Điều kiện, tiềm năng và lợi thế phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

CT&PT - Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được biết đến là một trong những tỉnh thành có nhiều vẻ đẹp về văn hóa và du lịch, với nhiều giá trị văn hóa - lịch sử quý giá của nền Văn hóa Óc Eo lâu đời và độc đáo, đặc biệt, tỉnh Long An có nhiều điều kiện, tiềm năng và lợi thế phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Trong những năm gần đây, Long An đã có sự tiến bộ và phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Là một trong những trọng điểm về công nghiệp, kinh tế của vùng và cả nước, Long An hội tụ đầy đủ những điều kiện, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, trong đó đặc biệt là phát triển công nghiệp - dịch vụ hiện đại với hàm lượng giá trị khoa học và công nghệ ngày càng cao. Có thể nói, sự vận động, phát triển của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Long An là kết quả của sự phát huy những điều kiện, tiềm năng, lợi thế khách quan và chủ quan của tỉnh, đồng thời tổng hợp và tận dụng sự tác động tích cực của những yếu tố bên trong và bên ngoài. Có thể kể đến một số điều kiện cơ bản sau:

Về vị trí địa lý và tổ chức hành chính: Tỉnh Long An có diện tích tự nhiên 4.492 km2. Phía Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài khoảng 133km với Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (Kiến Tường), Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) và 03 cửa khẩu phụ (Hưng Điền A, Long Khốt, Tân Hưng), 07 lối mở; phía Nam giáp Tiền Giang; phía Tây giáp Đồng Tháp; phía Đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Với vị trí khá đặc biệt, Long An không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai vùng kinh tế trong nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh, mà còn liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nước láng giềng Campuchia.. Hiện nay, hầu hết các hoạt động xuất phát từ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hướng về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc ngược lại, đều đi qua địa phận tỉnh Long An, vì vậy, Long An có vị thế chiến lược tiềm năng, được xác định là vùng kinh tế động lực, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Thực hiện Nghị quyết số 836/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Long An của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Long An có 15 đơn vị hành chính cấp huyện với 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 188 đơn vị hành chính cấp xã với 161 xã, 12 phường và 15 thị trấn.

 

Những đặc điểm về điều kiện địa lý, tự nhiên của Long An đã tác động không nhỏ đến sự hình thành, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, cũng như các chính sách đối với đội ngũ này. 

Đặc biệt, do nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, Long An dễ dàng thu hút nhiều nguồn đầu tư, đồng thời cóđiều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu, phát triển, nhất là –trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở đào tạo uy tín: Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng Thành phố ,… góp phần đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho các tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Long An. Song bên cạnh những thuận lợi, nếu không làm tốt các chính sách thu hút và “giữ chân” nhân tài, nhân lực, Long An sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng khoa học và công nghệ do “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, việc thu hút cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đến tỉnh Long An công tác và làm việc còn gặp nhiều khó khăn. 

Về dân số và lao động: Theo số liệu của Niên giám thống kê năm 2020, tổng dân số của tỉnh Long An sơ bộ là 1.713.658 người, trong đó dân số nam chiếm 49,92%, dân số nữ chiếm 50,08%. Long An xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 10/13 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long về dân số. Trong đo, huyện Đức Hòa có số dân cao nhất tỉnh với 315.711 người, huyện Mộc Hóa có số dân thấp nhất tỉnh với 28.165 người. Mật độ dân số của tỉnh tăng từ 320 người/km2 (năm 2009) lên 376 người/km2 (năm 2019), tăng 56 người/km2. Thành phố Tân An và huyện Cần Giuộc là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất tỉnh với 1.776 người/km2 và 999 người/km2. 

Sự mất cân đối giữa nhập cư và xuất cư có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, Long An trở thành một trong những vùng có sức hút lớn đối với nguồn lao động, đặc biệt là đối với người lao động từ các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng lao động chiếm 60% tổng dân số của tỉnh, trong đó nam chiếm 55,03%, nữ chiếm 44,97%, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (trên 83,45%), thành thị chỉ chiếm xấp xỉ 16,55%.

Về cơ cấu dân tộc: Toàn tỉnh Long An có 28 dân tộc, trong đó có 1.672.776 người dân tộc Kinh, chiếm 99,06%; 15.771 người dân tộc khác, chiếm 0,94% tổng dân số của tỉnh, trong đó chủ yếu là người dân tộc Hoa và Khơme.  

Về cơ cấu tôn giáo, tín ngưỡng: Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 426.434 tín đồ, 3.502 chức sắc, 2.662 chức việc thuộc các tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo) chiếm 28,5% dân số toàn tỉnh. Với số lượng khá lớn, lực lượng tín đồ, chức sắc, chức việc đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Long An trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. 

Hiện nay, Long An đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ trọng người trong độ tuổi 15 - 64  chiếm 71,1% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong các loại hình kinh tế chiếm hơn 1.009.000 người, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 32%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 71% (716.000 người); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 55% (555.000 người) trong tổng số lao động làm việc năm 2020. Dự báo đến năm 2025, số lao động sẽ đạt khoảng 1.060.000 người, tăng 50.000 người. 

Hiện nay, phần lớn lực lượng lao động được đào tạo tại chỗ ở các trường, trung tâm dạy nghề phục vụ cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp hằng năm. Ngoài ra, khi chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, cùng với việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đã tạo ra một lượng lớn lao động dư thừa, lực lượng này chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp. 

Thực tế cho thấy, bên cạnh những tiềm lực lớn từ cơ cấu dân số, Long An cũng nằm trong xu thế chung của cả nước khi dân số của tỉnh đang dần bước vào thời kỳ già hóa (số người trên 65 tuổi chiếm 7,8 % dân số). Cùng với đó, tiến trình đô thị hóa còn chậm đã dẫn đến tình trạng mất cân đối trong lực lượng lao động; hạ tầng, chính sách xã hội tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là lao động di cư từ các nơi khác đến.

Về kinh tế: GRDP của tỉnh Long An theo giá hiện hành và giá so sánh có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2020, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của Long An ước gần 135 nghìn tỷ đồng (tương ứng 5,9 tỷ USD), đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 14% GRDP toàn vùng) và đứng thứ 5 trong toàn khu vực Nam Bộ. 

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch rõ rệt, đúng định hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (năm 2020, cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III lần lượt là 15,32% - 52,14% - 32,54%). Ba lĩnh vực tái cơ cấu chính là: nông nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đầu tư công đều đạt kết quả tích cực, trở thành một trong những động lực chính trong phát triển của tỉnh. 

Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 1,98%/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng chú trọng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình “Cánh đồng lớn” chuyên canh cây lúa được chú trọng triển khai và có hiệu quả.  Tập trung phát triển chăn nuôi theo xu hướng trang trại, tập trung, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đồng thời giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật cho vùng ứng dụng công nghệ cao, các trại sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.... Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng thực hiện, từng bước hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong năm 2020 và đầu năm 2021, do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản: chanh, thanh long…

Công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,9%. Trong những năm qua, quy mô ngành công nghiệp của tỉnh Long An khá lớn, thu hút một số ngành công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của cả khu vực và toàn nền kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm, đôn đốc thực hiện; thường xuyên đối thoại doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức. Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, trên địa bàn hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800 ha, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê hơn 2.650 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.350 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 88,4%. Đến nay, tỉnh Long An có 2.016 dự án đầu tư trong nước được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký là 23.540,4 tỷ đồng. Có 1.085 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 6.668,48 triệu USD, trong đó có 588 dự án đã đi vào hoạt động. Tuy nhiện, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuấtvà thị trường đầu ra, theo đó, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc giảm công suất hoạt động, dẫn đến sự suy giảm mạnh mức tăng trưởng (năm 2020, ước chỉ đạt 11,45% - mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua).

Đối với thương mại - dịch vụ: Về cơ bản đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân đạt khoảng 5,8 %/năm. Mạng lưới cơ sở phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ ngày càng mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, từ đó làm thay đổi diện mạo ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh theo hướng hiện đại. Dịch vụ logistics được chú trọng phát triển, cảng Long An bước đầu hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường được quan tâm thực hiện, đặc biệt là việc kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 14,5%/năm, với gần 26 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đã xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao. Hoạt động nhập khẩu có sự đa dạng hóa thị trường, gia tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại được tập trung thực hiện.

Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung duy trì, củng cố và phát triển các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ... Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và hoạt động tương đối có hiệu quả. Một số hợp tác xã, tổ hợp tác đã chuyển sang nhiều loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng, phong phú; đặc biệt, đã xây dựng 04 hợp tác xã, điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm thích ứng với cơ chế thị trường. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dựng công nghệ tiên tiến, với quy mô khá lớn hoạt động trên địa bàn tỉnh. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức khá cao, đặc biệt, năm 2018 và năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh của tỉnh đứng thứ 3 cả nước.

Về công tác an sinh xã hội: Trong những năm gần đây, tỉnh Long An đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực sẵn có để phát triển địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Theo đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Cụ thể:

 Giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được tăng cường đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 50,5%. Đặc biệt, tỉnh Long An đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, với tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết hiện nay trên toàn tỉnh đạt 96,7%; trình độ dân trí ở các huyện vùng sâu, vùng biên giới cũng được nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, tỉnh Long An tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Trong lĩnh vực y tế, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao. Hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, 95% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trình độ chuyên môn và y đức của đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế được nâng cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, kiểm soát tốt, không để dịch lớn xảy ra. Công tác kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực y tế được chú trọng và mang lại hiệu quả. 

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào thực chất. Tính đến nay, toàn tỉnh có 93/161 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, góp phần đưa Long An trở thành một trong những tỉnh có sự chuyển mình rõ rệt với định hướng xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Cùng với đó, quốc phòng - an ninh không ngừng được tăng cường, củng cố, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; quản lý tốt biên giới, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ gắn với thế trận an ninh nhân dân được thực hiện nghiêm túc; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngày càng chặt chẽ. 

Có thể khẳng định, với bề dày truyền thống cách mạng, đặc trưng lịch sử văn hóa và đặc điểm kinh tế - xã hội riêng có, tỉnh Long An có sức hút lớn đối với lực lượng lao động và trí thức trên cả nước, , từ đó tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh với xuất thân đa dạng, đến từ nhiều dân tộc, nhiều tỉnh, thành phố và vùng miền trên cả nước, từ đó tạo nên bản sắc văn hóa và nguồn nhân lực đa dạng trong thống nhất. Đó cũng chính là đặc trưng riêng có của tỉnh Long An so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

NCS. NGUYỄN THU NHI
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin