1. Khái quát về tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam và xu hướng truyền tải thông điệp của báo chí hiện nay
Bạo lực học đường chủ yếu diễn ra trong độ tuổi trẻ vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lứa tuổi từ 10 đến 19 được quy định là độ tuổi vị thành niên. Đây là giai đoạn cả não bộ và cơ thể của trẻ đều có sự phát triển nhanh chóng, cùng với biến đổi lớn về tình cảm, tâm lý. Với những đặc điểm tâm - sinh lý mang tính đặc thù, trẻ trong độ tuổi này luôn muốn khẳng định bản thân nên suy nghĩ và hành xử rất khó kiểm soát, dễ khủng hoảng và dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố tiêu cực trong xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân đưa đến sự hình thành tâm lý bạo lực ở trẻ, từ đó dẫn đến hiện trạng bạo lực học đường hiện nay.
Theo báo cáo của WHO và UNESCO, tỷ lệ bạo lực học đường trên toàn cầu là 1:3, nghĩa là cứ 3 học sinh thì sẽ có 1 học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường1. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, lan rộng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng hành xử thiếu văn minh, thiếu lành mạnh của học sinh trong môi trường giáo dục. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng số vụ bạo lực học đường trên cả nước là 699 vụ, liên quan đến 2.016 học sinh2; cứ 50 cơ sở giáo dục lại có một cơ sở để xảy ra bạo lực học đường, bao gồm bạo hành, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học.
Việc báo chí đưa tin về chủ trương, chính sách, pháp luật về hỗ trợ, bảo vệ trẻ vị thành niên cho thấy Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến nhóm đối tượng này trong xã hội. Các tuyến bài đưa tin liên quan tương đối đa dạng, trong đó đề cập và lên án bạo lực học đường là một trong những nội dung được dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, với đặc điểm tâm - sinh lý của trẻ vị thành niên, việc đưa tin về nhóm đối tượng này đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt chú ý đến vấn đề đạo đức và tính nhân văn của báo chí.
Trên thực tế, tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp về bạo lực học đường đã được các cơ quan báo chí quan tâm, nhiều bài viết thể hiện sự khách quan, trung thực, cho thấy góc nhìn đa chiều và tinh thần nhân đạo cao cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều bài viết được đăng tải, đặc biệt là đăng trên báo mạng điện tử vẫn còn thiên kiến, phiến diện, chủ quan, gây tổn thương cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Hiện nay, các vụ việc về bạo lực học đường chủ yếu được đăng tải trên báo mạng điện tử, vì đây là loại hình báo chí có sự kết hợp giữa thông tin và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật, số hóa tiên tiến, do đó có độ tiếp cận, nhận diện cao. Báo mạng điện tử có khả năng sản xuất và truyền tải thông tin dựa trên nền tảng internet toàn cầu một cách dễ dàng. Đặc biệt, nội dung thông tin không bị giới hạn bởi khuôn khổ của trang báo, thời lượng phát sóng hay quy trình sản xuất thông tin tức thời chính là đặc điểm giúp báo mạng điện tử có thể truyền tải thông điệp một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Trong các mô hình truyền thông của Shannon, thông điệp luôn là một trong những yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình truyền thông. Mô hình truyền thông Shannon được cải tiến dựa trên mô hình truyền thông của Harold Lasswell, xuất hiện thêm yếu tố “phản hồi” tới nguồn phát (Hình 1). Theo mô hình này, công chúng tiếp nhận có vai trò quyết định trong quá trình truyền thông. Thông điệp là nội dung thông tin được truyền từ nguồn phát đến đối tượng tiếp cận, thể hiện tâm tư, tình cảm, hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm sống… Nếu không có thông điệp, quá trình truyền thông không thể hình thành. Đây là một trong những yếu tố quyết định việc công chúng sẽ lựa chọn bỏ qua hoặc dừng lại để tiếp tục tìm hiểu nội dung của bài báo.
Có thể khẳng định, báo mạng điện tử là một trong những loại hình báo chí có khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhất hiện nay. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2023, tại Mỹ, tỷ lệ người đọc tin tức/tìm kiếm tin tức bằng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính bảng, máy tính chiếm 56%, từ tivi là khoảng 32%, từ báo in là 9% và từ phát thanh là 16%3.
Trong xu thế phát triển của xã hội, tính nhân văn trong truyền tải thông điệp, đặc biệt là thông điệp về vấn đề bạo lực học đường là yếu tố vô cùng quan trọng. Tính nhân văn trong báo chí nằm ở việc báo chí giúp định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn, hướng đến “đề cao, quý trọng, ca ngợi và bảo vệ những văn hóa chung của cộng đồng, vì cuộc sống và mục đích chính đáng của con người và cộng đồng”4. Theo đó, xác định tính nhân văn trong truyền tải thông điệp của báo chí, nhất là báo mạng điện tử về vấn đề bạo lực học đường là yêu cầu tất yếu.
2. Tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp về bạo lực học đường
Thứ nhất, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Tính nhân văn của báo chí nói chung thể hiện trong nguyên tắc tính đảng; phản ánh sự trung thực, khách quan của người cầm bút; kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng với góc nhìn đồng cảm, hướng thiện, góp phần hóa giải những bế tắc trong cuộc sống. Đặc biệt, tính nhân văn của báo chí còn được thể hiện ở nội dung, tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền con người và các giá trị tốt đẹp.
Trong suốt quá trình phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn nỗ lực truyền tải những nội dung đa dạng, lên án, loại bỏ những thói hư, tật xấu, đồng thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, hành động đẹp; đặc biệt hướng tới xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, nhất là giữa học sinh với bạn bè, thầy, cô giáo.
Biểu đồ tỷ lệ người dùng ở Mỹ sử dụng các loại hình báo chí để đọc tin tức.
Nguồn: PEW.
Bên cạnh đó, báo chí cũng tuyên truyền, phát động phong trào phòng, chống và đẩy lùi những hành vi bạo lực học đường. Ngoài truyền tải thông tin một cách khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật, báo chí còn tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội thông qua việc tuyên truyền, phổ biến những cuộc thi về phòng, chống bạo lực học đường trên cả nước, như cuộc thi: “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và quy tắc ứng xử trong trường học”, “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em”, “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường”... Qua đó, góp phần tác động tích cực tới nhận thức, hành vi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề bạo lực học đường.
Thứ hai, tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp về bạo lực học đường còn thể hiện qua nội dung đăng tải có chất lượng, ngôn ngữ, giọng điệu bảo đảm phù hợp với chuẩn mực văn hóa. Một sản phẩm báo chí viết về bạo lực học đường chứa đựng tính nhân văn, chuyên nghiệp luôn có giá trị tuyên truyền, hướng đến nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin pháp luật cho công chúng, giúp công chúng hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của sự việc tiêu cực và các vấn đề liên quan đến trẻ vị thành niên. Với khả năng kết nối và góc nhìn đa chiều, nội dung các tác phẩm báo chí đóng vai trò là “người bảo vệ” những đối tượng là nạn nhân của bạo lực học đường, sẵn sàng đấu tranh chống lại những hành vi xâm phạm quyền con người, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, trái với chuẩn mực xã hội.
Thứ ba, tính nhân văn của báo chí trong việc truyền tải thông điệp về bạo lực học đường còn được thể hiện qua việc nhà báo bảo vệ danh tính đối tượng, tránh xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên. Thực tế cho thấy, trên thế giới, đã có rất nhiều nhà báo nổi tiếng chấp nhận bị phạt tiền, mất việc, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự để bảo vệ nguồn tin. Theo báo cáo của Fox News, tại Mỹ, từ năm 1917 đến năm 2006, đã có 30 vụ án lớn, trong đó có các phóng viên bị kết án tù. Ngoài ra, có khoảng 20 án phạt liên quan đến việc các nhà báo từ chối tiết lộ nguồn tin, với số tiền phạt cao nhất lên tới 5.000 USD5.
Có thể thấy, bảo vệ nguồn tin, danh tính của đối tượng được đưa tin là nguyên tắc quan trọng hàng đầu đối với một nhà báo, nhằm xây dựng lòng tin, uy tín và tăng cường sự hợp tác giữa các bên. Cũng như quy ước đạo đức báo chí trên thế giới yêu cầu nhà báo phải tôn trọng quyền trẻ em, vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên cũng luôn được pháp luật Việt Nam quan tâm, chú trọng. Việc đưa tin đòi hỏi phải dựa trên nguyên tắc khách quan, trung thực, song điều này không đồng nghĩa với việc nhà báo mô tả quá chi tiết, cụ thể về diễn biến vụ bạo lực học đường, tiết lộ danh tính người gây ra bạo lực học đường, hoặc nạn nhân của bạo lực học đường. Nếu vi phạm nguyên tắc trên, quyền lợi của trẻ em không những không được bảo vệ, mà còn bị xâm phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm và sự trưởng thành của nhóm đối tượng này, từ đó làm suy giảm tính nhân văn, chuyên nghiệp của báo chí.
Thứ tư, tính nhân văn của báo chí trong việc đưa tin về bạo lực học đường nói riêng và các vấn đề nhạy cảm khác nói chung còn được thể hiện trong đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nếu người làm báo suy thoái đạo đức thì khó có thể đưa tin một cách khách quan, trung thực và nhân văn. Chỉ tính riêng trong năm 2022, lực lượng thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý vi phạm hành chính 32 lượt cơ quan báo chí, với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, 1 tổng biên tập bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo và điều chuyển làm công việc khác6. Đây là hành động cứng rắn của cơ quan chức năng trong việc xử lý những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực báo chí, nhằm xây dựng và bảo vệ nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên là những người hiểu rõ nhất giá trị của những thông tin được đăng tải. Do đó, mỗi nhà báo, mỗi phóng viên, biên tập viên phải luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa tin, nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó sáng suốt lựa chọn góc nhìn thích hợp, không bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, vấn đề truyền tải thông điệp về bạo lực học đường ngày càng trở nên quan trọng, khi đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là nhóm trẻ vị thành niên - những người chưa thể nhận thức một cách đầy đủ tính phức tạp của vấn đề này.
3. Một số giải pháp nâng cao tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp về bạo lực học đường
Một là, báo chí cần bảo đảm tính chính thống của nguồn tin khai thác, nghĩa là nguồn tin đó phải được pháp luật công nhận và đã thông qua sự kiểm duyệt của các bên có thẩm quyền trước khi đăng tải. Tránh tiết lộ danh tính, thông tin (tên, tuổi, địa chỉ, trường học…) của những đối tượng có liên quan đến bạo lực học đường, bao gồm cả nạn nhân, nhân chứng hay người có hành vi bạo lực học đường. Khi chuyển những thông tin được khai thác, tổng hợp thành thông tin đăng tải trên báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần loại bỏ những thông tin gây phản cảm, không phù hợp, tránh gây tổn thương cho gia đình của các đối tượng có liên quan.
Đặc biệt, đối với báo mạng điện tử - loại hình báo chí có thể truyền tải thông điệp qua chữ viết, hình ảnh, video và âm thanh, khi đăng tải thông tin, nhà báo cần lưu ý lựa chọn tít bài, sapo phù hợp, không nhấn mạnh vào các chi tiết phản cảm, bởi đây là những thông điệp sẽ được truyền tải tới công chúng đầu tiên. Hình ảnh kèm tin, bài phải bảo đảm chất lượng, phù hợp với thông tin đăng tải; đặc biệt, không để lộ hình ảnh nhân vật là trẻ vị thành niên.
Hai là, báo chí không bao biện cho những hành vi xấu, vi phạm pháp luật, song cũng không được suy diễn, chủ quan; chỉ ra cái xấu, cái ác, nhưng phải nhằm mục tiêu tôn vinh cái đẹp, cái thiện. Cùng một vấn đề, song mỗi nhà báo có quyền lựa chọn góc nhìn khác nhau, không nên phán xét, đưa thái độ chủ quan, vô căn cứ vào bài viết. Bên cạnh đó, báo chí cần tránh việc đưa thông tin để thỏa mãn thị hiếu của một bộ phận công chúng, hướng vào góc tối và thường xuyên bàn luận về những vấn đề tiêu cực. Muốn vậy, cùng với việc cung cấp thông tin rõ nét, chân thực, khách quan về bạo lực học đường, báo chí cũng cần suy xét, cẩn trọng trong lựa chọn thông điệp truyền tải tới công chúng. Đưa tin chân thực, khách quan không có nghĩa là thường xuyên cung cấp những thông tin tiêu cực khiến công chúng hoang mang, lo lắng. Việc đưa tin về một vấn đề với tần suất dày đặc sẽ khiến người đọc dần cảm thấy “bình thường” trước những vấn đề “bất thường”, thậm chí mặc nhiên chấp nhận hành vi bạo lực học đường. Trong khi đó, bạo lực học đường là vấn đề lớn của xã hội, cần được xem xét ở phạm vi nhân quyền, công chúng cần có cái nhìn nghiêm túc về tính nguy hại của vấn đề này. Theo đó, thay vì sa đà vào những chi tiết giật gân, cần có sự chuyển biến từ “đưa tin thực trạng” thành “đưa tin giải pháp”, nhấn mạnh vào biện pháp phòng, tránh bạo lực học đường.
Ba là, bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, các cơ quan chủ quản, các đơn vị báo chí, trong đó có báo mạng điện tử, cần chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của những người làm báo về sứ mệnh gìn giữ tính nhân văn của báo chí cách mạng. Phát huy tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo. Tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông điệp về vấn đề bạo lực học đường sẽ được phát huy khi người làm báo luôn nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tận tâm, tận lực với nghề, luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích của cá nhân. Cá nhân người làm báo cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, hoạt động tác nghiệp chuẩn mực, hướng tới việc tạo ra những sản phẩm báo chí về bạo lực học đường có giá trị về mặt nội dung, định hướng hiệu quả dư luận xã hội, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ vị thành niên.
Có thể khẳng định, báo chí viết về bạo lực học đường không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin, mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin pháp luật cho công chúng. Hiện nay, các tòa soạn xác định việc thúc đẩy tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông tin về bạo lực học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được duy trì, củng cố. Theo đó, giúp các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, hướng tới việc hoạt động theo chức trách trong đưa tin, đồng thời dự báo chính xác những tác động của thông tin về bạo lực học đường sau khi được đăng tải đối với độc giả và nhân vật được phản ánh. Trước bối cảnh nền kinh tế thị trường, việc duy trì tính nhân văn của báo chí trong truyền tải thông tin về bạo lực học đường vừa là yêu cầu, vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí, đòi hỏi các cơ quan báo chí, trong đó có báo mạng điện tử, cùng đội ngũ những người làm báo phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ nguyên tắc trong tác nghiệp, góp phần xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, làm tốt nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội. Báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử, tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu; phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân, từ đó giữ gìn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
-
UNICEF: Hơn 150 triệu thanh thiếu niên trên thế giới bị bạo lực học đường, UNICEF Việt Nam, ngày 07/9/2018, https://www. unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-chí/hơn-150-triệu-thanhthiếu-niên-trên-thế-giới-bị-bạo-lực-học-đường.
-
Nguyễn Liên: Trên 2.600 vụ bạo lực học đường có tính chất phức tạp, chuyên gia đề xuất giải pháp, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 01/6/2023, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ tren-2-600-vu-bao-luc-hoc-duong-co-tinh-chat-phuc-tap-chuyengia-de-xuat-giai-phap-i331004/.
-
Pew Research Center: News Platform Fact Sheet, Pew Research Center, ngày 15/11/2023, https://www.pewresearch.org/journalism/ fact-sheet/news-platform-fact-sheet/.
-
Nguyễn Văn Dững: Cơ sở lý luận báo chí, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2012, tr. 232.
-
Hà Liên: Những nhà báo chấp nhận vào tù để bảo vệ nguồn tin, Báo Lao động điện tử, ngày 21/6/2017, https://laodong.vn/the-gioi/ nhung-nha-bao-chap-nhan-vao-tu-de-bao-ve-nguon-tin-517841. ldo.
-
Tước quyền sử dụng giấy phép 3 tháng 2 cơ quan báo chí, Báo Thanh tra điện tử, ngày 24/12/2022, https://thanhtra.com.vn/ thanh-tra/hoat-dong-nganh/tuoc-quyen-su-dung-giay-phep-03thang-02-co-quan-bao-chi-205914.html.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
Trần Hoàng Hoàng: Giữ vững tính nhân văn của báo chí cách mạng, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 21/6/2022, https:// www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giu-vung-tinh-nhan-van-cua-baochi-cach-mang-697724.
-
Hồ Quang Lợi: Xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu và tính nhân văn, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân điện tử, ngày 19/6/2017, http://tapchiqptd.vn/vi/chuyen-luan-chi-dao/xay-dung-nen-baochi-giau-tinh-chien-dau-va-tinh-nhan-van/10255.html.
-
Đặng Huyền: Hoang mang với bạo lực học đường hay với truyền thông báo chí?, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 16/4/2019, https:// vietnamnet.vn/hoang-mang-voi-bao-luc-hoc-duong-hay-voitruyen-thong-bao-chi-523550.html.
-
Nhìn nhận khách quan về “bạo lực học đường”, Báo điện tử Dân trí, ngày 09/11/2011, https://dantri.com.vn/dien-dan/nhin-nhan-khachquan-ve-bao-luc-hoc-duong-1321144032.htm.
-
Thu Hoài: Phát huy tính nhân văn của báo chí, góp phần định hướng xã hội đến những điều tốt đẹp, Trang tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 24/12/2022, https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huytinh-nhan-van-cua-bao-chi-gop-phan-dinh-huong-xa-hoi-dennhung-dieu-tot-dep-20221224201140433.htm.
ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC VÂN
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông