Những tác động của chuyển đổi số đối với ngành xuất bản Việt Nam
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã khẳng định: “Nhận rõ sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn điện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập”. Thực tiễn cho thấy, hiện nay, vị trí, vai trò của ngành xuất bản trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng vẫn tiếp tục được khẳng định và giữ vững. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản, trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương, 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 383 tỷ đồng1.
Phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày”. Đối với ngành xuất bản, chuyển đổi số được coi là vấn đề mũi nhọn, trọng tâm được quan tâm triển khai thực hiện. Nhận định đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành trong tương lai nhưng bên cạnh những thuận lợi, thời cơ lớn thì cũng có nhiều thách thức nhất định.
Về những yếu tố mang tính thời cơ, thuận lợi:
Đối với công tác biên tập - được coi là công đoạn hết sức quan trọng của ngành xuất bản, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng của ấn phẩm sách thì chuyển đổi số giúp “giảm bớt gánh nặng công việc” cho các biên tập viên. Đơn cử như, trước đây, biên tập thuần tùy là việc tiến hành sửa chữa, góp ý về nội dung và hình thức bản thảo trực tiếp trên trang sách. Đến nay, với sự hỗ trợ của công cụ máy vi tính cũng như nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata) thì công việc biên tập có thể được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng online. Ngoài tính năng biên tập, duyệt online thì chuyển đổi số tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản xây dựng và phát triển các phầm mềm quét chống đạo văn, quét lỗi chính tả, hình thức… Việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu thay vì phải đến các thư viện truyền thống thì có thể tận dụng nguồn dữ liệu trên mạng internet, các kho sách điện tử đã được số hóa để biên tập viên có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển đổi số cũng là tác nhân quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ xu hướng sách điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2023 ở Việt Nam có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành điện tử. Một số doanh nghiệp xuất bản đã phát triển các ứng dụng đọc sách, thu hút được khá nhiều bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Ví dụ như Ứng dụng sách nói Fonos đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ứng dụng sách nói với hơn 5 triệu lượt nghe trên ứng dụng trong nửa đầu năm 2023; hàng trăm nghìn người nghe nội dung mỗi ngày. Fonos được đánh giá 4.7/5 sao ở các trang uy tín thế giới nhờ có nội dung sách nói đa dạng, với hơn 70% các tựa sách best seller trên thị trường sách2.
Trong công tác truyền thông, phát hành sách, chuyển đổi số góp phần giúp bạn đọc thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc mua sách. Truyền thông sách trước đây chủ yếu diễn ra tại các hội sách, các chương trình nhân các ngày kỷ niệm lớn hoặc khi xuất bản được các đầu sách mới thì hiện nay, giới thiệu, quảng bá sách được diễn ra liên tục, hàng ngày, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Mỗi nút like, share có thể giúp các ấn phẩm sách tiếp cận với nhiều hơn độc giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp cho các đơn vị xuất bản phát triển nền tảng bán hàng trên các website và sàn thương mại điện tử. Bạn đọc, người mua hàng không cần phải đi đến tận nơi để mua sách như trước đây mà có thể thực hiện lựa chọn, mua sách thông qua các app thương mại điện tử, mua sách trực tuyến, giao hàng tận nơi.
Về những yếu tố mang tính khó khăn, thách thức:
Trước hết, đó là nhận thức và hành động nhất quán, quyết tâm trong chuyển đổi số của cán bộ, viên chức, người lao động ngành xuất bản Việt Nam. Sự năng động thể hiện ở trình độ của từng người cũng như sự nhạy bén của nhà xuất bản với những công nghệ mới. Thử tưởng tượng, phần mềm biên tập hoàn chỉnh, nhưng biên tập viên không thể sử dụng hoặc không sử dụng được thì cũng không khai thác được lợi thế của công nghệ. Công nghệ thực sự là thách thức đối với những người ở thế hệ cũ, cán bộ, công nhân viên có tuổi đời cao bởi họ thiếu đi tính nhạy bén cần thiết cũng như tâm lý “ngại thay đổi”.
Chuyển đổi số cũng kéo theo sự phát triển của rất nhiều nền tảng giải trí, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản, trọng tâm là văn hóa đọc sách. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok cung cấp những sản phẩm giải trí đa dạng, miễn phí, có tính thời sự cao. Theo báo cáo DataReportal, Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1/2024, tương đương với 73,3% tổng dân số3. Con số về tỉ lệ người sử dụng mạng xã hội là khung khiếp, thuộc hàng top trên thế giới nhưng lại trái ngược với tỉ lệ đọc sách. Số liệu năm 2019 khi kỷ niệm 5 năm Ngày Sách Việt Nam cho thấy, có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỉ bản sách. Lấy con số này chia cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam hưởng thụ hơn 4,2 bản sách/năm. Tuy nhiên, trong số đó đã hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm. Số liệu tổng kết mới đây của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người/năm (năm 2014) lên 6,02 bản sách/người/năm (2022)4. Như vậy, một thách thức không nhỏ đối với các đơn vị xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là sự cạnh tranh từ nhiều loại hình giải trí, văn hóa phẩm khác nhau, dần thay thế cho việc đọc sách.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng tạo ra áp lực tương đối lớn đối với những đơn vị xuất bản trong việc đầu tư trang bị, máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực. Dưới làn sóng công nghệ thì việc đổi mới các trang thiết bị, trang cấp phần mềm bản quyền hay gia tăng nhân sự có trình độ cao đòi hỏi nhà xuất bản phải có nguồn vốn và sự đầu tư tương xứng. Thực tế thì, các nhà xuất bản lớn ở Việt Nam hiện nay vẫn có nguồn thu khá khiêm tốn, nếu đầu tư mạnh vào công nghệ thì cũng là vấn đề phải cân nhắc. Điều này sẽ khiến các nhà xuất bản có tâm lý đi sau, thiếu sự đầu tư công nghệ từ trước để phát triển lĩnh vực xuất bản, phát hành sách.
Sự chuyển dịch mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các đơn vị xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay
Xuất phát từ những tác động được phân tích ở trên, các đơn vị xuất bản bắt buộc phải chuyển dịch mô hình tổ chức và phương thức hoạt động sao cho hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Sự chuyển dịch này là yêu cầu tất yếu, là đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra đối với toàn ngành xuất bản Việt Nam thể hiện ở một số nội dung trọng tâm như sau:
- Thứ nhất, chuyển dịch về mô hình tổ chức
Các nhà xuất bản Việt Nam hiện nay thường hoạt động theo 02 loại hình: (i) Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự trang trải một phần chi phí (như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Lý luận chính trị…); và (ii) mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, tự hạch toán kinh doanh (như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam,…)5. Trên thực tế, ngành xuất bản Việt Nam hiện nay có sự phát triển chưa đồng đều, vẫn có một số đơn vị xuất bản hoạt động chưa hiệu quả; một số mô hình hoạt động còn cứng nhắc, cũ kĩ trong quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi số được coi là cơ hội để các đơn vị xuất bản thay đổi mô hình tổ chức. Muốn tiếp tục phát triển, trước mắt, đối với các nhà xuất bản cần tiến hành đổi mới mô hình hoạt động nội tại của mình. Căn cứ vào thực tế, có thể chuyển đổi mô hình hoạt động của các nhà xuất bản theo hướng chuyên môn hóa, cụ thể là tách thành hai mảng chuyên biệt là biên tập và phát hành, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp đối với từng mảng. Thậm chí, đối với lĩnh vực phát hành sách, các nhà xuất bản có thể thành lập các công ty con thực hiện việc kinh doanh theo hướng tự chủ khơi dậy sự năng động, chủ động, sáng tạo trong hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp phát hành sách hiện nay chủ yếu là các công ty tư nhân, chưa hình thành các Tập đoàn phát hành sách. Các nước trên thế giới đã có nhiều mô hình hiệu quả về Tập đoàn Truyền thông, Xuất bản và Phát hành sách nên trong thời gian tới, ngành xuất bản Việt Nam phải định hình rõ và thiết lập những doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu.
Mô hình nhà xuất bản số, doanh nghiệp phát hành sách số hoặc các đơn vị kinh doanh các nền tảng sách điện tử cũng sẽ là xu thế phổ biến trong tương lai. Những ứng dụng sách điện tử phổ biến ở Việt Nam hiện nay đang phát triển theo dạng thức này; tối giản mặt bằng, chi phí đầu tư; tập trung đầu tư khoa học, công nghệ, nhân lực số, phát triển trên thị trường internet rộng lớn chứ không bó hẹp tại các địa bàn địa phương như xuất bản truyền thống thường làm.
- Thứ hai, sự thay đổi về quy trình quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ
Có thể khái quát quy trình xuất bản từ khi nhận bản thảo đến khi xuất bản thành sách như sau: khai thác, tổ chức bản thảo - đăng ký xuất bản - biên tập, duyệt - xin giấy phép - in ấn - phát hành. Nhìn chung, các thành tựu về khoa học – công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn chưa được áp dụng nhiều vào quy trình xuất bản. Ví dụ, để đăng ký xuất bản, các nhà xuất bản phải đăng ký với Cục Xuất bản, In và Phát hành bằng văn bản giấy. Ngay cả trong nội bộ nhà xuất bản, ở một số đơn vị từ hồ sơ bản thảo đến bản thảo biên tập, khi biên tập viên nộp lên cấp trên cũng phải nộp bằng bản giấy… Phần mềm phát hiện đạo văn, phần mềm kiểm tra lỗi chính tả… vẫn chưa được ứng dụng phổ biến. Như vậy, so với các ngành lĩnh vực khác thì chuyển đổi số ngành xuất bản còn rất hạn chế về mặt ứng dụng trong các quy trình hoạt động và nghiệp vụ chuyên môn.
Trong thời gian tới, các đơn vị xuất bản cần phải phối hợp với các công ty công nghệ để thiết lập hệ thống quy trình xuất bản trên nền tảng online; tương tự như cách mà khối báo, tạp chí phát triển mô hình Tòa soạn hội tụ. Chẳng hạn như quy trình biên tập sách, việc xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý xuất bản thì sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và dễ dàng nắm được tiến độ của từng bản thảo. Biên tập viên sau khi biên tập xong có thể không cần nộp duyệt bản thảo bằng bản giấy mà chỉ cần nộp bản mềm; các khâu đọc kiểm tra, ký duyệt cũng được tiến hành trên hệ thống.
- Thứ ba, về phát triển sách giấy truyền thống và sách điện tử
Có nhiều quan điểm cho rằng, sách giấy truyền thống có thể sẽ bị sách điện tử lấn át, thậm chí gạt ra khỏi ngành xuất bản. Tuy nhiên, thực tiễn tại các nền xuất bản tiên tiến trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, sách giấy truyền thống vẫn có chỗ đứng khá vững chắc, mặc dù thị phần phát triển và nhóm khách hàng có phần bị thu hẹp.
Các đơn vị xuất bản cần có chiến lược rõ ràng để phát triển 02 loại hình sách này. Đối với sách điện tử, cần tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng từ sách ebook thành audio book, từ sách điện tử toàn văn cho đến sách tinh gọn, sách tóm tắt… Xuất bản phẩm điện tử có những ưu thế mà sách giấy không có. Mỗi điện thoại thông minh có thể trở thành một “thư viện bỏ túi”, chứa được hàng ngàn cuốn sách. Sử dụng sách điện tử, người dùng có thể đọc sách bất cứ thời gian nào, có thể điều chỉnh phông chữ lớn nhỏ tuỳ thích… Có thể nói đây là sản phẩm rất phù hợp với những công dân hiện đại. Nhưng sách giấy vẫn có nhóm khách hàng yêu thích riêng, đó là những người thích đọc, cầm sách giấy; thích sưu tầm, trang trí sách; thích trải nghiệm trao đổi, chia sẻ sách với những người có cùng sở thích. Các nhà xuất bản nên tiếp tục nâng cao chất lượng sách giấy truyền thống, bảo đảm giá cả phải chăng, thiết kế, trình bày hấp dẫn, có nội dung phong phú, giá trị cao về lý luận và thực tiễn…
Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho phát triển sách điện tử ở Việt Nam hiện nay chưa thể hoàn thiện bằng quy định đối với sách giấy truyền thống. Do đó, tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã và đang tác động không nhỏ đến hiệu quả của ngành cũng như quyền và lợi ích của tác giả, các đơn vị xuất bản. Thời gian tới, các cơ quan chức năng, cần tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, cụ thể là cần hướng dẫn chi tiết thủ tục, điều kiện để các đơn vị thuận lợi tham gia, đồng thời tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản điện tử. Đối với từng đơn vị xuất bản, phải gia tăng công nghệ bảo mật bản quyền sách điện tử, chủ động, kịp thời rà soát, bảo vệ các sản phẩm trí tuệ; tận dụng các tính năng report để các chủ thể quản lý ứng dụng trực tuyến gỡ các sản phẩm sách điện tử lưu hành trái phép.
- Thứ tư, mô hình phát triển cửa hàng sách truyền thống và cửa hàng trực tuyến
Nhờ có chuyển đổi số, các gian hàng sách hiện nay được bày bán phổ biến trên mạng internet. Sàn sách trực tuyến quốc gia book365.vn là điển hình của việc ứng dụng công nghệ trong phát hành, truyền thông sách trên nền tảng số với vai trò tiên phong của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sàn sách hiện có hàng nghìn đầu sách in phong phú từ gần 100 đơn vị xuất bản và phát hành tham gia với công nghệ tìm kiếm tối ưu giúp cho việc tìm kiếm sách in của bạn đọc trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài sách in, book365.vn còn tích hợp cả sàn sách ebook, sàn giao dịch bản quyền và khu vực sự kiện. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Việt Nam, book365.vn đã tổ chức Hội sách trực tuyến kết hợp với các cuộc thi, chuỗi sự kiện hấp dẫn. Nền tảng website fahasa.com cũng là một minh chứng rõ rệt về việc chuyển đổi phương thức bán hàng sang nền tảng online một cách hiệu quả. Website này vận hành với giao diện hiện đại, dễ sử dụng, truy cập nhanh; thao tác mua hàng đơn giản, trực tuyến và giao hàng tận nơi. Đối với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, TikTok… hiện nay cũng có rất nhiều gian hàng sách hoạt động tương đối hiệu quả.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi, liệu mô hình nhà sách truyền thống hay đường sách có còn phát triển trong tương lai hay không? Theo quan điểm của tác giả, các mô hình truyền thống này phải có sự thay đổi về tư duy và cách thức thực hiện nếu muốn phát triển hiệu quả. Đơn cử, hệ thống nhà sách Fahasa vẫn hoạt động tương đối hiệu quả trên thực tế, nhất là ở các thành phố lớn với diện tích rộng, đầy đủ mặt hàng sản phẩm sách. Tuy nhiên, tại các khu vực nông thôn và ít phát triển hơn thì mô hình nhà sách chưa đem lại hiệu quả kinh tế, số lượng giảm dần theo thời gian. Mô hình Đường sách Tp Hồ Chí Minh trong năm 2023, tổng doanh thu các đơn vị tại đường sách đạt 59,32 tỷ đồng, số bản sách bán ra đạt gần 720.000 cuốn, tăng 15% so với năm 2022. Đường Sách trở thành một trong 10 điểm mua sắm thú vị do giới chuyên môn và người tiêu dùng du lịch bình chọn. Đây là mô hình và cách làm rất hiệu quả mà Tp Hồ Chí Minh đã triển khai, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng lợi thế về địa điểm, vị trí kết nối với các khu trung tâm thành phố và sự đầu tư, quan tâm của chính quyền, doanh nghiệp giúp cho Đường sách này phát triển. Còn đối với những đường sách khác tại các địa phương trên cả nước thì sự hiệu quả chưa như kỳ vọng.
Tóm lại, về cơ bản mô hình cửa hàng sách truyền thống sẽ chưa thể “tuyệt chủng” trong tương lai, song sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt bởi các phương thức bán hàng trực tuyến. Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu các chủ thể kinh doanh xuất bản phẩm phải có chiến lược phát triển bài bản, phân tích chính xác thị hiếu và điều kiện kinh doanh ở từng khu vực, địa bàn để lựa chọn mô hình phù hợp.
1. Đức Huy, Đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản, https://mic.gov.vn/doi-moi-sang-tao-se-la-cau-chuyen-chinh-cua-xuat-ban-197240326091757469.htm
2. Xem Ứng dụng Fonos vượt mốc 5 triệu lượt nghe sách nói nửa đầu năm 2023, https://blog.fonos.vn/ung-dung-fonos-vuot-moc-5-trieu-luot-nghe-sach-noi-nua-dau-nam-2023/
3. Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết, https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20c%C3%B3%2072%2C70,%2C3%25%20t%E1%BB%95ng%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%91.&text=T%E1%BB%95ng%20c%E1%BB%99ng%20c%C3%B3%20168%2C5,tr%E1%BA%A1ng%20Digital%20%E1%BB%9F%20Vi%E1%BB%87t%20Nam.
4. Nguyễn Mỹ, Tại sao nhiều người Việt mất thói quen đọc sách?, https://baophapluat.vn/tai-sao-nhieu-nguoi-viet-mat-thoi-quen-doc-sach-post510360.html
5. Ngành xuất bản trước ngã rẽ, https://daibieunhandan.vn/van-hoa/Nganh-xuat-ban-truoc-nga-re-i256090/
ThS. Nguyễn Công Tây
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật