1. Luật Báo chí năm 2016 - Những kết quả đạt được
Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. So với Luật Báo chí năm 1999, Luật Báo chí năm 2016 có 32 điều xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung 29 điều. Luật Báo chí năm 2016 có nhiều điểm mới cơ bản, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; liên kết trong hoạt động báo chí; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; cải chính và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí…
Triển khai hướng dẫn thi hành Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí đã được ban hành với 02 nghị định (Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/02/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước) và 04 thông tư (03 thông tư do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành: Thông tư số 36/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động và chế độ báo cáo đối với loại hình báo nói, báo hình; Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san (thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016); Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT ngày 31/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo (thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016) và 01 thông tư do Bộ Tài chính ban hành: Thông tư số 81/2017/TT-BTC ngày 09/8/2017 quy định chế độ thù lao cho người đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu).
Hiện nay, cả nước có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 03 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số - VTC) nằm trong cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Ngoài ra, còn có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), gồm: 02 đài quốc gia (VOV và VTV); 64 đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số - VTC (trực thuộc Đài VOV) và 05 đơn vị hoạt động truyền hình (Báo Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình An ninh nhân dân, Truyền hình Thông tấn - VNews, Phát thanh - Truyền hình Quân đội). Trong 72 đài phát - thanh truyền hình, có 03 đơn vị là VTV, Vnews và Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài. Hiện nay, số trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép, còn hoạt động là 1.924 trang (riêng năm 2023 cấp giấy phép cho 90 trang. Số trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí còn hoạt động là 136 trang). Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện nay khoảng 41.000 người1.
Có thể nói, sau gần 08 năm thi hành, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Luật Báo chí năm 2016 tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, phóng viên tác nghiệp.
2. Thực trạng quy định của Luật Báo chí năm 2016
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí đã làm cho hành lang pháp lý về báo chí trong nhiều trường hợp không còn phù hợp với thực tế, cần phải hoàn thiện để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp hoạt động báo chí, cụ thể:
Một là, chưa lượng hóa rõ ràng giữa báo điện tử và tạp chí điện tử.
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016, báo in gồm báo in và tạp chí in; báo điện tử gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Khoản 15 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Quy định này mới chỉ dừng lại ở phân định loại hình, chưa cụ thể về đặc điểm, tính chất của nội dung thông tin, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo điện tử và tạp chí điện tử dẫn tới trên thực tế có tình trạng cơ quan tạp chí lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nói chung của báo chí để hoạt động như cơ quan báo, không phù hợp với tính chất của tạp chí. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 3/2024, các đơn vị chức năng của Bộ đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ quan báo chí, trang tin điện tử vi phạm, có thể kể đến như[2]: Quyết định số 52/QĐ-XPVPHC ngày 25/3/2024 của Cục trưởng Cục Báo chí, xử phạt Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn số tiền 135 triệu đồng với 08 lỗi vi phạm trong hoạt động báo chí; Quyết định số 23/QĐ-XPVPHC ngày 01/4/2024 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam với số tiền 50 triệu đồng về hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng và Quyết định số 22/QĐ-XPVPHC đối với Tổng biên tập Tạp chí với số tiền 04 triệu đồng về hành vi cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí…
Hai là, quy định về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí còn chưa rõ ràng.
Khoản 4 Điều 7 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”. Cụm từ “báo chí tại địa phương” chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau: Các cơ quan báo chí của địa phương (có cơ quan chủ quản là cơ quan, tổ chức của địa phương) hay các cơ quan báo chí có trụ sở đặt trên địa bàn (kể cả của trung ương và địa phương khác), gây khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước.
Ba là, quy định về nhập khẩu, xuất khẩu báo chí chưa rõ ràng.
Các cam kết quốc tế trong WTO, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đều có cam kết không mở cửa việc tổ chức nước ngoài được thành lập cơ quan báo chí tại Việt Nam. Đồng thời, cho phép hoạt động nhập khẩu báo chí in nước ngoài, không mở cửa thị trường cho cá nhân, tổ chức được nhập khẩu trực tiếp báo, tạp chí in vào thị trường Việt Nam3.
Điều 54 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Báo in xuất bản hợp pháp tại Việt Nam được phép xuất khẩu ra nước ngoài; việc nhập khẩu báo in được thực hiện thông qua cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép; cơ sở nhập khẩu báo in phải đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu; người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo in phải tổ chức kiểm tra nội dung báo chí nhập khẩu trước khi phát hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo in mà mình nhập khẩu.
Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 2016 chưa nêu rõ điều kiện để cấp giấy phép cho cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí là rất quan trọng, vì phải tổ chức kiểm tra nội dung của báo chí nhập khẩu trước khi phát hành, cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo chí mà mình nhập khẩu, nhưng điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí cũng chưa được quy định rõ ràng. Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí cũng có nét tương đồng với trách nhiệm của Tổng biên tập một cơ quan báo chí trong việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm báo chí khi đến với bạn đọc.
Thực trạng này khiến cho cơ quan quản lý nhà nước gặp vướng mắc khi xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp phép cho cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí, gây khó khăn cho người dân, tổ chức trong xã hội khi có mong muốn đặt mua báo chí nước ngoài để phục vụ cho các nhu cầu chính đáng, đặc biệt là với các sản phẩm báo in chuyên ngành, tạp chí khoa học. Pháp luật hiện hành xác định hoạt động nhập khẩu báo chí không phải là hoạt động kinh doanh (hoạt động kinh doanh chỉ bắt đầu khi sản phẩm báo chí được nhập khẩu và kiểm định nội dung, phát hành), nhưng hiện nay, tất cả các cơ sở nhập khẩu báo in đều là doanh nghiệp. Điều này dẫn tới sự không công bằng đối với hoạt động kinh doanh báo chí nhập khẩu theo quy định của pháp luật về đầu tư. Với các doanh nghiệp có năng lực và có nhu cầu nhập khẩu báo in sẽ gặp vướng mắc trong quá trình xin cấp phép nhập khẩu báo chí.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 07 doanh nghiệp đang tham gia vào hoạt động nhập khẩu báo in, trong đó, 04 doanh nghiệp có nguồn gốc là doanh nghiệp Nhà nước đã được Bộ Văn hóa - Thông tin chấp thuận cho phép hoạt động trước năm 2016 và 03 doanh nghiệp còn lại (Công ty TNHH Sách Á Châu, Công ty cổ phần Hợp nhất Quốc tế và Công ty TNHH Sách thật) được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận sau khi Luật Báo chí năm 2016 ra đời. Theo thống kê, tổng số tựa báo và tạp chí in được nhập khẩu trong 03 năm gần đây (từ năm 2021 đến năm 2023) là 37.715 (trung bình hàng năm số tựa báo và tạp chí in nhập khẩu là 12.571). Trên thế giới, theo số liệu năm 2020, đối với tạp chí, dữ liệu trích dẫn bao gồm khoảng 21.500 tạp chí khoa học có chất lượng của hơn 250 chuyên ngành khoa học và nghiên cứu trên thế giới4.
Bốn là, chưa điều chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.
Hiện nay, theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử trên tên miền. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nội dung báo trên tên miền đó. Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay, có nhiều cơ quan báo chí có các kênh truyền thông của mình trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Tiktok... Đây là một xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số báo chí để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, khai thác nguồn thu quảng cáo bổ sung từ phương thức này. Trong hệ sinh thái truyền thông của Báo Thanh niên, cơ quan sở hữu 09 kênh mạng xã hội khác nhau, trong đó có 03 kênh Facebook, 05 kênh Youtube, 01 kênh Lotus và 01 kênh TikTok. Các kênh đều đạt được độ nhận diện và tương tác cao với tổng hơn 10 triệu lượt theo dõi đa nền tảng. Những cơ quan báo chí đặc thù như Báo Quân đội nhân dân cũng đi đầu và đạt được hiệu quả cao trong quá trình xây dựng nội dung trên mạng xã hội. Facebook của Báo Quân đội nhân dân đã có “tick xanh” chỉ sau một năm hoạt động, kênh TikTok của Báo cũng đã đạt mốc 800 nghìn người theo dõi, mục tiêu là đạt một triệu người trong năm 20245. Tuy nhiên, các kênh, tài khoản trên mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới của các cơ quan báo chí hiện nay vẫn đang coi và quản lý như kênh, tài khoản thông thường giống các kênh, tài khoản khác; đồng thời, khi có nội dung vi phạm, cơ quan quản lý xử lý theo quy định của pháp luật về thông tin điện tử, chưa có cơ sở xử phạt theo quy định pháp luật về báo chí.
3. Một số kiến nghị, đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016
Thứ nhất, phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo điện tử và tạp chí điện tử: Khắc phục hạn chế của quy định hiện hành, pháp luật về báo chí cần sửa đổi, quy định cụ thể các nội hàm, khái niệm báo in, tạp chí in, báo điện tử và tạp chí điện tử để có các quy định điều chỉnh phù hợp. Sửa đổi, bổ sung, quy định rõ về báo, tạp chí, có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo điện tử và tạp chí điện tử.
Thứ hai, quy định rõ hơn về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương: Để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực báo chí, đặc biệt là tại địa phương, theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Luật Báo năm 2016 chí theo hướng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí của địa phương; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Luật Báo chí để phân cấp cho các địa phương xử lý các thủ tục hành chính như: Cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm đối với cơ quan báo chí của địa phương; cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản phụ trương đối với cơ quan báo chí của địa phương; cấp giấy phép, chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản đặc san đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương…
Thứ ba, bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số: Chuyển đổi số báo chí là vấn đề sống còn, chuyển đổi từ báo chí, truyền thông truyền thống sang báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa dịch vụ, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, nhằm thực hiện được sứ mệnh dẫn dắt, định hướng xã hội trên không gian mạng, góp phần giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng.
Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023. Nền tảng số là phương tiện truyền dẫn thông tin, do đó, cần mở rộng không gian hoạt động của báo chí để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới. Báo chí cần được cấp phép hoạt động với tên miền và trên các nền tảng. Hoạt động trên bất kỳ phương tiện/cách thức nào chủ thể vẫn là cơ quan báo chí và hoạt động báo chí. Theo tác giả, cần bổ sung trong Luật Báo chí 01 mục/chương về báo chí hoạt động trên môi trường số, trong đó xác định nền tảng số là phương tiện truyền dẫn thông tin. Nhà nước thừa nhận, khuyến khích, tạo điều kiện để báo chí hoạt động, lan tỏa thông tin trên nền tảng số. Việc hoạt động trên nền tảng số cơ quan báo chí đăng ký/thông báo, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí để được hỗ trợ và tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước. Mạng xã hội, nền tảng sử dụng tin/bài của cơ quan báo chí phải trả bản quyền theo quy định. Hoạt động trên nền tảng số của cơ quan báo chí tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí.
Thứ tư, bổ sung các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu báo chí: Để tăng cường năng lực thẩm định nội dung nhập khẩu, kiểm soát thông tin cho các cơ sở nhập khẩu báo chí, tạo ra môi trường minh bạch cho thị trường nhập khẩu báo chí, tăng khả năng tiếp cận của người dân tới tri thức đối với các sản phẩm nhập khẩu và tăng cơ hội tham gia vào hoạt động nhập khẩu báo chí của các đơn vị, theo tác giả, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, bổ sung quy định tại Điều 54 Luật Báo chí năm 2016 về điều kiện cấp phép đối với cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí (trong đó có cả tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ sở) và cho phép cơ quan báo được nhập khẩu báo in và không cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động nhập khẩu báo in; đồng thời, yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí; bổ sung quy định trong Điều 54 Luật Báo chí năm 2016 về việc xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình.
1. https://nvsk.vnanet.vn/cong-tac-bao-chi-nam-2023-nhieu-ket-qua-noi-bat-1-137874.vna.
2.https://vtv.vn/cong-nghe/xu-phat-hang-loat-don-vi-vi-pham-trong-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong-20240408212332694.htm.
3. https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138795.
4. Clarivate Plc đã phát hành bản cập nhật năm 2023 cho báo cáo Trích dẫn Tạp Chí (JRC) Research Information.
5. https://nguoilambao.vn/xu-huong-to-chuc-noi-dung-tren-mang-xa-hoi-cua-co-quan-bao-chi-hien-nay.
NGUYỄN TRƯỜNG GIANG