Triết lý Hồ Chí Minh về lực lượng quân sự

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Triết lý Hồ Chí Minh về lực lượng quân sự là một nội dung trong hệ thống tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, có giá trị to lớn, định hướng xây dựng đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam về tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, cũng như củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Nghiên cứu di sản tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thông qua các bài nói, bài phát biểu, huấn thị, thư căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội, có thể khái quát triết lý Hồ Chí Minh về lực lượng quân sự qua những nội dung cơ bản sau:

1. Triết lý về vai trò nhân dân trong xây dựng lực lượng quân sự

Trong tác phẩm Đường kách mệnh - kim chỉ nam cho đường lối cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của quần chúng nhân dân đối với cách mạng. Những quan điểm của Người về “sức dân”, “sức người”, “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, “quyền hành đều ở nơi dân”, “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”1 khẳng định nhân dân luôn ở vị trí cao nhất, với địa vị làm chủ trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng và xã hội. Dân vừa là chủ, vừa là người thực hiện công việc làm chủ; vừa là chủ thể, vừa là khách thể; vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là trong xây dựng lực lượng quân sự, Người khẳng định: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”2.

Để làm cách mạng phải có lực lượng của nhân dân, trong đó, Người chỉ ra hai lực lượng cơ bản là lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, với hai hình thức đấu tranh cơ bản là đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Hai hình thức, hai lực lượng trên đều có vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, bởi theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”3. Lực lượng quân sự phải xây dựng từ nhân dân, bằng cách thâm nhập vào quần chúng, giáo dục, động viên, giác ngộ và tập hợp quần chúng nhân dân trong các đoàn thể cách mạng, đưa họ ra tranh đấu. Theo Người, quần chúng chính là những người bị áp bức bóc lột nặng nề nhất, “Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết”4.

Trên cơ sở lực lượng chính trị quần chúng để lựa chọn ra những đội viên ưu tú nhất, hăng hái nhất, kiên quyết nhất nhằm thành lập các đội vũ trang. Lực lượng chính trị càng vững mạnh, phong trào đấu tranh chính trị càng lên cao thì lực lượng vũ trang càng có cơ sở, điều kiện củng cố để phát triển. Khi lực lượng chính trị của quần chúng phát triển mạnh, phải kịp thời tổ chức lập ra các tổ, đội tự vệ, du kích với quy mô từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều để bảo vệ và hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động chính trị của quần chúng, khi có điều kiện thì phải nhanh chóng tổ chức ra đội quân chủ lực, chính quy…

2. Triết lý về mối quan hệ quân dân

Triết lý về mối quan hệ quân dân được hình thành một cách tự nhiên, theo đúng quy luật hình thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta được sinh ra trước khi cách mạng giành được thắng lợi. Những đội quân du kích đầu tiên được sinh ra từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, họ là con em của nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở mà trưởng thành. Đây là điều mà hiếm có quân đội nào trên thế giới có được. Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”5, quân đội muốn phát triển, lớn mạnh và chiến thắng, thì phải dựa trên “cái gốc”, “cái nền” là nhân dân.

Người quan điểm, quân đội ta là quân đội cách mạng, ra đời, trưởng thành và chiến đấu vì mục tiêu đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đó là cội nguồn sức mạnh của quân đội ta. Vì vậy, quân đội phải luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc”6. Người coi nhân dân chính là cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng quân đội ta. Nhờ có sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân mà quân đội ta mới nhanh chóng lớn mạnh, trở thành đội quân bách chiến, bách thắng. Để quân đội gắn bó với dân, phải luôn “hiếu với dân”, “tôn trọng nhân dân”, “được dân tin, dân phục, dân yêu”.

Theo Hồ Chí Minh, “hiếu với dân” trước hết là tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, thật sự coi nhân dân là cha mẹ của quân đội. Đã là người quân nhân cách mạng thì dù ở bất kỳ cương vị nào cũng phải là người đày tớ trung thành của nhân dân. Trong Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi, Người nhấn mạnh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”7.

Trong mối quan hệ với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội phải thực sự tôn trọng nhân dân thì nhân dân mới gắn bó chặt chẽ với quân đội và quân đội mới làm tròn được chức năng là đội quân công tác sắc bén của Đảng và Nhà nước, mới thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Người chỉ rõ: “Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép là đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”8.

Hồ Chí Minh luôn xác định, để tăng cường đoàn kết quân dân thì trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội là phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn cho dân tin, dân phục, dân yêu thì bộ đội phải tích cực giúp dân, phải gần gũi và chăm lo, bảo vệ nhân dân. Người đã chỉ dẫn cho bộ đội những công việc giúp dân rất cụ thể, thiết thực: “Giúp công việc thực tế hằng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v..)”, hay “Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức”… Giúp dân còn là tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người nhấn mạnh: “Phải cùng với các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, chấp hành thật tốt các chính sách đối với anh em thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với kháng chiến”9. Trong mối quan hệ với nhân dân, bộ đội phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”. Nghĩa là, “3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân. 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ. 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con. 6. Mua bán phải công bình. 7. Mượn cái gì phải trả tử tế. 8. Hỏng cái gì phải bồi thường”10. Đặc biệt, trong ứng xử, giao tiếp với nhân dân, phải đứng đắn, lễ độ, tế nhị, “phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”11.

3. Triết lý về mối quan hệ giữa con người và vũ khí

Theo Hồ Chí Minh, trong hoạt động quân sự, mối quan hệ giữa con người và vũ khí là mối quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau. Trong đó, con người giữ vai trò quan trọng, quyết định, vừa là chủ thể sáng tạo, cải tiến, sửa chữa, nâng cấp, vừa là chủ thể sử dụng, phát huy tính năng, công dụng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong chiến đấu. Do đó, để tạo ra sức mạnh quân sự, trước hết phải chú trọng xây dựng con người tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng... Hồ Chí Minh khẳng định: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”12; “Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”13. Vì vậy, “vũ khí là cần nhưng quan trọng hơn là con người vác súng”. Con người là vấn đề cốt lõi, tạo nên sức mạnh to lớn mà không một loại vũ khí nào có thể đánh bại được, giúp nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Tuy nhiên, dù đề cao vị trí, vai trò của con người trong hoạt động quân sự, nhưng Hồ Chí Minh cũng khẳng định: vũ khí là công cụ, phương tiện chiến đấu không thể thiếu được của chiến tranh cách mạng. Người chỉ rõ, khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Đối với Hồ Chí Minh, vũ khí không thuần túy là những công cụ, phương tiện thông thường để đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, mà vũ khí hóa thân thành sức mạnh vật chất to lớn, giúp con người vượt ra khỏi giới hạn thông thường, cải tiến, sáng tạo và phát huy cao độ tính năng, tác dụng của từng loại vũ khí quân sự trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hồ Chí Minh đã đề ra tư tưởng “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự, Người cho rằng: phải luôn coi trọng và phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của quần chúng nhân dân trong hoạt động quân sự. Đồng thời, cần giải quyết linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ giữa con người và vũ khí trang bị trong hoạt động quân sự vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi thời kỳ lịch sử. Bởi đây là mối quan hệ cơ bản nhất của hoạt động quân sự, sức mạnh của các yếu tố khác được phát huy thông qua mối quan hệ này. Theo Người: “tinh thần của con người phải truyền qua súng”. Con người với tư cách là chủ thể sáng tạo và sử dụng vũ khí, cần phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo của bản thân trong sử dụng vũ khí, sử dụng đúng mục đích. Khi đó, vũ khí quân sự sẽ biến thành sức mạnh vật chất trong thực tiễn chiến đấu, làm cho con người và vũ khí trở nên mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn.

Để giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, Hồ Chí Minh đề ra những chủ trương, biện pháp rất đúng đắn, khoa học, như: bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người trong hoạt động quân sự; nâng cao số lượng, chất lượng vũ khí trong hoạt động quân sự; tổ chức huấn luyện, biên chế các lực lượng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

4. Triết lý về xây dựng lực lượng vũ trang

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, kế thừa những bài học kinh nghiệm của ông cha ta về xây dựng và tổ chức quân sự trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đồng thời đi sâu phân tích bản chất của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra: đối với các dân tộc thuộc địa, muốn chiến thắng kẻ thù hung bạo thì không có sự lựa chọn nào khác là phải “dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”. Năm 1925, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Người khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”14. Bởi theo Người, “đế quốc có chết thì chết nhưng nết nó không chừa”, cho nên giành được độc lập vẫn phải cảnh giác, chủ động củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh xác định: “một quân đội văn hay, võ giỏi là một quân đội vô địch”. Nghĩa là, phải xây dựng một đội quân không chỉ có chính trị vững vàng mà còn có kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật quân sự… Theo triết lý của Người, để có đội quân này, trước tiên phải xây dựng lực lượng chính trị, các tổ chức và đoàn thể cách mạng làm cơ sở nền tảng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Vì lực lượng chính trị là cơ bản, nền tảng của cách mạng và là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng chính trị gồm mọi người dân đã được giác ngộ, được tập hợp thông qua các tổ chức, đoàn thể cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người chỉ rõ: “Muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện vác súng thì mới thắng được”15. Thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể để lựa chọn ra những người ưu tú nhất, từ đó thành lập nên các đội tự vệ, đội du kích; thông qua hoạt động của các đội tự vệ, đội du kích mà “chọn lọc số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất... để lập ra đội chủ lực”.

Quá trình xây dựng cần chú ý xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để giữ vững mục tiêu chính trị, sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Trong triết lý Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị cần chú trọng: tăng cường bản chất giai cấp công nhân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với lợi ích của nhân dân và của dân tộc; tăng cường sự quản lý của nhà nước, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của nhà nước cách mạng; xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân với dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, đội quân “văn hay” phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đánh thắng kẻ thù xâm lược: “Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, ra sức tiêu diệt địch và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho”16.

Theo Hồ Chí Minh, đội quân “võ giỏi” là đội quân được xây dựng vững chắc trên nền tảng của ba lực lượng: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Mỗi lực lượng có vị trí, vai trò khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau và đều nằm trong tổng thể của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của dân tộc ta. Vì vậy, trong xây dựng lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng và khéo giải quyết việc xây dựng từng lực lượng, kết hợp và phát huy vai trò to lớn của ba lực lượng này phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Đồng thời, đội quân “võ giỏi” phải là đội quân biết chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh, đội quân “võ giỏi” trước hết phải có chiến thuật giỏi: “Huấn luyện chiến thuật kỹ thuật, giáo dục chính trị, trong việc bảo vệ Tổ quốc như giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến, cũng như trong công tác giúp dân”17. Để trở thành đội quân “võ giỏi”, phải tích cực học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật: “Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật”18. Bởi nhiệm vụ của đội quân “võ giỏi” là giữ vững hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Trải qua những năm tháng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, đội quân đội “văn hay, võ giỏi” càng đánh, càng thắng, càng trưởng thành và phát triển. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta đã khẳng định sức mạnh của đội quân “văn hay, võ giỏi” trong chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

5. Triết lý về đoàn kết nội bộ trong lực lượng vũ trang

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ và chiến sĩ đoàn kết nhất trí, thương yêu gắn bó với nhau là nhân tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa nền tảng quyết định thắng lợi của quân đội. Ngay từ ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đội đã tuyên thệ Mười lời thề danh dự. Trong đó: “Xin thề: Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu, trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận”19. Tại Hội nghị cao cấp toàn quân ngày 20/3/1958, Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa to lớn của đoàn kết thống nhất, xác định việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong quân đội là một nhiệm vụ quan trọng, kể cả trong thời chiến và thời bình, trong chiến đấu và xây dựng, trong lao động sản xuất, công tác và học tập: “toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”20.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng ý thức và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong quân đội phải trên cơ sở giác ngộ sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích theo phương châm “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ phải tổ chức, giáo dục, tuyên truyền, vận động để mọi quân nhân tự nhận thức được sự cần thiết phải đoàn kết lại, từ đó tự giác tham gia xây dựng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong quân đội; phải có chủ trương, chính sách, chế độ chăm lo lợi ích chính đáng của mọi quân nhân; đội ngũ cán bộ quân đội phải là tấm gương đoàn kết, mẫu mực từ lời nói đến việc làm vì lợi ích của dân, của nước, thực sự làm hạt nhân đoàn kết trong đơn vị.

Đối với đội ngũ cán bộ, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh phải đề cao tinh thần trách nhiệm, có tình thương yêu, thái độ đồng cam cộng khổ với binh sĩ; phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên; phải coi binh sĩ như anh em ruột thịt của mình. Theo Người, quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ không chỉ là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, quan hệ công tác, mà còn phải “sống với nhau có tình có nghĩa”. Người chỉ rõ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”21. Tuy nhiên, theo Người, đó phải là đoàn kết thực sự chứ không phải là đoàn kết ngoài miệng trong công tác, trong học tập trên cơ sở sự tin cậy và trách nhiệm lẫn nhau giữa cán bộ và chiến sĩ, mà việc chủ động xây dựng lòng tin đó phải từ phía cán bộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong quân đội phải dựa trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng; đoàn kết có đấu tranh; đoàn kết đi đôi với phát huy dân chủ và tôn trọng kỷ luật. Người căn dặn: Muốn đoàn kết thực sự phải đấu tranh tự phê bình và phê bình để giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Phê bình và tự phê bình phải xuất phát từ tình thương yêu đồng chí, đồng đội, với động cơ trong sáng nhằm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình và tự phê bình là để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân”22. Và, đoàn kết trên cơ sở phát huy dân chủ nhưng đồng thời phải tăng cường kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật… Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình”23. Đoàn kết, dân chủ và kỷ luật luôn gắn kết với nhau.

Tóm lại, triết lý Hồ Chí Minh về lực lượng quân sự thực sự đã trở thành chân lý có vai trò to lớn trong quá trình hình thành, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta, có tính định hướng sâu sắc cho quá trình xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc đưa ra những quan điểm và vận dụng quan điểm của Người một cách đầy đủ, sáng tạo góp phần to lớn vào thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua đó, có thể thấy giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của triết lý quân sự Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Người đối với sự ra đời, trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay, để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi quân đội ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng một cách nhuần nhuyễn, phù hợp triết lý Hồ Chí Minh về lực lượng quân sự để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.


1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 283, 297.3, 4, 5, 7, 8, 9, 10,

12, 13, 14, 16, 17, 18, 20, 22, 23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453; t. 2, tr. 288; t. 6, tr. 264; t. 14, tr. 435; t. 6, tr. 458; t. 15, tr. 568; t. 5, tr. 135; t. 7, tr. 460; t. 4, tr. 527; t. 5, tr. 370; t. 14, tr. 594; t. 10, tr. 488; t. 8, tr. 265; t. 11, tr. 367; t. 7, tr. 221; t. 14, tr. 574.

6, 11, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 76.

15. Vũ Anh: Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960.

19. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, t. 1, tr. 86.

Trung tá, TS. ĐÀO ĐÌNH TUẤN - Thiếu tá, ThS. PHẠM VĂN HIẾU

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin