Phát triển văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ Singapore

Phạm Thị Hương

CT&PT - Singapore thường được biết đến như một “quốc gia thông minh”, luôn đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo. Bài viết tập trung tìm hiểu cách thức phát triển văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ của đất nước này, từ đó cung cấp một góc nhìn tham khảo cho tiến trình xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ Việt Nam.

Khái quát về quá trình cải cách công vụ ở Singapore

Quá trình cải cách công vụ ở Singapore trải qua ba giai đoạn chính:

Giai đoạn 1960 - 1980: Mục tiêu cải cách tăng cường hiệu quả của nền công vụ, với các giải pháp chủ yếu là tăng cường ủy quyền, phân quyền; và thực hiện giai đoạn đầu của tin học hóa hoạt động công vụ.

Giai đoạn 1995 - 2012: Cải cách công vụ tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của người dân và cải cách dịch vụ công. Mục tiêu của giai đoạn này là nâng cao hiệu quả của nền công vụ và chuẩn bị sẵn sàng cho công chức trước sự thay đổi của thế kỉ XXI.

Giai đoạn hiện nay: Tiếp tục nỗ lực nhằm xây dựng nền công vụ tốt hơn cho tương lai, trong đó giải pháp là chuyển đổi nền công vụ theo chiều sâu; đảm bảo tính thích ứng và đổi mới, sáng tạo trong công vụ.

Như vậy, phát triển văn hóa đổi mới, sáng tạo trong công vụ bắt đầu được quan tâm như một nội dung trọng tâm trong cải cách công vụ ở Singapore bắt đầu từ giai đoạn thứ hai, khi quốc gia này có chiến lược chuẩn bị cho công chức trước những thay đổi của thế kỉ XXI.

Triết lý “sẵn sàng thay đổi” và một số biện pháp cụ thể nhằm xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ Singapore

Triết lý “sẵn sàng thay đổi”

Ý tưởng về việc xây dựng văn hóa thích ứng, đổi mới, sáng tạo trong công vụ được khởi động từ chương trình Nền công vụ thế kỉ XXI (Public Service 21 - PS21) của Singapore vào năm 1995. Ông Lim Siong Guan, Thư ký thường trực Văn phòng Thủ tướng thời điểm đó (sau là người đứng đầu cơ quan công vụ thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore) chia sẻ về quan điểm của Chính phủ: “Bất kỳ tổ chức nào tác động đến sự thay đổi chỉ để phản ứng với hoàn cảnh đều trở thành nô lệ của hoàn cảnh. Tổ chức đó tự buộc mình phải chạy vòng quanh để thực hiện những thay đổi khẩn cấp nối tiếp nhau, bởi vì tổ chức đã cho phép hoàn cảnh bắt kịp nó”.

Xuất phát từ nhận định đó, PS21 được thực hiện nhằm xây dựng một nền công vụ sẵn sàng trước thay đổi (ready for change) và sẵn sàng để thay đổi (ready to change) để đảm bảo cho những thành công hiện tại và tương lai của đất nước và con người Singapore.

Ba trụ cột của PS21 là:

Chào đón sự thay đổi (Welcome Change): Chuyển đổi tư duy của công chức và các cơ quan trong hệ thống công vụ, từ coi thay đổi như là nguy cơ, sang coi thay đổi là một cơ hội để cải tiến.

Dự đoán sự thay đổi (Anticipate Change): Chấp nhận sự không thể đoán trước của tương lai và chuẩn bị các kịch bản ứng phó có thể.

Thực hiện sự thay đổi (Execute Change): Lãnh đạo và phát triển nhân sự, cải tiến hệ thống, thu hút sự tham gia của công dân và làm hài lòng khách hàng để hướng đến nền công vụ thực sự xuất sắc.

Một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo trong công vụ

Ông Lim Siong Guan, Thư ký thường trực Văn phòng Thủ tướng đã đề xướng xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong cung ứng dịch vụ công. Để xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo, cần phải thay đổi từ tư duy, từ cách suy nghĩ của công chức, để họ tiếp nhận những thay đổi liên tục từ môi trường và “có thể đoán trước những tác động đến sự phát triển và tìm ra những cách sáng tạo để đáp ứng những thách thức mới” .

Trên cơ sở đó, Chính phủ Singapore đã thực hiện những giải pháp mang tính tổng thể để thúc đẩy văn hóa thích ứng và đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ. Cụ thể, để thay đổi tư duy của công chức từ sợ thay đổi, ngại thay đổi, sang sẵn sàng thay đổi và đổi mới, sáng tạo, các giải pháp chủ đạo được thực hiện gồm:

Phát triển các kỹ năng và năng lực mới cho nhân sự

Trang bị cho công chức các kỹ năng và năng lực cần thiết để làm việc hiệu quả và sáng tạo trước bối cảnh thay đổi bất định của tương lai là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho công chức rất đa dạng: qua các khóa học do trường Công vụ (Civil Service College) cung cấp; thuê chuyên gia (các nhà tư vấn, nhà huấn luyện…) từ bên ngoài; hoặc sử dụng chuyên gia của chính tổ chức…

Từ năm 1995, mỗi công chức được đào tạo 100 giờ/năm, nội dung đào tạo và hình thức đào tạo dựa trên nhu cầu của công chức. Để hỗ trợ nguyện vọng phát triển nghề nghiệp của công chức, cơ quan công vụ (PSD) giới thiệu các chương trình đào tạo được thiết kế và cập nhật thường xuyên để mở rộng hiểu biết của công chức về các vấn đề mới trong xã hội - ngoài vai trò, chức năng hiện tại của họ.

Bên cạnh đó, trường Công vụ Singapore xây dựng ứng dụng di động LEARN, cho phép mọi công chức có thể học bất kì lúc nào, ở bất cứ đâu. Đây là nền tảng học tập kỹ thuật số toàn diện cung cấp cho công chức tất cả những gì họ cần để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trong môi trường làm việc kỹ thuật số.

Đồng thời, để nâng cao năng lực thích ứng và đổi mới sáng tạo của công chức, cơ quan công vụ Singapore (PSD) xây dựng và phát triển ấn phẩm Challenge từ năm 1995, với sứ mệnh là khuyến khích đổi mới trong nền công vụ. Từ một bản tin khiêm tốn về cách làm mới, sáng tạo trong công vụ, đến nay, Challenge đã trở thành một ấn phẩm trực tuyến có nhiều tính năng. Với Challenge, độc giả có thể đặt câu hỏi tới các cơ quan cụ thể trong hệ thống công vụ để thúc đẩy họ cải tiến, nâng cấp dịch vụ. Challenge cũng có chuyên mục “Thử thách” dành cho các công chức, nơi các công chức cùng chia sẻ về những tình huống thực tế trong công vụ và giúp họ được truyền cảm hứng đổi mới, sáng tạo trong giải quyết công việc.

Xây dựng tổ chức đặc biệt nhằm hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong công vụ

Trên toàn thế giới, có hơn 100 đơn vị đổi mới của Chính phủ đã được thành lập để thúc đẩy những cách làm việc mới . Ở Singapore, Phòng thí nghiệm Đổi mới (Innovation Lab) thuộc cơ quan công vụ Singapore (PSD) có chức năng hỗ trợ các tổ chức công của Singapore đổi mới và sáng tạo. Đây là tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi nền công vụ theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Dự án tiêu biểu đầu tiên mà Phòng thí nghiệm Đổi mới hỗ trợ liên cơ quan của Chính phủ là dự án xây dựng nền tảng (platform) Khoảnh khắc cuộc sống (Moments of Life). Ý tưởng khởi xướng cho việc xây dựng nền tảng này là: Trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, như lập gia đình, thành lập công ty hay chăm sóc cha mẹ già…, công dân đều cần thực hiện các giao dịch với rất nhiều cơ quan chính phủ. Từ đó, Phòng thí nghiệm Đổi mới đưa ra mục tiêu là: xây dựng một nền tảng tích hợp để công dân có thể thực hiện trực tuyến tất cả các giao dịch mang tính “dấu mốc” trong cuộc đời. Trong trường hợp này, số hóa hoạt động công vụ không chỉ là chuyển các quy trình sang trực tuyến mà còn là việc hợp nhất nhiều điểm tiếp xúc thành một hành trình dịch vụ mạch lạc duy nhất.

Phòng thí nghiệm Đổi mới đã cùng các công chức từ 15 cơ quan cung ứng các dịch vụ thiết yếu gắn với các mốc quan trọng trong cuộc đời công dân thực hiện phỏng vấn với những đối tượng được xác định từ dữ liệu của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội để hiểu nhu cầu thực sự của họ, từ đó xác định được chính xác các yêu cầu khi thiết kế nền tảng này. Ví dụ: các bậc cha mẹ có con từ 6 tuổi trở xuống mong muốn có thể đăng ký khai sinh, đăng ký tiền thưởng sinh con và theo dõi hồ sơ tiêm chủng trên một nền tảng duy nhất.

Đến nay, Phòng thí nghiệm Đổi mới bắt đầu chuyển đổi vai trò của mình trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong công vụ: thay vì làm việc trong các dự án của các cơ quan khác, Phòng thí nghiệm Đổi mới sẽ huấn luyện các công chức của các cơ quan đó tự thực hiện các dự án đổi mới, sáng tạo.

Coi đổi mới, sáng tạo trong công vụ là một tiêu chí đánh giá công chức

Ngoài việc đánh giá công chức bởi hai cấp độ lãnh đạo: lãnh đạo trực tiếp và lãnh đạo đơn vị/bộ phận, hiện nay, cơ quan công vụ Singapore (PSD) đang thử nghiệm công nghệ kỹ thuật số để ghi nhận phản hồi theo thời gian thực để các công chức dễ dàng tìm kiếm phản hồi từ những người mà họ làm việc cùng, dù là cấp dưới, đồng nghiệp hay người hướng dẫn.

Tiêu chí đánh giá cũng có sự chuyển đổi, theo hướng tập trung nhiều hơn vào tư duy đổi mới của công chức. Những công chức vận dụng trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo để đưa ra các giải pháp đổi mới trong công vụ sẽ được đánh giá cao hơn .

Văn hóa đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công vụ còn được phát triển từ những hoạt động rộng lớn hơn, vượt ra ngoài hệ thống đánh giá. Cơ quan công vụ (PSD) khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo theo một số cách khác nhau. Ví dụ: Trao giải cho các sáng kiến trong công vụ (PS21 Excellence through Continuous Enterprise and Learning - PS21 ExCEL Awards) được tổ chức hàng năm kể từ năm 1998, nhằm tôn vinh những ý tưởng, dự án và nỗ lực đổi mới của các cá nhân và nhóm làm việc trong các tổ chức công, nhằm tạo ra kết quả mang lại lợi ích cho người dân. Tại hội nghị thường niên này, cơ quan công vụ “tôn vinh những dự án xuất sắc trong công vụ thể hiện rõ nhất tinh thần: mọi công chức đều có khả năng và được trao quyền để đổi mới và cải thiện cách thức làm việc”. Nhiều phiên hội thảo hợp tác chuyên sâu thu hút sự tham gia của các công chức từ bên trong và công chức từ các cơ quan khác, cũng như các thành viên trong xã hội đã được tổ chức để đưa ra những ý tưởng mới nhằm chuyển đổi nền công vụ, phục vụ công dân tốt hơn.

Một vài nhận xét và khuyến nghị

Qua tìm hiểu cách thức phát triển văn hóa đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ Singapore, có thể rút ra một số nhận xét có giá trị tham khảo cho các nền công vụ chuyển đổi như nền công vụ Việt Nam:

Thứ nhất, cần có một tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi văn hóa làm việc trong khu vực công. Chính phủ Singapore đã sớm nhận ra và từng bước lồng ghép mục tiêu này trong các chương trình cải cách công vụ Singpore (từ tăng cường hiệu quả; đến tăng cường sự tham gia của người dân và cao hơn nữa là tăng cường tính thích ứng, đổi mới, sáng tạo trong công vụ) để ứng phó với những thay đổi không lường trước được trong thế kỉ XXI.

Thứ hai, để xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo trong công vụ, cần đặt trọng tâm vào con người. Chỉ khi công chức sẵn sàng thay đổi và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thay đổi thì mới có thể xây dựng một nền công vụ đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, cần thúc đẩy những điều kiện hỗ trợ để phát triển văn hóa đổi mới, sáng tạo trong công vụ, cụ thể là tạo cơ chế đánh giá, ghi nhận xứng đáng với những ý tưởng sáng tạo, đổi mới; hoặc tạo ra những thiết chế không chỉ kết nối, hỗ trợ mà còn truyền cảm hứng cho những cách làm mới trong công vụ (mô hình Phòng thí nghiệm Đổi mới của Singapore).


1. Civil Service Appraisal System, https://www.psd.gov.sg/newsroom/pq-replies/civil-service-appraisal-system/, truy cập ngày 12/10/2023.

2. Opening Address by Mr Peter Ong at the PS21 ExCEL Awards & Convention 2013, https://www.psd.gov.sg/press-room/speeches/hcs-peter-ong-ps21-excel-awards-and-convention-2013/, truy cập ngày 18/10/2023.

3. Rethinking Public Services With Innovation Labs, https://psdchallenge.psd.gov.sg/ideas/deep-dive/rethinking-public-services-with-innovation-labs, truy cập ngày 10/10/2023.

4. The PS21 Office in Singapore, https://www.centreforpublicimpact.org/case-study/ps21-office-singapore, truy cập ngày 15/10/2023.

5. Tài liệu học tập khóa học Innovations in Governance, tổ chức bởi Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore (Vietnam Singapore Cooperation Center – VSCC) từ ngày 25 - 29/7/2022.

ThS. HẠ THU QUYÊN

Học viện Hành chính Quốc gia

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin