Biến đổi hệ giá trị gia đình của thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh kỷ nguyên số: Thực trạng, chuyển dịch và đề xuất chính sách

CT&PT - Trong bối cảnh kỷ nguyên số, hệ giá trị gia đình của thanh niên chịu tác động sâu sắc từ sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa và sự thay đổi văn hóa - xã hội. Bài viết trình bày cơ sở lý luận về hệ giá trị xã hội, giá trị gia đình và vai trò của thanh niên như một nhóm xã hội đặc biệt; nghiên cứu làm rõ xu hướng biến đổi trong nhận thức và hành vi của thanh niên đối với gia đình, đồng thời đề xuất một số định hướng chính sách và giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị gia đình tích cực, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số.

1. Cơ sở lý luận của hệ giá trị gia đình

Hệ giá trị xã hội là một hệ thống các chuẩn mực, niềm tin và quan niệm được cộng đồng chia sẻ, thừa nhận và tuân thủ nhằm định hướng hành vi xã hội. Trong đó, hệ giá trị gia đình là một bộ phận quan trọng của hệ giá trị xã hội, phản ánh những chuẩn mực, nguyên tắc và niềm tin chi phối hành vi trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Các giá trị như yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, hiếu thảo, trung thực và hy sinh đã và đang là nền tảng định hướng hành vi ứng xử trong gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ giá trị không mang tính bất biến mà luôn chịu sự tác động, điều chỉnh bởi bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa và công nghệ… Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các giá trị truyền thống dần phải tương tác với những giá trị mới, nhấn mạnh quyền cá nhân, sự bình đẳng giới, tự chủ trong lựa chọn và tính linh hoạt trong mô hình gia đình.

Thanh niên, với tư cách là nhóm xã hội đặc thù, có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý, nhận thức và hành vi. Đây là lực lượng năng động, dễ tiếp thu cái mới, nhưng cũng dễ bị tác động từ môi trường xã hội. Vì vậy, những thay đổi trong hệ giá trị gia đình của thanh niên chính là chỉ báo sớm cho xu hướng biến đổi của hệ giá trị xã hội rộng hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ nguyên số, sự tiếp cận nhanh chóng với thông tin toàn cầu, ảnh hưởng từ mạng xã hội, sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của gia đình cũng như điều kiện kinh tế - xã hội mới đang khiến thanh niên định hình lại quan niệm của mình về gia đình, từ đó tác động đến toàn bộ cấu trúc giá trị trong đời sống cá nhân và cộng đồng.

2. Thực trạng biến đổi hệ giá trị gia đình của thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của kỷ nguyên số và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, kéo theo đó là sự thay đổi của các hệ giá trị xã hội, đặc biệt là giá trị gia đình. Với đặc điểm năng động và dễ tiếp thu cái mới, thanh niên là nhóm chịu ảnh hưởng rõ nét nhất từ những thay đổi này. Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước, là nơi tập trung đông đảo thanh niên sinh sống, học tập và làm việc

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự thay đổi trong quan niệm về gia đình, vai trò giới và trách nhiệm giữa các thế hệ diễn ra nhanh chóng. Gia đình không còn được nhìn nhận như điểm tựa tinh thần bền vững, mà ngày càng bị thay thế bởi các giá trị cá nhân và lối sống thực dụng. Sự phổ biến của công nghệ, mạng xã hội và “không gian sống ảo” tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với nhiều xu hướng mới, nhưng đồng thời cũng làm suy giảm sự gắn bó với các giá trị truyền thống. 

Qua khảo sát thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sự biến đổi rõ rệt trong hệ giá trị gia đình của thanh niên, đặc biệt ở hai nhóm tuổi: từ 16 đến 24 và từ 25 đến 30.

Ở nhóm tuổi 16 - 24, nhiều thanh niên vẫn đang trong giai đoạn học tập, phụ thuộc kinh tế vào gia đình, song lại có xu hướng tiếp cận và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ không gian số. Họ chủ động tiếp cận thông tin về các mô hình gia đình mới, đề cao giá trị tự do cá nhân, và có quan điểm cởi mở hơn về giới, hôn nhân, và vai trò trong gia đình. Tuy nhiên, nhóm này cũng bộc lộ những mâu thuẫn nội tại khi đứng giữa truyền thống gia đình và ảnh hưởng của trào lưu hiện đại. Nhiều bạn trẻ thể hiện sự tách biệt cảm xúc với cha mẹ, xem nhẹ lễ nghi truyền thống và ít duy trì tương tác sâu sắc với các thành viên trong gia đình.

Ở nhóm tuổi 25 - 30, thanh niên bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng sự nghiệp và lập gia đình. Đây là nhóm có nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của gia đình trong đời sống cá nhân, tuy nhiên quan niệm của họ cũng có sự thay đổi đáng kể so với thế hệ trước, khi đặt nặng tiêu chí bình đẳng, chia sẻ và đồng thuận trong đời sống hôn nhân. Nhiều người lựa chọn kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn hoặc không sinh con, với lý do ưu tiên sự nghiệp, tự do cá nhân và chất lượng cuộc sống. Các giá trị gia đình truyền thống như hiếu thảo, hy sinh, phục tùng vai vế… dần được thay thế bởi những giá trị hiện đại như tôn trọng cá nhân, cân bằng cuộc sống và trách nhiệm song phương.

Cả hai nhóm tuổi đều có điểm chung là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mạng xã hội và môi trường công nghệ số. Mạng xã hội không chỉ là kênh thông tin mà còn là không gian hình thành và củng cố các hệ giá trị mới, ảnh hưởng mạnh đến quan niệm về hạnh phúc, vai trò giới và cách xây dựng mối quan hệ gia đình. Đồng thời, sự khác biệt giữa các thế hệ trong một gia đình - giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng rõ nét, đặt ra thách thức trong việc duy trì sự gắn bó và chia sẻ giá trị chung.

Thực tiễn này cho thấy việc định hướng hệ giá trị gia đình cho thanh niên là một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, tổ chức thanh niên và chính sách xã hội.

Kết quả khảo sát đối với hơn 500 thanh niên tại Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 270 người ở độ tuổi 16 - 24 và 230 người ở độ tuổi 25 - 30) cho thấy, 63,7% thanh niên cho rằng “giá trị gia đình đang thay đổi rõ rệt trong xã hội hiện đại”; 58,2% người trẻ trong nhóm tuổi 16 - 24 cho rằng “hôn nhân không còn là mục tiêu bắt buộc trong cuộc sống”; 72,4% người ở độ tuổi 25 - 30 khẳng định “cần sự bình đẳng và chia sẻ trong trách nhiệm gia đình giữa vợ và chồng”; 43,9% thanh niên cho rằng “ý kiến của cha mẹ không còn là yếu tố quyết định khi lựa chọn bạn đời”; gần 30% thanh niên cho biết họ “không thường xuyên ăn cơm cùng gia đình trong tuần”. Qua đó, phản ánh sự suy giảm về mặt kết nối giữa các thành viên trong đời sống hiện đại.

Ngoài ra, biểu đồ phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự thay đổi giá trị gia đình cho thấy: Mạng xã hội (Facebook, TikTok, Instagram...) là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất (76% người được khảo sát đánh giá “ảnh hưởng nhiều hoặc rất nhiều”). Tiếp theo là phim ảnh, truyền thông đại chúng (62%), và áp lực công việc, học tập (59%).

Những dữ liệu trên cho thấy thanh niên ngày nay đang tiếp cận hệ giá trị gia đình thông qua nhiều kênh phi truyền thống, với sự tham chiếu đến môi trường toàn cầu hóa và đời sống hiện đại, từ đó hình thành các quan niệm mới về trách nhiệm, vai trò và cách thức duy trì quan hệ gia đình.

3. Một số giải pháp định hướng hệ giá trị gia đình cho thanh niên trong kỷ nguyên số

Một là, định hướng giáo dục và truyền thông.

Đẩy mạnh việc giáo dục giá trị gia đình trong nhà trường thông qua các môn học như đạo đức, giáo dục công dân, kỹ năng sống, đồng thời lồng ghép nội dung này vào hoạt động ngoại khóa, bảo đảm phù hợp với từng độ tuổi học sinh. Cùng với đó, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ ưa chuộng như TikTok, YouTube, Instagram để lan tỏa giá trị gia đình bằng các sản phẩm truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, có tính lan tỏa cao. Việc xây dựng các bộ phim, tài liệu, chương trình truyền hình hiện đại kết hợp yếu tố truyền thống  như bình đẳng giới, vai trò của người cha, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình cũng góp phần khơi dậy sự quan tâm và kết nối của giới trẻ với giá trị gia đình. Ngoài ra, nên tổ chức các cuộc thi, chiến dịch truyền thông tương tác để thanh niên được thể hiện quan điểm, chia sẻ cảm xúc, từ đó góp phần hình thành hệ giá trị tích cực về gia đình trong cộng đồng

Hai là, đề xuất hoàn thiện chính sách nhà nước hỗ trợ thanh niên xây dựng gia đình hiện đại.

Cần ban hành và thực thi các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên trong việc xây dựng gia đình bền vững, bao gồm: chính sách hỗ trợ nhà ở, nuôi con nhỏ, chế độ nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ… Qua đó, giúp thanh niên cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục giá trị gia đình cần được lồng ghép sâu rộng vào chiến lược phát triển thanh niên quốc gia giai đoạn mới, gắn liền với định hướng xây dựng con người Việt Nam hiện đại, nhân văn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, nên tăng cường đầu tư, hỗ trợ các mô hình như “Gia đình trẻ văn hóa”, “Câu lạc bộ gia đình trẻ” tại khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, để tạo điều kiện cho thanh niên được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa giá trị gia đình tích cực trong cộng đồng.

Ba là, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong định hướng hệ giá trị gia đình .

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức Hội cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, giáo dục và định hướng hệ giá trị gia đình cho thanh niên. Thông qua các hình thức như diễn đàn, tọa đàm, hội trại kỹ năng sống, chương trình tư vấn tâm lý - tình cảm -hôn nhân, các tổ chức này có thể tạo điều kiện để thanh niên trao đổi, chia sẻ và nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong gia đình.

Ngoài ra, cần triển khai rộng rãi các mô hình điểm như “Gia đình trẻ tiêu biểu”, “Thanh niên giữ gìn giá trị gia đình truyền thống” tại cơ sở, tạo phong trào thi đua sôi nổi và nhân rộng điển hình tiên tiến. Hoạt động kết nối giữa các thế hệ như “giao lưu gia đình ba thế hệ” cũng cần được chú trọng, qua đó giúp thanh niên hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Các giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của thanh niên đối với giá trị gia đình trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Tóm lại, trong bối cảnh kỷ nguyên số, hệ giá trị gia đình của thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang có những biến chuyển đáng kể cả về nhận thức lẫn hành vi. Những giá trị truyền thống từng là nền tảng gắn kết các thế hệ trong gia đình đang được tái cấu trúc, bổ sung hoặc thay thế bởi các giá trị hiện đại, phản ánh sự thích nghi của thanh niên với nhịp sống xã hội mới.

Thông qua nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn, bài viết đã chỉ ra những xu hướng biến đổi hệ giá trị gia đình trong thanh niên, phân tích nguyên nhân và các yếu tố tác động, đồng thời đề xuất hệ thống giải pháp mang tính định hướng và khả thi. Những giải pháp này không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị tích cực của gia đình Việt Nam, mà còn giúp thanh niên định vị rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình bền vững, nhân văn, tiến bộ.

Trong thời gian tới, việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tác động của công nghệ số, toàn cầu hóa và các yếu tố văn hóa mới đến hệ giá trị gia đình là vô cùng cần thiết. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường và bản thân thanh niên sẽ là chìa khóa để củng cố nền tảng gia đình - nền tảng của sự phát triển bền vững xã hội Việt Nam hiện đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Văn hóa gia đình trong thời kỳ chuyển đổi số, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.

2. Nguyễn Thị Lan: Giá trị gia đình và vai trò của thanh niên trong bối cảnh mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2022, số 8(126), tr. 45-52.

3. Trần Văn Tuấn: Xã hội học gia đình, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2021.

4. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, Hà Nội, 2023.

5. UNESCO: Global Youth and Family Values Survey Report, Paris, 2020.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin