“Vertical Living” và vấn đề tái cấu trúc và tổ chức không gian đời sống đô thị hiện nay

CT&PT - “Vertical Living” là thuật ngữ chỉ đặc điểm của đời sống đô thị hiện đại, hay nói cách khác là “đời sống chiều thẳng đứng”. Thực tiễn cho thấy, trên thế giới, “Vertical Living” đã trở thành một trong 162 chỉ dấu (indicator) của thành phố đổi mới sáng tạo (innovative city), song ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ trong giới nghiên cứu cũng như trong đời sống hằng ngày. Do đó, cần nhìn nhận một cách tổng thể về vấn đề tái cấu trúc và tổ chức không gian đời sống đô thị, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Trong quan niệm của người Việt, ngôi nhà không chỉ là nơi che nắng, che mưa, mà còn là mái ấm gìn giữ văn hóa truyền thống, nét đẹp của gia đình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt. Ngày nay, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam cũng biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là nông thôn miền Bắc. Kiến trúc nhà ở nông thôn thay đổi để bắt kịp xu thế hội nhập, đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa. Theo đó, những ngôi nhà cao tầng với bêtông cốt thép kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống. Mặc dù chưa có đánh giá tổng thể về sự phát triển trong thời gian qua, song thực tế cho thấy, cùng với những thành tựu kinh tế, “bộ mặt” nông thôn hiện nay có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa”. Để tìm hiểu đời sống đô thị hiện đại - “đời sống theo chiều thẳng đứng”, cần nghiên cứu chiều hướng đời sống của người Việt Nam trong không gian sống truyền thống.

Trước đây, từ làng mạc cho tới thành thị, người Việt chủ yếu sinh sống theo chiều ngang (horizontal living), nhà cửa tương đối thấp, chủ yếu trên một mặt phẳng, ít có nhà trên hai tầng. Kiến trúc nhà ở nông thôn khá đơn giản, bình dị với kiểu nhà ba gian, hai chái. Đến thời kỳ cận - hiện đại, mặc dù khu vực đô thị có xây dựng thêm nhà cao tầng, song thường cũng không quá 5 tầng. Không chỉ nhà ở, các công trình công cộng: đình, chùa, dinh thự, công sở... cũng chủ yếu được xây dựng trên một mặt phẳng và không quá 5 tầng.

Với chiều hướng kiến trúc và tổ chức không gian cuộc sống đó, các hoạt động sống của con người cũng diễn ra theo chiều ngang: từ “xóm ngoài”, “thôn trong”, “xóm giữa”… ở nông thôn cho tới các tòa điện, các, sảnh… trong kinh thành. Thậm chí, phương tiện di chuyển, sự tương tác cuộc sống cũng như cách hình dung về không gian cũng chủ yếu theo chiều ngang.

Do không gian sống chủ yếu được định vị theo chiều ngang nên mọi hình dung về thế giới và các quan hệ trong đời sống của người dân Việt Nam cũng diễn ra theo chiều ngang, in đậm vào tâm thức dân gian với hình ảnh: “Con cò bay lả bay la/Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”, hay lối tư duy “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”…

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong quan niệm của người Việt Nam xưa không có khái niệm về chiều cạnh vertical (chiều cạnh thẳng đứng). Theo đó, chiều cạnh thẳng đứng được hiểu là một vũ trụ, một không gian gồm “ba tầng”, “ba thế giới”. Trong đó, thế giới sống của ta là thế giới của con người, là trần gian. Bên trên là bầu trời, là thượng giới, không gian sống của thần linh, thượng đế; còn bên dưới là thế giới của ma quỷ. Ngày nay, trước xu hướng “đô thị hóa”, tại các thành phố, khu đô thị, mật độ dân cư ngày càng trở nên đông đúc, không gian sống bị “nén lại”, do đó, bên cạnh việc thiết kế kiến trúc theo kiểu truyền thống, người dân phải khai thác không gian đô thị theo chiều thẳng đứng.

Trước hết là khai thác và sử dụng có hiệu quả không gian ngầm - chiều sâu của đô thị. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều tổ chức và tối ưu hóa các công trình ngầm, nhất là hệ thống giao thông ngầm, cống ngầm... Tầng hầm của ngôi nhà được xây dựng với mục đích là không gian đa chức năng: kho chứa đồ, hầm rượu, nơi để máy giặt, chỗ đỗ xe, thậm chí có thể sử dụng để làm hầm bar - một “không gian sáng tạo” đặc biệt. Hệ thống giao thông ngầm là hệ thống kết nối không gian đô thị quan trọng, hữu hiệu nhất. Không chỉ về giao thông, đó còn là không gian văn hóa, không gian dịch vụ, không gian sáng tạo, thậm chí là không gian quốc phòng - an ninh đô thị quan trọng.

Tại Việt Nam, không gian ngầm chưa được quan tâm đầu tư, thậm chí bị “bỏ hoang” từ tầm nhìn, tư duy quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, đến định hướng giá trị và nếp sống, lối sống của người dân. Theo nhận định của một số chuyên gia: Từ hàng chục năm nay, trong khi tiến hành quy hoạch đô thị (chủ yếu là quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông), mặc dù đã tiến hành xây dựng quy hoạch không gian ngầm, song cho đến nay, các quy hoạch đó đều ở tình trạng quy hoạch treo, chưa được đưa vào sử dụng.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ngập lụt, ùn tắc giao thông diễn ra phổ biến, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý phải nhìn nhận lại việc quy hoạch và sử dụng không gian ngầm đô thị một cách có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, khi bàn đến quy hoạch, tổ chức và phát triển không gian ngầm đô thị với tư cách là không gian sống thì hàng loạt vấn đề lớn, phức tạp cũng được đặt ra. Một là, sự am hiểu về cơ tầng địa chất của các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trong cả nước. Giải pháp về công trình, nguồn vốn là những bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo, quản lý. Hai là, với sự xuất hiện của hàng nghìn tòa nhà cao tầng, không gian ngầm của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác trong cả nước đã bị chiếm đoạt, khai thác và sử dụng theo cách thức tự phát hoặc bán tự phát. Điều này khiến việc quy hoạch và phát triển cuộc sống trong không gian ngầm đô thị đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc tổ chức hệ thống giao thông đô thị ngầm đa tầng, đa tuyến, đa phương tiện cũng là một bài toán khó đối với các nhà chức trách. Tàu điện ngầm phải đi với tốc độ cao, tần suất lớn thì mới “bõ” công xây dựng, mới có lãi để bù đắp phí tổn đầu tư và dành cho tái đầu tư, nhất là đáp ứng được nhu cầu đi lại của đông đảo người dân. Nếu các tuyến giao thông ngầm không thể chạy thẳng, mà buộc phải là những “đường cong mềm mại” để luồn lách, tránh nền móng của cả nghìn tòa nhà cao tầng, thì câu hỏi đặt ra là liệu tổ chức và hoạt động có thể diễn ra một cách bình thường hay không?

Tại các tòa nhà cao tầng, thiết kế phổ biến chỉ có từ 2 đến 3 tầng hầm, chủ yếu được dùng để cất giữ xe. Chỉ có một số nơi sử dụng tầng hầm làm hệ thống siêu thị, nhà hàng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc phòng, chống cháy nổ, ngập lụt và việc xây dựng quy tắc sử dụng, ứng xử của con người trong không gian ngầm như thế nào. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, gây thiệt hại lớn về tài sản, như vụ cháy tầng hầm tại một chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay “hệ thống đê” ngăn lũ tự phát của hàng loạt biệt thự tại Hà Nội.

Bên cạnh không gian sống ngầm là không gian trên cao, hay nói cách khác là tầng không đô thị.

Trước khi xuất hiện những tòa nhà cao “chọc trời” đầu tiên ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Hanoi Tower, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Landmark 81, Bitexco Financial Tower…, việc quy hoạch tầng không đô thị ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, nếu có thì chủ yếu là quy hoạch được tiếp cận từ phương diện quốc phòng hoặc hàng không dân dụng. Cho đến khi hàng trăm tòa nhà cao tầng lần lượt “mọc lên”, người ta mới giật mình nhận ra các tòa nhà đó đã “xé nát” bầu trời, mặc nhiên chiếm dụng phần lớn không tầng của Hà Nội và nhiều thành phố khác. Theo số liệu thống kê, tính đến giữa năm 2022, cả nước có 102 tòa nhà cao trên 150 m, trong đó Hà Nội có 43 tòa, Thành phố Hồ Chí Minh có 35 tòa, Đà Nẵng có 9 tòa, Nha Trang có 9 tòa, Hưng Yên có 4 tòa, Ninh Thuận có 2 tòa, Bình Định có 1 tòa, Quảng Ninh có 1 tòa và Hải Phòng có 1 tòa.

Cùng với những tòa nhà “chọc trời” là hàng nghìn tòa nhà cao trên 20 m, khiến cho không gian sống của người dân tại các đô thị phát triển theo chiều thẳng đứng. Cuộc sống trên tầng không, theo chiều thẳng đứng là nét đặc trưng riêng có của đô thị Việt Nam hiện nay, từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa từng có trong tiền lệ.

Có thể thấy, sự xuất hiện các tòa cao tầng xuất phát từ tầm nhìn, tư duy và hệ luận của mặt đất mà không xuất hiện dựa trên quy hoạch và hệ luận của bầu trời - không tầng. Bằng chứng là chúng đua nhau “mọc lên”, chen chúc dọc theo các tuyến giao thông chính; chiếm lĩnh những khoảng đất nền vừa được “giải phóng”, bỏ qua những mối liên hệ với khuôn viên, cảnh quan xung quanh...

Mặc dù ra đời dựa trên hệ luận mặt đất, song các tòa nhà cao tầng đang dần nhấn chìm mặt đất và không gian sống theo chiều hướng ngang truyền thống. Con người, cảnh vật, nhà cửa, công trình như bị tụt xuống một không gian ngầm “nửa mở, nửa khép”. Hay nói cách khác, con người và các hoạt động diễn ra trên mặt đất đã bị “nhốt” vào một cấu trúc không gian chịu sự chia cắt và bóp méo.

Từ góc độ quản trị tầng không, việc các tòa nhà tự phát chiếm lĩnh không gian và tùy tiện “tái cấu trúc” diện mạo thành phố mà không tuân thủ theo một nguyên tắc, triết lý cảnh quan nào cho thấy các đô thị đang tự đánh mất hình ảnh của chính mình.

Từ góc độ an toàn dân sinh, các thiết bị, kỹ thuật cho phép can thiệp, ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra có được bảo đảm hay không?

Tương tự như đối với không gian ngầm, khi không tầng đô thị bị chiếm dụng một cách tùy tiện thì hệ lụy trực tiếp nhất là việc tổ chức hệ thống giao thông trên cao. Nhiều thành phố trên thế giới đã phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt trên cao như một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên mặt đất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc áp dụng giải pháp này là không dễ dàng, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, thậm chí hiệu quả không cao.

Bên trong các căn hộ chung cư cao tầng, mọi sinh hoạt của con người đều diễn ra trên một mặt phẳng, điều này mang lại nhiều thuận lợi: gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, bảo đảm sự riêng tư cho mỗi thành viên; không gian sống yên tĩnh; được ngắm nhìn cảnh đẹp từ trên cao; hạn chế côn trùng..., chất lượng cuộc sống nhờ đó mà tăng lên. Đây chính là cách thức tổ chức không gian đời sống gia đình hiện đại, vừa ấm cúng, gắn kết, vừa bảo đảm riêng tư tương đối. Theo nhiều người, việc sống ở chung cư thuận lợi nhất đối với các gia đình có người già, người ốm cần được chăm sóc hoặc có trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy, chung cư là không gian sống hiện đại và thuận tiện cho tất cả các gia đình, dù là gia đình hạt nhân hay gia đình nhiều thế hệ, đồng thời phù hợp với mọi thành viên, ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các tòa nhà chung cư cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là sự phụ thuộc lớn vào điều kiện của hạ tầng kỹ thuật đô thị (ví dụ: việc cung cấp nước và điện phải bảo đảm luôn đầy đủ); phải tôn trọng các quy định, quy tắc cộng đồng (quy định về khách, vật nuôi, đóng - mở cửa...).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta đã và đang lấy tầm nhìn và hệ luận của tư duy mặt đất, tư duy theo chiều phẳng - ngang để xâm chiếm, quy hoạch, xây dựng và tổ chức cuộc sống theo chiều thẳng đứng.

Với việc mở rộng không gian sống theo chiều thẳng đứng, vươn lên không tầng, không gian sống và hoạt động của con người như được mở rộng, “cơi nới” thêm, song điều đó đồng nghĩa với việc mọi hợp phần của cơ sở hạ tầng đô thị sẽ trở nên quá tải, vượt quá sức chống chịu của nó. Cũng chừng đó con phố, chừng đó đường cống thoát nước và sông tiêu lũ, song lượng dân cư, lượng nước thải, nước mưa, rác thải... đang không ngừng tăng lên, hiện tại đã gấp hàng chục lần so với 30 năm về trước.

Sự thay đổi về cấu trúc và tổ chức không gian sống đô thị là xu thế tất yếu trong bối cảnh đô thị hóa và dân số gia tăng như hiện nay. Việc thay đổi như thế nào, cách thức thay đổi ra sao phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các chuyên gia. Thay vì để người dân tự tìm giải pháp cho ngôi nhà của mình, các cấp có thẩm quyền và cơ quan liên quan cần có những định hướng, chỉ dẫn, nguyên tắc thiết kế cụ thể, bảo đảm thực hiện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

GS, TS. Phạm Hồng Tung

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin