Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay

CT&PT - Hội Chữ thập đỏ là một tổ chức nhân đạo xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động cứu trợ, phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao nhận thức về nhân đạo trong xã hội. Đặc biệt, tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như tỉnh Điện Biên, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ càng trở nên cần thiết, cùng với đó là yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

1. Những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thời gian qua

Trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Một là, UBND tỉnh Điện Biên đã quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều văn bản chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về triển khai thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ tại tỉnh. Các hoạt động này đã cung cấp khung khổ pháp lý, hướng dẫn khá cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong thực hiện và phối hợp thực hiện hoạt động nhân đạo trên địa bàn cũng như thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công tác nhân đạo. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên cũng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện công tác Chữ thập đỏ: Kế hoạch số 581/KH-CTĐĐB, ngày 27/12/2018 về việc mở chuyên mục nhân đạo phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên; Kế hoạch số 89/KH-CTĐĐB, ngày 13/3/2019 tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên - Ban Dân tộc - Đài Phát thanh truyền hình tỉnh - Báo Điện Biên Phủ trong hoạt động nhân đạo giai đoạn (2019 - 2023); Văn bản số 05-CTr/BCĐ, ngày 14/3/2019 về Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh với Bộ Chỉ huy quân sự; Văn bản số 179/BĐĐB-CTĐĐB, ngày 28/5/2019 về Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Bưu điện tỉnh Điện Biên... Các văn bản này đã cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm triển khai thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn một cách hiệu quả.

Hai là, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động của Chữ thập đỏ trên địa bàn đã được thực hiện tích cực và tương đối đa dạng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan đối với công tác nhân đạo trong tình hình mới. Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn… của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan thông tin, truyền thông trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân đạo, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 581/KH-CTĐĐB, ngày 27/12/2018 phát sóng chuyên mục “Truyền hình nhân đạo” trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, đặc biệt biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về “Tháng nhân đạo - Kết nối, sẻ chia và lan tỏa” và các hoạt động nổi bật của Hội như: thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hiến máu tình nguyện, khám chữa cho người dân…

Ba là, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Việc thanh tra, kiểm tra nhìn chung được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, có hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch đề ra và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra. Hoạt động kiểm tra đối với việc triển khai nghị quyết của các cấp Hội được tăng cường, kịp thời phát hiện phòng ngừa sai phạm, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ và các quy chế làm việc, quy định về công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu xây dựng tập thể cơ quan Hội Chữ thập đỏ các cấp bảo đảm “Kỷ cương - Tình thương - Chuyên nghiệp - Trách nhiệm”.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ đã được triển khai một cách hiệu quả và toàn diện. Các chương trình và kế hoạch hành động cụ thể được thực hiện đồng bộ, bảo đảm quy trình thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên và bao quát. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành kịp thời và đúng quy định, mang lại sự hài lòng cho người dân và các bên liên quan. Hình thức và hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, từ đó góp phần ngăn chặn và giảm thiểu các hành vi vi phạm. Những nỗ lực này đã giúp tỉnh Điện Biên duy trì và phát huy tốt các giá trị nhân đạo của phong trào Chữ thập đỏ, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề ra.

Bốn là, UBND tỉnh Điện Biên đã thực hiện đầy đủ các hoạt động thống kê, thông tin, tuyên truyền, báo cáo về hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, UBND tỉnh Điện Biên báo cáo kết quả thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ với Trung ương Hội Chữ thập đỏ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, công tác thống kê được tiến hành một cách chính xác, đầy đủ, phản ánh rõ  tình hình hoạt động Chữ thập đỏ tại địa phương. Các báo cáo được thực hiện kịp thời, chi tiết, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác và toàn diện cho các cơ quan cấp trên, qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành.

Năm là, công tác hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm thực hiện tốt hơn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên đã ký kết hợp tác với tỉnh Luangprabang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong thực hiện công tác nhân đạo giữa hai tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023 và 2024 - 2029. Tháng 7/2019, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên tổ chức đoàn sang thăm và làm việc tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Luangprabang để trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ của hai bên, thống nhất nội dung bản ghi nhớ và chương trình hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên đã trao tặng 20 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Luangprabang, hỗ trợ cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, Hội Chữ Thập đỏ các cấp trong toàn tỉnh đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri khắc phục hậu quả động đất, số tiền ủng hộ lên tới 264.178.500 đồng (tính đến ngày 07/6/2023).

Trên cơ sở những thành tựu đó trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ của UBND tỉnh Điện Biên, hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận:

Các cấp Hội đã bám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của Trung ương Hội, của tỉnh để thực hiện kế hoạch và các chương trình hoạt động của Hội. Các hoạt động nhân đạo đã thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các cấp Hội đã chủ động xây dựng, tổ chức nhiều mô hình hoạt động mới, cách làm hay như: Duy trì chương trình phát cơm, sữa miễn phí cho bệnh nhân, học sinh nghèo vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần của Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ; duy trì Tủ quần áo từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Mường Chà, Hội Chữ thập đỏ phường Mường Thanh; thành lập “Quỹ vì bệnh nhân nghèo” tại Trung tâm y tế huyện nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ, giúp đỡ các ca bệnh nặng… Tổng giá trị hoạt động nhân đạo trên toàn tỉnh năm 2021 đạt trên 23 tỷ đồng, năm 2022 đạt trên 17 tỷ  đồng và năm 2023 đạt trên 18 tỷ đồng. Số người được trợ giúp trung bình mỗi năm là khoảng 56.000 - 57.000 người.

2. Một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục rà soát công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch… về triển khai thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ tại tỉnh, bảo đảm đầy đủ, cụ thể và khả thi trong hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành. Triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của hoạt động Chữ thập đỏ và yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về triển khai thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ tại tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, cụ thể và khả thi ngay từ những khâu đầu tiên của quy trình thực hiện. Cần quan tâm quán triệt về những nội dung này trong một số hội nghị giao ban thường kỳ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhất là trong những thời điểm quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Thứ hai, UBND tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan đối với công tác nhân đạo trong bối cảnh mới. Về đối tượng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, cần chú trọng cả các cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Trong truyền thông, cần chú ý chuyển tải thông điệp quan trọng: Hoạt động tình nguyện, nhân đạo không phải là trách nhiệm của riêng Nhà nước hay của một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ động và định hướng. Mỗi người dân, tổ chức, không phân biệt công tư, đều có quyền tham gia và có trách nhiệm đóng góp làm cho mục tiêu của hoạt động nhân đạo trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ trong hoạt động và công tác của Hội các cấp cơ sở cũng như đối với các hoạt động nhân đạo nói chung, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cần xác định rõ hơn các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá, chẳng hạn như sự tham gia của các thành viên, hiệu quả của các chương trình và dự án, việc quản lý tài chính và tài nguyên, mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng... Các tổ chức và cơ quan liên quan cần thiết lập những quy trình và phương pháp kiểm tra nhất định, như việc xác định thời điểm và phương tiện kiểm tra, người thực hiện kiểm tra, phạm vi và phương pháp thu thập thông tin. Đồng thời, cần thiết kế các biểu mẫu và bảng đánh giá để ghi nhận kết quả thanh tra, kiểm tra một cách rõ ràng và dễ dàng phân tích. Các tổ chức và cơ quan cần tăng cường sử dụng thông tin từ quá trình thanh tra, kiểm tra để xác định những vấn đề hạn chế, vướng mắc, từ đó kịp thời đề xuất các biện pháp khắc phục và cải thiện. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của hệ thống báo cáo thường xuyên và thiết lập kênh thông tin để tiếp nhận phản hồi từ cộng đồng và các tổ chức liên quan, nhằm nâng cao trách nhiệm và sự minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, thông tin, tuyên truyền, báo cáo về hoạt động Chữ thập đỏ được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác thông tin, tổng hợp, báo cáo cần bảo đảm đúng thời gian, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, với việc lập kế hoạch cụ thể, sắp xếp công việc, thu thập thông tin từ những nguồn tin cậy. Thông tin phải được phân loại, tổng hợp và trình bày một cách rõ ràng và logic, sử dụng ngôn ngữ đơn giản và hình ảnh minh họa khi cần thiết. Cách thức thu thập thông tin báo cáo cần thường xuyên cải thiện và linh hoạt về quy trình; nội dung thông tin trong hệ thống báo cáo phải tuân thủ thời hạn hoàn thành, bảo đảm tính thời sự, cập nhật của thông tin. Có thể tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng thu thập thông tin và xây dựng báo cáo về hoạt động Chữ thập đỏ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề này trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục quan tâm đến công tác hợp tác quốc tế về hoạt động Chữ thập đỏ. Theo đó, UBND tỉnh cần khuyến khích Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân đạo quốc tế, nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và huy động nguồn lực quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài trong thực hiện công tác nhân đạo phù hợp với đặc điểm của các bên và bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện các văn bản ký kết đó trong điều kiện thực tiễn. Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế để nâng cao năng lực phòng ngừa, bên cạnh kinh nghiệm khắc phục hậu quả rủi ro trong hoạt động nhân đạo. Hơn nữa, cần đưa Điện Biên vào các chương trình nhân đạo toàn cầu, không chỉ nhằm nhận được sự hỗ trợ, mà còn để tham gia đóng góp tích cực vào các phong trào nhân đạo quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của tỉnh trong cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên không chỉ là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch và tuân thủ pháp luật, mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong bối cảnh hiện nay. Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước sẽ giúp hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm các nguồn lực được sử dụng một cách tối ưu, các hoạt động cứu trợ được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục tiêu, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực. Điều này cũng  giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực, bảo đảm sự minh bạch, công khai trong quá trình thực hiện các chương trình nhân đạo trên địa bàn tỉnh.

LÙ THÁI MINH

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin