Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Những năm qua, ngành Nội vụ luôn là một trong những ngành đi đầu trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Bài viết khái quát một số định hướng, nhiệm vụ về công tác chuyển đổi số của ngành Nội vụ và đưa ra một số đề xuất góp phần tiếp tục triển khai hiệu quả việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác chuyển đổi số của ngành Nội vụ trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Nội vụ

Để thực hiện thành công đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu phải: “Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế số”1.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển - tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số là nội dung cơ bản; là xu hướng của cả thế giới để quản trị tốt quốc gia, quản trị nền hành chính và các cơ quan, doanh nghiệp hiệu quả, thuận tiện. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo”2. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức (CCVC) và người lao động ngành Nội vụ cần xác định rõ ràng, có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong những năm qua, Bộ Nội vụ luôn xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những trọng tâm công tác của Bộ, ngành Nội vụ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 2823/QĐ-BNV ngày 01/12/2017 về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xác định rõ 04 nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nội vụ. Trọng tâm là, xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng trong công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và kỹ năng quản trị tổ chức của nhà nước hiện đại; xây dựng chính sách thu hút người có đức, có tài và cơ chế đào thải đối với người không đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, kém năng lực công tác trong ngành Nội vụ; xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý để bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng quy định; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với CCVC trong lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CCVC ngành Nội vụ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ CCVC ngành Nội vụ để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về chuyển đổi số. Liên kết với các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp lớn trong lĩnh cực công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo các kỹ năng về phân tích dữ liệu, làm chủ công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở… cho đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin của Bộ; đổi mới, sáng tạo trong công tác bồi dưỡng kiến thức số, đưa nội dung đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên vào các khóa nghiệp vụ công tác đảng; nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật giỏi, lành nghề, chuyên sâu về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; chủ động liên kết với các đơn vị chuyên môn về công nghệ để đào tạo, chuyển giao công nghệ tạo nguồn nhân lực phù hợp cho quá trình chuyển đổi số theo hình thức hợp đồng thuê chuyên gia, thuê nhân lực công nghệ thông tin.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 151/QĐ-BNV ngày 25/02/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1198/QĐ-BNV ngày 18/11/2021 phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030…

Thực hiện mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình hội nhập quốc tế”3, ngành Nội vụ đã luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ CCVC; quan tâm thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, có năng lực chuyên môn giỏi. Đánh giá chung, đội ngũ CCVC của ngành Nội vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu; có phẩm chất đạo đức tốt; năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Nội vụ vẫn còn một số hạn chế, như: trình độ nhân lực ở một số lĩnh vực còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Một bộ phận CCVC chưa phát huy hết năng lực, sở trường. Mặt khác, số lượng nhân lực ngành Nội vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng chưa nhiều, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Đội ngũ CCVC của ngành được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều chuyên ngành khác nhau, một số chưa được bố trí phù hợp vị trí việc làm, do đó hiệu quả làm việc chưa cao; thiếu chủ động trong xử lý, giải quyết công việc, việc vận dụng chủ trương, chính sách còn chậm; công tác dự báo nguồn nhân lực của ngành chưa thực sự bài bản, thiếu nhân lực nguồn, nhân lực trẻ, nhân lực nữ.v.v.

Một số đề xuất về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Để hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ “kép” này, thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tác động trực tiếp đến nhận thức đối với công chức, viên chức ngành Nội vụ góp phần thực hiện hiện chuyển đổi số thành công. Bởi vì, chuyển đổi số trước tiên là phải “chuyển đổi nhận thức” phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của đất nước, cụ thể là nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển của ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trọng tâm của nội dung này là xây dựng kế hoạch tuyên truyền; tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số; giới thiệu và nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số; bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho công chức, viên chức của Bộ, ngành Nội vụ; lồng ghép nội dung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số vào chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (đổi mới, sáng tạo trong công tác bồi dưỡng kiến thức số, đưa nội dung đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên vào các khóa nghiệp vụ công tác đảng).

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về chuyển đổi số.

Cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản của Bộ và ngành Nội vụ về đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số đồng bộ với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chủ động, tích cực, quyết tâm cao, có căn cứ khoa học, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn. Khẩn trương xây dựng bộ chỉ số chuẩn để đánh giá công tác chuyển đổi số của các đơn vị trong ngành Nội vụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hàng năm và từng giai đoạn; gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các đơn vị và lấy kết quả thực hiện triển khai làm tiêu chí trong đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ cuối năm; động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân và đơn vị triển khai tốt, hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Thứ ba, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý; công chức chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số. Có các hình thức khen thưởng kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số, giúp mang lại hiệu quả cao trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ làm công tác tham mưu chuyển đổi số ngành Nội vụ, cần tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số. Đối với đội ngũ CCVC phụ trách công nghệ thông tin, cần tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về phân tích dữ liệu, làm chủ công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở… cho đội ngũ CCVC phụ trách công nghệ thông tin của Bộ, ngành Nội vụ.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 123, tr. 115.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Quyết định số 1758/QĐ-BNV ngày 05/11/2011 phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ giai đoạn 2011-2020.

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước

Ngọc Anh Tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin