1. Thực trạng thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam trong thời gian qua
Những kết quả đạt được
Một là, Nhà nước đã sử dụng thành công chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Sau những năm cải biến hệ thống giá, lương, tiền, Nhà nước ta đã sử dụng chính sách tiền tệ một cách bài bản hơn. Chính sách tiền tệ đã linh hoạt hơn trong vận dụng cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đa chủ động hơn trong thực thi chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát thành công. Nhà nước đã chuyển chế độ lãi suất cố định sang chế độ lãi suất thị trường có kiểm soát. Các công cụ chính sách tiền tệ đã được sử dụng thường xuyên để điều tiết lượng cung tiền. Tỷ giá hối đoái được điều chỉnh linh hoạt trên thị trường liên ngân hàng.
Hoạt động ngân hàng từng bước được chấn chỉnh, đã có một số tiến bộ trong điều hành và sử dụng công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng tiếp tục tăng, đáp ứng một phần quan trọng trong tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất. Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thận trọng, nhằm mục đích ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường không có những biến động lớn về giá cả, lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng vẫn chưa phát huy mạnh mẽ vai trò là công cụ quan trọng điều tiết kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ và khả năng kiểm soát giám sát nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng còn hạn chế.
Hai là, chính sách tài khóa dần đi vào chiều sâu. Thuế và chi ngân sách Nhà nước đần dần được luật hóa. Cải cách hệ thống thuế đã trải qua nhiều giai đoạn. Cho đến nay nước ta đã có hệ thống thuế hiện đại, tương thích với các nước trong khu vực. Nhà nước đã sử dụng khá thành công chính sách tài khóa trong kích cầu chống suy thoái.
Ba là, Chính sách thương mại quốc tế đã dần chuẩn hóa theo pháp luật quốc tế. Nhà nước đã lãnh đạo quá trình hội nhập quốc tế. Nhà nước đã thiết lập quan hệ kinh té đối ngoại thuận lợi cho mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Thành công trong việc thực hiện chính sách thương mại là đã đưa nước ta len thứ hạng cao trong xuất khẩu một số hàng hóa và chuyển đổi nền kinh tế nặng tính tự cung, tự cấp sang nền kinh tế mở.
Thị trường trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam ngày càng mở rộng và đã chuyến mạnh từ đơn thị trường ra thành đa thị trường. Trước năm 1986 thị trường chủ yếu của ta là Liên Xô và Đông Âu (chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu). Từ năm 1987 với chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà Nước theo hướng đa phương hoá trong quan hệ bạn hàng đa dạng hoá trong các lại sản phấm như hiện nay Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với hơn 165 quốc gia trên thế giới, trong đó ký hợp đồng thương mại song phương với 72 nước. Các bạn hàng lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, EU... Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO đang và sẽ giúp nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua và những năm tới
Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, sự tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế và đàm phán gia nhập các tổ chức kinh tế khu vục và toàn cầu, cơ chế chính sách của Việt Nam đã được đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng tự do hoá thương mại đầu tư, giảm thiểu mức can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực buôn bán quốc tế. Điều đó đóng góp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngoại thương Việt Nam
Bốn là, chính sách đầu tư đã từng bước đi vào chiều sâu, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đổi mới quản lý đầu tư công. Nhà nước đã liên tục điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài theo hướng thích nghi với những biến động của kinh tế thế giới. Nhờ đó, có những giai đoạn Việt Nam được đánh giá là có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Ngay cả giai đoạn nền kinh tế thế giới gặp khó khăn thì luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì.
Chính sách khuyến khích đầu tư trong nước cũng được điều chỉnh nhiều lần nhằm khai thác nguồn lực trong dân cư phục vụ phát triển đất nước. Chính sách đầu tư công đã được hoàn thiện từng bước theo hướng tập trung cho tập trung cho lĩnh vực hạ tầng, sản xuất hàng hóa công ích. Tỷ trọng đầu tư công có xu hướng giảm, đầu tư vào các công trình hạ tầng trọng điểm có xu hướng tăng.
Hạn chế
Bên cạnh những thành công nổi bật, quá trình vận dụng chính sách kinh tế của Nhà nước ta cũng còn một số hạn chế. Hạn chế rõ nhất là thể chế để xây dựng và thực thi chính sách kinh tế thiếu đồng bộ, hiệu quả thực thi chính sách kinh tế chưa cao, một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu nhất quán, cụ thể là:
Chính sách tài khóa chưa tập trung cho các nhiệm vụ trung tâm, còn chịu ảnh hưởng của quan điểm phân chia ngân sách nhà nước theo kiểu bao cấp, bình quân, dàn đều, không đủ khuyến khích đủ mức người sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ngân sách nhà nước còn bao cấp không rõ ràng cho hệ thống lớn các cơ quan hành chính sự nghiệp, chi đầu tư phát triển mang lại hiệu quả thấp. Hệ thống các sắc thuế ngày càng được hoàn thiện nhưng triển khai thực hiện không nghiêm nên tác động điều tiết chưa cao.
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa phối hợp nhất quán với nhau. Cơ chế điều hành của Ngân hàng Nhà nước còn nặng nề về kiểm soát hành chính. Các biện pháp điều tiết thông qua thị trường chưa kịp thời.
Chính sách thương mại quốc tế chưa chú trọng vào các giải pháp tạo dựng năng lực ứng phó quốc gia như thực thi các biện pháp tự vệ trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp ở nước ngoài. Vì thế, mặc dù ngoại thương của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng lợi ích mà đất nước thu được qua ngoại thương không lớn.
Chính sách đầu tư mới chú trọng tạo môi trường khuyến khích đầu tư theo chiều rộng, ít có các biện pháp hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu. Đi đôi với tăng đầu tư cũng tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên, cơ cấu kinh tế chậm dịch chuyển heo hướng hiện đại.
Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách kinh tế còn chậm, một số nội dung chính sách kinh tế còn lạc hậu, nhất là chính sách tài khóa. Một số chính sách không ổn định, thiếu tính liên kết giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Phân cấp thực hiện chính sách kinh tế chưa hợp lý giữa trung ương và địa phương…
2. Giải pháp đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay
2.1. Các giải pháp chung
Các chính sách kinh tế vĩ mô có quan hệ lồng ghép, đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình hoạch định và thực hiện nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế vĩ mô chung. Để đảm bảo hiệu quả của từng chính sách và hiệu quả của cả hệ thống kinh tế vĩ mô nói chung, cần có sự thống nhất, phối hợp các chính sách này.
Để phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện các giải pháp chung sau đây:
Đổi mới tư duy và nhận thức
Thứ nhất, phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.
Thứ hai, phối hợp trong việc bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế; trong việc tạo dựng và phát triển các thị trường: vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ,...; trong việc bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và trong các vấn đề về kinh tế đối ngoại.
Thứ ba, phối hợp trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm: xác định các mục tiêu của chính sách; đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp, công cụ thực hiện mục tiêu chính sách; triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và đánh giá, điều chỉnh chính sách.
Thứ tư, phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực.
Thứ năm, phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin, bao gồm: tạo lập hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở thông tin thống nhất cho hoạt động dự báo và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; xác định rõ các nội dung dự báo vĩ mô chủ yếu của Bộ, cơ quan liên quan gắn với yêu cầu thông tin dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Đổi mới sự phối hợp các khâu và yếu tố chính sách
Để phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, cần phải phối hợp ở tất cả các khâu và yếu tố của chu trình chính sách.
Phối hợp về mục tiêu:
Trong phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, phối hợp mục tiêu là quan trọng nhất. Tất cả các chính sách đều phải phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô nói chung. Tuy nhiên các chính sách lại có mục tiêu trung gian, chuyên biệt của mình. Do đó, hệ thống mục tiêu kinh tế vĩ mô cần xác định rõ trật tự ưu tiên, tránh tình trạng không rõ về thứ tự ưu tiên làm dàn trải nguồn lực và lúng túng trong cách thực hiện.
Phối hợp về sử dụng công cụ:
Phối hợp công cụ vừa thể hiện của phối hợp chính sách, vừa là sự phối hợp tác nghiệp để nâng cao hiệu lục của công cụ. Một số chính sách sử dụng chung công cụ với tác động mâu thuẫn nhau đối với các mục tiêu trung gian càng cần phải phối hợp công cụ để tránh tình trạng “ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Hơn nữa nhiều công cụ có cơ chế dẫn truyền đa hướng cũng cần chú ý trong khi sử dụng.
Phối hợp về liều lượng giải pháp và thời gian:
Khi phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô với nhau cần chú ý đến liều lượng và thời gian phối hợp. Mỗi chính sách sẽ được áp dụng theo hướng tuân thủ phương án tổng thể, tuyệt đối không được vì mục tiêu ngành hay mục tiêu lợi ích cục bộ của một nhóm lợi ích nào đó mà tùy tiện áp dụng làm phá vỡ phương án phối hợp tổng thể.
Phối hợp về tổ chức và thông tin:
Để phối hợp về tổ chức và thông tin có hiệu quả, cần gấp rút nâng cao năng lực thống kê, phân tích, dự báo ở các cơ quan chủ trì các chính sách kinh tế vĩ mô, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu công việc đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô tại các cơ quan có liên quan. Cũng cần chú ý tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng chính sách do Trung ương hoạch định và thực th mà chưa phát huy vai trò và nỗ lực của các cấp địa phương.
2.2. Giải pháp cụ thể
Đổi mới chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa phải được hoàn thiện theo hướng động viên hợp lý, phân phối và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và công bằng. Cụ thể là: (i) Xác định đúng trọng tâm và bảo đảm đủ nguồn đối với các biện pháp chính sách tài khóa, phục vụ mục tiêu điều chỉnh vĩ mô; (ii) Tăng cường kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước; (iii) Cải tiến quy trình ngân sách nhà nước từ lập ngân sách ngắn hạn sang kế hoạch trung hạn; (iv) Đổi mới quy trình hoạch định, ban hành chính sách tài khóa; (v) Sửa đổi Luật ngân sách Nhà nước và các thể chế liên quan đến chính sách tài khóa.
Đổi mới chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ hoàn thiện theo hướng chủ động và linh hoạt trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả đồng tiền.
Các biện pháp được nhấn mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ là hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ, an toàn cho hệ thống ngân hàng, khuyến khích thanh toán hạn chế tiền mặt, điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, tổ chức và phát triển các loại thị trường tiền tệ. Đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài chính và chính tiền tệ.
Đổi mới chính sách thương mại quốc tế
Mô hình thương mại mang tính chất: phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu, cụ thể là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và theo xu hướng tự do hóa thương mại hạn chế bảo hộ mậu dịch đến mức tối đa. Cụ thể là: Tăng tính thống nhất trong nhận thức về giải quyết mối quan hệ giữa tự do hoá thương mại và bảo hộ mậu dịch; Tiếp tục hoàn thiện các công cụ của chính sách thương mại quốc tế.
Đổi mới chính sách đầu tư
Hoàn thiện chính sách đầu tư theo hướng khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư tư nhân và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước. Các biện pháp được chú trọng là: Nhà nước cam kết đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các nhà đầu tư không phân biệt thành phần kinh tế. Khuyến khích mọi hình thức tổ chức kinh doanh hợp pháp. Tổ chức lại đầu tư công theo hướng hiện đại. Nâng cao chất lượng đấu thầu theo hướng đầu tư công. Thu hút đầu tư nước ngoài có tiềm lực lớn, có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn, thân thiện với môi trường và tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước.
Trên đây là các giải pháp tiếp tục đổi mới các chính sách kinh tế vĩ mô của nước ta, trong thời gian tới để đạt được hiệu quả tối đa khi vận dụng các chính sách, chúng ta cần xây dựng đồng bộ với các tiền đề khác: nguồn lực lao động, cơ sở vận chất… đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế.
TS. NGUYỄN THỊ OANH
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật