Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi internet ngày càng phổ biến và di động, do đó điều chắc chắn rằng, các công nghệ số sẽ tự động hóa nhiều việc làm trong hầu hết các ngành nghề. Tùy theo sự phát triển của từng quốc gia, từng ngành nghề mà cuộc công nghệ số sẽ tự động hóa các nền kinh tế được đến mức nào. Có hai mặt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Công nghệ số sẽ lấy đi nhiều việc làm truyền thống nhưng cũng mở ra cơ hội cho rất nhiều loại việc mới. Dù các ngành nghề sẽ thay đổi, nhiều nghề giảm đi, nhiều nghề tăng lên, có được những kỹ năng mới sẽ luôn là việc cần thiết của người lao động trong mọi ngành nghề. Để có thể thích nghi với sự thay đổi, những tri thức cơ bản về toán học và tin học là cần thiết cho mọi người, cho hầu hết mọi ngành nghề. Ở thời kỳ chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, hầu hết người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, dữ liệu, việc sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính, giống như người nông dân quen với cái cày, cái bừa hay người thợ mộc quen với cái cưa, cái đục. Có thể nói, về bản chất, quốc gia nào thắng cuộc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là quốc gia làm chủ được công nghệ số và các nguồn dữ liệu, đưa chúng vào mọi lĩnh vực của sản xuất và cuộc sống, làm cho sản xuất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua các phương pháp của trí tuệ nhân tạo.
Muốn làm cách mạng phải có lực lượng. Muốn làm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải có nguồn nhân lực số. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần chuẩn bị và đào tạo ngay nguồn nhân lực số để đông đảo người lao động có thể sử dụng được công nghệ số trong nghề nghiệp của mình và một bộ phận tinh hoa có thể tạo ra công nghệ số cho những nghề nghiệp đó, nhất là những nghề trong hướng phát triển của đất nước. Mặc dù nguồn nhân lực Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm bằng những định hướng phát triển, có thể kể đến như: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt nam thời kỳ 2011 - 2020 (Quyết định số 597/QĐ-TTg, ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), tuy nhiên, tính cụ thể và hiệu quả thực thi những chủ trương, chính sách này vẫn chưa cao. Cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Đối với các nước có trình độ sản xuất phát triển, đang trong guồng quay của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chất lượng lao động không còn là vấn đề lớn nhưng với Việt Nam hiện nay, muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số - nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, nguồn nhân lực số nói riêng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết cần đổi mới và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong những ngành cần phải có những thay đổi ngay để nâng cao khả năng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những yêu cầu đối với ngành giáo dục và đào tạo như sau: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế”. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí. Với thực trạng hiện nay, sự đào tạo chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của đời sống và sản xuất đang còn yếu kém, nếu không muốn nói là thụt lùi so với các quốc gia láng giềng, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có một chiến lược cải cách giáo dục - đào tạo ổn định với những ý tưởng mới dựa trên cơ sở khoa học và thực tế phù hợp. Như vậy, các cơ sở giáo dục - đào tạo phải đổi mới toàn diện và sâu sắc từ công tác đào tạo đến quản trị nhà trường để cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực có đủ năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh ngày càng khốc liệt do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra. Với các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 4.0 với sự xuất hiện của rôbốt có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội thì những lao động làm việc như là lực lượng trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng và dễ dàng bị rôbốt thay thế trong tương lai gần, bao gồm từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục...
Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức giáo dục - đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trước hết, cần tập trung nguồn lực khắc phục những hạn chế hiện nay về điều kiện bảo đảm cho sự đổi mới đó (đa số các cơ sở giáo dục - đào tạo còn chậm trễ trong đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; hạ tầng công nghệ thông tin còn lạc hậu và không đồng bộ). Giáo dục - đào tạo phải hướng tới kiến tạo tư duy lôgíc, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy kinh tế, tư duy chính trị... Chương trình phải được thiết kế linh hoạt, đáp ứng chuẩn đầu ra và tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phương tiện dạy học cũng như công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người - máy. Hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học giữa các viện, trường trong nước với các viện, trường nước ngoài ở các nước tiên tiến trên thế giới, mà trước hết là với các nước trong ASEAN để dần tiệm cận tầm khu vực và nâng dần lên tầm quốc tế với các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực của giáo dục - đào tạo như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, quản trị nhà trường... Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục - đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam; thực hiện liên kết, hợp tác tổ chức giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, trong môi trường 4.0, phương pháp đào tạo cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục - đào tạo theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học.
Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục - đào tạo với nhu cầu xã hội, đặc biệt là với các doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp, thúc đẩy “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp nhằm chia sẻ các nguồn lực chung: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động giáo dục - đào tạo cần phải được gắn kết với doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai. Đồng thời, nhanh chóng tăng cường tính tự chủ trong hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhằm tạo sự linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của khoa học - công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động, khi mà các cơ sở giáo dục - đào tạo có thể thực sự tự chịu trách nhiệm về phát triển theo hướng tinh gọn, năng động, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao.
Thứ năm, đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo cả ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, tạo cơ chế đồng bộ và rạch ròi giữa các chức năng quản lý nhà nước và quản trị nhà trường theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm; giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào các hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường; chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý giáo dục - đào tạo ở các cấp, nhất là ở cấp địa phương. Như vậy, cũng cần gấp rút hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở giáo dục - đào tạo, người lao động trước khi tham gia thị trường lao động với những yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần xây dựng các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm ở các cấp trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng. Đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng như chính sách về tiền lương nhằm thu hút người có kiến thức, kỹ năng phù hợp. Đội ngũ cán bộ giáo dục - đào tạo phải có đủ năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo cao và tự chịu trách nhiệm. Do vậy, cần tổ chức các hoạt động giáo dục - đào tạo cả trong nước và ngoài nước để đáp ứng được yêu cầu công việc, có cơ chế sàng lọc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý và giảng dạy.
Thứ sáu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung, trong công tác quản lý giáo dục - đào tạo nói riêng; đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục - đào tạo; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm quản lý, điều hành tổng thể về giáo dục - đào tạo; đầu tư các thiết bị, hệ thống thông tin quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý dạy và học. Xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở hình thành phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng... Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, và như vậy cần có chiến lược thay đổi về quy mô, cơ cấu và chất lượng giảng viên.
Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số - nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó cần thực sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học...; sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
BÙI THỊ BẮC
Học viện Báo chí và Tuyên truyền