Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), trong giai đoạn 1955 - 1965, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống của nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, hơn 2.000 thanh niên từ khắp các địa phương trên cả nước (Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...) đã tự nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên - Lai Châu xây dựng và hoàn thành công trình quan trọng này trong 7 năm. Đến nay, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn được coi là “mạch sống” của lòng chảo Điện Biên, cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc. Không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế, công trình còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I được tổ chức năm 1963.
Trong giai đoạn 1966 - 1975, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang vừa sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Củng cố, kiên trì xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, phát triển các nông trường quốc doanh. Quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục (các huyện Điện Biên, Tuần Giáo đã có trường cấp III; hầu hết các xã có trạm y tế). Những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ chiến thắng vĩ đại, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Tiếp đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975, giúp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tổ chức 2 kỳ đại hội: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II năm 1970 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III năm 1975.
Trong giai đoạn 1976 - 1985, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Năm 1985, tổng sản lượng lương thực của tỉnh tăng 61,15%, công nghiệp tăng 44% so với năm 1975; phong trào học phổ thông, bổ túc văn hóa được quan tâm; kỹ thuật chuyển biến khá; công tác y tế được bảo đảm; hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin đại chúng có bước phát triển đáng kể. Ở giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tổ chức 3 kỳ đại hội: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV năm 1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V năm 1980 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI năm 1983.
Giai đoạn 1986 - 2003, sau 17 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ. Sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh tăng vượt bậc, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao. Duy trì hệ thống giáo dục và đào tạo. Đầu tư xây dựng mới 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị xã; bảo đảm 100% xã, phường có trạm y tế, 1.200 bản có cán bộ y tế. Sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển. Đảng bộ tỉnh Điện Biên tiến hành 4 kỳ đại hội: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII năm 1986; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII năm 1991; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX năm 1996 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X năm 2000. Ở giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo việc tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nền kinh tế của tỉnh Điện Biên đã có sự chuyển mình rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 9,11%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,0%/năm; giai đoạn 2021 - 2023, GRDP bình quân ước đạt 9,33%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 43,09 triệu đồng, tăng gấp 1,13 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, ước thực hiện năm 2023: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,60%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 22,25%, khu vực dịch vụ chiếm 57,70%, thuế sản phẩm (đã trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 4,45%.
Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2023 ước đạt 98.305,86 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2023 ước đạt 11.051,45 tỷ đồng; thu năm 2023 dự ước gấp 1,52 lần so với năm 2015. Hoạt động tài chính đạt kết quả tích cực, góp phần cải thiện cân đối thu, chi ngân sách, tạo nguồn cho đầu tư phát triển; tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2023 ước đạt 97.977,20 tỷ đồng1.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 đạt 285,52 nghìn tấn; hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca..., với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tỉnh đã triển khai 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 89.310 ha, tổng diện tích mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.200 ha. Duy trì khai thác diện tích cây cao su hiện có 5.016 ha, sản lượng 5.144 tấn. Diện tích cây cà phê là 2.759 ha, sản lượng 4.393 tấn; diện tích cây chè là 613 ha, sản lượng 164 tấn. Hình thành 56 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã, bao bì đẹp, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển khởi sắc. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3-4%/năm. Nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích và sản lượng: diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 2.761 ha, sản lượng ước đạt 4.737 tấn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 44%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả: dự ước đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 41,74% số xã; bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí; toàn tỉnh có 66 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 59 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đến cuối năm 2023 chỉ còn 26,03% (theo chuẩn nghèo mới); tỉnh đã cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát và tiếp tục đầu tư đưa điện sinh hoạt đến các thôn, bản chưa có điện. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 482 cơ sở giáo dục, đào tạo, với 209.841 học sinh, sinh viên; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 77,6%; chất lượng đào tạo luôn ở mức cao trong khu vực. Trong thời gian qua, tỉnh tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung trường Đại học Điện Biên Phủ vào Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Trường Đại học theo quy định. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư, kết nối các bệnh viện, cơ sở y tế Trung ương với địa phương, đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung, tăng cường. Toàn tỉnh hiện có hơn 800 bác sĩ, đạt 12,52 bác sĩ/1 vạn dân, đạt 32,2 giường bệnh quốc lập/1 vạn dân. Tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên, đạt 69,6 tuổi. Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh lớn khác xảy ra trên địa bàn.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; du lịch phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dự ước giai đoạn 2021 - 2023, đón 2.087.000 lượt khách du lịch, trong đó có 2.073.500 lượt khách nội địa và khoảng 13.500 lượt khách quốc tế đến Điện Biên; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.546 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 77,4% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; có 85,3% thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 92,9% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, thể thao thành tích cao được quan tâm.
Xác định phát triển mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại. Đến nay, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân: 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ôtô đến trung tâm; 80 xã có đường xã đã trải nhựa, bêtông; 68 xã có đường thôn, bản được bêtông hóa. Hệ thống giao thông từng bước được đầu tư kết nối với các tỉnh, thành phố..., cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án Cao tốc Điện Biên - Sơn La giai đoạn 1 đang được khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng, là điều kiện thuận lợi mở ra những cơ hội phát triển mới cho nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, từ ngày 02/12/2023, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc nâng cấp các hạng mục, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321 hoạt động. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đối với phát triển giao thương, du lịch của tỉnh Điện Biên, không chỉ góp phần phát triển ngành du lịch, mà còn tăng cường sự kết nối giữa Điện Biên với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo động lực mới cho nền kinh tế của tỉnh...
Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai toàn diện, xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Lực lượng vũ trang tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt công tác tuyển quân, kế hoạch huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ xã, huyện, tỉnh. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được quan tâm, chú trọng, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; duy trì và mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tiếp tục phát triển quan hệ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, vùng Kansai Nhật Bản, tỉnh Bátna, Angiêri...; thiết lập và đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng được đổi mới về hình thức, phương pháp; các hội nghị học tập, quán triệt được tổ chức tới 100% cấp ủy, tổ chức đảng và 95,5% cán bộ, đảng viên, 80% quần chúng nhân dân. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy các cấp bảo đảm tính sát thực, khả thi cao. Công tác giáo dục lý luận chính trị tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học, gắn lý luận với thực tiễn.
Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội được tăng cường, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không để hình thành điểm nóng ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời phát hiện, xử lý những thông tin, bài viết phản ánh sai sự thật trong dư luận và trên các trang mạng xã hội.
Tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Từ một Ban cán sự đảng khi mới thành lập với 20 đảng viên (tháng 10/1949), đến nay, Đảng bộ tỉnh Điện Biên có 14 đảng bộ trực thuộc với 617 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 237 đảng bộ cơ sở, 380 chi bộ cơ sở với 46.087 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, năng lực lãnh đạo ngày càng được củng cố, nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Có thể khẳng định, sau 70 năm giải phóng, đã có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, xây dựng Điện Biên ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Đến nay, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu lớn cơ bản được hoàn thành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong bối cảnh toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nỗ lực thi đua lập thành tích, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS, TS. TRẦN QUỐC CƯỜNG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên