Vai trò của cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở

CT&PT - Cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở là tổng thể các nguyên tắc, thể chế, thiết chế và các điều kiện đảm bảo, gắn kết với nhau, hợp thành hệ thống, do pháp luật quy định, nhằm xác lập các quyền và khả năng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ tại cơ sở.

Dân chủ cơ sở là một đòi hỏi tất yếu của quá trình thực hiện và phát huy dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Thực hiện tốt và đẩy mạnh dân chủ cơ sở không chỉ đơn thuần là một phản ứng chính trị của Đảng và Nhà nước trước tình hình phức tạp của những điểm nóng ở cơ sở mà nó thể hiện cái nhìn hướng tới cơ sở, coi trọng cái gốc ở cơ sở nên nó mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài.
Trong bối cảnh đó, rất cần thiết phải tiến hành nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc thêm vai trò của cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở gắn với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam. Cụ thể, vai trò của cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở được thể hiện trên những nội dung sau:

Thứ nhất, cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở là phương tiện pháp lý cơ bản, hiệu quả nhất bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ của nhân dân tại địa bàn cơ sở.
Thực hiện tốt dân chủ tại cơ sở sẽ góp phần xây dựng, củng cố và phát huy nền dân chủ, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, dân chủ sẽ chỉ là những khẩu hiệu nằm trên biểu ngữ nếu không có cơ chế hữu hiệu để hiện thực hóa. Thông qua các thể chế, thiết chế và các bảo đảm được ghi nhận và triển khai trên thực tế, dân chủ sẽ chuyển hóa từ lý tưởng, mong muốn thành hiện thực đời sống. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”1.
Thứ hai, cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở có vai trò quan trọng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Trong mô hình quản lý xã hội hiện đại luôn tồn tại hai yếu tố không thể thiếu và ràng buộc lẫn nhau. Đó là dân chủ và pháp quyền: Nhà nước và các thiết chế khác được nhân dân giao quyền và có trách nhiệm phải điều hoà, giải quyết các mâu thuẫn, đảm bảo cho các hoạt động xã hội trong khuôn khổ pháp luật và dân - người chủ đích thực của quyền lực có quyền không thể bị xâm phạm là tác động và kiểm soát nhà nước thực thi quyền lực thông qua các chính sách công và các hành vi điều hành, quản lý xã hội. Từ đó, hình thành một nhu cầu tất yếu khách quan - Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải lắng nghe dân nói còn người dân thì phải dõi theo Nhà nước làm2.
Từ phương diện này, cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở là căn cứ để người dân tham gia vào việc xây dựng và kiểm soát toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở, trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước tại cơ sở. Đây chính là một trong những kênh dẫn quan trọng để tăng cường tính chính đáng, tính hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở. Lịch sử lập hiến của thế giới và Việt Nam đã biết đến các mô hình tham gia của dân vào việc quản lý nhà nước và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước mà điển hình là giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, công chức nhà nước, phản ánh, kiến nghị, tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng
của quốc gia thông qua trưng cầu ý dân, bầu cử,… trên phạm vi cả nước và ở từng đơn vị cơ sở.
Ngoài ra, chính cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở là căn cứ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các thiết chế tham gia thực hiện dân chủ cơ sở. Ở nghĩa này, một cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế chính trị - pháp lý tại địa bàn cơ sở.
Thứ ba, cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở góp phần tạo ra sự đồng thuận, sự đoàn kết và nhất trí cả về chính trị và tinh thần tại cộng đồng dân cư cơ bản của xã hội.
Xét về vị trí của người dân, ngoài việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, thì sự tham gia của họ còn có ý nghĩa bởi họ còn là đối tượng chịu sự tác động (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp) bởi các quyết định của nhà quản lý. Bởi vậy, họ có quyền được đại diện, quyền được biết, được tiếp cận, được tham gia ý kiến, được kiến nghị, được đối thoại và được giám sát trong toàn bộ quá trình xây dựng và ban hành các quyết định quản lý. Nếu các cá nhân tin rằng, họ vừa tham gia một cách có ý nghĩa vào các quyết định ảnh hưởng đến bản thân mình thì họ sẽ sẵn sàng chấp nhận những thay đổi đó hơn. Nói một cách khác, khi người dân trực tiếp tham gia và bỏ công sức vào góp ý một chính sách hay một quyết định quản lý thì họ sẽ đối xử với chính sách đó như một sản phẩm tự nguyện ràng buộc thi hành, vì họ đã đóng góp xây dựng nên chính sách này.
Nói theo ý nghĩa chính trị, đó chính là thực hiện đại đoàn kết và hướng tới hài hoà các lợi ích trong xã hội thông qua sự tham gia của người dân.

Sự tham gia của dân còn là yếu tố căn bản của chủ thuyết “quản lý nhà nước tốt” (Good Government). “Quản lý nhà nước tốt” có nghĩa là một Chính quyền hoạt động có hiệu quả cùng với việc ban hành các quyết định của mình đúng trình tự, quy định: quản lý nhà nước bằng pháp luật; trách nhiệm giải trình; minh bạch và đảm bảo sự tham gia của công chúng. Quản lý bằng pháp luật có nghĩa là người ra văn bản khi ra quyết định không được căn cứ trên trực giác hoặc ý tưởng ngẫu nhiên của họ, mà phải căn cứ trên các chuẩn mực được chấp nhận, có lý lẽ và cơ sở thực tiễn vững chắc. Trách nhiệm giải trình thể hiện ở chỗ: người ra quyết định phải giải trình các quyết định của họ một cách công khai, chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và của cử tri. Minh bạch, chính là việc các công chức thi hành công việc nhà nước một cách công khai để các công dân và báo chí có thể biết và bàn bạc về công việc của họ. Và bảo đảm sự tham gia của dân chính là việc tạo cơ hội cho những người chịu tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) của một quyết sách sắp ban hành có cơ hội khả thi tối đa để đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định.
Thứ tư, cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở giúp kiểm soát được tệ quan liêu, cục bộ - căn bệnh trầm kha của nhà nước, của các nhà quản lý, nhất là tại địa bàn cơ sở.
Các cơ quan nhà nước vốn mang sẵn trong mình ít nhiều bản chất “quan liêu”, cho dù đó là nhà nước tiến bộ và phát triển. Cơ quan nhà nước, công chức không chỉ bị giới hạn về sự nhạy cảm thực tiễn, vốn sống thực tế mà còn do tâm lý tự vệ của “người gác cổng”, luôn muốn “tuyệt đối hoá” cho sự an toàn của toàn xã hội. Ngoài ra, quá trình ban hành các quyết định quản lý luôn bị chi phối bởi lăng kính chủ quan của những nhà quản lý, trong một số trường hợp còn bị chi phối bởi những toan tính cục bộ, đặc quyền đặc lợi của một bộ phận nào đó.
Bởi vậy, sự tham gia của người dân sẽ tạo sự cân bằng và khoa học: có bảo vệ và có phản biện, có nêu vấn đề và có phản bác vấn đề, có vai trò của quản lý và bị quản lý, có quyền tự do kinh doanh và có trật tự công cộng… Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi3.
Theo nghĩa đó, kiểm soát có hai cách: từ trên xuống và từ dưới lên. Kiểm soát từ dưới lên là do quần chúng thực hiện. Đây là cách tốt nhất, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “để kiểm soát các nhân viên” thì người dân “đã là người làm chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mỗi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà”4.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Sorensen Georg (2007), Democracy and democractization processes and prospects in changing world (Dân chủ và quá trình dân chủ hóa và triển vọng trong một thế giới chuyển đổi), Westview press.

3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.286.

4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.310.

TS. TRẦN MINH TÂM 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin