Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục ở một số nước trên thế giới - Bài học cho Việt Nam

CT&PT - Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục được xem là giải pháp quan trọng, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục trước yêu cầu mới, tăng khả năng thích ứng trước những thách thức đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục ở một số nước trên thế giới

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã và đang được các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh triển khai để mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực giáo dục như: Hoa Kỳ, Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia… đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đối số.

Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các trường học, cơ sở giáo dục theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số. Chuyển đổi số trong giáo dục gắn với ba khái niệm: đổi mới kỹ thuật số, thích ứng kỹ thuật số và đẩy nhanh kỹ thuật số. Đổi mới kỹ thuật số mô tả cách thức công nghệ cho phép các hình thức dạy và học mới, bao gồm cả các phương pháp sư phạm mới.

Thích ứng kỹ thuật số kiểm tra cách thức công nghệ yêu cầu giảng dạy các kỹ năng mới, để thích ứng với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động.

Tăng cường kỹ thuật số xem xét các chính sách hoặc xu hướng hiện tại, bao gồm đại chúng hóa, và việc tăng cường như thế nào nhờ vào sự phát triển công nghệ trong xã hội.

Các hình thức chính phục vụ cho chuyển đối số và đào tạo từ xa/đào tạo trực tuyến trong giáo dục, bao gồm: (i) Đào tạo từ xa (hay giáo dục từ xa, cũng là đào tạo mở và từ xa); (ii) Mô phỏng (Simulation); (iii) Lớp học đảo ngược (Flipped Classrooms); (iv) Trò chơi hóa (gamification); (v) Tài nguyên giáo dục mở (OER); và (vi) Cá nhân hóa (Personalization).

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục tại nhiều quốc gia. Nếu như trước khi xảy ra đại dịch, đa số các quốc gia chưa có những chính sách cụ thể để tăng ứng phó của giáo dục đối với cuộc khủng hoảng. Việc học từ xa đã không được sử dụng rộng rãi ở các nước.

Nguyên nhân cho việc thiếu tính sẵn có của học tập từ xa trực tuyến hoặc ngoại tuyến bao gồm: Thiếu/hạn chế truy cập vào các thiết bị và các công cụ kỹ thuật số; Không đủ cơ sở hạ tầng Internet (bao gồm các gói dữ liệu); vấn đề mạng đặc biệt ở các vùng nông thôn; Nguồn lực giáo dục trực tuyến hạn chế, không có hệ thống học tập trực tuyến hiệu quả tại chỗ; giáo viên, người đào tạo trong các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề không có đủ năng lực để chuyển giao các hoạt động trực tuyến và giới thiệu việc học từ xa (bao gồm xây dựng và thực hiện các khóa học); người học không có đủ kỹ năng số và năng lực để sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như phương tiện để có kiến thức và quản lý việc học. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng tới giáo dục, Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đào tạo trực tuyến. Tại Canada, Bangladesh và Mauritius, việc học tập dựa trên công việc, học nghề hoặc nội dung thực hành đã được chuyển giao (một phần) thông qua các nền tảng trực tuyến và cũng đang phát triển các gói đào tạo trực tuyến. Tại Chile, các cơ sở giáo dục sử dụng công cụ Padlet để đánh giá kết quả học tập của học sinh sinh viên thông qua các bản ghi video khi thực hiện các kỹ năng, và sử dụng mô phỏng kỹ thuật số. Tại một số quốc gia như Ý, Ukraine và Kazakhstan, các nền tảng số được phát triển cung cấp các giải pháp đào tạo trực tuyến bằng ngôn ngữ bản địa. Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, các nước EU, Malaysia, Philippin, El Salvador… phát triển nền tảng quản lý học tập tại nhà, mô phỏng hóa, thực tế ảo hỗ trợ việc học trực tuyến.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang cung cấp các biện pháp hỗ trợ đa dạng cho giáo viên và giảng viên thông qua đào tạo, hội thảo và hội nghị trực tuyến.

Những hoạt động này nhằm nâng cao các kỹ năng CNTT của giáo viên và giảng viên và hỗ trợ chuẩn bị các tài liệu học tập điện tử, như:

i) Sử dụng hệ thống quản lý học tập mã nguồn mở và miễn phí (LMS) như Moodle “Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment” (“Môi trường học tập năng động hướng tới đối tượng mô-đun), một nền tảng học tập được tạo ra để cung cấp cho giáo viên, giảng viên, giám sát viên và người học tùy chỉnh cài đặt lựa chọn học tập cho mình (Ai Cập, Hoa Kỳ);

ii) Cung cấp hỗ trợ về cách tiến hành các buổi học tuyến thông qua cố vấn của các nhóm Giảng viên và Công nghệ thông tin (Ấn Độ). Các biện pháp hỗ trợ cũng bao gồm nguồn tài liệu bằng video, hỗ trợ công nghệ 24/7 của hệ thống quản lý học tập (LMS) (Hoa Kỳ); các công cụ trực tuyến khác, phòng thí nghiệm CNTT, Internet chất lượng tốt, kỹ thuật viên sản xuất phim và dựng phim (Ai Cập, Thái Lan), nâng cấp công nghệ và liên tục hỗ trợ kỹ thuật liên quan (Canada).

iii) Cung cấp hỗ trợ cho giáo viên và giảng viên để trao đổi chiến lược và thực tiễn của họ thông qua các chương trình cố vấn bởi các giáo viên có nhiều kinh nghiệm và có thể hỗ trợ các đồng nghiệp của họ (Canada). Tại Philippines, giáo viên đang nhận được hỗ trợ vật chất dưới dạng thiết bị, do việc thiếu hụt thiết bị đặt ra thách thức lớn cho việc học từ xa. Ngoài ra, các nhà cung cấp viễn thông hỗ trợ cho các giáo viên dưới hình thức giảm thuế đối với băng thông dữ liệu. Tại Malaysia, các nền tảng thuộc sở hữu tư nhân đang cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các nền tảng học tập trong thời kỳ khủng hoảng.

2. Bài học rút ra cho Việt Nam

- Các nước đều đang nỗ lực thay đổi phương pháp dạy và học trực tiếp sang các hình thức học tập trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ số. Tương tác trực tiếp không phải là phương pháp duy nhất, việc kết hợp phương pháp, hình thức học tập trở thành một lựa chọn lâu dài cho việc học trong giáo dục để
đảm bảo đào tạo liên tục trong các tình huống.

- Cần tạo khung pháp lý cho việc học tập kết hợp trong giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình đòi hỏi lập kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận.

- Chương trình, giáo trình phát triển theo các mô-đun học tập với sự hỗ trợ của ngành viễn thông.

- Học sinh, sinh viên phải được chuẩn bị để trở thành người học độc lập, học cách thức và phương pháp học.

- Giáo viên cần linh hoạt hơn để tạo ra các phương pháp và tài liệu mới.

- Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông rất quan trọng cho cả giáo viên cũng như học sinh sinh viên.

- Đầu tư, phát triển và cung cấp các nền tảng học tập với mức phí phù hợp, hội nghị trực tuyến và các công cụ thực tế ảo (VR tools) phải đáp ứng nhu cầu và năng lực của người học cũng như các yêu cầu của các cở sở giáo dục.

ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin