Vai trò của kinh tế tập thể ở Việt Nam

CT&PT - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã không có mục đích tự thân mà hướng đến phục vụ mục tiêu cải thiện hoạt động kinh tế và đời sống của thành viên, hợp tác xã không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội tạo sự gắn kết, hòa hợp cá nhân trong cộng đồng.

1. Vai trò của kinh tế tập thể thời kỳ trước năm 1975

- Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã; ngày 11 tháng 4 năm 1946, Bác viết thư kêu gọi điền chủ nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu quốc số 229, ngày 01 tháng 5 năm 1946); trong thư, Bác viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”,“nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”;“…hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”; “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông.
Người tha thiết kêu gọi:“Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”; Sau đó, hàng loạt các cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đầu là các tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành, rồi đến các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950 - 1960 của thế kỷ 20 và cho đến ngày nay; trải qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã luôn luôn có những đóng góp quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, đặc biệt là những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phòng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Từ sau năm 1945 đến năm 1955: hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ hợp tác, tổ vần công, tổ đổi công, tập đoàn sản xuất nông nghiệp;

Trong phong trào đó, năm 1948 hợp tác xã Thủy tinh Dân chủ ra đời, có thể nói đó là hợp tác xã đầu tiên được thành lập tại chiến khu Việt Bắc, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam sau khi nước ta giành được độc lập;
Trong thời kỳ này, mặc dù số lượng cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa nhiều, năng lực sản xuất còn hạn chế nhưng đã thu hút hàng chục vạn nông dân, thợ thủ công vào con đường làm ăn tập thể; sự phát triển của phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã cùng với kết quả của cải cách ruộng đất đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ, có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
- Từ năm 1955 đến năm 1960: từ những cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã được hình thành trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển hợp tác xã trong các ngành kinh tế;
Chỉ trong một thời gian ngắn, sau giai đoạn thí điểm xây dựng các hợp tác xã và các hình thức hợp tác giản đơn, trong 3 năm (từ năm 1958 - đến năm 1960) miền Bắc đã có hơn 50.000 hợp tác xã được thành lập; trong đó có 41.000 hợp tác xã nông nghiệp, với 2,4 triệu hộ nông dân tham gia, bằng 84,8% số hộ và 76% diện tích ruộng đất vào các hợp tác xã, đến năm 1960 về cơ bản miền Bắc đã hoàn thành việc hợp tác hóa bậc thấp trong nông nghiệp; trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có 2.760 hợp tác xã, 20 vạn lao động, chiếm 88% số thợ thủ công vào làm trong các hợp tác xã; hơn 250 hợp tác xã mua bán ở cấp huyện với 4.320 cửa hàng hợp tác mua bán được tổ chức; trong lĩnh vực tín dụng đã thành lập được 5.294 hợp tác xã với 2 triệu xã viên tham gia; hơn 520 hợp tác xã ngư nghiệp ở vùng biển với 78% lao động và 75% thuyền, lưới tham gia vào hợp tác xã;
Việc vận động xây dựng, phát triển phong trào hợp tác xã trong giai đoạn này thực sự là một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút được đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia; kết quả hoạt động của các hợp tác xã trong những năm 1955 - đến năm 1960 đã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn này phát triển với tốc độ cao; đồng thời thông qua việc xây dựng và phát triển phong trào hợp tác xã đã hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, những người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các hợp tác xã theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; với quan hệ sản xuất mới, phù hợp cùng với các yếu tố chính trị, xã hội mới đã tạo ra sự hăng hái, phấn khởi sản xuất trong nông dân, sản xuất phát triển, tình hình nông thôn có chuyển biến tích cực, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn có bước phát triển rõ rệt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Từ năm 1961 đến năm 1965: phát huy những thành quả đã đạt được, phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh; cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các hợp tác xã bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn hợp tác xã trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, mua bán, vận tải, tín dụng, xây dựng được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia;
Các hợp tác xã nông nghiệp với hình thức tổ chức lao động tập thể, nhanh chóng chuyển biến phương thức sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp, phân tán thành sản xuất tập trung, đưa máy móc, công cụ và kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; cơ sở vật chất kỹ thuật trong các hợp tác xã được tăng cường, giá trị tài sản cố định của các hợp tác xã năm 1965 tăng gấp 6,5 lần; các công trình thủy lợi được xây dựng, đồng ruộng được cải tạo, khai hoang phục hóa được đẩy mạnh; vì vậy, số hộ nông dân tham gia hợp tác xã đã tăng từ 84,8% năm 1960 lên 90% năm 1965, diện tích đất canh tác của hợp tác xã so với tổng diện tích tăng từ 68% lên 80,3%;
Cùng với những đóng góp về kinh tế, phong trào hợp tác xã còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống; các hợp tác xã còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng lao động; đồng thời còn là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương; trong giai đoạn này các hợp tác xã còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lối sống mới, có văn hóa ở nông thôn thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ các nhu cầu xã hội như tang lễ, hiếu hỷ, giữ trẻ,…
- Từ năm 1965 đến năm 1975: từ năm 1965, khi Đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng; với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả để giải phóng miền Nam ruột thịt”; các hợp tác xã được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc;
Trong giai đoạn này, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào hợp tác xã vẫn được củng cố và phát triển; trong nông nghiệp, các hợp tác xã được đổi mới, mở rộng quy mô (sáp nhập các hợp tác xã có quy mô nhỏ vào thành hợp tác xã có quy mô lớn, toàn xã); đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức lại theo quy mô toàn xã, thu hút 96% số hộ nông dân tham gia; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, trong những năm 1970-1974 bình quân tăng 11,8%, chiếm hơn 32% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương; các hợp tác xã mua bán cũng nâng tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ xã hội lên 21%;
Trên cơ sở giáo dục lòng yêu nước, các hợp tác xã đã động viên được sự lao động quên mình của các xã viên hợp tác xã, vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay cày, tay súng”, vừa sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng chi viện cho miền Nam, vừa tổ chức các đơn vị tự vệ, tham gia chiến đấu, đánh trả máy bay địch, bảo vệ quê hương; nhờ có hợp tác xã, chúng ta đã huy động được cao độ sức người, sức của cho tiền tuyến, huy động được hàng triệu thanh niên trai tráng nông thôn ra mặt trận, đánh giặc cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. Vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay

tai-xuong-14-1727549629.jfif
 


- Từ năm 1975 đến năm 1986: sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Thực hiện chính sách cải tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 24 (Khóa III) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, với mục tiêu là đến năm 1980 hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam; chỉ trong 4 năm (1976 - 1980) chúng ta đã xây dựng được 4.000 tổ đoàn kết sản xuất, 5.000 tổ hợp tác sản xuất và gần 1.000 hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, thu hút 70% lực lượng lao động trong các ngành nghề quan trọng và địa bàn sản xuất tập trung; trong thương nghiệp đã xây dựng được hợp tác xã mua bán ở 92% số xã, lực lượng hợp tác xã mua bán cũng đã giúp Nhà nước nắm 80% nguồn hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương và 30% nguồn hàng nông sản;
- Đến năm 1986, năm được coi là năm phát triển cao nhất của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam, cả nước có 76.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia. Trong đó có 16.740 hợp tác xã nông nghiệp, 40.228 tập đoàn sản xuất, với 94,2% số hộ nông dân và 80,8% tổng số ruộng đất canh tác nông nghiệp, sản xuất hơn 80% sản lượng lượng thực, thực phẩm của cả nước.
Trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, cả nước có 32.000 hợp tác xã, với 1,27 triệu lao động, sản xuất ra một khối lượng hàng hóa chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương;
Trong lĩnh vực thương mại, cả nước có 9.600 hợp tác xã mua bán cơ sở xã, phương, 10 vạn điểm mua, bán hàng; các hợp tác xã mua bán đã chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường xã hội và đại lý thu mua ủy thác hơn 60% sản lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho cả nước; trong những năm này, hơn 9.900 hợp tác xã vận tải với hàng chục ngàn phương tiện đã vận chuyển hơn 45% khối lượng hàng hóa và 50% khối lượng hành khách vận chuyển của các địa phương;
Trong lĩnh vực xây dựng, cả nước đã có 3.913 hợp tác xã xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần quan trọng phục vụ cho việc xây dựng các công trình công cộng và nhà ở cho nhân dân; trong lĩnh vực tín dụng với 7.100 hợp tác xã, đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất của các hộ xã viên, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Từ năm 1987 đến nay: từ năm 1987, thực hiện đường lối đổi mới được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thức VI, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã có những biến đổi quan trọng và có thể nói từ năm 1987 đến năm 1996 là giai đoạn khó khăn nhất của các hợp tác xã ở nước ta; khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp từng bước được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế; phần lớn các hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể; tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có một bộ phận hợp tác xã đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động
có hiệu quả.
- Trong thời kỳ đổi mới, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục được củng cố, đổi mới quản lý; Đảng và nhà nước ta chủ trương đổi mới kinh tế hợp tác, trước hết là đổi mới về chế độ sở hữu; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Mục đích của hợp tác xã không gì khác ngoài cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nông dân được ấm no, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu nước mạnh”.
- Từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội ban hành vào cuối năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 1997 đến Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hợp tác xã nước ta củng cố, đổi mới, phát triển bền vững.
Nhờ hợp tác xã, sản xuất kinh tế thành viên đã được nâng cao nhờ tiết kiệm được chi phí sản xuất do hợp tác xã làm đầu mối mua chung, bán chung, trên cơ sở được nhận thêm lợi ích được phân phối từ hợp tác xã, thành viên cải thiện được toàn bộ thu nhập nói riêng và cải thiện đời sống nói chung;
Mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường bước đầu phát huy hiệu quả theo hướng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống, đảm bảo sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới;
Quỹ tín dụng nhân dân thường gắn với một cộng đồng dân cư nhất định; lợi ích do quỹ tín dụng là tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá thể là thành viên của quỹ tín dụng có vốn để phát triển sản xuất, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tại địa bàn cơ sở nhất là ở các vùng nông thôn;
Hợp tác xã phát huy dân chủ cơ sở thông qua việc thực hiện nguyên tắc quản lý dân chủ trong nội bộ hợp tác xã, phát huy tính cộng đồng của dân cư ở địa phương; hợp tác xã là môi trường giáo dục tinh thần tập thể, ý thức cộng đồng cho các thành viên tham gia;
Có thể đút kết được vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội như sau:
- Vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế:
Kinh tế tập thể ngày càng có vai trò nổi bật, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước; kinh tế tập thể đã vượt qua khỏi tình trạng khủng hoảng và khẳng định vị trí, vai trò của nó trong nền kinh tế; số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã được thành lập mới tăng nhanh hơn; công tác tổ chức, quản lý hợp tác xã ngày càng được quan tâm hoàn thiện về pháp luật, chính sách hỗ trợ, khắc phục được tình trạng thua lỗ kéo dài, từng bước thoát khỏi khỏi tình trạng yếu kém về vốn và công nghệ; đóng góp của khu vực kinh tế tập thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua nâng cao hiệu quả, chất lượng kinh tế thành viên;
Khu vực hợp tác xã kiểu mới trong giai đoạn đầu phát triển, mô hình tổ chức chưa ổn định, vốn hoạt động còn thấp, thể chế chưa hoàn thiện, nhận thức của đảng viên, cán bộ, và nhân dân về hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã chưa rõ ràng; theo nhận thức mới về tổ chức hợp tác, kinh tế thành viên có quan hệ hữu cơ của hợp tác xã, hợp tác xã bắt đầu chuyển hướng sang phục vụ phát triển kinh tế thành viên theo đúng nguyên tắc của hợp tác xã thông qua tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, rõ rệt nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đang lan tỏa sang các khu vực khác như tín dụng, vận tải,... lợi ích, trong đó lợi ích kinh tế đối với thành viên là động lực cơ bản cho sự ra đời và phát triển hợp tác xã.
- Vai trò xã hội - văn hóa của kinh tế tập thể:
Vai trò xã hội - văn hóa của kinh tế tập thể ngày càng rõ nét hơn thông qua việc phát huy tinh thần “hợp tác”, góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, hiện thực hóa các giá trị đạo đức cao đẹp và nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động.


ThS. TRẦN QUYẾT THẮNG

Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin