Vai trò của FDI đối với giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực

CT&PT - Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.

FDI là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta đã được thực tiễn minh chứng. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, vai trò của FDI ngày càng trở nên quan trọng. Đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, FDI có ý nghĩa hơn, thể hiện ở vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra những năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh đã nhấn mạnh vai trò của vốn con người trong quá trình thu hút FDI tại các nước đang phát triển. Theo đó, FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn bởi tính tràn công nghệ và làm tăng khả năng tích tụ vốn con người tại các nước tiếp nhận đầu tư thông qua các khóa đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động địa phương, các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương (các doanh nghiệp cung cấp các yếu tố đầu vào). 
Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của FDI đến phát triển nguồn nhân lực. Nelson và Phelps (1996) cho rằng khối vốn con người (stock of human capital) lớn làm cho dễ dàng hơn trong hấp thụ các sản phẩm mới và những ý tưởng từ MNCs. Vốn con người là quan trọng đối với các nước để có thể hưởng lợi từ sự di chuyển của các luồng vốn dài hạn. Barro (1991) sử dụng một mẫu của 98 quốc gia trong giai đoạn 1960 - 1985 để kết luận rằng tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người có liên quan dương đến vốn con người ban đầu. Do FDI tăng vốn con người và vốn con người lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên FDI có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế. Borenzstein và cộng sự (1998) nâng tầm quan trọng của nguồn nhân lực lên nữa khi họ phát hiện ra rằng với mức độ thấp của vốn con người, FDI trên thực tế có một tác động âm đến tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của họ sử dụng dữ liệu về dòng chảy FDI từ các nước công nghiệp tới 69 nước đang phát triển trong hai thập kỷ và kết quả cho rằng: trong khi FDI là một động lực quan trọng của chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tác động của nó càng lớn thì mức độ tích lũy vốn con người (human capital stock) của nước tiếp nhận càng lớn (biến đại diện là mức độ tiếp thu giáo dục).
Lao động là một trong những yếu tố quyết định đến năng lực sản xuất của nền kinh tế. Trong hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần nâng cao chất lượng lao động của địa phương ngang tầm với các nước trong khu vực. Từ kết quả của một số lý thuyết nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và thị trường lao động cho thấy vai trò của FDI ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động xuất hiện khi các công ty đa quốc gia trực tiếp thuê công nhân của nước sở tại. Tác động gián tiếp tăng khi việc làm được tạo ra ở các doanh nghiệp địa phương như là kết quả của đầu tư và khi việc làm được tạo ra bởi tăng chi tiêu của nhân viên thuộc các công ty đa quốc gia. Một cách tổng quát hơn, sự tăng lên của nguồn vốn FDI ảnh hưởng đến thị trường lao động thông qua việc tái bố trí các nguồn lực và yếu tố sản xuất trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế hay thông qua sự thay đổi về công nghệ. Động cơ của FDI là đi tìm các nguồn tài nguyên rẻ hơn ở các quốc gia khác nhằm thực hiện việc đầu tư. FDI có khuynh hướng làm dịch chuyển cơ cấu đầu tư sang các ngành có nguồn lực thâm dụng. Do đó, đối với các quốc gia đang phát triển là các quốc gia thâm dụng về lao động - đặc biệt là lao động phổ thông, không có tay nghề mà thiếu các lao động lành nghề, thiếu trãi nghiệm, một sự tăng lên của lao động không lành nghề trong khi nhu cầu về lao động lành nghề sẽ giảm sút. Kết quả của sự thay đổi cơ cấu lao động này là FDI dường như làm gia tăng tiền lương của lao động không lành nghề. 
Nguồn vốn FDI khi vào một nền kinh tế nào đó sẽ đem theo công nghệ cao cấp, nhập khẩu các thiết bị, máy móc mà không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn để vận hành chúng. Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh nước ngoài dưới hình thức FDI sẽ thúc đẩy các công ty nội địa áp dụng các công nghệ cao cấp hơn và tiết kiệm lao động. Sự áp dụng các công nghệ cao cấp hơn sẽ dẫn đến sự gia tăng tương đối lao động tay nghề mà từ đó sẽ làm gia tăng khoảng cách tiền lương giữa lao động lành nghề và không lành nghề.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại thời điểm 31/12/2011 là hơn 2,5 triệu người, gấp 1,8 lần năm 2006, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 89,7%, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài là 10,3%, bình quân mỗi năm thu hút thêm 221 nghìn lao động, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, từ khi có hoạt động FDI, số lao động làm trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng lên, nếu năm 1990 tỷ lệ lao động trong khu vực này chỉ chiếm 0,04% lực lượng lao động cả nước, năm 2000 là 0,64 thì đến năm 2007 tỷ lệ này là 1,6%, đến năm 2011 tỷ lệ này đạt 23,4% và đạt 30,4%. Năm 2013, khu vực FDI đã thu hút khoảng 3,2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, trong đó lao động trực tiếp làm việc trong khu vực công nghiệp chiếm gần 90,2%.
Không thể phủ nhận khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho NLĐ. Theo Tổng cục Thống kê (2019), kết quả Điều tra Lao động - Việc làm quý 1/2019, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu NLĐ (chiếm trên 7% trong tổng số 54 triệu lao động của nước ta). Con số này tương đương với 15% tổng số lao động làm công ăn lương (25,3 triệu NLĐ) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI. Tốc độ tăng lao động của khu vực này bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005 - 2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Bình quân hàng năm khu vực FDI đã tạo khoảng 500 nghìn việc làm trực tiếp. Đồng thời, thúc đẩy phát triển một số ngành sản xuất và cung ứng sản phẩm thuộc các thành phần kinh tế khác, từ đó nâng cao khả năng tạo việc làm mới cho người lao động. Hiện nay, với chính sách tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các doanh nghiệp FDI như công nghiệp chế tạo ôtô, xe máy, giày da, may mặc,… đã hình thành một số doanh nghiệp vệ tinh cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Việc hình thành các doanh nghiệp vệ tinh đã tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Như vậy, ngoài khả năng thu hút lao động trực tiếp thì khu vực FDI đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc thu hút lao động gián tiếp của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. FDI không chỉ tạo ra ngày càng nhiều chỗ làm mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc làm và tiếp cận công nghệ.
Tóm lại, nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, phải tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát việc sử dụng lao động và chi trả các chế độ đối với lao động của các doanh nghiệp FDI, nhằm đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và giữ vững mối quan hệ thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần tạo được một hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo việc quản lý có hiệu quả việc sử dụng và đảm bảo các chế độ đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI nói riêng và đối với mọi thành phần doanh nghiệp nói chung. 

ThS. TRƯƠNG HOÀNG ĐỨC
Đại học Kinh tế - Luật Tp. Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin