Giải pháp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Từ khi thành lập đến nay, Thành phố Hòa Bình đã thực hiện nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án phát triển kinh tế - xã hội, luôn đứng đầu tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải phóng mặt bằng tại thành phố Hòa Bình còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố trong thời gian tới.

1. Thực trạng công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đã tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và thành phố Hòa Bình nói riêng, thu hút đầu tư, từng bước ổn định đời sống, sản xuất và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới cho đối tượng bị thu hồi đất.

Trên cơ sở các văn bản quy định về giá đất, bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành một số văn bản nhằm triển khai các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đặc biệt là Quyết định số 2939/QĐ-UBND, ngày 24/7/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy chế phối hợp trong công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị có liên quan tham mưu cho thành phố Hòa Bình tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trên cơ sở kế hoạch bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan, Ủy ban nhân dân các phường, xã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, vận dụng linh hoạt các quy định trong chính sách hỗ trợ, góp phần bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp… cho đối tượng thuộc diện giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2018 - 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đã tổ chức thực hiện phê duyệt 332 phương án với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng là trên 403,12 ha, trong đó có khoảng 6.275 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất1. Tổng kinh phí bồi thường chi trả cho đối tượng thuộc diện phải giải phóng mặt bằng đạt trên 679,71 tỷ đồng, trong đó: bồi thường về đất đạt trên 407,95 tỷ đồng, bồi thường về tài sản đạt trên 271,85 tỷ đồng2.

Cũng trong giai đoạn này, trên cơ sở những tố cáo của người dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Thanh tra thành phố phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức thanh tra, xác minh và chuyển Tòa án nhân dân thành phố thụ lý các vụ án liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều này góp phần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác giải phóng mặt bằng chưa thật sự đồng bộ; công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; công tác truyền thông và tư vấn về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa được triển khai sâu rộng, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu. Bộ máy triển khai kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, chưa theo đúng kế hoạch, chưa bảo đảm nguồn lực, chưa có những giải pháp hay, sáng tạo trong công tác thực hiện. Cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn hạn chế về chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm. Công tác tổ chức tập huấn đôi lúc còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt được không cao. Hệ thống thông tin phản hồi về chính quyền thành phố chưa kịp thời, chính xác. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự nhịp nhàng, vai trò của các cơ quan khối nội chính như Tòa án, Viện kiểm sát còn hạn chế. Việc đàm phán và giải quyết xung đột còn mang tính một chiều, thiếu chủ động trong việc đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế xung đột. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa diễn ra thường xuyên, một số vụ việc chậm được phát hiện và khắc phục; chưa có nhiều giải pháp, sáng kiến đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới

Một là, hoàn thiện bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

Tiếp tục hoàn thiện quy chế hoạt động và chức năng của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cần quan tâm sắp xếp cán bộ, công chức thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất theo vị trí việc làm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư nói riêng. Bố trí, sắp xếp cán bộ Địa chính - Xây dựng có chuyên môn vững làm việc tại các phường, xã có nhiều dự án giải phóng mặt bằng, nhất là các phường, xã có dự án trọng điểm.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thông tin của người dân

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép các chương trình dự án đang thực hiện triển khai. Việc tuyên truyền, vận động không chỉ được thực hiện bởi Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư của chính quyền các xã, phường, mà còn được thực hiện bởi các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi...

Phổ biến rộng rãi trong toàn thể nhân dân về các văn bản, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh trong việc thu hồi đất, nguồn gốc sử dụng đất, khối lượng tài sản trên đất, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, quy hoạch sử đất.

Thiết kế các tờ rơi, sách hỏi đáp, cẩm nang về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu cấp phát tới người dân, giúp người dân có cơ hội tìm hiểu về các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ giữa các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi với chủ đầu tư, các cấp, ban, ngành có liên quan để tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, trên cơ sở xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư hợp lý.

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong công tác giải phóng mặt bằng

Theo đó, cần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị với nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh việc lồng ghép các chương trình, dự án giải phóng mặt bằng vào nhiệm vụ chuyên môn.

Thực hiện nghiêm quy định tham gia của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi và người bị thu hồi đất vào quá trình thực hiện thu hồi đất, qua đó góp phần nâng cao tính đồng thuận, hạn chế việc khiếu kiện của người dân, đồng thời tạo mối quan hệ tốt giữa chính quyền và nhân dân. Bên cạnh đó, cần phân tích kỹ lưỡng điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán của địa phương để đưa ra giải pháp triển khai phù hợp.

Bốn là, xây dựng hệ thống thông tin phản hồi về thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư

Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các phòng, ban, ngành có liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ việc triển khai các nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, kịp thời nắm bắt các tồn tại, vướng mắc và đề xuất các phương án giải quyết. Tăng cường tổ chức các chuyên đề đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó có biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các hòm thư góp ý tại các điểm sinh hoạt dân cư công cộng để người dân phản ánh các ý kiến nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch đối với việc thu hồi đất.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư tại cơ sở, trong đó tập trung vào các nội dung về tuân thủ các quy trình về thu hồi đất, quy hoạch dự án đầu tư, tiến độ thực hiện của các dự án, đạo đức công vụ của cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai dự án. Từ đó, xây dựng các báo cáo, kiến nghị đánh giá để các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh và thực hiện tốt các chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư.


1, 2. Báo cáo công tác thống kê đất đai từ năm 2018 đến năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hòa Bình.

LÊ QUANG HUÂN

Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin