1. Khái quát về quyền lực
Ở mức độ tổng quát nhất, quyền lực là khả năng đạt được những điều mà chủ thể có quyền lực mong muốn, tức là năng lực ảnh hưởng đến hành vi của người khác để đạt được mục đích. Theo nghĩa hẹp, quyền lực có tính chỉ huy, ép buộc đối với người khác, nghĩa là người có quyền lực chỉ huy người khác phải thực hiện những hành vi một cách ép buộc1.
Tuy nhiên, không phải lúc nào quyền lực cũng nằm trong tay một thế lực. Quyền lực có sự ổn định, song nó cũng có sự đảo lộn trật tự. Mỗi chủ thể thường nằm trong nhiều mối quan hệ quyền lực khác nhau. Trong quan hệ này, chủ thể là người có quyền lực, nhưng trong quan hệ khác, chủ thể lại là người dưới quyền. Hơn nữa, do mối quan hệ giữa người với người luôn thay đổi, nên quan hệ quyền lực không mang tính cố định.
Thực tế lịch sử cũng cho thấy, xung đột quyền lực là một hiện tượng khách quan và phổ biến, có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, hoặc vừa tích cực, vừa tiêu cực đối với sự phát triển. Khái quát thực tiễn lịch sử xã hội loài người từ khi có sự phân chia giai cấp đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin kết luận: đấu tranh giai cấp là một trong những nguyên nhân, nguồn gốc, động lực phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp. Ở đây, đấu tranh giai cấp là trường hợp điển hình của xung đột quyền lực trong mối quan hệ giữa các giai cấp. Sự xung đột quyền lực đó đóng vai trò là động lực cho sự phát triển của xã hội, nghĩa là nó mang ý nghĩa tích cực.
Theo đó, có thể hiểu quyền lực là khả năng thực hiện ý chí của chủ thể tác động đến hành vi, thái độ của chủ thể khác dựa trên một phương tiện nhất định như uy tín, chức vụ, sức mạnh…
Từ nội hàm của khái niệm quyền lực có thể thấy những nội dung cơ bản như sau:
Một là, quyền lực chỉ ra đời và tồn tại cùng xã hội loài người. Bên cạnh những hoạt động riêng biệt, con người có những hoạt động chung trong cộng đồng. Hoạt động chung giữa cá nhân với cá nhân tạo ra quyền lực của người này đối với người khác. C. Mác khẳng định, trong mọi công việc, khi có nhiều người hợp tác với nhau thì mối quan hệ chung và sự thống nhất tất yếu của quá trình phải biểu hiện ở ý chí điều khiển.
Hai là, quyền lực mang tính khách quan. Mặc dù ra đời và tồn tại cùng xã hội loài người, song quyền lực không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, mà đòi hỏi con người phải nhận thức và sử dụng đúng những gì nó có. Tính khách quan của quyền lực bắt nguồn từ bản chất xã hội của con người, suy đến cùng chính là tính quy định của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển của con người.
Ba là, quyền lực mang tính phổ biến. Trong xã hội, mỗi cá nhân đều có nhiều mối quan hệ khác nhau, mỗi quan hệ lại có quyền lực tương ứng. Quyền lực vừa tồn tại biệt lập, vừa đan xen, chồng chéo nhau tạo nên tổng hòa các quan hệ quyền lực theo yêu cầu xã hội. Trong mối quan hệ này, chủ thể có thể là đối tượng chịu sự điều chỉnh, nhưng trong mối quan hệ khác, chủ thể lại có thể là người chỉ huy, điều khiển.
Bốn là, quyền lực là quan hệ giữa người chỉ huy và người thừa hành, phục tùng. Bất kỳ hoạt động chung nào cũng có người chỉ huy và người phục tùng. Chỉ huy và phục tùng chỉ huy là điểm xuất phát của vấn đề trung tâm của quyền lực. Vì vậy, có thể hiểu, quyền lực là ý chí của người này được thi hành bởi người khác.
Cùng với thuật ngữ quyền lực còn có quyền uy. Quyền uy cũng là một khái niệm phản ánh vị thế của cá nhân trong khi sử dụng quyền lực. Quyền uy có được là do kết quả của nhiều yếu tố, nhưng yếu tố uy tín cá nhân trong xã hội của một cá nhân có đóng góp quan trọng vào cơ cấu quyền uy. Theo Ph. Ăngghen, quyền uy là ý chí của người khác buộc ta phải tiếp thu; quyền uy lấy sự phục tùng làm tiền đề. Như vậy, trong mối quan hệ giữa uy tín xã hội và quyền lực, uy tín là sự củng cố và hoàn thiện thêm vị thế quyền lực của chủ thể.
Quyền lực và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đạo đức là những quy tắc, chuẩn mực được xã hội công nhận, quy định hành vi và quan hệ giữa người với người trong xã hội. Những khái niệm về thiện và ác, lương tâm và danh dự, nghĩa vụ và quyền lợi, hạnh phúc và bất hạnh… là những phạm trù thuộc ý thức đạo đức. Đạo đức mang tính giai cấp, trong đó đạo đức của giai cấp cầm quyền giữ vai trò chi phối, thống trị đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, quyền lực còn có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa. Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, tiếp nhận, gìn giữ và phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Thông qua những hoạt động đa dạng, mỗi thành viên của cộng đồng đều tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa. Tuy nhiên, trong một cộng đồng, cho dù là cộng đồng dân chủ nhất, các thành viên cũng không bao giờ bình đẳng tuyệt đối. Những thành viên có nhiều quyền lực hơn sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến văn hóa cộng đồng. Do đó, có thể nói văn hóa của cộng đồng là sự phản ánh cơ cấu quyền lực. Trong một chừng mực nhất định, văn hóa của cộng đồng chính là sự phản ánh văn hóa của người lãnh đạo. Tất nhiên, văn hóa còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.
Có nhiều cách phân chia quyền lực: (1) Quyền lực đối với con người và quyền lực đối với vật chất; (2) Quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế; (3) Quyền lực trí thức và quyền lực tôn giáo; (4) Quyền lực sức khỏe cơ bắp và quyền lực tri thức; (5) Quyền lực cứng và quyền lực mềm; (6) Quyền lực vật chất và quyền lực tinh thần; (7) Quyền lực cổ truyền và quyền lực thủ đắc; (8) Quyền lực hợp pháp và quyền lực bất hợp pháp; (9) Quyền lực tập thể và quyền lực cá nhân; (10) Quyền lực thế tập và quyền lực do bầu cử; (11) Quyền lực của chuyên gia và quyền lực chuyên môn…
2. Kiểm soát quyền lực là thuộc tính của quyền lực nhà nước
Bản tính của con người là đam mê quyền lực và danh vọng. Theo nhà triết học người Anh Th. Hobbes, con người là vị kỷ với bản tính tư lợi cá nhân, luôn tìm cách sở hữu một địa vị, vị thế để bảo đảm các quyền và lợi ích của bản thân. Trong tác phẩm Leviathan (Con thủy quái, năm 1651) ông cho rằng: “Tinh thần vị kỷ trong loài người, một khát vọng không ngừng đối với quyền lực, điều này chỉ mất khi con người không còn nữa”2.
Do bản tính vị kỷ, người cầm quyền luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân, từ đó gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác cũng như lợi ích chung của cả cộng đồng. Đây là biểu hiện của truy tìm quyền lực - một trong những bản tính phổ biến của con người.
Trên thực tế, quan trường chính là môi trường truy tìm quyền lực. Xét trên phương diện khách quan, chế độ giai cấp của quyền lực có thể tạo ra sự ổn định, trật tự cho xã hội loài người. Trên phương diện chủ quan, con người luôn cố gắng đạt đến vị trí cao nhất, tìm mọi cách loại trừ nguy cơ áp bức có thể khiến bản thân cảm thấy thiếu an toàn, nghĩa là có sự đề phòng...
Ở phương Đông, tiêu biểu là những người theo tư tưởng của Khổng Tử, tin rằng bản tính con người là thiện, luôn mong chờ sự cai trị của một đấng minh quân, quan hệ vua - tôi được ví như quan hệ cha - con, do đó có quan điểm: “Vua xứng đáng làm vua, bề tôi xứng đáng làm bề tôi, cha xứng đáng làm cha, con xứng đáng làm con - Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Lấy lễ nghĩa, liêm sỉ làm đạo trị quốc an bang, thuận theo lễ nghĩa, trọng giáo hóa; lễ là lý, tính là tâm, từng bước thành ý - chính tâm - tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”. Theo đó, pháp luật của Trung Quốc là vương pháp, là sự “ban tặng” của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Nội dung chủ yếu là những hình phạt bổ sung vào lễ cho thứ dân, hơn nữa hình không đến đại quan, lễ không xuống đến dân thường - hình bất thượng đại phu, lễ bất hạ thứ nhân3.
Ngược lại, người phương Tây tin vào nhân tính bản ác của con người, không tin vào sự công bằng của giai cấp thống trị, luôn đòi hỏi sự công bằng của pháp luật, bình đẳng về nhân quyền, vì vậy, chủ trương xây dựng xã hội pháp trị xuất hiện từ sớm, từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại cho đến thời cận đại là Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Heraclitus từng kêu gọi người dân đấu tranh vì pháp luật của nước nhà. Aristotle cho rằng pháp luật là sự thể hiện của lý trí, không thể để tình cảm làm ảnh hưởng đến pháp luật4.
Platon khẳng định, nếu không có pháp luật, xã hội loài người không khác gì xã hội hoang dã. Ông lý giải nguyên nhân của tình trạng lạm quyền là do người cai trị trong bất kỳ chế độ nào cũng có xu hướng cai trị vì lợi ích cá nhân mà không vì lợi ích của người dân. Theo ông, đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết về những giá trị đức hạnh tạo nên đời sống tốt đẹp, khiến con người nảy sinh ham muốn đối với những yếu tố nhất thời như hư danh, phú quý. Những yếu tố này thường gắn với quyền lực chính trị, do đó, những người làm chính trị càng dễ phạm sai lầm.
Sự kiểm soát quyền lực nhà nước còn một nguyên nhân sâu xa nữa là bản tính tùy tiện của chính con người. Con người vốn dĩ hành động theo bản năng, thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện, hoàn cảnh chi phối hành vi của mình. Do đó, để tránh sự lạm quyền trong sử dụng quyền lực nhà nước, cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Nguy cơ sai lầm nằm trong chính con người bởi trí tuệ thuộc về lý tính của con người có hạn. Dù con người có trí tuệ siêu việt đến đâu cũng khó tránh khỏi sai lầm. J.S. Mill - nhà triết học và kinh tế lớn của Anh thế kỷ XIX từng nhận định: “Loài người không thể là thánh thần không bao giờ sai, chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân lý một nửa”5. Khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 - bản hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới, J. Madison - Tổng thống Hoa Kỳ (1809 - 1817) cũng cho rằng ủy ban hành pháp không phải là những thiên thần, nên ủy ban hành pháp cũng có thể phạm sai lầm. Đây là nhận thức căn bản khi đề xuất hệ thống kiềm chế và đối trọng cho bản Hiến pháp này6.
Hơn nữa, ngoài lý tính, con người còn có tình cảm, dục vọng và lòng tham. Trong nhiều trường hợp, hành vi của con người chịu sự chi phối lớn của tình cảm, lòng tham và dục vọng. Khi lý tính bị lấn át hay khống chế bởi những yếu tố đó, khả năng phạm sai lầm của con người là rất lớn. Trong những trường hợp này, con người lý tính cũng có thể mắc sai lầm. Điều này được Montesquieu chỉ rõ trong tác phẩm Tinh thần pháp luật (năm 1748): “... theo bản chất, con người cứ tự mình hành động, họ không nhất quán tuân thủ các luật nguyên thủy và ngay cả những luật lệ do họ đặt ra, con người cũng chẳng tuân thủ”7. Do đó, nhất thiết phải có kiểm soát quyền lực nhà nước.
Trong lịch sử phát triển của nhà nước, có thể thấy, nhà nước được chia thành nhiều hình thức, trong đó có nhà nước độc tài và nhà nước dân chủ. Nhà nước độc tài, chuyên chế thường gắn với chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Ở đó, quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp thống trị. Trong nhà nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân, gắn với chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ban đầu, khái niệm “nhân dân” của chế độ tư bản chỉ được sử dụng đối với người đàn ông da trắng và có tài sản. Dần dần, do sức ép của quá trình dân chủ, khái niệm này được mở rộng hơn về đối tượng, bao gồm nhiều chủng tộc, người da đen, phụ nữ, đặc biệt là không có sự phân biệt về tài sản. Song, không phải lúc nào nhân dân cũng có đủ khả năng và sẵn sàng tham gia một cách trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề phức tạp của nhà nước. Do đó, hình thức dân chủ đại diện ra đời. Ở đó, một nhóm người được nhân dân bầu ra để đại diện cho nhân dân thực hiện các công việc của nhà nước. Những người đại diện phải chịu trách nhiệm trước nhân dân bằng các hình thức chịu trách nhiệm khác nhau, tạo ra các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước khác nhau.
Giữa quyền lực nhà nước và quyền của cá nhân/quyền con người có sự khác biệt. Nhân quyền phải được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước. Song, chính quyền lực nhà nước cũng tiềm ẩn khả năng vi phạm nhân quyền, bởi so với các chủ thể khác trong xã hội, nhà nước có ưu thế hơn cả. Nhà nước nắm quyền lực, có nhân lực, vũ khí, tiền bạc,... - những đặc quyền mà các chủ thể phi nhà nước không thể có được. Vì vậy, so với các loại hình quyền lực khác, sự kiểm soát quyền lực nhà nước càng cần phải vượt trội.
Tóm lại, kiểm soát quyền lực là thuộc tính cơ bản của quyền lực nhà nước. Ở đâu có quyền lực nhà nước, ở đó phải có kiểm soát quyền lực nhà nước. Do đó, chủ thể, nội dung, hình thức, quy trình,… kiểm soát quyền lực nhà nước cần được quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện đúng mục đích, công khai, minh bạch.
1. Robert Dahl: Who Governs: Democracy and Power in American, City Yale University Press, 1961.
2. Th. Hobbes: Léviathan, Harmo
ndsworth, Penguin, 1968, p. 161.
3. Luật pháp - Khái lược những tư tưởng lớn, Lê Hương Ly dịch, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2023, tr. 36-37.
4. Le O: Nhân tính của người Trung Quốc, Trần Anh Tuấn dịch, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 46-47.
5. J. S. Mill: Bàn về tự do, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006, tr. 130-131.
ThS. NGUYỄN THU HẰNG (tổng hợp)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật