1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ
Một là, nhân dân là trung tâm của chế độ chính trị dân chủ
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”1. Người chỉ rõ, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị - xã hội cụ thể. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người chủ trương xây dựng một Nhà nước Việt Nam kiểu mới, đó là nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Người trịnh trọng tuyên bố: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”2.
Trong suốt quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nghiên cứu và đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về vấn đề dân chủ. Theo Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Người nhấn mạnh: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đề vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”3. Như vậy, nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ chính là: Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị - xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân.
Hai là, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một nội dung quan trọng, cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Theo Người, Nhà nước của dân là nhà nước bảo đảm tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân chính là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân chính là gốc, là chủ thể của quyền lực nhà nước, bao nhiêu quyền hạn của Nhà nước đều là của nhân dân. Nhà nước do dân là nhà nước do nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; những đại biểu này thay mặt nhân dân tổ chức, điều hành các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Đồng thời, nhân dân tích cực tham gia vào công việc của Nhà nước, ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nghĩa vụ và quyền hạn đối với Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật. Mặt khác, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Nhà nước, kiểm soát và giám sát quyền lực của Nhà nước.
Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Người nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh4.
Ba là, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trên tinh thần dân chủ
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Nhà nước. Theo Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, nhân dân cần Nhà nước để lãnh đạo, tổ chức lực lượng xây dựng và phát triển đất nước. Mặt khác, Nhà nước phải dựa vào nguồn lực, sức mạnh của nhân dân để phục vụ nhân dân. Cùng với việc đề cao dân chủ, Người chỉ rõ vai trò của chuyên chính: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại… dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn dân chủ”5. Chính vì vậy, Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của Chính phủ lâm thời. Sau đó, Người tiến hành xây dựng Hiến pháp dân chủ, tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/3/1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên và bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong giải quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Cũng trong năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng việc xây dựng luật pháp, quản lý đất nước bằng luật pháp và làm cho luật pháp có hiệu lực trong thực tế. Theo Người, trong Nhà nước dân chủ nhân dân, dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau, bảo đảm cho chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
2. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là minh chứng sáng rõ trong thực hành dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là yêu cầu mang tính khách quan.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”6. Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, cần quán triệt thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, thực hiện xuyên suốt mục tiêu tôn trọng, bảo vệ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân
Đây là mục tiêu quan trọng mang tính bao trùm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chủ động trong lựa chọn và thực thi cơ chế, hình thức dân chủ nhằm tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân tham gia các hoạt động quan trọng của đất nước, quyết định những công việc quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” để vu cáo, xuyên tạc chế độ dân chủ, thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, nâng cao dân trí, động viên, giáo dục, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để nhân dân phát huy quyền làm chủ, quyền lực của mình tham gia vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Thứ hai, đề cao pháp luật và đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho người dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự tiếp thu, kế thừa và phát triển các giá trị tư tưởng trên thế giới để đề ra tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước pháp quyền luôn coi trọng tính toàn diện, một mặt đề cao tính “thượng tôn pháp luật”, song cũng phải đi đối với công tác giáo dục nhằm nâng cao tính hiệu quả. Quán triệt và vận dụng tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần kết hợp chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”, kết hợp giữa “xây” và “chống” để xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược phải thực sự gần dân, biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, thực sự yêu dân, kính dân, tin cậy và trọng dân.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ giữa xây dựng Nhà nước với chống những căn bệnh cố hữu của nhà nước kiểu cũ
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, cần phải quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, có sự kết hợp giữa xây dựng và loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu, những căn bệnh cố hữu của nhà nước cũ. Theo đó, cần mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về giá trị văn hóa dân tộc. Chủ động đấu tranh đập tan các luận điệu xuyên tạc, mị dân, núp dưới chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản nhằm xuyên tạc những giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã xây dựng trong suốt quá trình cách mạng.
Thứ tư, chủ động đề phòng, khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước khác về chất so với các nhà nước kiểu cũ, nhà nước luôn lấy việc xây dựng, đổi mới và hoàn thiện bộ máy trên cơ sở phát huy dân chủ làm phương châm hoạt động. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước phụ thuộc vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật và sự trong sạch, gương mẫu về đạo đức của những người cầm quyền. Do vậy, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, phải luôn đề cao cảnh giác với những biểu hiện tha hóa, biến chất, các hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ tốt thì công việc suôn sẻ, cán bộ kém thì công việc sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước là lực lượng đại diện cho nhân dân, được nhân dân tin tưởng bầu ra để tham gia vào công tác quản lý, điều hành bộ máy nhà nước. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phát huy dân chủ gắn liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, có khát vọng vì lợi ích chung của nhân dân và đất nước… Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước.
Thứ sáu, phát huy vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng
Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều luôn quan tâm tới công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức cầm quyền đối với Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiện nay, trước yêu cầu đặt ra của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa quốc tế, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển”7. “Xây dựng nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch”8; “Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định.”9. Trong thời gian tới, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là nhân tố quyết định bảo đảm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là ngọn đuốc về lý luận và thực tiễn trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Thực hiện lời chỉ dẫn của Người về dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay không chỉ góp phần củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn tạo cơ sở nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh chống lại những chiêu bài dân chủ phản động của các thế lực thù địch. Đặc biệt, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước.
1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 434; t. 13, tr. 83; , t. 6, tr. 232; t. 4, tr. 51; t. 10, tr. 457.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174, 284.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 147, 149.
ThS. LÊ THỊ HÒA
Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng