Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước Bắc Âu và gợi mở cho Việt Nam

CT&PT - Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi những nỗ lực ứng phó chung. Bắc Âu là khu vực đã và đang chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, các nước Bắc Âu thực thi nhiều chính sách đặc biệt nhằm giảm lượng khí phát thải, tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh. Bài viết tìm hiểu sự tác động của biến đổi khí hậu đến các nước Bắc Âu hiện nay cùng những đối sách để ứng phó của các nước; những kinh nghiệm, giá trị tham khảo với Việt Nam.

1. Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước Bắc Âu

Các nước Bắc Âu còn được gọi là Scandinavia1, là khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu so với phần còn lại của châu Âu. Về địa hình, phần lớn bán đảo Scandinavia là núi và cao nguyên. Địa hình băng hà cổ rất phổ biến: bờ biển dạng fiord (fiord là một vịnh nhỏ dài, hẹp, với những dốc đứng hay vách đá cao, do sông băng tạo ra) nhiều ở Na Uy; dạng hồ đầm (Phần Lan); đảo Aixơlencó nhiều núi lửa và suối nước nóng. Khí hậu lạnh giá vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ở Svalbard, một vùng lãnh thổ xa xôi của Na Uy, phía trên Vòng Bắc Cực, các tác động về biến đổi khí hậu đã được thấy rõ. Tuyết tan dày đặc khiến cư dân ở đây phải đối mặt với những trận lở đất nguy hiểm và phần lớn khu định cư chính của quần đảo (Longyearbyen) không thể ở được. Xa hơn về phía Nam, ở Aixơlen, hiện tượng băng tan đang dần trở nên rõ ràng hơn. Greenland là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, băng tan ở đây là nguyên nhân lớn góp phần vào sự gia tăng mực nước biển toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân Bắc Âu. Các chính phủ và người dân đã có nhiều hành động và xem những tác động của biến đổi khí hậu như là những thách thức. 

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, những thách thức mà Bắc Âu cần giải quyết là: vấn đề phát triển bền vững về mặt sinh thái; quá trình sản xuất và tiêu dùng không bền vững; biến đổi khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học2.Từ đótầm nhìn đến năm 2030, Bắc Âu xác định ba chiến lược ưu tiên là: cùng xanh, cùng cạnh tranh và cùng bền vững về mặt xã hội. Cụ thể:

Một khu vực Bắc Âu cùng xanh, chúng ta sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của xã hội và hướng tới sự trung hòa cácbon và một nền kinh tế dựa trên sinh học và vòng tròn bền vững.

Một khu vực Bắc Âu cùng cạnh tranh, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh ở khu vực Bắc Âu dựa trên tri thức, đổi mới, tính di động và tích hợp kỹ thuật số.

Một khu vực Bắc Âu cùng bền vững về mặt xã hội, chúng ta sẽ thúc đẩy một khu vực hòa nhập, bình đẳng và kết nối với nhau với các giá trị được chia sẻ và tăng cường trao đổi văn hóa và phúc lợi3.

Theo đó, Bắc Âu “cùng xanh” bao gồm các hành động như giảm phát thải khí nhà kính, chú trọng năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, bảo vệ môi trường. Các chính sách cụ thể của Bắc Âu trong chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu là: 

Một là, đưa ra những cam kết mạnh mẽ và thực hiện đúng các thỏa thuận quốc tế và khu vực đã được ký kết như Nghị định thư Kyoto năm 19974, Hiệp định Pari năm 2015, các thỏa thuận khu vực như các chính sách về khí hậu và năng lượng của EU. Thí dụ, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Brúcxen, Bỉ ngày 11/12/2020, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí nhà kính ròng vào năm 2030 so với mức năm 1990. Luật Khí hậu cũng được các nước thành viên EU thông qua vào ngày 28/6/2021, đặt ra mục tiêu mang tính ràng buộc pháp lý trong việc trung hòa khí thải cácbon vào năm 2050. Mục tiêu năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990 chính thức được đưa vào Luật.

Khu vực Bắc Âu cũng đang tìm cách duy trì vai trò tiên phong của mình, thể hiện rõ nhất trong tầm nhìn mới của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu, như Tuyên bố của các Thủ tướng Bắc Âu về trung hòa cácbon (ký vào tháng 01/2019). Mục tiêu lớn nhất của các nước Bắc Âu với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là trung hòa cácbon. Trong khuôn khổ vùng, các nước Bắc Âu cam kết hợp tác với nhau ở các nội dung: tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn trong các lĩnh vực vận tải và công nghiệp; tăng cường hợp tác về gió ngoài khơi ở biển Baltic; nhấn mạnh cách tiếp cận khu vực, minh bạch đối với quy hoạch cơ sở hạ tầng lưới điện, có tính đến vấn đề phúc lợi của Bắc Âu; hỗ trợ phát triển và thực hiện các giải pháp chung cho thị trường điện Bắc Âu nhằm tạo sự linh hoạt cho thị trường; tăng cường các nỗ lực về sử dụng năng lượng hiệu quả và cho phép người tiêu dùng tham gia vào thị trường năng lượng; bảo đảm cung cấp năng lượng ở các khu vực dân cư thưa thớt; cải thiện sự cân bằng xã hội của quá trình chuyển đổi xanh và sự tham gia của người dân và khu vực tư nhân; nâng cao hồ sơ toàn cầu về các vị trí sức mạnh của Bắc Âu thông qua các giải pháp kỹ thuật và tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn về chính sách khu vực trong EU về các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận xanh châu Âu; tăng cường nỗ lực trong nghiên cứu và đổi mới liên quan đến năng lượng. 

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh, kinh doanh xanh, phát triển công nghệ mới thân thiện với môi trường, đánh thuế năng lượng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững và năng lượng xanh là rất quan trọng để Bắc Âu trở thành khu vực bền vững nhất trên thế giới. Chính phủ Bắc Âu đã thực hiện trợ cấp cho các dự án đổi mới công nghệ xanh, thậm chí xem đó như là một nghĩa vụ và thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh học. Người sử dụng nhiên liệu sinh học thường phải trả thuế năng lượng thấp hơn những người sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tất cả các nước Bắc Âu đều có hạn ngạch năng lượng đối với nhiên liệu vận tải. Hơn nữa, tất cả các quốc gia đều có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và thuế phương tiện liên quan đến COnhư lượng khí thải hoặc mức tiêu thụ nhiên liệu. Ngoài ra, còn có các chương trình trợ cấp cho các dự án, công ty đầu tư vào khí hậu.

Các mục tiêu về năng lượng và khí hậu thường nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nghị viện các nước Bắc Âu. Điều này đã mở đường cho các chính sách năng lượng ổn định và lâu dài như đánh thuế cácbon, hỗ trợ năng lượng tái tạo… trở nên có hiệu quả và có sức ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng. 

Hơn nữa, Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu luôn tạo điều kiện cho hợp tác khu vực về các lĩnh vực chính sách trọng điểm trên. Các nước Bắc Âu đã đặt “Quá trình chuyển đổi xanh” làm chủ đề quan trọng trong sáng kiến ​​Giải pháp Bắc Âu cho các thách thức toàn cầu của họ. Đặc biệt, năng lượng tái tạo không ngừng được gia tăng trong khu vực theo thời gian. 

So với phần còn lại của châu Âu, Bắc Âu luôn có những cam kết và mục tiêu cao về môi trường. Cụ thể, tại vùng Bắc Âu (đặc biệt là Đan Mạch), tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng cuối cùng có xu hướng tăng mạnh nhất (21%), cao hơn nhiều so với các nước EU (9%) 

Các mục tiêu về giảm phát thải (ESR) quốc gia của các nước Bắc Âu đến năm 2030, cũng cao hơn so với các nước EU (Bảng 2).

  Bảng 1: Xu hướng về tỷ trọng năng lượng tái tạotrong tiêu thụ năng lượng cuối cùng giai đoạn 2004 - 2017

Nguồn: Nordic Council of Ministers: State of the Nordic Region 2020.

Bảng 2: Mục tiêu giảm phát thải (ESR) quốc gia của các nước Bắc Âu đến 2030 

                         Quốc gia  

% so với năm 2005

Đan Mạch

39

Phần Lan

39

Iceland

39

Na Uy

40

Đan Mạch

59

EU

30

Nguồn: Naghmeh Nasiritousi và cộng sự: Climate Policies in the Nordics - Nordic Economic Policy Review 2019.

Bảng 3: Thuế suất đối với việc sử dụng khí tự nhiên, sản phẩm dầu trong công nghiệp, than, than cốc và khí than năm 2015 ở các nước Bắc Âu

                                                                                                             Đơn vị: euro/tấn CO2  

Nước

Loại nhiên liệu

Thuế CO2

Thuế năng lượng

Tổng

 

Đan Mạch

Khí tự nhiên

Những sản phẩm từ dầu

Than đá, than cốc và khí than

11,4

2,9

2,9

42,9

11,4

22,9

54,3

14,3

25,8

 

Phần Lan

 

Khí tự nhiên

Những sản phẩm từ dầu

Than đá, than cốc và khí than

 

40,9

23,9

20,5

 

 

30,7

10,2 (20,4)

8,5

 

 

71,6

34,1 (44,3)

29,0

 

Na Uy

 

Khí tự nhiên

Những sản phẩm từ dầu

Than đá, than cốc và khí than

 

44,1

8,8

0

 

 

0

29,4

0

 

44,1

38,2

0

 

Thụy 

Điển

 

 

Khí tự nhiên

Những sản phẩm từ dầu

Than đá, than cốc và khí than

 

12,3

15,4

15,4

 

 

12,3 (80,1)

6,2 (21,6)

6,2 (37,0)

 

 

24,6 (92,4)

21,6 (37,0)

21,6 (52,4)

Nguồn: Naghmeh Nasiritousi và cộng sự: Climate Policies in the Nordics - Nordic Economic Policy Review 2019.

Trên thực tế, thủ đô các quốc gia Bắc Âu (Côpenhagen, Hensinki, Ôtxlô, Stốckhôm) đã đạt nhiều thành tựu về “tăng trưởng xanh” như: Côpenhagen đặt mục tiêu trở thành thủ đô trung hòa cácbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Thành phố đã đưa ra kế hoạch khí hậu đầu tiên của mình năm 2009 và đã đạt được mức giảm phát thải COđáng kể. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách môi trường quan trọng như không khí sạch, giảm tiếng ồn, nước uống từ vòi và không gian xanh giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân một cách đáng kể… Hensinki là thành phố đầu tiên ở châu Âu tiến hành “rà soát địa phương tự nguyện” nhằm đánh giá mức độ phù hợp giữa chiến lược của thành phố và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Mục tiêu của Hensinki là trở thành thành phố trung hòa cácbon vào năm 20356.

Ngoài ra, Na Uy và Thụy Điển cũng đạt được những kết quả lớn về môi trường cùng những mục tiêu xanh như: Ôtxlô (Na Uy) đã đặt ra các mục tiêu tham vọng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2020, Ôtxlô đã thông qua chiến lược khí hậu mới, mục tiêu chính là tới năm 2020, giảm lượng phát thải xuống còn 50% và năm 2030 còn 5% so với mức phát thải của năm 1990, không phải thông qua hình thức mua hạn ngạch khí thải mà bằng cách thực hiện các biện pháp thực sự cắt giảm lượng khí thải. Năm 2010, Stốckhômđược vinh danh là Thủ đô Xanh châu Âu đầu tiên nhờ vào những kết quả đạt được trong cắt giảm lượng khí thải cácbon và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Năm 2016, Stốckhôm đã thông qua mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2040. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng khí thải cácbon trên mỗi người dân7.

2. Những gợi mở đối với Việt Nam 

Nghiên cứu về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Bắc Âu cho thấy những cam kết mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với khu vực châu Âu và quốc tế cùng những nỗ lực hành động của chính phủ và truyền thống bảo vệ môi trường của người dân. Nội dung cốt lõi ở đây là sự chú trọng vào năng lượng bền vững, thực hiện quá trình “xanh hóa” song song với quá trình phát triển. 

Việt Nam là một nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Với đặc điểm có bờ biển dài, trong những năm qua, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các khu vực đồng bằng ven biển của Việt Nam là một thách thức lớn. Theo các dự báo, nếu nước biển dâng 1 m, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 - 30 triệu người dân. Bên cạnh đó, quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và quá trình đô thị hóa mạnh ở Việt Nam đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, vấn đề về quản lý nước, chất thải và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. 

Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm những cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Với khẩu hiệu “Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu” của Hội nghị COP268, Việt Nam đã cam kết ở các nội dung: đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí mêtan; tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối (củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp), khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng thủy triều/đại dương/sóng). Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những chính sách vĩ mô để phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, điện gió biển gần bờ, điện gió ngoài khơi với nhiều dự án đăng ký trong năm 2020. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như thể chế, pháp lý, nhân lực, kỹ thuật, nguồn lực kinh tế… nên khả năng khai thác, vận hành và hiệu quả của năng lượng tái tạo hiện chưa tương xứng với tiềm năng.

Để nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng tái tạo, ở góc độ thể chế, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật Năng lượng tái tạo Việt Nam, đồng thời tạo sự hài hòa giữa năng lượng tái tạo với nguồn điện quốc gia cũng như quy mô phát triển nền kinh tế. Ở góc độ kỹ thuật và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sớm ban hành chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi có tính đặc thù của Việt Nam với tầm nhìn dài hạn nhằm đón nhận sự dịch chuyển công nghệ, tài chính điện gió ngoài khơi từ châu Âu (trong đó có Bắc Âu).

Người dân Bắc Âu có truyền thống quan tâm đến môi trường, với lượng rác thải ít và mức độ ô nhiễm thấp. Vấn đề ô nhiễm thường chỉ tồn tại ở các khu vực đô thị lớn; tại nông thôn Bắc Âu, cảnh quan môi trường được bảo tồn nguyên sơ theo các tiêu chuẩn châu Âu với mục tiêu theo đuổi là sự trung hòa cácbon, một nền kinh tế dựa trên sinh học và vòng tròn bền vững. 

Việt Nam cũng đang thực thi nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững. Ngoài những chính sách khí hậu, Việt Nam đang chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, dựa trên ba nguyên tắc chính: bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam ít lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Như vậy, Việt Nam cần chú trọng hơn để thực hiện hiệu quả những cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, có thể tham khảo những kinh nghiệm, chính sách của Bắc Âu về chuyển đổi xanh, xanh hóa bằng việc khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, bền vững; bằng các công cụ thuế môi trường phù hợp; bằng tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, góp phần tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và hài hòa các vấn đề về xã hội - sinh thái.

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Bắc Âu đã thực thi nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ và hiệu quả, chú trọng thực hiện các cam kết khu vực và quốc tế cùng những chính sách cụ thể trong cắt giảm khí phát thải, chú trọng chuyển đổi xanh, các chính sách thuế năng lượng phù hợp… Những kinh nghiệm đó rất hữu ích cho Việt Nam hiện nay trong bối cảnh là một nước đang phát triển, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và đang tiếp tục thực thi những mục tiêu về phát triển bền vững.


1. Thuật ngữ Scandinavia trong cách sử dụng địa phương bao gồm ba vương quốc: Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, nhưng theo cách sử dụng tiếng Anh, nó cũng đôi khi đề cập đến bán đảo Scandinavia hay vùng rộng hơn bao gồm cả Phần Lan và Aixơlen, thường được biết đến như các nước Bắc Âu.

2, 3. Xem Nordic Council of Ministers: Nordic indicators for Our Vision 2030, Copenhagen, 2021. 

4. Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gắn liền với Chương trình Khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC). Nghị định thư buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể cho từng nước. Nghị định thư được hoàn tất và mở ký vào ngày 11/12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản.

5. Năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng thủy triều/đại dương/sóng.

6, 7. Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam: “Thủ đô Xanh Bắc Âu - Lãnh đạo, Quản lý, Bền vững và Đổi mới sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2021.

8. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26), khai mạc ngày 31/10/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử

Phạm Hương tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin