Lãnh đạo, quản lý trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là công việc đầy tính sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học và nghệ thuật, cần sự nhìn nhận, phân tích, liên kết, tổng hợp, điều hòa vô vàn mối quan hệ để xác định, đề ra chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, điều hành hệ thống công việc đạt được mục đích cao.
Người lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trước hết phải là một nhà lý luận – thực tiễn, là cầu nối giữa nhà khoa học và người làm chuyên môn tác nghiệp, là người biết vận dụng lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào một lĩnh vực cụ thể của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là người với xu hướng chính trị đúng đắn, vận dụng khoa học – nghệ thuật chính trị, tổ chức, điều hành bộ máy của mình hoạt động, thực hiện có hiệu quả mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước. Người lãnh đạo, quản lý phải có khả năng sử dụng quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho bằng nhân cách, bằng quyền uy xã hội; chỉ huy, điều khiển tập thể dưới quyền bằng sức mạnh quyền uy và uy tín. Đặc biệt, người lãnh đạo, quản lý có khả năng sử dụng tối ưu quyền lực vào việc thực thi đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước theo hướng nhân văn - phát triển và tiến bộ xã hội - con người.
Một yêu cầu nổi trội nữa đó là người lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phải có khả năng tập hợp quần chúng đấu tranh bác bỏ tinh thần tự mãn, chấp nhận cái hiện tại; bản thân người lãnh đạo, quản lý phải luôn tìm tòi, khám phá với tinh thần táo bạo, bứt phá, vượt qua cái đang có, vươn tới cái cao hơn có thể có của xã hội ta, dân tộc ta. Đó là ý chí tiến thủ, tinh thần đi tắt đón đầu để đưa đất nước phát triển nhanh trong điều kiện kinh tế, khoa học, công nghệ nước ta còn thấp.
Đặc biệt, yêu cầu về phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng được đặt ra như sau:
Phạm trù phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần hiểu theo nghĩa rộng, ở đó chứa đựng toàn bộ tri thức, văn hóa, trình độ chuyên môn cũng như các yếu tố về khí chất, tinh thần, đạo đức… kết tạo nên nhân cách của người lãnh đạo, quản lý. Bởi trong xã hội hiện đại, tri thức và văn hóa là các yếu tố quan trọng quyết định tinh thần và đạo đức người lãnh đạo, quản lý; nhân cách người lãnh đạo, quản lý không chỉ đòi hỏi phẩm chất, tinh thần, đạo đức mà còn đòi hỏi hành động và tài năng cống hiến nhiều cho xã hội.
Trong bất kỳ xã hội và thời đại nào, lý tưởng chính trị - xã hội là yếu tố phổ quát quy định phẩm chất con người nói chung, người lãnh đạo, quản lý nói riêng. Vì lý tưởng chính trị - xã hội chi phối suy nghĩ, hành động và mục tiêu vươn tới của nhà lãnh đạo, quản lý. Lý tưởng của người lãnh đạo, quản lý của Đảng là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay là thực hiện công cuộc đổi mới, mà trước mắt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trung thành với sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là phẩm chất cao quý, đặc trưng nhất ở người lãnh đạo, quản lý hiện nay. Người lãnh đạo, quản lý phải hiểu tính tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong tiến trình phát triển xã hội; hiểu được thực chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với tính chất xã hội - con người - văn hóa của nó; hiểu được tính chất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện nó với những điều kiện cụ thể.
Lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sự nhận thức sâu sắc bản chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với khả năng phát triển xã hội - con người của nó chính là cơ sở tạo niềm tin vững chắc cho người lãnh đạo, quản lý về sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo nên tinh thần tự nguyện và ý chí thực hiện mục tiêu đó. Ý chí là nguồn sức mạnh bên trong tạo nên động lực, sức mạnh vật chất để chủ thể lãnh đạo, quản lý triển khai kế hoạch, thực hiện mục tiêu. Từ đó, người lãnh đạo, quản lý mới có thể phát huy cao độ tính tích cực, chủ động tìm tòi, vượt qua mọi trở ngại, khám phá và sáng tạo, quyết tâm đạt được mục tiêu.
Bên cạnh đó, phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế còn đòi hỏi ở lòng yêu nước, thương dân, cần kiệm liêm chính chí công vô tư; hết lòng cống hiến sức lực và tài năng cho Đảng, cho dân, cho tập thể; hết lòng trung thành với Đảng, với dân. Trước những tiêu cực xã hội hiện nay, người lãnh đạo, quản lý cần nêu cao tư cách làm chủ và trách nhiệm trong cương vị của mình; luôn đấu tranh với mặt trái của xã hội, chống quan liêu, độc đoán, cửa quyền, tham ô, hối lộ, đề cao dân chủ, tư duy hiện đại và tác phong công nghiệp…
Những phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo, quản lý trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế còn biểu hiện sâu sắc trong văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị cao thể hiện trong xu hướng và mục tiêu chính trị đúng đắn và khoa học, có trình độ trong văn hóa cầm quyền, trong văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật, văn hóa ứng xử… Văn hóa chính trị cao vừa là yêu cầu vừa là phương tiện để người lãnh đạo, quản lý thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Võ Thị Như Thảo
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh