Nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống quân sự đặc sắc của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới, Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng về xây dựng hậu phương, căn cứ địa cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Theo Người: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”1. Căn cứ địa là nơi có cơ sở chính trị và chính quyền cách mạng vững chắc; vũ trang toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; có kinh tế đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển lực lượng và nuôi quân đánh giặc; có địa thế thuận lợi trong tiến công và phòng ngự. Đây chính là hậu phương cho mọi cuộc chiến tranh. Trong thực tiễn, không có bất kỳ một đội quân nào có thể giành chiến thắng mà không có hậu phương vững chắc, do đó xây dựng hậu phương, căn cứ địa là vấn đề trọng yếu của mọi cuộc cách mạng, của chiến tranh nhân dân. Xây dựng hậu phương vững chắc toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... sẽ động viên được tinh thần, sức người, sức của để chiến đấu lâu dài, bảo đảm cách mạng thắng lợi hoàn toàn. Dựa vào hậu phương vững chắc để xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Nhận thấy rõ sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định: hậu phương vững chắc nhất chính là lòng dân. Theo Người, quần chúng nhân dân chính là người xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là người che chở, bảo vệ đoàn thể và cán bộ cách mạng, làm ra của cải vật chất, cung cấp sức người, sức của cho cách mạng, phục vụ chiến đấu... Do đó, để xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân.
Để phát huy sức mạnh của toàn dân trong xây dựng căn cứ địa cách mạng, Người chỉ rõ, Đảng phải có đường lối đúng đắn, hợp lòng dân, biết đoàn kết toàn dân, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là “người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”2, làm cho nhân dân tin vào Đảng, yêu Đảng, đi theo Đảng, hăng hái tham gia góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng để giành đất, giữ dân, xây dựng và phát triển cơ sở chính trị quần chúng, mở rộng căn cứ địa, hậu phương của ta. Muốn vậy, phải thương yêu, hiểu dân, gần gũi, gắn bó với dân, chăm lo cuộc sống của dân, gắn liền giữa động viên sức dân với bồi dưỡng, củng cố sức dân.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người yêu cầu phải xây dựng căn cứ địa, hậu phương vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Theo Người, xây dựng căn cứ địa, hậu phương trước hết là phải xây dựng lực lượng chính trị, lấy xây dựng về chính trị là nhiệm vụ hàng đầu. Người khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”3, truyền thống yêu nước nồng nàn cùng sự giác ngộ cách mạng của nhân dân là chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng, giúp Đảng tập hợp lực lượng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng xây dựng căn cứ địa, hậu phương vững chắc và tiến hành kháng chiến. Người yêu cầu phải chăm lo xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, từ đó cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, từng địa phương, là tấm gương để nhân dân học tập, noi theo.
Trên cơ sở khối liên minh công - nông, Hồ Chí Minh chủ trương củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển lực lượng cách mạng trong xây dựng hậu phương và căn cứ địa. Với tư tưởng “Chưa thành lập được chính quyền địa phương thì căn cứ địa khó thành lập và không thể củng cố được”4, Người quan tâm chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, một chính quyền thực sự của nhân dân, chăm lo cho nhân dân, động viên, tổ chức nhân dân tham gia xây dựng căn cứ địa, hậu phương, góp phần phát triển thực lực cách mạng, làm cho căn cứ địa vững chắc. Bên cạnh đó, Người chú trọng xây dựng quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, đây là một trong những yếu tố cơ bản cấu thành căn cứ địa cách mạng, tạo nên sức mạnh to lớn đánh bại mọi cuộc tiến công của địch. Theo Người, nếu không phát triển lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang thì không thể phát động quần chúng đấu tranh, do đó không thể phát triển được căn cứ địa. Người chỉ thị, ở đâu có đoàn thể cứu quốc, ở đó phải có tự vệ, du kích, trên cơ sở đó phát triển lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng căn cứ địa về kinh tế. Người nhấn mạnh: “Nếu chỉ biết đánh mà không nghĩ đến kinh tế thì khi hết gạo sẽ không đánh được”5. Cùng với xây dựng căn cứ địa về kinh tế, Người luôn coi trọng xây dựng văn hóa. Theo Người: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”6, xây dựng văn hóa để xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tàn tích của xã hội cũ, đào tạo con người mới, nếp sống mới, phục vụ kháng chiến, động viên nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, tham gia xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người nhấn mạnh: Xây dựng căn cứ, hậu phương trên khắp mọi miền đất nước. Với lòng yêu nước nồng nàn, mọi người dân trên khắp mọi miền của đất nước, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ rừng núi đến đồng bằng đều tham gia đánh giặc. Căn cứ vào tình hình cụ thể của cách mạng để xây dựng căn cứ địa ở rừng núi, đồng bằng, xây dựng cơ sở chính trị ở thành thị, từ đó tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia đánh địch, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, đánh địch mọi lúc, mọi nơi.
Hồ Chí Minh yêu cầu: Xây dựng phải gắn liền với bảo vệ căn cứ địa. Đây là quy luật, điều kiện bảo đảm căn cứ địa được giữ vững và phát triển. Người chỉ rõ: Phong trào cách mạng lên cao là mối nguy lớn đối với địch, chúng sẽ tìm mọi cách, không trừ bất kỳ một thủ đoạn nào để chống lại quân và dân ta. Do đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, giữ vững địa bàn, bảo vệ chính quyền cách mạng và nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, phải kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu bảo vệ căn cứ địa với tích cực tiến công đánh phá và thu hẹp hậu phương địch.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, khi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa bởi nơi đây hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”7.
Tại đây, Người cùng các đồng chí biên soạn tác phẩm Cách đánh du kích, trong đó dành chương 13 bàn về xây dựng căn cứ địa, xác định các nguyên tắc xây dựng căn cứ địa. Người nhấn mạnh: Hai điều kiện để xây dựng căn cứ địa là có địa thế hiểm trở che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ. Theo Người, để có được sự ủng hộ của quần chúng thì phải ra sức tuyên truyền, tổ chức quần chúng vào các hội cứu quốc của Việt Minh. Đồng thời, Người nhắc nhở đội du kích phải ra sức hoạt động, đánh đuổi quân giặc và thành lập chính quyền cách mạng trong địa phương. Địa phương có chính quyền cách mạng, căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và trở thành quân đội chính quy.
Thực hiện chỉ đạo của Người, Tỉnh ủy Cao Bằng được củng cố, Ban Việt Minh lâm thời tỉnh được thành lập. Năm 1942, phong trào Việt Minh từ Cao Bằng phát triển sang một số vùng thuộc Bắc Kạn và Lạng Sơn. Để lãnh đạo phong trào được thống nhất trong ba tỉnh, Trung ương Đảng quyết định thành lập Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và thành lập Ban Việt Minh liên tỉnh. Sau khi thành lập, Liên Tỉnh ủy chỉ đạo gấp rút mở đường Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến. Tại Hội nghị Lũng Hoài, Hòa An (tháng 01/1943), Liên Tỉnh ủy đã trao đổi rút kinh nghiệm về công tác xây dựng căn cứ địa8, thống nhất kế hoạch tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã “chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa, nối liền Cao Bằng với căn cứ địa Bắc Sơn, Vũ Nhai; xây dựng một hành lang chính trị vững chắc”9. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ.
Trên cơ sở vùng giải phóng rộng lớn và liên hoàn, tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho chuyển cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước từ Cao Bằng về Tuyên Quang. Sau khi nghe các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và nhất trí với nội dung Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 3/1945), Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4/1945), Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 04/6/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh được triệu tập, do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa sắp đến, tất cả những khu vực Quân giải phóng đã chiếm được thống nhất lại thành một khu gọi là Khu giải phóng”10, “... củng cố Khu giải phóng thành một căn cứ địa kháng Nhật vững chắc”11, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng được thành lập. Khu giải phóng ra đời là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với nhân dân cả nước đang đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở các căn cứ địa và Khu giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập, các chính sách cơ bản về kinh tế, chính trị, quân sự... của Việt Minh được tổ chức thực hiện, lực lượng vũ trang được tăng cường, tạo đà cho đấu tranh vũ trang phát triển mạnh mẽ.
Với tư duy chiến lược thiên tài, vận dụng đúng đắn, sáng tạo học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa nghệ thuật quân sự Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới, Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng và quy luật của việc xây dựng hậu phương, hình thành tư tưởng về xây dựng hậu phương, căn cứ địa cách mạng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cao Bằng là nơi đầu tiên, Khu giải phóng Việt Bắc nói chung và các căn cứ địa trong cả nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa chính là sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hậu phương và căn cứ địa, góp phần làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Thực hiện tư tưởng của Người, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã xây dựng hậu phương, căn cứ địa rộng khắp: ATK Trung ương ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu 4, Liên khu 5, Chiến khu Đ, Căn cứ Đồng Tháp Mười... và hàng nghìn căn cứ địa cơ sở là các làng xã, thôn ấp chiến đấu, khu du kích, căn cứ du kích. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người chỉ rõ: “vấn đề củng cố hậu phương. Đó là nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta”12. Thực hiện chỉ thị của Người, quân và dân ta đã xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương chiến lược cho cách mạng miền Nam; hình thành Tuyến chi viện Chiến lược 559, hàng trăm chiến khu, căn cứ ở khắp các chiến trường, hàng vạn ấp, xã chiến đấu, vành đai diệt Mỹ, các lõm... đã tạo nên hệ thống hậu phương, căn cứ địa để quân và dân ta tiến hành thành công sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Với ý nghĩa to lớn đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng hậu phương và căn cứ địa cách mạng cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng được hậu phương, căn cứ địa vững chắc, trước hết phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng - nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng các tổ chức đảng và Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, tiêu biểu cho ý chí và trí tuệ của toàn dân tộc, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố thế trận lòng dân. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách đều vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, mọi việc làm đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”13. Có như vậy nhân dân mới tin yêu và đi theo Đảng, đem hết sức lực và tài trí, vật chất và tinh thần cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đó là nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân, nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tr. 173.
2, 4, 12, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 612; t. 3, tr. 536; t. 10, tr. 548; t. 4, tr. 51.
3, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 164, 446, 246.
8. Được Trung ương phát triển từ sau Khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27/9/1940).
9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 2, tr. 145.
10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 541, 542.
NCS. ĐẶNG CÔNG THÀNH
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng