Hiệp định Pari - Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (*)

CT&PT - Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, trong đó nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong thời gian gần 5 năm, cuộc đàm phán Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc míttinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pari, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cuộc trò chuyện với phóng viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật về sự kiện trọng đại, có ý nghĩa chiến lược và cũng là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh này.

P.V: Hiệp định Pari được ký kết ngày 27/01/1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần đưa đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với vai trò người trong cuộc, bà có thể chia sẻ về những dấu ấn nổi bật trong quá trình đàm phán?

Bà Nguyễn Thị Bình: Trước hết, cần khẳng định rằng, Hiệp định Pari là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Trong gần 5 năm đàm phán đó, đoàn đàm phán của Việt Nam không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để có thể đi đến một ký kết nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt trên đất nước ta. Nhưng việc chấm dứt chiến tranh không chỉ tùy thuộc ở mong muốn của ta, mà còn tùy thuộc vào đối phương, đặc biệt là cục diện trên chiến trường.

Trong suốt quá trình đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có chủ trương rất đúng đắn về ngoại giao. Trước hết là đánh giá tình hình không chỉ trên chiến trường, về quân sự, chính trị, mà còn đánh giá cả tình hình thế giới. Từ đó cho thấy, trong ba năm đầu của quá trình đàm phán, từ năm 1969 đến năm 1971, trên chiến trường có sự giằng co giữa ta và địch; về mặt chính trị, ta mạnh hơn địch, song về mặt quân sự, ta và địch ở thế giằng co. Đến năm 1972, ta ở thế chủ động trên chiến trường, mở nhiều chiến dịch trên khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Quảng Trị. Ngược lại, Mỹ đàm phán muốn rút quân, song phải rút trên thế mạnh. Do đó, Mỹ vẫn có nhiều hoạt động phá hoại cả ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, ngăn chặn sự viện trợ của miền Bắc cho miền Nam, đồng thời ra sức bắn phá tuyến đường Trường Sơn. Đỉnh điểm là đêm 18/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc “đụng đầu” lịch sử kéo dài 12 ngày đêm được ví như “Trận Điện Biên Phủ trên không” kết thúc bằng việc 38 “pháo đài bay” B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng thất bại của không quân chiến lược Mỹ tại Hà Nội đã đẩy Mỹ vào thế thua không thể gắng gượng về mặt quân sự.

Trong khi đó, ta có được thuận lợi lớn, đó là dư luận quốc tế, đặc biệt là phong trào phản chiến ở Mỹ, đã tạo áp lực cho Tổng thống Nixon, đặt chính quyền Nixon vào thế phải chấm dứt chiến tranh.

Mặt khác, ngay từ ba năm trước, chúng ta đã đưa ra hai yêu cầu để đấu tranh với Mỹ, đó là Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam và xóa bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Phải giải quyết được hai vấn đề đó mới có thể chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, với tình hình chiến trường và quốc tế khi đó, trong khuôn khổ Hội nghị, chúng ta chỉ tập trung vào việc yêu cầu Mỹ rút quân, còn vấn đề chính trị miền Nam do các bên Việt Nam tự giải quyết. Đây là lựa chọn hết sức khôn ngoan. Vì vậy, Nixon mới đồng ý đàm phán thực chất. Kết quả là, ngày 22/01/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt. Tiếp đó, ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên. Với Hiệp định này, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt “dính líu” quân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam Việt Nam phát triển; từ đây, chính quyền Sài Gòn mất chỗ dựa về quân sự, suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng chính trị. Đây chính là điều kiện thuận lợi để quân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

P.V: Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Pari là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình trong đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin bà chia sẻ về nhận định này?

Bà Nguyễn Thị Bình: Có thể nói, đàm phán Hiệp định Pari là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh, đồng thời cũng là cuộc đàm phán dài nhất trong thế kỷ XX. Đây là cuộc đối thoại giữa một bên là lực lượng xâm lược của đế quốc sừng sỏ cùng bè lũ tay sai, với thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế, một bên là lực lượng chống xâm lược, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, không có ưu thế về mặt quân sự và kinh tế, nhưng có sức mạnh của chính nghĩa. Đồng thời, đây cũng là tâm điểm của cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao, giữa nền ngoại giao “nhà nghề” của một siêu cường đã tồn tại trên 200 năm, với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ.

Như chúng ta biết, nước Mỹ có nền ngoại giao lâu năm, bộ máy ngoại giao lớn, quan hệ quốc tế rộng, có kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế với nhiều đối tượng khác, có các nhà đàm phán, nhà ngoại giao sắc sảo, nhiều thủ thuật như: Hariman, Cabot Lodge, Henry Kissinger... Đàm phán là cuộc thương lượng giữa hai hay nhiều bên bình đẳng. Do đó, giữ thế chủ động, kiên trì mục tiêu đề ra là mối quan tâm lớn của ta trong quá trình đàm phán với Mỹ. Để tranh thủ thế chủ động trong đàm phán, ta vận dụng tư tưởng đánh lâu dài, không chịu sức ép, kiên trì đấu tranh, xoáy vào thế yếu của đối phương (Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam và phải chịu nhiều sức ép)..., do đó phải tìm cách kết thúc sớm chiến tranh để tranh thủ thế chủ động trong đàm phán.

Sự phối hợp giữa đàm phán với chiến tranh quân sự đã góp phần giúp ta giành thắng lợi từng bước, buộc địch phải “xuống thang” từng bước, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế trận trên chiến trường. Từ năm 1969, bước vào Hội nghị bốn bên, thực hiện Chỉ thị của Trung ương: “Đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Mỹ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ”, sức mạnh tổng hợp của ta cùng phong trào phản chiến đang dâng cao ở chính nước Mỹ đã buộc chính quyền Mỹ phải rút trên 400.000 quân trong 3 năm, tạo điều kiện quan trọng cho ta trên chiến trường. Mỹ rút quân hòng chuyển sức ép sang phía ta, song đàm phán đã góp phần tạo sức ép khiến Mỹ phải rút nhanh, rút hết. Đàm phán hỗ trợ chiến tranh quân sự đã đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari - bước “xuống thang” lớn nhất của Mỹ, đồng thời là thắng lợi cao nhất của ta trong chiến lược đàm phán phối hợp với chiến trường.

Có thể nói, ta giành được thế chủ động trong đàm phán vì đã chủ động trong điều hành cục diện cuộc chiến, biết phát động và kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta. Mặt khác, đi vào đàm phán, ta nắm chắc chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tính toán cung cách và bước đi chặt chẽ, giữ vững quyền chủ động trong quá trình thương lượng. Việc phối hợp giữa ngoại giao - đàm phán với đấu tranh quân sự có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tình thế và yêu cầu của chiến trường làm cơ sở, xem xét kỹ tình hình, dư luận quốc tế cũng như tình hình nội bộ Mỹ để có biện pháp ngoại giao tối ưu nhất. Nhờ đó, ta đã giành được thắng lợi bằng việc ký kết Hiệp định Pari, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

P.V: Với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari, bà được biết đến với phong cách ngoại giao bản lĩnh và khéo léo, được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu “Madame Bình”. Bà có thể bình luận thêm về nhận định này?

Bà Nguyễn Thị Bình: Năm 1968, tôi đảm nhận vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình tại Pari từ năm 1968 đến năm 1973 và cùng ký tên vào bản Hiệp định ngày 27/01/1973. Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn, áp lực, căng thẳng đối với cá nhân tôi và các thành viên tham gia đoàn đàm phán. Song, đó cũng là cơ hội để tôi học hỏi, tích lũy được nhiều bài học về công tác ngoại giao. Tôi cho rằng những bài học đó cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Một là, giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, xuất phát từ lợi ích quốc gia, hiểu rõ lực lượng phía mình và đối phương để có bước đi, quyết định phù hợp, đặc biệt là sự kết hợp giữa ngoại giao và đấu tranh quân sự. Hai là, kiên định lập trường, nguyên tắc và mục tiêu chiến lược của mình, nhưng sách lược phải mềm dẻo, linh hoạt. Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, nhưng phải dựa vào sức mình là chính. Những bài học lớn mang tính nguyên tắc này có thể vận dụng trong xây dựng đường lối đối ngoại trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Đi vào cụ thể, có thể kể đến những bài học như: đối với đấu tranh trong từng phiên họp, trên các vấn đề lớn, phải biết gạt các mũi tấn công, các “đòn” gây sức ép của đối phương bằng lý lẽ, lập luận sắc bén, cách ứng xử thẳng thắn, quyết liệt. Thực tế cho thấy, trong quá trình đàm phán, không có phiên họp nào mà phía Mỹ không đề cập vấn đề “rút quân miền Bắc”, nhằm đánh lừa dư luận, gây khó khăn cho ta. Về phía ta, một mặt ta khẳng định: “Thực hiện quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, mọi người Việt Nam đều có quyền chiến đấu trên bất kỳ mảnh đất nào của Tổ quốc mình”; mặt khác, ta đưa ra phương thức: “Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Lập trường này đã trở thành một điều khoản (Điều 13) của Hiệp định Pari. Hay khi Mỹ nhiều lần ném bom một số nơi ở miền Bắc Việt Nam để gây sức ép, khiến không khí đàm phán căng thẳng, đoàn đàm phán của ta đến phiên họp đọc bản tuyên bố lên án Mỹ rồi bỏ họp mà không để đối phương kịp phản ứng. Chủ động bỏ họp như vậy cũng là một cách tấn công gây tác động mạnh trong dư luận.

Hoặc trong tiến trình đàm phán, ta cũng cần hết sức khôn khéo khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài. Tôi còn nhớ trong một buổi trả lời phỏng vấn, có nhà báo hỏi: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”. Tôi trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Có nhà báo lại hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?”. Tôi trả lời: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”… Việc trả lời những câu hỏi của báo chí chính là một kênh thể hiện quan điểm, lập trường của phía ta trong tiến trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định cũng như khẳng định chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là những chi tiết rất nhỏ, song những người làm công tác ngoại giao cần đặc biệt chú trọng.

P.V: Xin cảm ơn bà!


 

(*) Tiêu đề do Ban Biên tập Tạp chí Chính trị và Phát triển đặt.

ThS. NGUYỄN THỊ THÚY

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin