Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân hiện nay

CT&PT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường là những quan điểm toàn diện nhằm xây dựng Quân chủng đặc biệt, có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến nay, quan điểm của Người vẫn còn nguyên giá trị khi vận dụng vào công tác đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân, bởi lực lượng này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Những quan điểm và chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần quan trọng xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân trưởng thành, chiến thắng trong sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh hiện đại hóa quân đội và sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo lực lượng sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, trở thành yêu cầu khách quan. Theo đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan tại Học viện Phòng không - Không quân nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới là hết sức cấp thiết.
1. Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân 
1.1. Xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân tiến lên chính quy và hiện đại là một nội dung quan trọng, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn. “Chính quy” và “hiện đại” có lúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói liền với nhau trong một cặp từ, có lúc Người nói “chính quy” riêng và “hiện đại” riêng, nhưng tư tưởng của Người về xây dựng chính quy và hiện đại quan hệ thống nhất với nhau, đều cần phải tiến lên “từng bước”. Ngày 25/7/1961, khi cán bộ, chiến sĩ đang bảo quản pháo ở trận địa thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Sau khi xem nơi ăn, chốn ở của đơn vị, Người trở về giữa sân nói chuyện với bộ đội với tình cảm yêu thương, trìu mến, thân mật như người cha dạy bảo đàn con: “Các chú phải ra sức học tập kỹ thuật, chiến thuật hơn nữa thì mới bảo đảm làm tròn nhiệm vụ. Phải tránh chủ quan thỏa mãn. Trình độ văn hóa các chú còn thấp, nên phải cố gắng mà học để làm cơ sở tốt cho huấn luyện quân sự”1. Đảng ủy Quân chủng Phòng không đã lấy lời dạy bảo quý báu đó của Người làm phương hướng cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng bộ đội phòng không cách mạng, chính quy và hiện đại.
Để đưa bộ đội Phòng không - Không quân tiến lên chính quy và hiện đại, Người yêu cầu cần có sự quan tâm và cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi người, mọi cấp, mọi ngành, trong đó, những cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, tự bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân phải cố gắng học tập, rèn luyện toàn diện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ tiến lên chính quy và hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân trong năm 1967 sẽ hết sức quyết liệt, liên tục, gay go, ác liệt. Mục tiêu chúng đánh phá sẽ tăng lên, sẽ đánh cả ngày và đêm. Thủ đoạn của chúng sẽ bất ngờ, bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn để hòng đối phó với lực lượng phòng không của ta. Nhưng chúng sẽ thất bại!”2
Hiện đại là yêu cầu xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân trong điều kiện mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa về vũ khí trang bị, liên quan trực tiếp đến thực lực của nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước. Tiến lên hiện đại nhưng không thể thoát ly điều kiện và khả năng cho phép, mà phải là quá trình dần dần từng bước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng, trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước. Quá trình đó cần phải khai thác tốt và có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và con người Việt Nam; phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, cải tiến, sáng tạo và sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị hiện có; tích cực, chủ động học hỏi và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu khoa học kỹ thuật quân sự của các nước trên thế giới; kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự của dân tộc. Theo hồi ức Đại tá Bùi Biếng, chiến sĩ Đại đội 1, Đoàn cao xạ Sông Đuống, ngày 15/02/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nhấn mạnh nhiệm vụ của đơn vị: “Được trang bị loại pháo và khí tài mới, hiện đại, nhất là được bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ đơn vị không được chủ quan, phải chịu khó học tập để quản lý và sử dụng thành thạo loại vũ khí, khí tài hiện đại vừa được trang bị để bảo vệ Tổ quốc”3
Kể từ buổi đầu vào mùa Xuân năm 1952, khi Người đến thăm đơn vị Pháo phòng không 37 mm bảo vệ cầu Thủy - Khẩu trên biên giới Việt - Trung cho đến lúc đi xa, Hồ Chí Minh đã 17 lần đến thăm các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân và chỉ dẫn nhiều điều quý báu. Trong các lần đó, Người đến tận trận địa cao xạ, tên lửa, đơn vị ra đa, không quân… để ân cần thăm hỏi, dặn dò cụ thể. Với tác phong cụ thể, sâu sát, giản dị vốn có của mình, thấy ưu điểm Người biểu dương, thấy thiếu sót Người phê bình và góp ý để sửa chữa. Vì thế, mỗi lần Người đến thăm, có khi chỉ mười lăm phút, nhưng đều để lại cho cán bộ, chiến sĩ những bài học sâu sắc về nhiều mặt, những kỷ niệm không thể nào quên, tạo nên nguồn sức mạnh lớn lao để bộ đội Phòng không - Không quân vượt qua trăm ngàn khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh thử thách, để xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại: “Từ một đại đội pháo phòng không cỡ nhỏ năm nào, nay bộ đội phòng không đã trở thành một quân chủng chính quy và từng bước hiện đại với nhiều binh chủng, liên tiếp đánh thắng từ không quân nhà nghề của đế quốc Pháp đến “thần tượng không lực Hoa Kỳ”, mà đỉnh cao là “Trận Điện Biên Phủ trên không” lịch sử”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, tiến lên chính quy, hiện đại phải trở thành quyết tâm và hành động của tất cả các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở tất cả các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân; đồng thời phải được mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh. Đối với từng đơn vị, cần phải giáo dục đầy đủ cho cán bộ, chiến sĩ những yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ xây dựng quân chủng chính quy, hiện đại. Như vậy, theo tư tưởng của Người, tiến lên chính quy và hiện đại không phải là câu khẩu hiệu, mà phải được thể hiện sinh động bằng hành động học tập, rèn luyện, tu dưỡng và sự phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân. 
1.2. Xây dựng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường
Xây dựng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường là vấn đề trọng yếu trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong chiến tranh. Bởi vì, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ quân đội có ý nghĩa quyết định chiến thắng trên chiến trường. Chính vì thế, trong lãnh đạo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề này.
Để xây dựng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường cho bộ đội Phòng không - Không quân, Người thường chú ý trực tiếp đến thăm, biểu dương, cổ vũ tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngày 26/8/1965, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Người tới thăm Tiểu đoàn 64. Tại đây, Người nhấn mạnh: “chúng ta phải có quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ. Trong chiến tranh, nhất định có khó khăn, gian khổ, nhưng so với khó khăn, gian khổ của đồng bào miền Nam đã và đang trải qua thì còn chưa thấm vào đâu. Lúc chiến đấu phải dũng cảm, thắng không kiêu, bại không nản. Chúng ta phải có quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, như vậy mới xứng đáng với lòng tin tưởng của Đảng, của nhân dân và của các nước anh em”5. Dịp khác, để kịp thời tiếp thêm tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường cho bộ đội pháo cao xạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Quân chủng Phòng không - Không quân. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Người nhấn mạnh: “Phải có tinh thần dũng cảm. Quân dân ta rất anh hùng, cả các cháu bé cũng dũng cảm, nên các chú phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Phải có quyết tâm đánh, mà đã đánh phải có quyết tâm đánh thẳng”6.
Bên cạnh đó, Người thường kêu gọi, viết thư khen, thư biểu dương, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân. Trong thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Thủ đô Hà Nội ngày 07/5/1967, Người viết: “Từ ngày 25 tháng 4 đến nay, quân và dân Hà Nội liên tiếp đánh thắng vẻ vang, trừng trị đích đáng bước leo thang mới của giặc Mỹ. Ngày 5 tháng 5, Hà Nội đã đánh giỏi, thắng lớn, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc Mỹ lái máy bay. Quân và dân Hà Nội đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bảo vệ trị an tốt và tiến bộ trong công tác phòng không nhân dân. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội, và cán bộ Thủ đô ta...”7
Những căn dặn sâu nặng nghĩa tình và những lời cổ vũ sục sôi nhiệt huyết của Người đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân, biến thành ý chí, niềm tin, lòng dũng cảm, tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đánh thắng kẻ thù.
2. Một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân
Quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy các cấp trong Quân đội về nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Học viện có nhận thức đúng về vị trí, vai trò và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quânchính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ cho Quân chủng Phòng không - Không quân. Bên cạnh đó, đa số học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Phòng không - Không quân có ý thức, trách nhiệm cao trong tự học tập, tự rèn luyện, phấn đấu trở thành người sĩ quan Phòng không - Không quân có tác phong chính quy, trình độ kỹ - chiến thuật cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đáp ứng yêu cầu của Quân đội, Quân chủng và Học viện trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, học viên nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc nội dung, giá trị và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân. Ngoài ra, còn học viên chưa nêu cao quyết tâm, đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện xây dựng chính quy trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân. Vì vậy, cần thực hiện tốt các nội dung giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp, các cơ quan chuyên môn đối với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện hiện nay.
Cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp và cơ quan chuyên môn trong Học viện là những chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng mọi hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung, và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường nói riêng. Chỉ trên cơ sở nhận thức đúng, con người mới xác định tốt động cơ, đề cao trách nhiệm để giải đáp các vấn đề do thực tiễn đặt ra như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”8.
Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp, cơ quan chức năng của Học viện là một nội dung tất yếu, cần được tiến hành thường xuyên. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần đánh giá đúng và nhận thức đầy đủ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và những thuận lợi, khó khăn trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện hiện nay. Trên cơ sở đó, có chủ trương, giải pháp lãnh đạo, triển khai thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng (Phòng Đào tạo, Ban Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo) cần nhận thức đầy đủ và bám sát hướng dẫn chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy nhà trường có chủ trương, biện pháp hiệu quả trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện hiện nay. Phòng Đào tạo, Ban Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo phát huy tốt trách nhiệm trong tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung, bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giảng viên, hiệp đồng các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo theo hướng bảm đảm chuẩn đầu ra có tiêu chí về năng lực, trình độ xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. 
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên đối với nhiệm vụ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường cho học viên.
Đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo cũng như việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển tri thức, năng lực, tư duy và nhân cách của học viên trong quá trình đào tạo. Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân cách mạng, chính quy, hiện đại trong bối cảnh mới, đội ngũ giảng viên của Học viện phải có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về trách nhiệm của mình trong giảng dạy cho học viên. Do đó, mỗi giảng viên phải tích cực học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm tốt; tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương cho học viên noi theo. Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên phải làm tốt vai trò là người định hướng, dẫn dắt học viên trong giải quyết các mối quan hệ phức tạp của thực tiễn hoạt động quân sự, kết hợp dạy chữ, rèn nghề, dạy người. Do vậy, từng giảng viên cần thông qua hệ thống bài giảng, mà lồng ghép việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. 
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân.
Đây là nội dung giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong công tác đào tạo sĩ quan ở Học viện. Theo đó, cần bám sát các quan điểm của Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI: “Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ... Chú trọng giáo dục nhân cách, phẩm chất, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”9 và nội dung Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Vì vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện Phòng không - Không quân cần bảo đảm hiện thực hóa những tiêu chí trong chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ thành phẩm chất, năng lực toàn diện cho học viên. Theo đó, lực lượng sư phạm ở Học viện Phòng không - Không quân phải xác định rõ nội dung, sử dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp, phương tiện tác động đến học viên, nhằm hình thành ở họ ý thức, thái độ và năng lực thực hành theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong tự học tập, rèn luyện xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường.
Phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trong đào tạo sĩ quan ở Học viện là giải pháp cơ bản, quan trọng. Bởi vì, người học chính là trung tâm của quá trình giáo dục, là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện. Do vậy, mỗi học viên cần phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, làm theo những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường; biết nhận diện và tự loại bỏ những hạn chế, khuyết điểm để tích lũy các phẩm chất, năng lực theo chuẩn đầu ra của Học viện. Đồng thời, mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện ý chí, khát khao vươn lên tự hoàn thiện mình, đáp ứng mục tiêu của quá trình đào tạo. Quá trình ấy đòi hỏi mỗi học viên phải có thái độ cầu thị, chịu khó học hỏi cán bộ cấp trên, giảng viên và đồng đội, thường xuyên tích lũy tri thức và kinh nghiệm, đáp ứng với cương vị người sĩ quan trong Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng. 
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội Phòng không - Không quân chính quy, hiện đại, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường là những chỉ dẫn quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác đào tạo sĩ quan tại Học viện Phòng không - Không quân hiện nay. Việc vận dụng hiệu quả tư tưởng này đòi hỏi sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng, đội ngũ giảng viên và học viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; qua đó, nhằm đào tạo ra những sĩ quan Phòng không - Không quân ưu tú, đáp ứng với sự nghiệp xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

1, 2. Vũ Trọng Cảnh: Bác Hồ nguồn sức mạnh của Bộ đội Phòng không, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 192.
3, 4, 5. Vũ Trọng Cảnh: Bác Hồ nguồn sức mạnh của Bộ đội Phòng không, Sđd, tr. 39, 11, 213.
6. Hà Huy Thông: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 43.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 341.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 360.
9. Nghị quyết số 29 - NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


Thượng tá, TS. TRỊNH QUỐC VIỆT

Thiếu tá NGUYỄN VĂN THUYÊN

Học viện Chính trị

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin