua đó, tạo bầu không khí lành mạnh, vui tươi, tin cậycủa cán bộ, giảng viên, nhân viên  trong quá trình công tác.

Năm là, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào nâng cao chất lượng công tác giảng dạy

Cấp ủy, chỉ huy khoa cần tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác giảng dạy về di sản Hồ Chí Minh; coi trọng ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu vào biên soạn bài giảng theo yêu cầu nâng cao tính cấu trúc, hệ thống và tính khoa học của nội dung bài giảng. Tuy nhiên, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác giảng dạy không đồng nghĩa với sao chép nguyên văn nội dung đề tài khoa học được nghiệm thu, mà cần có sự nghiên cứu, chắt lọc và khái quát thành nội dung bài giảng có tính logic, khoa học, tính tư tưởng và tính chiến đấu cao.

Ngoài ra, mỗi cán bộ, giảng viên trong Khoa cần nêu cao tinh thần cầu thị, học hỏi, khắc phục mọi biểu hiện bảo thủ, cố chấp, thiếu sáng tạo trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào nhiệm vụ giảng dạy.


1, 2. Học viện Chính trị: Lịch sử Học viện Chính trị (1951 - 2021), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021, tr. 271, 309.

3. Hiện nay, biên chế của Khoa là 18 cán bộ, giảng viên, nhân viên; 10 cán bộ, giảng viên học vị tiến sĩ, trong đó có 1 phó giáo sư, 5 thạc sĩ, 3 cử nhân đại học.

Thượng tá, TS. TRỊNH QUỐC VIỆT

Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin