1. Yếu tố khách quan tác động đến phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên ở cơ sở
Một là, yếu tố văn hóa
Việt Nam vốn là một đất nước có truyền thống hiếu học. Trong xã hội phong kiến, đọc sách được xem là hành vi thanh tao, tao nhã của bậc hiền nhân, quân tử: “Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao” (Tất cả các công việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao đẹp). Người xưa rất coi trọng sách, họ quan niệm rằng: “Thiên kim di tử bất như nhất thư” (Để cho con cháu nghìn vàng không bằng để lại một cuốn sách). Truyền thống hiếu học cùng với triết lý về đọc của ông cha ta được truyền dạy và tác động tích cực đến ngày nay. Hiện nay, người Việt Nam vẫn rất coi trọng tri thức và việc học, do vậy, việc xây dựng thói quen đọc trong cộng đồng đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Khi việc đọc được nhiều người cho rằng có ích và được thực hiện bởi nhiều người thì nó sẽ có tác dụng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, tạo thành một chuẩn mực để mọi người thực hiện. Việc duy trì thói quen đọc thường xuyên là một chuẩn mực, một nét đẹp văn hóa.
Hai là, yếu tố thể chế
Thể chế liên quan đến hoạt động đọc là những quy định có tính pháp luật, luật lệ bảo đảm cho hoạt động đọc thuận lợi, nền nếp, hiệu quả như: Pháp lệnh Thư viện, Luật Thư viện, Luật Xuất bản, quy chế của thư viện, quy định của phòng đọc,… Hệ thống luật và các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết) của mỗi quốc gia có vai trò định hướng hoạt động đọc, định hướng các loại xuất bản phẩm được phép xuất bản và tất nhiên hệ quả của việc này sẽ ảnh hưởng tới văn hoá đọc. Nếu nhà nước có những quy định, định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sẽ làm cho việc đọc sách ngày càng phát triển. Ngược lại, nếu nhà nước không quan tâm đến phát triển văn hóa đọc, buông lỏng công tác quản lý đối với các loại xuất bản phẩm thì vô hình chung sẽ làm cho văn hoá đọc phải chịu những tác động không tốt.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Những chủ trương, chính sách này đã phát huy hiệu lực, ảnh hưởng tích cực đến ứng xử đọc của các cơ quan, tổ chức cũng như mọi người dân. Các văn bản pháp luật này đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều chỉnh hoạt động của các thiết chế văn hóa đọc, thúc đẩy các thiết chế này phát triển đúng hướng, tạo môi trường đọc thuận lợi cho học viên.
Ba là, yếu tố thiết chế liên quan đến hoạt động đọc
Thiết chế liên quan đến hoạt động đọc là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống, kết nối giữa tài liệu và người đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc. Các thiết chế ở đây là các cơ quan, tổ chức bộ máy cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng đọc, tủ sách, hiệu sách,… phục vụ cho việc đọc.
Trong các thiết chế góp phần thúc đẩy việc đọc phát triển, thư viện giữ một vai trò quan trọng. Thư viện là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ thu thập, lưu giữ, bảo quản và phổ biến các giá trị văn hoá của quốc gia và nhân loại, hình thành thói quen đọc sách và tạo dựng một môi trường đọc sách lành mạnh, thích hợp với sự tiến bộ xã hội. Là nơi gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của nhân loại, thư viện có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa tinh thần của con người. Trên phương diện nào đó, thư viện được xem như “bộ nhớ” lưu trữ và gìn giữ giá trị tri thức, văn hóa của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc...; là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Thực tế ở Việt Nam và các nước trên thế giới đã cho thấy, từ lâu thư viện đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đọc, là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần, đáp ứng các nhu cầu đọc và sử dụng tài liệu của các đối tượng khác nhau với những mục đích khác nhau. Thư viện là nơi giúp mỗi cá nhân không chỉ phát huy tinh thần tự học, tự hoàn thiện bản thân mà còn là nơi lan tỏa, nâng cao những giá trị đạo đức, văn hóa giúp đời sống vật chất và tinh thần của con người thêm hài hòa và cân bằng hơn. Hiệu quả hoạt động của thư viện là một tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển văn hoá đọc của một cộng đồng.
Tham chiếu với sự phát triển của các quốc gia chúng ta thấy rằng, quốc gia nào có hệ thống thư viện phát triển, quốc gia đó cường thịnh. Sự hiện đại về cơ sở hạ tầng, sự phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức của các sản phẩm và dịch vụ thông tin trong mỗi cơ quan thông tin - thư viện sẽ có ảnh hưởng tích cực tới việc phát triển nhu cầu đọc, thu hút nhiều bạn đọc đến thư viện. Do đó, văn hóa đọc ngày càng phát triển.
Bên cạnh thư viện, nhờ có các cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên, liên tục tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị của sách, giá trị của thông tin, tri thức đối với cuộc sống của mỗi người, người đọc tìm đến với thư viện, đến cửa hàng sách nhiều hơn. Sự phát triển đó ảnh hưởng không nhỏ tới người viết sách, tài liệu đọc được phát triển nhiều hơn về số lượng, đa dạng phong phú về nội dung, phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau.
Bốn là, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Trước sự bùng nổ xuất bản và thông tin mạng, hầu hết người đọc gặp thách thức khi đứng trước khối lượng sách, báo, thông tin đa chiều, khổng lồ. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì việc đọc sách qua internet đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, bởi nó mang lại nhiều tiện lợi như: Người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần; các loại sách trên mạng internet tương đối phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả, trong đó có sách lý luận, chính trị. Nếu như trước đây, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin và tri thức thì ngày nay sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ truyền thông và internet đã tạo ra phương thức đọc mới, từ phương thức đọc truyền thống chuyển sang phương thức đọc điện tử. Các loại hình sách đa dạng hơn và dần chuyển sang các loại ebook, sách điện tử, tạp chí số hóa, sách số hóa, sách công nghệ 3D, 4D… Với sự phát triển của internet, người đọc có thể ngồi một chỗ tìm kiếm thông tin trên thế giới, có thể đọc bất cứ gì họ muốn, chỉ cần một máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã khiến văn hóa đọc đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi người đọc được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ qua các phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc. Không có nhiều người dành thời gian cho việc tìm đọc những sách, báo in; cũng không có nhiều người có thói quen đến thư viện, mà họ chủ yếu tìm đến những phương tiện hiện đại hơn, tiện ích hơn: sách mạng, báo mạng và truyền hình...
2. Yếu tố chủ quan tác động đến phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên ở cơ sở
Một là, nhận thức của cán bộ, đảng viên ở cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách lý luận, chính trị
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu kiến thức lý luận chính trị góp phần củng cố lập trường tư tưởng chính trị vững vàng cho bản thân, đồng thời giải thích, giáo dục, truyền bá những giá trị lý luận chính trị đó cho quần chúng nhân dân, một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn ngại học, lười học lý luận chính trị, do đó, tri thức khoa học lý luận chính trị chưa thực sự thấm nhuần trong từng cán bộ, đảng viên. Khoa học lý luận chính trị không phải là hoạt động mang tính chất vĩ mô, mà là hoạt động gắn với thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Không ít cán bộ, đảng viên cho rằng việc học tập lý luận chính trị ít mang lại hiệu quả nên chỉ học cho có, học đối phó, nghiên cứu qua loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức. Nội dung, tri thức lý luận chính trị chưa được cán bộ, đảng viên vận dụng vào thực tiễn công tác với tư cách là “cẩm nang” định hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Việc xác định mục tiêu, động cơ học tập, nghiên cứu, đọc sách lý luận chính trị của một số cán bộ, đảng viên chưa đúng, chưa rõ ràng, coi đó chỉ là điều kiện cần để lấy bằng cấp, nhằm “hợp lý hóa” quy trình đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, từ đó dẫn đến thiếu ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện.
Việc ngại học, lười học lý luận chính trị đã dẫn đến tình trạng lười đọc sách, báo, tạp chí về khoa học lý luận chính trị. Các ấn phẩm sách lý luận, chính trị hàm chứa kiến thức về khoa học lý luận chính trị chưa phải là “cẩm nang gối đầu giường” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghiêm trọng hơn, việc ngại học, lười đọc, lười học lý luận chính trị còn dẫn đến nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị - mầm mống dẫn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, cán bộ, đảng viên cần xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng.
Hai là, yếu tố cá nhân liên quan khác
Việc phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm cá nhân của mỗi chủ thể đọc, bao gồm: lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, vị trí xã hội…
Mỗi giai đoạn lứa tuổi của con người có những đặc điểm tâm lý riêng. Các đặc điểm tâm lý lứa tuổi ảnh hưởng khá rõ rệt tới nhu cầu đọc và hứng thú đọc.
Trình độ học vấn là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của con người (nhu cầu hiểu biết và nhu cầu thẩm mỹ phát triển). Là một bộ phận trong hệ thống nhu cầu tinh thần, nhu cầu đọc, hứng thú đọc cũng bị chi phối bởi trình độ văn hóa của mỗi con người (nội dung và phương thức thỏa mãn). Người có trình độ học vấn cao thường nhận thức được vai trò của việc đọc. Họ luôn có nhu cầu đọc và tiếp nhận thông tin để nâng cao trình độ phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu cho công việc của họ. Người có trình độ học vấn thấp, do hạn chế về nhận thức, nhu cầu, hứng thú đọc của họ không cao, họ chỉ đọc khi thấy cần thiết hay bắt buộc và đọc những tài liệu dễ hiểu.
Nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới nhu cầu, hứng thú đọc của người đọc. Tùy vào từng lĩnh vực công tác mà chủ thể đọc có nhu cầu đọc tài liệu khác nhau: những người công tác trong lĩnh vực kinh tế sẽ có nhu cầu đọc tài liệu về kinh tế nhiều hơn, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa sẽ có nhu cầu đọc tài liệu về lĩnh vực văn hóa nhiều hơn,…
Tóm lại, đọc là một hiện tượng xã hội, sự hình thành và phát triển việc đọc sách nói chung và đọc sách lý luận, chính trị nói riêng của cán bộ, đảng viên ở cơ sở đều chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển việc đọc sách lý là cơ sở để lý giải thực trạng phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị và đưa ra các giải pháp phát triển việc đọc sách lý luận, chính trị hiệu quả.
ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền