1. Thực trạng phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh
Năm 2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phê duyệt một nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU). Mục tiêu của nghị quyết này là đưa tỉnh Quảng Ninh thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò là cửa ngõ và động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết với hệ thống cảng biển nước sâu. Các địa phương trọng tâm trong chiến lược này gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, và Hải Hà.
Sau khi Nghị quyết 15 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển cho giai đoạn đến năm 2025, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2030.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch biển đảo tại Quảng Ninh đạt 43,3 triệu lượt. |
Đến nay, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã có những bước tiến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu từ dịch vụ cảng biển trong giai đoạn 2019-2023 đã vượt 14.840 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 0,49%, tăng 0,07% so với năm 2018. Từ 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 64,75 triệu lượt, trung bình mỗi năm đạt khoảng 12,95 triệu lượt. Lượng khách du lịch biển đảo ghi nhận đạt 43,3 triệu lượt, vượt 184% so với kế hoạch và mục tiêu đề ra cho năm 2025 trong nghị quyết.
Ngoài ra, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao cùng các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao liên quan đến du lịch biển đảo đã được đầu tư và đưa vào hoạt động, với việc phát huy giá trị của di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đồng thời, ngành thủy sản cũng đã có sự phát triển toàn diện, bao gồm nuôi trồng, khai thác và chế biến. Ngành công nghiệp ven biển được thúc đẩy theo hướng bền vững với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường, qua đó tăng cường tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển đang được cải thiện liên tục. Từ năm 2019, tỉnh đã chủ động mở rộng các cơ chế tạo thuận lợi để thu hút đầu tư vào hạ tầng cảng biển. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, Cảng khách quốc tế Hòn Gai, và Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh đã được triển khai.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã quy hoạch các khu chức năng, dịch vụ nhà hàng, và trung tâm mua sắm hiện đại tại những cảng khách quốc tế như Tuần Châu và cảng Hòn Gai, cùng với Sân bay quốc tế Vân Đồn. Hiện tại, tỉnh đang tiến hành 6 dự án đầu tư cho phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần, logistics, với diện tích quy hoạch lên tới 6.956 ha ở khu kinh tế ven biển Quảng Yên.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song sự phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thể phát huy hết với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đặc biệt trong lĩnh vực logistics, cảng biển, khai thác thủy sản và phát triển du lịch biển đảo. Một phần nguyên nhân là do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, các quy định về hành lang pháp lý liên quan đến hàng hải và cảng biển còn thiếu sót; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ liên quan cũng đang khan hiếm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải cần một lượng vốn lớn, trong khi các cơ chế và chính sách của tỉnh hiện tại chưa đủ mạnh để thu hút những doanh nghiệp lớn tham gia vào các lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics.
2. Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới
Quảng Ninh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trung tâm kinh tế biển với tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm trên 10%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD.
Tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế biển để cải thiện sinh kế và việc làm cho người dân, nhưng phải bảo đảm sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá.
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân của tỉnh Quảng Ninh về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm chủ quyền biển, hải đảo.
Hai là, cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thuỷ hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Việc đầu tư, thu hút đầu tư cũng cần được lựa chọn, tính toán cho phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Ba là, cần phải tận dụng các tiến bộ của Cuộc cách mạng lần thứ tư để ứng dụng hiệu quả vào các ngành kinh tế biển nhằm bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững; cần chú trọng xử lý hài hòa các vấn đề giữa phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Các công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế biển phải thực sự được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bốn là, tận dụng hội nhập quốc tế sâu rộng để thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực có trình độ khoa học và công nghệ cao như sản xuất công nghiệp, chế biến thuỷ hải sản, hàng hải…
ThS. VĂN THỊ HÀ
Đại học Công đoàn