“Hồi ức Quảng Trị”: Góc nhìn chân thực về những năm tháng chiến tranh trên vùng đất lửa

Phạm Thị Hương

CT&PT - “Hồi ức Quảng Trị” là bức tranh chân thực về những năm tháng chiến tranh ác liệt trên vùng đất lửa Quảng Trị với màu mực là những trang nhật ký viết tay của chính những người lính từ hai phía trực tiếp tham gia chiến đấu. Cuốn sách do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sưu tầm, biên soạn và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.

Cuốn sách Hồi ức Quảng Trị khắc họa sinh động sự tàn khốc của 81 ngày đêm trận chiến Thành cổ Quảng Trị qua những trang nhật ký, hồi ký chiến trường của hai người lính trực tiếp đối đầu nhau ở hai bên chiến tuyến. Khi lật giở từng trang, từng dòng tự sự của một bên là anh giải phóng quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn bên kia là người lính thủy quân lục chiến trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, bạn đọc sẽ được đối chiếu, so sánh, cảm nhận về hoài bão, mục tiêu, lý tưởng sống của hai người lính. Họ là những người đồng trang lứa, cùng năm sinh, đều cồn cào nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, có những khát vọng của tuổi trẻ nhiệt huyết, nhưng ở hai bên chiến tuyến, mục tiêu cầm súng của hai người lính là hoàn toàn khác biệt. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên đặt song song hai bản nhật ký, hồi ký của hai người lính ở hai đầu chiến tuyến trong một cuộc chiến đấu cam go, ác liệt. Chính điều này đã thể hiện rõ sự đối lập sâu sắc của mục đích, trách nhiệm và hành động cầm súng chiến đấu của hai người lính đại diện cho hai phía: chính nghĩa và phi nghĩa; tự nguyện, cống hiến và bắt buộc, cam chịu; lý tưởng và vô cảm; khát vọng và vô vọng. Vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn, song với những người lính, ở cả hai phía, đó là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời họ.

Có thể nói, trận chiến Thành cổ Quảng Trị là một vết thương khó lành đối với những người đã từng tham gia và chứng kiến 81 ngày đêm ác liệt. Hơn 4.000 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại mảnh đất Thành cổ, tinh thần kiên cường chiến đấu và niềm tin quyết thắng của những người lính mới ở tuổi đôi mươi đã khẳng định ý chí sắt đá của con người trước bom đạn và điều kiện khắc nghiệt nhất của chiến tranh. Sự hy sinh của họ là câu trả lời ngắn gọn nhất nhưng rõ ràng nhất, cảm động nhất về khát vọng cháy bỏng “độc lập, tự do, thống nhất” cho dân tộc.

Nếu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những cuốn nhật ký viết tay là nơi gửi gắm tâm tư, tâm tình sâu thẳm của những người lính, thì ngày hôm nay, khi chúng ta may mắn và hạnh phúc được sống trong độc lập, tự do, hòa bình, những trang nhật ký, hồi ký của họ đã trở thành tư liệu sống động, sinh động và cũng đầy xúc động về một thời bom đạn chiến tranh.

Với nội dung sâu sắc, cuốn sách là tài liệu cần thiết và ý nghĩa, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thông qua cuốn sách, lớp trẻ sẽ hiểu thêm về sự hy sinh của thế hệ cha anh, từ đó sẽ thấy được bản thân cần phải sống và cống hiến thế nào cho xứng đáng. Đặc biệt, qua tác phẩm này, thông điệp then chốt mà nhà văn Nguyễn Thụy Kha muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ là tinh thần hòa hợp dân tộc - chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc trong truyền thống văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

ThS. Phạm Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin