Tiềm năng phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Điện Biên là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc; có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Điện Biên đã tạo dựng nên hình ảnh về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Lào, Dao, Kháng, Hà Nhì, Hoa, Xinh Mun, Cống, Tày, Sán Chay, Phù Lá, Si La, Nùng, Mường, Thổ... Mỗi dân tộc đều có nét bản sắc riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán…, tạo nên bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên: thiên tình sử “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái; trường ca “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông; các điệu múa dân vũ: xòe (Thái, Lào), múa tăng bu, tăng bẳng (Khơ Mú), múa khèn (Mông), múa trống (Hà Nhì); các loại nhạc cụ truyền thống phong phú: khèn bè, khèn, kèn lá, tính tảu; các loại pí... Kiến trúc nhà truyền thống chủ yếu là nhà sàn, nhà đất, nhà trình tường... Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống và lễ hội lịch sử: Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng Điện Biên (ngày 07/5), Lễ hội lịch sử thành bản Phủ (ngày 25/2 âm lịch); lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số: xên bản, xên mường, xên lẩu nó, kin pang then, pang then, kin khẩu mấu(các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái); xé pang ả (các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơme); co nhẹ chà, de khù chà (dân tộc Hà Nhì); khlang khùa, quá tang, tủ cải, dù su (dân tộc Mông, Dao)... Các trò chơi dân gian: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh khăng, đánh lông gà, tó mắk lẹ, đánh cù, hát qua ống, tù lu, đua ngựa, bắn nỏ... được tổ chức trong các dịp lễ, tết, mừng cơm mới.

Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử: Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất..., đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ - di tích có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học. Bên cạnh những lợi thế về du lịch lịch sử, văn hóa, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực, với nhiều danh thắng, hang động đẹp nổi tiếng: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng như U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La, đèo Pha, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải (ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc)...

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh dựa trên ba trụ cột chính: (1) Sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh: Xây dựng các sản phẩm trải nghiệm tìm hiểu lịch sử chiến tranh với các hoạt cảnh, minh họa thực tế, trực tiếp, sử dụng các công nghệ tiên tiến về âm thanh, ánh sáng, tạo những cảm giác chân thực cho khách du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch văn hóa hiện có; nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh. (2) Sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái: Tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc dân gian; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng, sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm hằng năm: Lễ hội Hoa Ban, kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội hoa Anh Đào... (3) Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Tập trung thu hút du khách bằng các dịch vụ du lịch chất lượng cao: chơi golf, đua thuyền, các môn thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, ngắm cảnh, chụp ảnh tại các công viên chuyên đề, xem biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu..., chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, các chợ phiên vùng cao, biên giới, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch; chú trọng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại các khu vực có mỏ khoáng nóng như U Va, Hua Pe nhằm tạo sự độc đáo, khác biệt.

Trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các loại hình du lịch đã được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư phát triển mạnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hệ thống quản lý, số hóa về di tích, di sản văn hóa phi vật thể và hiện vật tại Bảo tàng tỉnh; thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa phòng trưng bày, giới thiệu về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; đồng thời, tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Về lĩnh vực văn hóa, từ năm 2021 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 6 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh bước đầu được quan tâm phát triển, hình thành những cơ sở ban đầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trong đó, có 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo xây dựng và thực hiện quản lý rừng bền vững theo phương án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2022 - 2030. Ngoài ra, du lịch nông thôn gắn liền với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái cũng đang được các cấp, ngành cơ quan chuyên môn tích cực triển khai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng là một trong những xu hướng du lịch được ưa chuộng, có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Nhận thức rõ điều đó, ngành Du lịch tỉnh đã và đang tập trung khai thác lợi thế về di tích lịch sử, sự phong phú, đa đạng về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc để tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến với Ðiện Biên: Bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên), Bản Mển (xã Thanh Nưa), Bản Ten (xã Thanh Xương), Bản Co Mỵ, Hoong Lếch Cang (xã Thanh Chăn)… Tập trung phát triển một số mô hình homestay nhằm phục vụ khách lưu trú, cung cấp dịch vụ ngủ, nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách trong nước và ngoài nước. Ðồng thời, đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho nhân dân tại các bản. Ðể phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, ngành cũng chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhiều cuộc khảo sát các tuyến, điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được tổ chức; hình thức tuyên truyền, quảng bá đa dạng, phong phú, nội dung tuyên truyền, quảng bá ấn tượng. Đặc biệt, trong thời gian qua, Điện Biên đã xây dựng và phát hành hệ thống các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch đặc sắc, trong đó, phải kể đến cuốn cẩm nang du lịch Điện Biên (song ngữ Anh - Việt, Việt - Thái), tập gấp du lịch, tờ rơi, bưu ảnh du lịch, logo tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ..., góp phần quan trọng trong việc giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về du lịch Ðiện Biên. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường cải cách hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh hiệu quả; duy trì đăng tải 27 bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực du lịch phục vụ việc tra cứu của các tổ chức, cá nhân; áp dụng tiêu chuẩn ISO trong việc giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu khởi sắc, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã đến khảo sát, ký kết các thỏa thuận, quan tâm nghiên cứu và đề xuất xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf trong thời gian tới: Vingroup, SunGroup, Hải Phát, Flamingo...

Đặc biệt, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực. Nhờ đó, một số sản phẩm, điểm đến du lịch mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác, mang lại kết quả khả quan trong thu hút du khách. Từ năm 2021 đến nay, tổng lượng khách du lịch đến Ðiện Biên đạt gần 1,8 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.041,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 8.000 lao động, trong đó có 3.500 lao động trực tiếp. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 2,5 ngày1... Những số liệu trên cho thấy, ngành Du lịch tỉnh không chỉ có sự phục hồi và tăng trưởng ổn định sau đại dịch Covid-19, mà còn đang đi đúng hướng với những bước đi chắc chắn, bền vững, hoàn toàn có thể phát triển đột phá trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch tại Điên Biên cũng đứng trước không ít khó khăn. Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ du lịch chưa đồng bộ, do đó việc khai thác các lợi thế, tiềm năng du lịch chưa đạt hiệu quả cao; thiếu kinh phí phục vụ việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích; khả năng tiếp cận thị trường của một số đơn vị lữ hành còn hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu... Nhận thức của một bộ phận cộng đồng các dân tộc thiểu số về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ trong quảng bá xúc tiến du lịch chưa thực sự hiệu quả, chưa phổ biến ở tất cả các địa điểm tham quan, du lịch. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu thành phần chủ đạo trong sản phẩm để tạo ra điểm nhấn so với các tỉnh khác có cùng thế mạnh về phong cảnh thiên nhiên, sự đa dạng tộc người... Chưa huy động được tối đa các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá du lịch. Hệ thống nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, giải trí và mua sắm còn thiếu, quy mô nhỏ, chưa có những cơ sở quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Nhìn chung, chất lượng lao động còn thấp, phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; đội ngũ thuyết minh viên còn quá mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Vấn đề vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để, nhiều giá trị truyền thống có dấu hiệu bị mai một... Vốn là thế mạnh nổi bật, song hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh cũng còn một số bất cập: mặc dù là địa phương có hệ sinh thái phong phú, các bản, làng đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống cùng với quần thể di tích lịch sử và các danh thắng hấp dẫn, song do phát triển tự nhiên, thiếu sự đầu tư về chiều sâu nên du lịch cộng đồng của Điện Biên vẫn chưa có sự phát triển xứng tầm; các bản văn hóa du lịch hầu hết đều tập trung ở khu vực lòng chảo Điện Biên, do đó đã hạn chế sự lựa chọn tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá của du khách; các dịch vụ về ẩm thực, văn nghệ còn trùng lặp, chưa phong phú, đa dạng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ...

Có thể nói, mặc dù giàu tiềm năng, phong phú, đa dạng về tài nguyên du lịch, song tỉnh Điện Biên vẫn chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất, sức cạnh tranh chưa cao so với các vùng khác trong cả nước.

ThS. HOÀNG THỊ THU TRANG

Trường Chính trị tỉnh Điện Biên

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin