Dự báo trật tự thế giới đến năm 2030

Admin

CT&PT - Hiện nay, trật tự thế giới được nhận định là đang vận động, biến đổi nhanh chóng để tái định hình. Trong thập niên tới, trật tự thế giới sẽ tái định hình như thế nào: đơn cực, hai cực hay chuyển sang trật tự đa cực?, đó là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, học giả quốc tế quan tâm. Vì vậy, việc dự báo những nét chính của tình hình thế giới để từ đó hoạch định đường lối, chính sách quốc gia phù hợp, cũng như đề xuất những phương án thích ứng kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết.

CT&PT - Hiện nay, trật tự thế giới được nhận định là đang vận động, biến đổi nhanh chóng để tái định hình. Trong thập niên tới, trật tự thế giới sẽ tái định hình như thế nào: đơn cực, hai cực hay chuyển sang trật tự đa cực?, đó là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, học giả quốc tế quan tâm. Vì vậy, việc dự báo những nét chính của tình hình thế giới để từ đó hoạch định đường lối, chính sách quốc gia phù hợp, cũng như đề xuất những phương án thích ứng kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết.

Đôi nét về trật tự thế giới hiện nay

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong sự suy giảm tương đối của Mỹ, Nhật Bản, Nga và sự chững lại của Liên minh châu Âu (EU) trong những thập niên gần đây đã làm thay đổi tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong “cuộc đua” trở thành siêu cường trên thế giới, đưa đến sự đảo lộn trật tự thế giới mà Mỹ đã giành ưu thế sau khi Liên Xô sụp đổ. Khoảnh khắc trật tự thế giới được cho là “nhất siêu”, “đa cường” với sức mạnh vượt trội của Mỹ khó bị quốc gia khác thách thức đã chấm dứt vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI. Thay vào đó, trật tự thế giới thay đổi sâu sắc, chuyển từ trạng thái “nhất siêu” (Mỹ), “đa cường” sang cục diện “hai siêu” (Mỹ và Trung Quốc), “đa cường”, “đa trung tâm”.

Xét về sức mạnh tổng hợp quốc gia, từ nửa sau thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường thế giới. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Ôxtrâylia), sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc năm 2019 đạt chỉ số 75,9 điểm, đứng sau Mỹ 8,6 điểm (84,5 điểm), cao gần gấp hai lần chỉ số của Nhật Bản và Ấn Độ, gấp hơn hai lần so với Nga. Với chỉ số này, Trung Quốc đã đạt được tiêu chí là siêu cường thế giới1. Đến năm 2020, chỉ số sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ giảm xuống 81,6 điểm, trong khi Trung Quốc tăng lên 76,1 điểm. Các quốc gia khác, như Nhật Bản, Ấn Độ và Nga, cũng sụt giảm tương tự Mỹ2. Xét về sức mạnh kinh tế, GDP của Trung Quốc trong năm 2020 chiếm hơn 18% GDP thế giới (15,38 nghìn tỷ USD/83,845 nghìn tỷ USD), cao gấp 3 lần Nhật Bản (15,38 nghìn tỷ/5,049 nghìn tỷ), 4 lần Đức (15,38 nghìn tỷ/3,806 nghìn tỷ), 5,5 lần Anh, 6 lần Pháp và Ấn Độ, 10 lần Nga. Tuy nhiên, GDP của Mỹ vẫn giữ mức 24% GDP của thế giới, lớn hơn Trung Quốc 30% (20,93 nghìn tỷ/15,38 nghìn tỷ). Xét về sức mạnh quân sự, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới, Nga là cường quốc số 2 và Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 3, nhưng mức chênh lệch không quá lớn, trong đó số điểm của Mỹ là 0,072 điểm, Nga: 0,080 điểm và Trung Quốc: 0,086 điểm3. Xét về “tầm với địa lý”, Mỹ vẫn chiếm ưu thế lớn về mức độ ảnh hưởng trên thế giới, nhất là về quân sự, công nghệ và các “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”. Còn Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở các nước đang phát triển ven biển khu vực châu Á và không gian lục địa Á - Âu4. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc hiện chưa đủ khả năng để phân chia trật tự thế giới thành hai cực, khi quyền lực của Mỹ đã bị suy giảm đáng kể và Trung Quốc tuy đạt vị thế siêu cường, song tầm ảnh hưởng vẫn còn những hạn chế. Đó là chưa nói tính tùy thuộc lẫn nhau trong thế giới toàn cầu hóa khiến cả hai quốc gia đều có nhu cầu duy trì và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, dù cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng cố gắng kiểm soát để không xảy ra xung đột, phân tách thành “hai cực” như thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trong khi đó, các cường quốc, thực thể khác cho dù sức mạnh tổng hợp quốc gia được đánh giá chỉ bằng một nửa của Mỹ hay Trung Quốc, vẫn đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ chiến lược với mong muốn thế giới tồn tại một trật tự đa cực dựa trên luật lệ. Việc Nhật Bản - đồng minh của Mỹ, chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Mỹ đã rút khỏi và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không có Mỹ tham gia, được xem là một trong những minh chứng nổi bật. Hay việc Mỹ cố gắng kiềm chế Nga bằng các biện pháp trừng phạt không những không làm suy giảm vị thế cường quốc của Nga, mà còn khiến Nga ngày càng trở nên độc lập hơn trong cạnh tranh địa - chính trị Mỹ - Trung Quốc5. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một thực thể kinh tế - chính trị được cho là khá lỏng lẻo, cũng thể hiện tính tự chủ, trung lập trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, nhất là với Mỹ và Trung Quốc. Điều này một phần được minh chứng qua phản ứng của ASEAN đối với Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ6. EU - một liên minh có sức mạnh cả về kinh tế, chính trị và quân sự, cũng đang duy trì tính tự chủ chiến lược trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù chịu sức ép không nhỏ từ quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, song EU vẫn chủ động mở rộng hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng với Trung Quốc, nhưng cũng lên tiếng với Trung Quốc trên một số vấn đề (dân chủ, nhân quyền) và những vấn đề này luôn bị Trung Quốc phản bác khi cho rằng nước khác không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Cùng với đó, EU ủng hộ việc thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có việc tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Như vậy, có thể nói, trật tự thế giới hiện đang ở trạng thái gần như đa cực, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai cực mạnh nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất, nhưng chưa thể dẫn dắt hay chi phối các vấn đề quốc tế. Mặc dù sức ép lựa chọn phe, cực ngày càng gia tăng, nhưng các thực thể, nhất là các nước lớn khác vẫn có tương đối nhiều không gian chiến lược để khẳng định mình như một “cực” khá độc lập với tiềm lực và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, nhóm nước trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva (Thụy Sỹ), ngày 16/6/2021. 

Một vài dự báo về trật tự thế giới đến năm 2030

Do sự thay đổi tương quan sức mạnh, thế và lực cũng như cạnh tranh quyền lực trên quy mô toàn cầu giữa các cường quốc trong “bàn cờ” địa - chính trị thế giới đang gia tăng, trật tự thế giới đến năm 2030 được dự báo tiếp tục có những biển đổi theo nhiều chiều hướng, kịch bản khác nhau.

Kịch bản thứ nhất: Trật tự đơn cực do Mỹ hoặc Trung Quốc chi phối, dẫn dắt. Dự báo đến năm 2030, thậm chí xa hơn (giữa thế kỷ XXI), khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc “ngã ngũ”, có thể diễn ra kịch bản Mỹ hoặc Trung Quốc dẫn dắt trật tự thế giới. Với sức mạnh vượt trội, khi đó Mỹ hoặc Trung Quốc có thể can thiệp sâu vào các vấn đề an ninh và phát triển của nhiều quốc gia, các vùng lãnh thổ, nhất là ở khu vực các nước đang phát triển, các nước có tiềm lực sức mạnh tổng hợp quốc gia hạn chế. Điều này khá giống với bối cảnh thế giới khoảng hơn một thập niên đầu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc - Mỹ xác lập vị thế vượt trội “nhất siêu”, cho dù các quốc gia, thực thể khác, từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... đến EU nỗ lực theo đuổi một trật tự thế giới “đa cường”, “đa trung tâm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng thời gian mà vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ không có đối thủ cạnh tranh, chiếm “ưu thế áp đảo đối với phần còn lại của thế giới” kéo dài không lâu. Nhiều biến động lớn đã diễn ra trên thế giới và ngay chính tại nước Mỹ khiến người ta bắt đầu nói tới sự suy yếu tương đối của Mỹ cả về kinh tế, chính trị,... trên trường quốc tế trong vị thế siêu cường. Trong thời gian tới, dự báo tình thế, thời cuộc tiếp tục có nhiều thay đổi, khó cho phép Mỹ hay Trung Quốc trở thành “một cực” chi phối “bàn cờ chính trị” thế giới. Vì vậy, cho dù mô hình quản trị quốc gia và “sức mạnh mềm” của Mỹ vẫn tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ, song không phải là mô hình duy nhất phù hợp với tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997-1998, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu năm 2008 cùng dịch bệnh Covid-19, đã làm bộc lộ rõ một số điểm yếu của mô hình kinh tế thị trường tự do Mỹ. Tình trạng chia rẽ, xói mòn bên trong nền dân chủ Mỹ bắt nguồn từ sự bất bình đẳng về thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng... cũng được xem là một minh chứng điển hình. Trong khi đó, mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc vẫn khó thuyết phục các nước tư bản phát triển khi các quốc gia này đề cao phát triển kinh tế tư nhân. Hơn nữa, sự trỗi dậy trở thành cường quốc của Trung Quốc cùng chính sách đối ngoại của nước này cũng được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao, nhất là sự dè chừng, phản ứng cạnh tranh từ các nước lớn, trước hết là Mỹ. Với những lý do này, Mỹ hoặc Trung Quốc khó có thể áp đặt hoặc gây sức ép để các nước khác đi theo mô hình và sự lãnh đạo của Mỹ hoặc Trung Quốc, bởi thực tiễn của mỗi nước khác nhau, khó có thể bắt chước, rập khuôn hay đi theo khuôn mẫu một mô hình/giá trị nào đó. Xét trên thực tế, cho dù Mỹ hay Trung Quốc với sức mạnh tổng hợp quốc gia vượt trội cũng khó đủ sức gánh vác hay tự giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu đang nổi lên ngày càng phức tạp. Ngoài ra, đó là sự gia tăng xu hướng phi tập trung hóa tài chính thế giới, sự gia tăng quyền lực của các công ty xuyên quốc gia, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, nhất là sự gắn kết của hệ thống kinh doanh mạng, chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học - công nghệ... Các nước trên thế giới, kể cả những nước nhỏ cũng đang tận dụng tối đa cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thực hiện tự chủ chiến lược. Đó là những lý do khiến một quốc gia/siêu cường khó có thể hiện thực hóa tham vọng bá quyền, chi phối hay dẫn dắt trật tự thế giới từ nay đến năm 2030.

Kịch bản thứ hai: Trật tự hai cực Mỹ - Trung Quốc cùng phân chia, “công quản” thế giới. Đến năm 2030, tương quan sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt mức tương đối cân bằng, trước hết là về kinh tế và công nghệ. Hai nước có thể nhận thấy nếu tiếp tục cạnh tranh sẽ dẫn đến khả năng đối đầu mà một bên khó có thể chiến thắng. Khi đó, hai bên đi đến thỏa hiệp phân chia khu vực ảnh hưởng, cùng nhau “công quản” thế giới.

Tuy nhiên, mâu thuẫn về mục tiêu, xung đột về lợi ích, tham vọng quá lớn về địa - chính trị và tư tưởng nước lớn, dân tộc chủ nghĩa của Mỹ và Trung Quốc khiến kịch bản Mỹ - Trung Quốc cùng nhau dàn xếp, phân chia quyền ảnh hưởng trên thế giới khó diễn ra. Hơn nữa, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể độc lập tương tác quyền lực với nhau, mà phải dựa vào các mối quan hệ song phương, đa phương với các chủ thể quyền lực khác, nhất là Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU... Thế nhưng, các quốc gia, thực thể này khó có thể chấp nhận Mỹ và Trung Quốc phân chia lợi ích. Chẳng hạn như, Nga - một cường quốc hàng đầu về quân sự và ngoại giao, có tính độc lập và lòng tự hào dân tộc sâu sắc, tiềm năng dự trữ to lớn, khó có thể chấp nhận sự phân chia quyền lực của cả Mỹ và Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, cũng khó có thể chấp nhận việc hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc “làm chủ” thế giới. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc cũng khó có đủ nguồn lực để tự mình giải quyết các vấn đề toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kịch bản này có nhiều khả năng diễn ra hơn kịch bản thứ nhất.

Kịch bản thứ ba: Trật tự hai cực Mỹ - Trung Quốc đối đầu nhau. Điều này được cho là có thể diễn ra bởi vì dự báo đến năm 2030, “cuộc đua” giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn khó có thể phân chia thắng - bại, cũng như khó có thể thỏa hiệp với nhau và hai nước tiếp tục thực hiện tham vọng giành quyền bá chủ trên thế giới, trước hết là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc quyết tâm hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” với những bước đi đầy tham vọng, thì Mỹ cũng khó từ bỏ những “giá trị Mỹ” nhằm duy trì vị thế siêu cường trên thế giới đã được thiết lập từ khoảng 100 năm qua. Bởi vì “xét về tổng thể các nguồn lực, rõ ràng Mỹ là một hiện tượng trong lịch sử các cường quốc thế giới, mà nhiều học giả xem đấy là một đế chế toàn cầu đầu tiên trong trường sử loài người”7. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho dù Mỹ hay Trung Quốc “chiến thắng” trong “cuộc đua” quyết định vai trò dẫn đầu lãnh đạo thế giới, cũng có thể tạo thành lối rẽ, phân chia khu vực và thế giới thành hai chiến tuyến, cũng như tạo cơ hội để Nga tranh thủ củng cố ảnh hưởng trong không gian hậu Xô-viết cùng các vùng lân cận xung quanh (Đông Âu, Trung Đông...). Nhóm Bộ tứ kim cương QUAD (gồm Mỹ, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Nhật Bản) và Thỏa thuận hợp tác quân sự ba bên Mỹ, Anh và Ôxtrâylia (AUKUS) mới ra đời (ngày 16/9/2021) thậm chí có thể được xem là những công cụ hữu hiệu của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Do đó, nếu kịch bản này diễn ra, thế giới có thể sẽ bước vào một cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0”, trong đó châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực ven biển Đông Á, từ bán đảo Triều Tiên đến eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông nói riêng, sẽ trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu này. Đồng thời, so với kịch bản thứ hai, kịch bản thứ ba có khả năng diễn ra nhiều hơn.

Kịch bản thứ tư: Trật tự đa cực, đa trung tâm quyền lực, trong đó Mỹ và Trung Quốc vẫn ở vị trí siêu cường với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các quốc gia còn lại. Đến năm 2030, Mỹ được dự báo vẫn giữ vị trí siêu cường số 1 trên thế giới, nhưng quyền lực có phần suy giảm đáng kể so với hiện nay, cho dù Mỹ vẫn duy trì chặt chẽ mạng lưới quan hệ đồng minh, đối tác chiến lược trên thế giới. Còn Trung Quốc đến năm 2030 được cho là sẽ vượt Mỹ về sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhưng mạng lưới đồng minh hầu như không có nên khó có thể tập hợp được lực lượng để tạo ra ưu thế vượt trội so với Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia, thực thể khác, như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ hay EU, thậm chí cả các nước tầm trung, như Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Braxin, Nam Phi, Mêhicô,... đều có xu hướng thực hiện tự chủ chiến lược về tài chính, công nghệ và quốc phòng - an ninh, tiếp tục theo đuổi vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với cả Mỹ và Trung Quốc, nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới và ủng hộ một trật tự thế giới đa cực dựa trên luật lệ. EU cho dù còn gặp nhiều khó khăn trong tiến trình nhất thể hóa nhưng vẫn luôn là một trong những chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế nói chung. Nước Nga bắt đầu có diện mạo mới vào cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI. Hệ thống chính trị được củng cố, nền kinh tế Nga được vực dậy, uy thế quân sự phục hồi. Nước Nga đã phục hưng tiềm lực quân sự ở mức đủ răn đe các nguy cơ đối với nền an ninh của Nga, bảo đảm ổn định chiến lược và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Bên cạnh việc tích cực mở rộng vị thế kinh tế, ngoại giao và an ninh ở châu Á, Nhật Bản vẫn tiếp tục củng cố mạng lưới liên minh với Mỹ và các đồng minh khác. Dự báo đến năm 2030, Nhật Bản không chỉ tiếp tục lớn mạnh về kinh tế, công nghệ mà còn về ngoại giao và quân sự ở khu vực châu Á. Thế giới cũng chứng kiến sự nổi lên đầy ấn tượng của Ấn Độ, được mệnh danh là “quốc gia có thị trường bán lẻ lớn nhất hành tinh”; “cái nôi của cuộc cách mạng xanh”; “siêu cường phần mềm” của thế giới... GDP của Ấn Độ liên tục tăng trưởng trung bình 6%/năm. Nếu tiếp tục duy trì nhịp độ đó, dự báo đến năm 2030, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ8. ASEAN với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Các đối tác của ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là một trung tâm quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, một động lực chủ chốt trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang định hình. Các nước, thực thể khác trên thế giới cũng đang đổi mới chính sách quốc gia, chú trọng đầu tư vào khoa học - công nghệ nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và tham gia có hiệu quả hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu cũng như bảo đảm an ninh quốc gia. Các vấn đề an ninh toàn cầu cả truyền thống và phi truyền thống nổi lên ngày càng nhiều... đòi hỏi cả Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác với các quốc gia, thực thể khác để giải quyết. Tất cả những điều này đã và đang thúc đẩy hình thành tính đa cực trong trật tự thế giới. Như vậy, có thể thấy, ngoài những hạn chế nội tại của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc thì xu hướng phân tán quyền lực cả về kinh tế - tài chính, công nghệ, quốc phòng - an ninh là một trong những nguyên nhân chính khiến trật tự thế giới có khả năng trở nên đa cực. Đến năm 2030, cả Mỹ và Trung Quốc khó có thể trở thành những nước bá quyền lãnh đạo thế giới hoặc “bắt tay” nhau phân chia khu vực ảnh hưởng của thế giới.

Một điều đáng chú ý nữa là trong xu hướng đa cực, các mạng lưới hợp tác, liên minh các nhóm nước có chung lợi ích hay cùng nhau chia sẻ lợi ích chung sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc định hình trật tự thế giới. Hiện nay, cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang tích cực liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng để tranh đua với nhau. Trung Quốc đẩy mạnh Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), củng cố Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi), hợp tác Trung Quốc - ASEAN...; đồng thời, thiết lập các diễn đàn đa phương quốc tế, như Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Diễn đàn Hợp tác quốc tế vắcxin Covid-19, Hội nghị các chính đảng trên thế giới.. để làm đối trọng với Mỹ, còn Mỹ đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), tái thiết lập và củng cố Nhóm QUAD, thành lập AUKUS, đưa ra sáng kiến “Định hướng phát triển liên minh và đối tác” (GDAP), đề xuất sáng kiến “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn - B3W” và đang nỗ lực tập hợp các nước nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, Nga đang thúc đẩy ý tưởng hình thành chiến lược “Đại Á - Âu” (Greater Eurasia) hay “Đối tác Đại Á - Âu” (Greater Eurasian Partnership), củng cố Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)... Ấn Độ cũng đang nỗ lực triển khai sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC), Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) hay còn gọi là Sáng kiến Đại Dương của Ấn Độ... EU - một trung tâm quyền lực lớn đang tiếp tục tự đổi mới để độc lập, tự chủ hơn trong cuộc đua địa - chính trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù xu thế phân tán, phi tập trung hóa quyền lực đang diễn ra, nhưng ít nhất từ nay đến năm 2030, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai siêu cường với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các quốc gia còn lại trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Xét trên mọi phương diện, từ nguồn lực tiềm năng và thực tiễn chính sách, chưa một thực thể nào, kể cả EU, có thể vượt qua sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ. Đến năm 2030, Mỹ vẫn là cường quốc đứng đầu thế giới nhờ vai trò trên nhiều lĩnh vực, dù Trung Quốc đã nổi lên thành một cường quốc kinh tế hàng đầu trong một thế giới được đánh dấu bằng sự bùng nổ nhu cầu về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh đó là sự lớn mạnh ngày càng gia tăng về sức mạnh quân sự cũng như công nghệ của Trung Quốc. Hơn nữa, mức độ thể chế hóa của các cấu trúc hợp tác đa phương, nhất là về an ninh trên thế giới nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế. Ngay cả trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các cam kết an ninh và thực tiễn triển khai không phải lúc nào cũng nhất quán. Liên hợp quốc đôi khi cũng trở nên thiếu hiệu quả trong giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu đang nổi lên. Các cơ chế hợp tác đa phương khác, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hợp tác Đông Bắc Á giữa ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc,... vẫn duy trì và đẩy mạnh hoạt động, song tính thể chế hóa còn thấp, thiếu ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này đã dẫn đến hiện tượng “vượt rào”, “mặc cả”... trong quan hệ hợp tác song phương giữa các nước tại các thể chế đa phương trở nên khá phổ biến, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến Mỹ và Trung Quốc dễ dàng sử dụng kênh song phương để tập hợp lực lượng, duy trì vai trò và quyền lực nổi trội.

Tóm lại, trật tự quyền lực thế giới đang biến động hết sức phức tạp, khó dự đoán. Cả bốn kịch bản trên được dự báo đều có thể diễn ra, song kịch bản thứ ba và thứ tư có nhiều khả năng diễn ra hơn. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi khi hoạch định chính sách quốc gia, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, cần có ít nhất hai phương án thích ứng. Vai trò, vị trí của từng quốc gia, dân tộc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả nắm bắt, tận dụng thời cơ lịch sử, tham gia khôn khéo và tích cực vào quá trình xác lập trật tự thế giới mới trong những năm tới.


1. Theo tiêu chỉ của Viện Lowy, quốc gia nào đạt chỉ số 70 điểm trở lên được xếp vào hàng ngũ siêu cường trên thế giới.

2. Xem: “Lowy Institute Asia Power Index 2020”, https://power.lowyinstitute.org/

3. Xem: Global Firepower: “2021 Military Strength Rankings”, https://www.globalfirepower.com.

4. Trần Khánh: Bàn về hành động địa - chiến lược của Trung Quốc từ khi thực hiện cải cách mở cửa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, số 10, 2020, tr. 3-21.
5. Trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) công bố vào ngày 03/7/2021, Nga không đề cập đến cụm từ “hợp tác Nga - Trung Quốc là một yếu tố then chốt nhằm duy trì ổn định trên thế giới và khu vực” như trong NSS năm 2015.
6. Xem: Hoàng Thị Hà - Trần Quang: Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bình mới rượu cũ?, ngày 20/7/2019, https://nghiencuuquocte.org/2019/07/20/quan-diem-cua-asean-ve-an-do-duong-thai-binh-duong/.
7. Nguyễn Viết Thảo: Trật tự thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, ngày 04/11/2008, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/3688/trat-tu-the-gioi-trong-ky-nguyen-toan-cau-hoa.aspx.
8. Hoàng Hiền: Ngôi vị thứ 3 trong top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, ngày 07/6/2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/55119/ngoi-vi-thu-3-trong-top-5-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-vao-nam-2030.aspx.

Theo Tạp chí Cộng sản

Phạm Hương tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin