Thực trạng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

CT&PT - Với nhiều giải pháp được thực thực đồng bộ, đặc biệt là việc đầu tư cơ cơ hạ tầng, sắp xếp, bố trí quy hoạch cũng như những đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã góp phần đưa Long An trở thành một trong những tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Trong bối cảnh phát triển đó, nguồn nhân lực là một trong những thành tố quan trọng đóng góp vào những kết quả trong phát triển kinh tế tại Long An.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong nhiều năm trở lại đây, lao động tại Long An có nhiều chuyển biến về số lượng và chất lượng. Đến nay lao động qua đào tạo trên 70%, trong đó qua đào tạo nghề trên 55%, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%. Tuy vậy, một trong những hạn chế, tồn tại hiện nay đặt ra chính là nguồn lực lao động tại Long An đa phần là lao động phổ thông; số lượng lao động qua đào tạo trong tỉnh chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu về lao động khoa học và công nghệ tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
Chính vì vậy, một trong những định hướng, nhiệm vụ quan trọng được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện là phát triển giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo những ngành, nghề gắn với thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng, cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp. 
Tỉnh Long An đã tổ chức nhiều đợt hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến với tổng số hơn 300 cán bộ quản lý doanh nghiệp tiêu biểu. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng tới người lao động, người tiêu dùng. Trên 30% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, tiếp cận thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng. Kết quả đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến hơn 1.000 lượt doanh nghiệp. Quá trình đào tạo, phổ cập kiến thức khoa học, thời gian qua Tỉnh đào tạo 20 chuyên gia đào tạo, tư vấn, chứng nhận năng suất và chất lượng tại các sở, ban, ngành, doanh nghiệp. Cử 40 lượt người thuộc sở khoa học và công nghệ (bao gồm đơn vị sự nghiệp) và các sở ngành tham dự các khóa đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng; đào tạo được 10 chuyên gia tư vấn, đào tạo thuộc Sở khoa học và công nghệ và hơn 30 chuyên gia năng suất chất lượng của doanh nghiệp, đạt 50% so với mục tiêu. 
Mặt khác, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, tỉnh Long An đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng, cụ thể: 
1. Về sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 03/9/2016 của Chính phủ về việc thống nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2016), tỉnh Long An đã chỉ đạo triển khai dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và ban hành các quyết định chuyển đổi công tác quản lý nhà nước từ ngành giáo dục và đào tạo sang ngành lao động, thương binh và xã hội từ ngày 01/3/2017. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 29/11/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)”, tỉnh đã tiến hành giải thể 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố và 01 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh; sáp nhập Trường trung cấp nghề Đức Hòa, Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười, Trường trung cấp nghề Cần Giuộc và Trường Cao đẳng Long An. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (10 cơ sở công lập, chiếm 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm 60%), trong đó gồm 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác tham gia giáo dục nghề nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước điều chỉnh theo cơ cấu ngành, nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. 
Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai đào tạo trên 80 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề lao động nông thôn thuộc cả 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Hình thức đào tạo ngày càng đa dạng, bên cạnh đào tạo chính quy tại cơ sở đào tạo, việc đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại doanh nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức rộng rãi.
2. Về đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tập trung xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng sự thay đổi cũng như nhu cầu của thị trường lao động; bảo đảm thống nhất trong việc liên thông giữa đào tạo giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nội dung chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ, theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng; tăng cường giáo dục tác phong công nghiệp, phẩm chất, đạo đức để hình thành năng lực nghề nghiệp và nhân cách của người học. Tăng cường đẩy mạnh việc học tập, ứng dụng các nội dung, chương trình đào tạo tiên tiến của các nước, các trường đào tạo đối với danh mục các nghề được Trung ương quy hoạch đào tạo nghề trọng điểm cấp khu vực và quốc tế. 
Phương pháp đào tạo đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành nghề nghiệp; ngoài tổ chức đào tạo theo niên chế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn triển khai phương thức đào tạo theo tích lũy mô-đun, tín chỉ để đáp ứng yêu cầu của người học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động, tích cực trong đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp các cấp trình độ. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá người học ngay trong quá trình học, theo dõi kết quả học tập từng giai đoạn, lập ngân hàng đề thi, lồng ghép đánh giá kỹ năng thực hành kết hợp với kiểm tra vấn đáp; từng bước tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tham gia đánh giá kỹ năng thực hành của học sinh, sinh viên và góp ý chương trình đào tạo. Qua đó, kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, kỹ năng tay nghề của người học. 
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đưa vào chương trình đào tạo nghề nội dung về quan hệ lao động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, pháp luật lao động, kiến thức về ứng xử văn hóa nơi làm việc để đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo...
3. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ, trong giai đoạn 2016 - 2020, Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm với 12 ngành nghề (2 loại hình cấp độ quốc tế; 2 loại hình cấp độ khu vực ASEAN; 8 loại hình cấp độ quốc gia). 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung kinh phí hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo. Trang thiết bị đào tạo đã được đầu tư theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phần lớn thiết bị đào tạo được đưa vào sử dụng để giảng dạy, học tập tại cơ sở và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh. 
Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất ở một số đơn vị còn thiếu, chưa đạt chuẩn theo quy định, cần phải được đầu tư mở rộng, nâng cấp thêm. Tại một số đơn vị, thiết bị đào tạo nghề trọng điểm còn chưa được đầu tư đầy đủ, thiết bị các nghề (ngoài nghề trọng điểm) trong thời gian dài chưa được đầu tư bổ sung nên còn thiếu so với danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ngoài ra, còn một số nghề xã hội có nhu cầu nhưng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư thiết bị để triển khai đào tạo.
4. Về nâng cao chất lượng giáo viên
Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề cho nhà giáo được tỉnh Long An quan tâm triển khai. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghiề nghiệp của tỉnh tăng về số lượng, được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ tin học, ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần 730 người, trong đó trình độ tiến sĩ 10 người, thạc sĩ 105 người... Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề cho giáo viên được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm triển khai thực hiện. 
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cử 420 lượt giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng (đào tạo sau đại học 19 người, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 246 người, bồi dưỡng kỹ năng thiết kế bài giảng điện tử 31 người, bồi dưỡng kỹ năng biên soạn giáo án tích hợp 57 người, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia 37 người, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề 30 người).
5. Về thực hiện chính sách học phí, học bổng, xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp
Trong giai đoạn 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chính sách miễn 100% học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề trình độ trung cấp; miễn, giảm học phí cho sinh viên khi tham gia học nghề trình độ cao đẳng theo quy định, theo đó từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, tỉnh Long An đã miễn, giảm học phí cho trên 15.000 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí trên 38,6 tỷ đồng [68]. Đồng thời, tỉnh Long An cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh có 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục được hưởng chính sách xã hội hóa và 02 doanh nghiệp đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án xã hội hóa Trường Trung cấp Y tế Long An và Đề án xã hội hóa Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An. Tuy vậy, đối với công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, trên thực tế vẫn còn hạn chế khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập phân bố không đều giữa các vùng trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã có khu, cụm công nghiệp và thành phố Tân An; cùng với đó số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập vẫn còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới. 
6. Về hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao
Thời gian qua, Long An đã có nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, nhất là việc triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết, hợp tác sau các chuyến công tác tại Nga, Trung Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc... nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm, tỉnh đã giới thiệu hợp tác với Nhật Bản nhằm phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực đưa đi làm việc tại Nhật Bản.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy, nhờ sự quan tâm, chú trọng trong công tác giáo dục và đào tạo, cho nên chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ qua đào tạo tại tỉnh Long An được doanh nghiệp đánh giá cao so với cả nước. Năm 2017, theo Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Công nghiệp, Thương mại Việt Nam (VCCI) tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Long An có chất lượng tốt chiếm 51,6%, đứng thứ hai trên toàn quốc. Đây cũng là tín hiệu lạc quan trong công tác quản lý chất lượng đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ theo hướng chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chỉ số thành phần này bị giảm điểm số và có vị trí xếp hạng không cao (xếp thứ hạng 38/63), do đó, tỉnh cần phải cải thiện hơn trong giai đoạn tới.

ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH
Trường Chính trị Long An

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin