Long An là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí địa lý vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ nên thu hút khá nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp, trong đó có 16 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động thu hút 12.692 doanh nghiệp trong nước và 588 doanh nghiệp có vốn đầu tư ngước ngoài hoạt động. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc đầu tư trong nước và ngoài nước tăng thì kỹ thuật công nghệ mới đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, đòi hỏi nguồn nhân lực phải tăng về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ đào tạo. Năm 2020, dân số tỉnh Long An là 1.711.593 người, lao động trong độ tuổi 1.061.188 người, chiếm 62% dân số, trong đó lao động phân bố tại khu vực thành thị là 192.287 người (chiếm tỷ lệ 18,12%), khu vực nông thôn là 868.901 người (chiếm tỷ lệ 81,88%); lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế 1.009.840 người, chiếm 59% dân số. Cơ cấu lao động theo các khu vực: Nông, lâm, thuỷ sản: 38%; Công nghiệp - Xây dựng: 33%, khu vực Thương mại - Dịch vụ: 29%.
Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Trung ương và của Tỉnh công tác giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xã hội hóa đạt được kết quả bước đầu đã thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm có 25 cơ sở (10 cơ sở công lập, chiếm tỷ lệ 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 60%), trong đó: 3 Trường cao đẳng, 07 Trường trung cấp, 07 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác tham gia giáo dục nghề nghiệp. Năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh 26.561/25.285 lao động, đạt 105,05% kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó: 541 cao đẳng, 2.520 trung cấp, 7.659 sơ cấp, 11.755 đào tạo nghề dưới 3 tháng và 4.086 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 71,28% (có bằng cấp, chứng chỉ 30%). Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trong mạng lưới có Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã Miền Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư 06 nghề trọng điểm (2 nghề cấp độ quốc tế; 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN; 02 nghề cấp độ quốc gia). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên toàn tỉnh có 749 người, trong đó giáo viên 565 người (146 sau đại học, 290 đại học, 31 cao đẳng, 98 trung cấp) đạt chuẩn so với quay định để giảng dạy; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy được đổi mới nên chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh.
Nhìn chung, nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào và trẻ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật ngày càng được nâng cao, tốc độ phát triển tương đối hợp lý về mặt số lượng và được cải thiện về mặt chất lượng. Số lượng lao động ở khu vực thành thị ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hoá. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo tương đối cao. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt. Cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tuy nhiên nguồn nhân lực của tỉnh còn nhiều hạn chế, đó là chất lượng lao động nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ còn cao, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, kém về kỹ năng thực hành và ứng dụng công nghệ cao vào quá trình lao động, hạn chế trong việc thích nghi môi trường có áp lực cạnh tranh cao, kỹ năng làm việc theo nhóm nên chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phần lớn lao động tập trung ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như chất lượng cuộc sống có sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Lao động nông nghiệp cần có thời gian đào tạo nghề và thay đổi thói quen để chuyển đổi nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do quan điểm, chính sách pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực chưa được nhận thức và thực thi đầy đủ ở một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, địa phương. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thiếu về số lượng, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng và hạn chế về kỹ năng thực hành. Nội dung chương trình và phương thức đào tạo chậm đổi mới; sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên việc đào tạo của một số nghề chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư để đào tạo lao động tại chỗ. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề chưa đạt yêu cầu đề ra; công tác dự báo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tuy được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
Trong thời gian tới, khi hội nhập đầy đủ và sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới và dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam nói chung và Long An nói riêng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và quốc tế cũng như giữa các vùng gay gắt hơn, lợi thế cạnh tranh do tiền công lao động rẻ sẽ mất dần và yếu thế của lao động trong cạnh tranh sẽ bộc lộ rõ hơn do trình độ tay nghề, chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong công nghiệp, tính năng động xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật và thể lực kém. Do vậy, nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động (cả trong nước và ngoài nước) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá về kinh tế tất yếu sẽ khó khăn hơn trong giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển và ổn định xã hội.
Để khắc phục những hạn chế, điểm yếu của nguồn nhân lực tỉnh như nêu trên và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ (2020-2025) đã đề ra Chương trình đột phá đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh với mục tiêu: Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Định hướng ngành nghề đào tạo như sau:
- Lĩnh vực công nghiệp: Các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, định hướng các nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến.
- Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Định hướng ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo nhu cầu thị trường.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
1. Tập trung triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
3. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Trong đó quan tâm thực hiện các nội dung sau:
- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó ngành nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; chú trọng nghề trọng điểm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư ưu tiên các ngành nghề có sử dụng công nghệ cao, tạo sự hợp lý giữa cung - cầu lao động đáp ứng cho thị trường lao động.
- Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; phấn đấu xây dựng Trường Cao đẳng Long An thành Trường Cao đẳng chất lượng cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động việc dự báo về nhu cầu nhân lực, nhu cầu việc làm; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về cung, cầu của thị trường lao động.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là các ngành phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lao động ở các vùng nguyên liệu, lao động là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất.
4. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh
- Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát hiện, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh gắn với ngành nghề ưu tiên của tỉnh, trong đó cần chú trọng đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
- Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường liên kết đào tạo nghề nghiệp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trong nước và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
- Xây dựng mạng lưới, phát huy hiệu quả chuyên gia khoa học công nghệ và có kế hoạch đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh.
ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH
Trường Chính trị Long An