Đổi mới và phát triển trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng
Trong tiến trình bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Cuba, chính trị, tư tưởng là một hoạt động, một công tác, một nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của Đảng Cộng sản Cuba. Là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Cuba luôn ý thức giữ vững, củng cố và mở rộng, phát triển công tác đặc biệt này. Hiện nay, Đảng Cộng sản Cuba vừa chỉ đạo, vừa phối hợp với nhiều cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới, phát triển một số nội dung sau đây trong công tác chính trị, tư tưởng:
Một là, phát triển công tác nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Jose Marti, Fidel Castro và xây dựng, truyền bá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) quốc gia Cuba. Trước kia, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng (1953 - 1962), tư tưởng của cố lãnh tụ Jose Marti được tuyên truyền và tôn vinh. Nhưng đến thời kỳ xây dựng CNXH (1963 - 1991), chủ nghĩa Mác - Lênin lại được đề cao, truyền bá và áp dụng phổ biến. Những năm gần đây, Đảng Cộng sản Cuba đã nhìn nhận lại và bổ sung tư tưởng Fidel Castro vào Hiến pháp mới từ năm 2019. Theo đó, tư tưởng của Jose Marti và Fidel Castro được nghiên cứu sâu rộng, giáo dục thường xuyên hơn. Đồng thời, giá trị, ý nghĩa, tác dụng của cả ba tư tưởng trên cùng được phân tích, đánh giá lại cho đúng đắn, phù hợp với tình hình mới; liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên một hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Cuba và cho phát triển, phổ biến hệ tư tưởng này.
Hai là, khẳng định tính cấp thiết và quan trọng của việc nâng cao ý thức mỗi người dân và toàn xã hội trong việc tuân thủ pháp luật, chống các hành vi phạm pháp, đảm bảo kỷ cương, tăng cường pháp chế và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng.
Ba là, tập trung công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) và các tổ chức chính trị - xã hội khác ở Cuba. Đây là những tổ chức phối hợp, chia sẻ và phục vụ hiệu quả cho hoạt động và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba. Chẳng hạn, đó là nguồn nhân lực chủ yếu của Đảng Cộng sản vì hiện nay, mỗi năm Đảng Cộng sản kết nạp thêm khoảng 40.000 đảng viên mới, mà hầu hết đang là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội (với khoảng 1/3 là đoàn viên UJC).
Bốn là, nâng cao nhu cầu và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với lực lượng lao động ngoài quốc doanh. Hiện nay, lực lượng lao động của những công ty, xí nghiệp tư nhân và lao động tự do ở Cuba tăng nhanh. Thành viên của lực lượng này thường đặt mục tiêu cao nhất của mình là thu nhập/lương bổng, ít quan tâm đến chính trị và cũng ít bị giáo dục, kiểm soát, ràng buộc về tư tưởng chính trị hơn những công chức, viên chức làm trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao nhu cầu và hiệu quả việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với lực lượng lao động ngoài quốc doanh khó hơn nhiều, đòi hỏi phải có những biện pháp kích thích sự cảm nhận tích cực và tuân thủ, làm theo của lực lượng này.
Năm là, nhìn nhận, xác định internet, mạng xã hội là mặt trận đấu tranh tư tưởng sâu rộng, thường trực, liên tục. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, internet, mạng xã hội ngày càng phổ biến và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt đời sống của người dân Cuba. Vì vậy, Đảng Cộng sản Cuba coi việc đấu tranh tư tưởng chính trị sâu rộng, thường xuyên, liên tục trên internet, mạng xã hội là nhiệm vụ cấp bách, cần thực hiện bằng kết hợp nhiều giải pháp: ban hành cơ chế quản lý việc sử dụng internet, mạng xã hội và xử lý kịp thời nếu vi phạm xảy ra; xây dựng tốt công tác kỹ thuật và công nghệ thông tin; thiết lập các đầu mối tiếp nhận, quy trình xử lý tin giả, sai lệch trên internet; tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức chính trị của các cơ quan, tổ chức và người dân; đầu tư và phát triển mạng xã hội nội địa do doanh nghiệp tại Cuba cung cấp dịch vụ; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan thông tin, báo chí về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch…
Đổi mới và phát triển trong lĩnh vực xây dựng, lãnh đạo Đảng và đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên
Thứ nhất, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng và trẻ hóa lãnh đạo các cơ quan Đảng ở cả Trung ương và địa phương. Trong Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2021), toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng với hầu hết thành viên trên 75 tuổi đã không ứng cử nhiệm kỳ mới. Bộ Chính trị khóa VIII được trẻ hóa khá mạnh với 14 thành viên có độ tuổi trung bình là 61,6 (17 thành viên Bộ Chính trị khóa VII có độ tuổi trung bình là 67). Ban Bí thư khóa VIII gồm 06 thành viên cũng rất trẻ so với khóa trước (người ít tuổi nhất là 46, cao tuổi nhất là 54, độ tuổi trung bình chỉ khoảng 51, trong khi Ban Bí thư khóa VII có độ tuổi trung bình là 64)1. Sau Đại hội VIII, nhiều vị trí lãnh đạo Đảng trong các cơ quan chủ chốt ở Trung ương và các tỉnh, huyện cũng được trẻ hóa.
Thứ hai, tăng cường tiến cử, đề bạt cán bộ phụ nữ, người da màu và cán bộ trẻ vào các cương vị quan trọng, chủ yếu dựa trên năng lực cá nhân và thành tích công tác của họ. Điển hình là trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa X (năm 2023 - 2028) tổ chức tháng 3/2023, tất cả các ứng viên được bầu đều là đảng viên và có tới 53% là nữ giới, 45% là người da màu, 20% là thanh niên dưới 35 tuổi, và độ tuổi trung bình của các đại biểu Quốc hội là 46 (trẻ hơn độ tuổi trung bình 49 của đại biểu Quốc hội khóa IX bầu tháng 3/2018)2.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện việc giới thiệu cán bộ trẻ của UJC vào cương vị chuyên trách công tác đảng (trước đây, dù UJC là một nguồn nhân lực chủ yếu của Đảng, nhưng cán bộ UJC được giới thiệu và bổ nhiệm vào hoạt động thường ở cương vị kiêm nhiệm cả đoàn và đảng, hoặc kiêm nhiệm nhiều công tác đảng).
Thứ tư, khắc phục tình trạng giữ lại các lãnh đạo cấp phó và cán bộ mà tập thể đều cho rằng không hội đủ điều kiện để bổ nhiệm cấp cao hơn, gây tổn hại tới thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị và làm trì trệ sự phát triển tự nhiên, bình thường của dây chuyền đề bạt và bổ nhiệm lãnh đạo mới3.
Thứ năm, trong hoạt động xây dựng, lãnh đạo Đảng và đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, phải thực thi những chính sách liên quan sao cho: 1) Bảo đảm được đội ngũ lãnh đạo tương lai có sự gắn kết chặt chẽ với quần chúng, có khả năng vận động, đối thoại, phân tích và giải quyết vấn đề hiệu quả, có tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, theo đuổi tôn chỉ lãnh đạo tập thể là phương thức duy nhất để tìm ra giải pháp tối ưu cho các vấn đề phát sinh; 2) Hạn chế và loại bỏ tình trạng thiếu liên hệ với nhân dân, thiếu nhạy cảm và năng lực huy động tập thể khi cần giải pháp cho những vấn đề chung và công tác chỉ đạo yếu kém; 3) Được hoàn thiện và cập nhật liên tục, nhằm đảm bảo năng lực chọn lựa, đào tạo và đề bạt những cán bộ nhiệt huyết với cách mạng, khiêm tốn, trung thực, gương mẫu, có khả năng lãnh đạo và kiên định về lý tưởng trước mọi cám dỗ của thói xa hoa, phù phiếm, tự mãn và những tham vọng cá nhân khác4.
Đổi mới và phát triển chính sách kinh tế - xã hội
Kể từ khi cách mạng thành công (năm 1959) và bước vào xây dựng chế độ XHCN (năm 1963) đến nay, kinh tế Cuba luôn được giữ quy định và hình thức tổ chức của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, nền kinh tế Cuba đã bắt đầu chuyển dần sang kinh tế thị trường, nhất là sau những định hướng, chỉnh sửa mạnh mẽ chính sách kinh tế - xã hội mà Đại hội V của Đảng Cộng sản Cuba (tháng 10/1997) đưa ra. Tiếp đó, Đại hội VI (tháng 4/2011) thiết lập chính sách tổng thể “Cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội” cùng “Kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030”, với 313 giải pháp cụ thể. Đây là chính sách không làm thay đổi bản chất, mục tiêu của nền kinh tế Cuba, mà luôn cập nhật, theo sát, ghi nhận, hợp pháp hóa, khuyến khích và định hướng cho những diễn biến, những yếu tố tích cực đang tồn tại hoặc xảy đến đối với kinh tế - xã hội Cuba, không mâu thuẫn gay gắt với mô hình kế hoạch hóa tập trung có sở hữu toàn dân và kinh tế nhà nước, kinh tế quốc doanh làm chủ đạo; đồng thời xu thế chuyển dần sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tới Đại hội VII (tháng 4/2016), tổng thể chính sách kinh tế - xã hội này được đánh giá là đã thực hiện đạt 87,5% các nội dung đề ra trong 5 năm (2011 - 2016), bổ sung 50 giải pháp mới và rút gọn tất cả xuống còn 274 giải pháp. Đại hội VIII (tháng 4/2021) tiếp tục nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện trong 5 năm (2016 - 2021) và chỉnh sửa, hoàn thiện, rút gọn toàn bộ xuống còn 200 giải pháp.
Những đổi mới, phát triển chính sách kinh tế - xã hội của Đảng Cộng sản Cuba bao gồm:
Một là, tập trung phát triển kinh tế, lấy kinh tế làm nền tảng và động lực phát triển xã hội. Chuyển dịch dần sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tránh ảnh hưởng và phụ thuộc vào tư bản thông qua điều kiện, môi trường, giao thương, vốn, đầu tư, hàng hóa, thiết bị và công nghệ.
Hai là, thực thi ngày càng chủ động và tích cực tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội, hướng tới sự phối kết hợp hài hòa và tương thích giữa đặc trưng kế hoạch hóa tập trung với quyền tự chủ và việc phân cấp quản lý cần có ở các cấp trung gian.
Ba là, sở hữu toàn dân đối với tư liệu sản xuất cơ bản là nền tảng tạo nên quyền lực thực tế của người lao động. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước cần phải chứng minh được trong thực tiễn và giữ vững vị thế của mình với tư cách là hình thức quản lý chủ đạo của nền kinh tế.
Bốn là, phát triển năng lực, năng suất và hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế quốc doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực quyết định sự phát triển của quốc gia, đồng thời linh động hóa và thể chế hóa các hình thức quản lý phi quốc doanh. Những hình thức lao động tư nhân (tự doanh) được mở rộng rất lớn với các loại hình hoạt động được cấp phép tăng từ 127 lên hơn 2.000.
Năm là, đổi mới toàn diện các cấu trúc doanh nghiệp để loại bỏ tình trạng chậm trễ, tính dễ dãi, sự thiếu sáng tạo và thiếu tự quyết, chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên một cách bị động. Chấn chỉnh những thói quen xấu (cả cũ và mới), đồng thời khơi dậy, phát huy tinh thần khởi nghiệp và năng động, sáng tạo trong hàng ngũ lãnh đạo doanh nghiệp và cơ sở, để họ ngày càng tự tin, chủ động hơn, nâng cao sản lượng và đạt hiệu quả cao hơn.
Sáu là, khắc phục tệ quan liêu và sự yếu kém trong quản lý các nguồn nhân lực để loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng và những hành vi phạm pháp khác gây cản trở cải thiện năng suất và hiệu quả lao động.
Bảy là, phát triển sản xuất trên toàn quốc (đặc biệt đối với lương thực). Hạn chế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu với nhóm sản phẩm đa dạng và có khả năng cạnh tranh.
Tám là, điều tiết thị trường thông qua việc áp dụng những giải pháp gián tiếp và giản tiện hóa về mặt hành chính. Đưa những nhu cầu chưa được đáp ứng và thỏa mãn của người dân thành động lực cho các cơ sở sản xuất trong nước, trên nền tảng sử dụng hiệu quả và phù hợp các nguồn lực vật chất và tài chính.
Chín là, áp dụng thanh toán phổ biến bằng đồng tiền mới (CUP) từ ngày 01/01/2021 (1 USD = 24 CUP), nhưng vẫn duy trì ở mức độ nhất định việc mua bán bằng đồng tiền cũ (CUC - một trong hai loại tiền cũ song hành trước đây) để khắc phục tình trạng tiêu cực trong việc dùng đồng CUC nhập lậu hàng từ nước ngoài vào Cuba rồi bán lại trong nước với giá cao. Nhà nước đảm bảo phân bổ một nguồn ngoại tệ đáng kể, đồng thời khuyến khích nguồn kiều hối mà người dân Cuba sinh sống ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước.
Mười là, những giải pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) được triển khai liên tục và sâu rộng. Khắc phục sự cứng nhắc hoặc thụ động trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Sửa đổi, bổ sung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài ban hành từ năm 2014 (Luật số 118) bằng Luật mới hoàn thiện, phù hợp hơn. Năm 2022, Cuba đã tập trung kêu gọi 678 dự án FDI (tăng 175 dự án so với năm 2021) với tổng vốn xấp xỉ 12,5 tỷ USD5. Đồng thời, chủ động, liên tục, kịp thời đưa ra những giải pháp hiệu quả để đối phó với những thách thức lớn về kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện tại.
Đổi mới và phát triển chính sách an ninh - quốc phòng và đối ngoại
Sau khi hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc, từ đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đến nay, Cuba không còn được nhận sự trợ giúp an ninh - quân sự từ các nước đồng minh cũ (đặc biệt là Liên Xô). Hiện nay, Đảng Cộng sản Cuba đang đặt ra và thực hiện các đổi mới, phát triển quan trọng về chính sách an ninh - quốc phòng, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân thích ứng với tình hình, biến đổi mới. Mở rộng học thuyết chính trị - quân sự “chiến tranh nhân dân” của Fidel Castro (được đưa ra và thực hiện từ năm 1980) cho phù hợp với hiện tại mà vẫn coi trọng giá trị nguyên thủy là phối hợp, kết hợp sâu rộng giữa lực lượng vũ trang với toàn thể người dân trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ an ninh đất nước.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục an ninh tư tưởng. Tạo lập và củng cố vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời, nhanh chóng, khôn khéo và cương quyết trấn áp những hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước. Gia tăng, linh động và hiện đại hóa những phương thức, kế hoạch, chương trình, chính sách an ninh - quốc phòng, nhằm bảo đảm chặt chẽ an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước và không thụ động, không lệ thuộc. Nâng cao và hoàn thiện hệ thống an ninh quốc gia cho thích ứng với những biến đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước và thế giới trong tình hình mới. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn và những cách thức, hoạt động can thiệp, chống phá, khủng bố, xâm lược…
Thứ ba, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang quốc phòng gồm ba thứ quân chủ yếu (quân đội chủ lực, quân đội địa phương và dân quân du kích). Giảm mạnh quân số (năm 1994 lực lượng vũ trang quốc phòng Cuba có 235.000 quân nhân, nhưng hiện tại giảm chỉ còn gần 50.000 người) và cải cách, hiện đại hóa quân đội để lực lượng này gọn nhẹ mà hoạt động hiệu quả và có tính linh hoạt, tác chiến cao. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự và trao đổi kỹ thuật, công nghệ quân sự với các đối tác truyền thống (Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Iran và một số nước do đảng cánh tả cầm quyền ở Mỹ Latinh).
Thứ tư, huấn luyện, đào tạo những cán bộ quân đội phục vụ cho việc tham gia hợp tác và giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Xem xét, xác định và chọn lọc sự tham gia của lực lượng quân sự Cuba (cố vấn, binh sĩ…) vào các cuộc xung đột vũ trang, các điểm nóng chiến sự trên thế giới. Kiên trì và cương quyết đấu tranh giữ vững và phát triển khả năng củng cố, bảo vệ biên giới, lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời.
Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Cuba từ Đại hội VIII đến nay cũng được đổi mới và phát triển theo hướng:
Một là, xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Thiết lập và phát triển mối quan hệ bình đẳng, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau với mọi quốc gia; khẳng định những khát vọng về đoàn kết và hội nhập khu vực của Cuba. Tham gia nhiều và sâu rộng hơn vào các tổ chức, các hoạt động tiến bộ trên toàn cầu. Định vị, củng cố, nâng cao vai trò của Cuba trong khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới.
Hai là, tôn trọng nguyên tắc và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp; tuân thủ nguyên tắc không can thiệp (trực tiếp và gián tiếp) vào công việc nội bộ của các nước khác và tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc; cam kết thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong khu vực, và với các quốc gia khác, bất kể những khác biệt về chính trị, kinh tế và xã hội hay trình độ phát triển; phát huy tinh thần khoan dung và chung sống hòa bình; tôn trọng đầy đủ quyền bất khả xâm phạm của tất cả các nước trong việc lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa như là điều kiện cơ bản để đảm bảo sự chung sống hòa bình giữa các nước6.
Ba là, tăng cường tình đoàn kết với các quốc gia Mỹ Latinh. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác với các chính phủ cánh tả tại Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Mexico và Brasil; củng cố và phát triển quan hệ rất tốt đẹp, mật thiết với các nước xã hội chủ nghĩa châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Triều Tiên); duy trì sự ủng hộ, cổ vũ cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của các dân tộc, các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là Palestine và Tây Sahara (Sahrawi). Chú trọng hợp tác với các cường quốc và những nước đang phát triển lớn mạnh - đặc biệt là các quốc gia trong Khối BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).
Bốn là, gia tăng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) trên cơ sở Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác (ký kết từ năm 2016), sự tôn trọng và tương trợ lẫn nhau, phát triển đặc biệt quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Nâng cao vai trò, vị thế của Cuba trong những tổ chức lớn, quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh (ALBA, CELAC, OAS…). Duy trì và phát triển mối quan hệ giữa Cuba với các nước láng giềng vùng Trung Mỹ. Sớm đưa Cuba gia nhập Khối Cộng đồng Caribe (CARICOM) và mong muốn xây dựng “quan hệ kiểu mới”7 với Hoa Kỳ. Đẩy mạnh đối thoại trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
1. Vũ Trung Mỹ, Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba: Củng cố mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 967, tháng 6/2021.
2. Xem https://antv.gov.vn.
3,4. Raul Castro: Báo cáo Chính trị của Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (Phần 1), Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 23/4/2021, http://hdll.vn.
5. Thái An: Cuba rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài, Xem https://tienphong.vn.
6, 7. Raul Castro: Báo cáo Chính trị của Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (Phần cuối), Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 28/4/2021, http://hdll.vn.
Thu Hằng (tổng hợp)