Kỹ năng thông tin phục vụ giảng dạy kinh tế trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa

CT&PT - Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, con người phải đối mặt với lượng thông tin khổng lồ, do đó, cần có các kỹ năng thông tin tốt để tiếp cận, sàng lọc và xử lý thông tin. Đối với những giảng viên giảng dạy kinh tế, kỹ năng thông tin có vai trò rất quan trọng, nhằm trang bị cho học viên những kỹ năng cần thiết để phân tích và sử dụng thông tin hiệu quả.

1. Thông tin và kỹ năng thông tin trong môi trường giáo dục

Thông tin là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh. Theo quan điểm triết học, thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh… hay bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người. Trong môi trường giáo dục, thông tin trở thành cơ sở để hình thành nên tri thức đối với học viên. Tri thức là những hiểu biết của con người về hiện thực, được thu thập thông qua trải nghiệm hoặc giáo dục, tìm hiểu và khám phá. Chỉ những thông tin được trí óc của con người tiếp nhận và được xử lý tích cực qua quá trình suy nghĩ, học hỏi để nhận thức, mới trở thành tri thức. Có thể nói, tri thức là tập hợp các thông tin hữu ích đã được trí tuệ của con người xác nhận và đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

Trong bối cảnh hiện nay, con người có thể dễ dàng tiếp cận với một lượng thông tin khổng lồ nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và số hóa. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều thông tin hơn là tốt, vì bản thân thông tin có thể là tốt hoặc xấu, có thể đúng hoặc sai. Để việc giảng dạy kinh tế mang lại hiệu quả cao, người giảng viên cần sử dụng các thông tin tốt, có giá trị. Đặc trưng của một thông tin tốt gồm: thông tin phải thích hợp; thông tin phải kịp thời; thông tin phải chính xác; và thông tin có tính ổn định. Ngược lại, thông tin chất lượng thấp là những thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo do hành động có chủ tâm của nguồn hoặc do quá trình truyền tin. Vì vậy, giảng viên cần phải có kỹ năng thông tin tốt để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Kỹ năng thông tin là khả năng nhận biết được nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được. Kỹ năng thông tin đóng vai trò như một chất xúc tác cho tất cả các hình thức học tập, và quá trình hình thành kỹ năng thông tin đòi hỏi con người phải nhận thức được bản thân trong thế giới quanh mình; để trải nghiệm thông tin qua những bối cảnh thông tin cụ thể. Bối cảnh thông tin là không gian giao tiếp được tạo ra bởi những người cùng tham gia vào một lĩnh vực hoạt động thực tiễn. Khi con người đi vào những bối cảnh này, họ sẽ tương tác với thông tin cụ thể trong đó. Để hình thành nên kỹ năng thông tin, đòi hỏi một người phải tương tác với thông tin trong một bối cảnh và hiểu các bộ phận hình thành nên bối cảnh thông tin đó.

Phân tích vai trò của kỹ năng thông tin trong giáo dục cũng chính là chỉ ra vai trò của các hoạt động để đáp ứng nhu cầu thông tin, như tìm kiếm thông tin, lựa chọn, tư duy và đánh giá thông tin, và trình bày thông tin một cách khách quan trong một môi trường giáo dục. Trong giảng dạy kinh tế, người giảng viên phải có sự lựa chọn các thông tin kinh tế và văn bản của Đảng và Nhà nước một cách cập nhật và đầy đủ; trên cơ sở đó có sự tư duy, phân tích, tổng hợp và liên hệ giữa các thông tin.

2. Yêu cầu về kỹ năng thông tin trong giảng dạy kinh tế trong bối cảnh mới

Bảo đảm tính chính xác

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay, nhân loại đang bước vào thời đại bùng nổ thông tin. Bùng nổ thông tin là thuật ngữ đặc trưng cho sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thông tin tư liệu trên thế giới trong mấy chục năm gần đây. Một mặt, sự bùng nổ thông tin này khiến cho con người dễ dàng tiếp cận được với thông tin, mặt khác, nó có thể khiến chất lượng thông tin suy giảm. Công nghệ thông tin đã mở rộng đối tượng người dùng tin, không chỉ là cộng đồng khoa học, mà còn cả những nhà quản lý, các giám đốc xí nghiệp, các nhà công nghệ, luật gia, các cán bộ chính trị, các nhà giáo dục,… Họ không chỉ là những người dùng tin, mà còn là những người tạo ra những thông tin mới. Bên cạnh những thông tin tốt, sẽ có những thông tin không được kiểm chứng, thiểu tính chính xác và thiếu cơ sở khoa học.

Chưa khi nào trong lịch sử nhân loại, con người lại tiếp cận với nhiều dữ liệu thông tin một cách dễ dàng đến vậy. Chỉ riêng trong năm 2007, một lượng dữ liệu 1,288 x 1018 bits đã được tạo ra trên thế giới, tương đương với 161 tỷ gigabytes dữ liệu số. Lượng dữ liệu này lớn gấp ba triệu lần lượng thông tin trong tất cả các cuốn sách từng được viết, hoặc sáu tấn sách cho mỗi người đang sống trên trái đất. Cần tới hơn hai tỷ chiếc iPod với dung lượng bộ nhớ 64GB để lưu trữ tất cả thông tin đó. Năm 2003, các nhà nghiên cứu ước tính tổng lượng thông tin của thế giới vào khoảng 5 tỷ gigabytes. Ước tính, từ năm 2005 đến năm 2020, dữ liệu toàn cầu tăng trưởng gấp 300 lần, từ 130 exabyte lên 40.000 exabyte, hay 40 nghìn tỷ gigabyte, tương đương hơn 5.200 gigabyte cho mỗi người trên thế giới trong năm 2020.

Một hệ quả của sự bùng nổ thông tin chính là hiện tượng quá tải thông tin (information overload). Bộ não con người không có khả năng tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ như vậy, dẫn tới mặt trái của sự bùng nổ thông tin, là sự quá tải. Quá tải thông tin là tình trạng xảy ra khi lượng thông tin có sẵn vượt quá khả năng xử lý của một người. Quá tải thông tin đã trở thành một hiện tượng thực tế, và các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá hết được các tác động tiêu cực mà nó có thể mang lại cho con người, đặc biệt là người trẻ tuổi. Việc sử dụng liên tục các công nghệ kỹ thuật, và tiếp cận liên tục với số lượng lớn thông tin có thể gây căng thẳng cho cá nhân, gia đình và xã hội. Khi con người đứng trước quá nhiều thông tin, khả năng đưa ra quyết định của họ bị cản trở bởi sự nhiễu động của thông tin.

Khả năng đưa ra quyết định hợp lý của một cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào lượng thông tin mà người đó tiếp xúc. Nếu một người ra quyết định nhận được quá ít thông tin, họ không thể có một cái nhìn tổng quan và có nguy cơ phải đưa ra quyết định khi thiếu sót các thông tin quan trọng. Nhưng ngược lại, khi thông tin dư thừa, có thể gây nên các hậu quả như nhầm lẫn, căng thẳng hoặc thậm chí lo sợ. Đây chính là một nghịch lý lựa chọn, khi càng có nhiều lựa chọn, thì khả năng một người không thể đưa ra một quyết định dứt khoát lại càng cao.

Vì vậy, trong truyền tải thông tin khi giảng dạy kinh tế, đòi hỏi người giảng viên phải bảo đảm tính xác thực và đúng đắn của thông tin. Nói cách khác thông tin phải phản ánh đúng thực tế. Độ tin cậy của thông tin được tăng lên nếu nó được kiểm tra bằng các phương tiện độc lập. Nếu thông tin không đầy đủ thì mức độ không chắc chắn cần phải được chỉ ra, hoặc phải tuân theo một quy ước nào đó. Thông tin phải dễ hiểu, để học viên có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng.

Bảo đảm tính kịp thời

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thông tin trong những thập niên gần đây đã mang lại những tác động to lớn và những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở khắp các nước trên thế giới. Ở mọi ngành, nghề, các hoạt động sản xuất đều gắn với các hoạt động có hàm lượng tri thức và thông tin cao. Những tiến bộ công nghệ khiến cho tri thức và thông tin được sản sinh ra và ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng. Các cơ sở kinh doanh liên tục cố gắng làm cho hàng hóa của mình thông minh hơn để gia tăng lợi nhuận. Trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, con người phải liên tục học tập, trao đổi thông tin, tri thức và kỹ năng.

Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ thể hiện ở chỗ ngày nay những thành tựu của khoa học và công nghệ ngày càng nhanh chóng đi vào đời sống. Khoảng thời gian từ lúc xuất hiện các ý tưởng khoa học, phát minh ra một công nghệ mới đến khi áp dụng rộng rãi vào sản xuất ngày càng được rút ngắn. Chẳng hạn thời gian từ khi phát minh đến khi áp dụng phổ biến của đài radio là 30 năm (1890 - 1920); truyền hình vô tuyến 30 năm (1920 - 1950); mạng internet 24 năm (1970 - 1994); điện thoại di động 27 năm (1973 - 2000); điện thoại thông minh 16 năm (1994 - 2010); thẻ nhớ USB 9 năm (1996 - 2005); và gần đây, những công nghệ như Blockchain hay AI có khả năng tạo văn bản chỉ trong vài năm, thậm chí vài tháng.

Một hệ quả nữa của hiện tượng bùng nổ thông tin là sự rút ngắn đáng kể thời gian hữu ích của một tài liệu, hay tính lỗi thời của tài liệu. Trong một số lĩnh vực, tri thức luôn tự đổi mới với một tốc độ rất nhanh, đến nỗi người ta có thể nói rằng một quyển sách có thể trở thành vô giá trị ngay sau khi xuất bản nó. Do đó, người ta phải thường xuyên bổ sung vốn tài liệu và không ngừng phải xử lý chúng, hoặc bằng thủ công hoặc bằng phương tiện tự động hóa. Trước sự bùng nổ thông tin như vậy, yêu cầu đặt ra trong giảng dạy kinh tế là phải bảo đảm tính cập nhật và kịp thời của thông tin.

Ngoài ra, bối cảnh thời đại mới cũng có thể làm nảy sinh các vấn đề kinh tế mới, đòi hỏi người giảng viên phải có sự tìm tòi nghiên cứu và cập nhật. Đó là một số vấn đề kinh tế như sự bất cân xứng trong quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế; sự chậm lại hay thậm chí đảo ngược của xu thế toàn cầu hóa; vấn đề gia tăng nợ công và giảm lãi suất trên toàn cầu; các vấn đề về tính bền vững của sự phát triển; bảo đảm an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong phát triển kinh tế… Trên cơ sở cập nhật thông tin về những vấn đề này, trách nhiệm của người giảng viên là giúp học viên hình thành nên kỹ năng thông tin cho chính mình. Người giảng viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho học viên kết nối với các nguồn thông tin, như các cơ sở dữ liệu, tài nguyên dữ liệu trên mạng, thông qua sự hỗ trở của công nghệ thông tin và truyền thông, kết hợp kỹ năng đọc, nghiên cứu và phương pháp truyền thống khác để hỗ trợ một cá nhân sử dụng thông tin một cách hiệu quả trong việc ra quyết định.

Bảo đảm tính hệ thống, đầy đủ, toàn diện

Trong quá trình thu thập và truyền đạt thông tin, người sử dụng thông tin phải hết sức tránh hiệu ứng “một nửa sự thật” (half-truth effect). Đây là hiệu ứng trong đó một thông tin được cung cấp không đầy đủ hoặc trộn lẫn giữa thông tin tốt và thông tin chất lượng thấp với mục đích cố ý để đánh lừa người tiếp nhận thông tin. Hiệu ứng một nửa sự thật không chỉ đến từ nội dung của thông tin, tức là hàm chứa trong nó cả thông tin tốt và thông tin xấu, mà còn xuất phát từ thứ tự của các tuyên bố đúng và sai. Cụ thể, mỗi cá nhân sẽ có nhiều khả năng tin vào một thông điệp sai khi thông điệp đó bắt đầu bằng một phần thông tin đúng và sau đó sử dụng thuật ngữ logic để gắn nó với một phần thông tin sai lệch không liên quan. Ngược lại, các cá nhân sẽ ít có khả năng tin vào thông tin sai lệch hơn khi thông tin sai được trình bày trước, ngay cả khi theo sau là một thông tin đúng.

Vì vậy, trong giảng dạy kinh tế, người giảng viên cần quan tâm bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện và hệ thống của thông tin. Giảng viên phải cung cấp cho học viên những thông tin cần và đủ để có thể tiếp nhận thông tin tốt, và ra những quyết định quản lý có cơ sở khoa học. Tính toàn diện của thông tin bảo đảm cho học viên có thể xem xét, đánh giá thông tin trong tổng thể tính phức tạp, đa dạng của nó, qua đó hình thành nên kỹ năng thông tin của riêng mình.

Cách tiếp cận giáo dục hiện đại là đặt người học vào vị trí trung tâm, vì vậy, trong giảng dạy kinh tế, người giảng viên cần xác định rõ vai trò kiến tạo của mình. Việc hình thành nên tri thức, kỹ năng và tiếp nhận thông tin của học viên không phải là một quá trình tái sản xuất lại những tri thức, kỹ năng và thông tin của giảng viên, mà là một quá trình xây dựng mới trong chủ thể là người học. Người giảng viên có vai trò tạo lập môi trường hỗ trợ, với các thông tin hệ thống, đầy đủ, toàn diện, để khuyến khích các hành vi thực hành cho học viên, đồng thời cung cấp các phản hồi về quá trình hình thành kỹ năng thông tin của học viên .

3. Một số giải pháp nâng cao kỹ năng thông tin phục vụ giảng dạy kinh tế trong bối cảnh mới

Thứ nhất, người giảng viên kinh tế trong bối cảnh mới phải duy trì một thái độ cầu thị, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, các công cụ hỗ trợ quá trình tìm thông tin sẽ liên tục thay đổi. Người giảng viên cần nắm vững các nguyên lý tìm thông tin cơ bản, lấy đó làm cơ sở để liên tục tự học hỏi về cách thức sử dụng các công cụ hỗ trợ mới. Bên cạnh những thông tin cung cấp trong trường học truyền thống, người giảng viên phải rèn luyện khả năng tích hợp các thông tin mới về máy tính, internet và mạng xã hội trong giảng dạy. Việc chuyển đổi chương trình đào tạo phải hướng đến mục đích rèn luyện cho người học thái độ học tập suốt đời. Ngoài ra, người giảng viên cần trau dồi kỹ năng về ngoại ngữ của bản thân. Trong môi trường giao lưu thông tin toàn cầu hiện nay, khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, trở thành một lợi thế lớn để lựa chọn, tìm kiếm và xử lý thông tin.

Thứ hai, giảng viên phải nâng cao kỹ năng lựa chọn thông tin.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc lựa chọn thông tin đúng sẽ giúp việc thu thập thông tin có trọng tâm, bảo đảm thu thập đầy đủ thông tin cần thiết, khắc phục tình trạng dàn trải hoặc thiếu thông tin phục vụ cho yêu cầu công việc. Người giảng viên phải rèn luyện kỹ năng nhận dạng các nguồn tài liệu đáng tin cậy. Khi lựa chọn các nguồn thông tin, các giảng viên cũng cần chú trọng đến các ưu, nhược điểm của các nguồn thông tin khác nhau để nâng cao kỹ năng thông tin của mình.

Thứ ba, giảng viên phải nâng cao kỹ năng phân loại thông tin.

Phân loại thông tin giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm thông tin cũng như giúp việc trình bày các thông tin trở nên rõ ràng hơn. Khi phải đối mặt với một số lượng thông tin lớn, cần học cách sắp xếp thông tin để tránh việc thất lạc, hoặc không thể trích dẫn nguồn thông tin một cách chính xác. Việc phân loại thông tin có thể được thực hiện tùy theo yêu cầu sử dụng, chức năng của thông tin, vị trí của thông tin, đặc điểm, tính chất của thông tin, mức độ xử lý thông tin, nguồn thông tin… Với đặc thù của một ngành nghiên cứu về những vấn đề kinh tế, cần lưu ý phân loại theo tính chất định dạng của thông tin. Theo đó, thông tin có thể chia thành thông tin định tính và thông tin định lượng. Thông tin định tính thường dùng để nghiên cứu về hành vi, sự kiện, chức năng tổ chức, môi trường xã hội, phản ứng và các quan hệ kinh tế… Thông tin định lượng là những thông tin được thu thập từ các tài liệu thống kê hoặc kết quả điều tra, khảo sát, kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng thu thập, xử lý, vận dụng thông tin trong giảng dạy kinh tế.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng các công cụ tìm kiếm trực tuyến, sử dụng các công cụ AI để thu thập và xử lý thông tin sẽ giúp ích nhiều cho các giảng viên kinh tế. Người giảng viên cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để tinh chỉnh các câu lệnh (prompt engineering) tìm kiếm trực tuyến của mình nhằm tìm nội dung phù hợp và đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ AI cũng cần sự thận trọng để không bị lệ thuộc vào công nghệ này. Có ý kiến cho rằng AI khác với các phát minh công nghệ thông tin trong quá khứ như điện tín, máy in hoặc thậm chí là chữ viết, vì AI là công nghệ đầu tiên có khả năng tự đưa ra quyết định và tạo ra ý tưởng. Trong khi máy in và chữ viết cung cấp phương tiện mới để kết nối mọi người, AI có thể trở thành một thành viên mới trong mạng lưới thông tin của con người. Sự xuất hiện của thành viên mới này có thể dẫn đến các quyết định và ý tưởng xa lạ với con người, làm thay đổi cấu trúc hệ thống của mạng lưới thông tin. Trong bối cảnh đó, không chỉ người giảng viên, mà cả xã hội cũng cần có sự điều chỉnh, thích ứng, bảo đảm  những thay đổi do AI mang lại không đi ngược với mục tiêu của con người.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin