Hiện nay, việc lập quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố đang được tiến hành trên cả nước. Để tránh được cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần loại bỏ được cách nhìn chủ quan hay can thiệp của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, quy hoạch phải xuất phát từ thực tiễn phát triển sôi động của các yếu tố kinh tế - xã hội gắn với tầm nhìn chiến lược trong phát triển quốc gia. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, việc định vị và xác định rõ tiềm năng, lợi thế được thể hiện trong quy hoạch của tỉnh, thành phố phải đặt trong mối liên kết chung của vùng và của cả nước, coi đó là cơ sở quan trọng giúp xác định ngành, lĩnh vực phù hợp để cộng hưởng và tạo sức mạnh tổng hợp nhằm vượt qua thách thức, tận dụng lợi thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... để có sự phát triển đột phá trong thời gian tới.
1. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất”1. Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sinh kế, việc làm.
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Vùng trung du, miền núi phía Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điểm chung của 6 nghị quyết về phát triển các vùng là yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu... Ngày 21/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh tới nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế so sánh của quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện 6 nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và phù hợp với bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước.
Trên thực tế, từ việc phân vùng theo điều kiện tự nhiên dần hình thành phân vùng kinh tế trọng điểm. Quá trình hình thành vùng và phân vùng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư công, thu hút đầu tư phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi vùng có một số đặc điểm nổi trội, thế mạnh so với các vùng khác, đồng thời cũng có những hạn chế và khó khăn đặc thù... Liên kết vùng vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Liên kết giữa các địa phương sẽ hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, bảo đảm sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu có thể phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương trong vùng. Sự điều hành, chỉ đạo thống nhất chung góp phần khắc phục được tình trạng địa phương chủ nghĩa, cục bộ, hiện tượng “phá rào” về ưu đãi thuế, dễ dãi về bảo vệ môi trường để “tranh giành nhà đầu tư”, “tranh giành dự án”, phát triển sản phẩm trùng lắp làm cho “được mùa thì rớt giá”, sản xuất thừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội.
2. Từ thực tế đó, để quan hệ liên kết kinh tế trong quy hoạch phát triển vùng trở nên chặt chẽ và động bộ hơn, vì lợi ích chung cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi vùng phải tập trung vào tăng năng suất lao động. Trong khi các yếu tố về vốn và thâm dụng lao động sẽ sớm chạm ngưỡng tới hạn, thì mục tiêu tăng năng suất lao động cần phải hướng vào tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Trong khi đó, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên còn có những điểm thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, là nút thắt cản trở việc tăng năng suất lao động.
Thứ hai, Nhà nước là chủ thể có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng dịch vụ công và hoạch định chiến lược phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước vẫn còn tình trạng phân mảnh khi việc hoạch định lẫn thực thi chính sách chưa theo không gian kinh tế, mà nặng về địa giới hành chính, có tình trạng chia cắt và cục bộ địa phương. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội được thực hiện trên cơ sở đánh giá thế mạnh và cơ hội của riêng từng địa phương, mà chưa xem xét tới mối liên hệ với các địa phương lân cận, đặt trong lợi thế cạnh tranh chung của cả vùng, hình thành tư duy và chính sách kinh tế mang tính cục bộ, thiếu hiệu quả tổng thể, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Điều này cũng lý giải vì sao sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong từng vùng kinh tế vẫn còn có lúc, có nơi rời rạc, thiếu tính đồng bộ.
Thứ ba, vẫn còn sự tách biệt giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Điều này vô hình trung đang tạo ra rào cản trong việc hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành hàng... từ khâu cung ứng, sản xuất đến dịch vụ.
Thứ tư, công tác quy hoạch mạng lưới vận tải đa phương thức kém phát triển dẫn đến sự phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ. Công tác quy hoạch mạng lưới giao thông chưa thực sự gắn và chưa theo kịp với công tác quy hoạch kinh tế, nên chi phí logistics đang ở mức khá cao, chưa thúc đẩy được kinh tế phát triển tối đa. Khi các chuỗi giá trị trong nước được hình thành và được kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc hình thành được các hành lang vận chuyển phục vụ các hoạt động thương mại là yếu tố hết sức quan trọng. Kết hợp các hành lang vận chuyển và bảo đảm hiệu quả dịch vụ logistics sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí và thời gian cần thiết để vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế, như quy mô các nhà cung cấp dịch vụ còn nhỏ và hoạt động phân tán...
Thứ năm, việc nhận thức về vai trò động lực của khoa học, công nghệ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy đã đạt được đồng thuận cao, nhưng cách thức đánh giá hiệu quả việc áp dụng công nghệ và quản trị sản xuất hiện đại giúp tăng năng suất lao động vẫn còn thiếu. Việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa có trọng tâm, trọng điểm dẫn tới phân tán nguồn lực, hiệu quả không cao.
Những hạn chế về mặt thể chế ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương trong thúc đẩy các mối quan hệ liên kết kinh tế tạo động lực chung mang tính cộng hưởng là những vấn đề cần được khắc phục để không gây ra trở ngại cho thu hút đầu tư, tăng năng suất lao động, nhất là năng suất của khu vực tư nhân. Chính vì vậy, trong quá trình lập quy hoạch vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tính tới lời giải cho bài toán về thể chế kinh tế, cụ thể:
Một là, Nhà nước vừa cung cấp hàng hóa công cộng hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia, nếu sự tham gia đó mang lại lợi ích tổng thể cho cả nền kinh tế. Cần tách bạch rõ ràng hơn về chức năng kinh doanh và chức năng quản lý nhà nước (vốn đã được bàn thảo lâu nay, nhưng chưa có lời giải tối ưu), đồng thời bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong môi trường pháp luật và thực thi pháp luật minh bạch.
Hai là, chính quyền địa phương cần tham gia tích cực, chủ động vào quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch vùng. Cần khắc phục sự phân tán về thể chế (hoặc thiếu hệ thống phân cấp và phân công rõ ràng về vai trò và trách nhiệm) giữa các cơ quan ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương, dẫn đến chậm trễ và thiếu hiệu quả trong việc xây dựng và thực thi chính sách. Các hội đồng vùng cần nâng cao hơn vai trò và hiệu quả trong việc phối hợp với chính quyền các địa phương và Trung ương để đưa ra các quy định về đầu tư, giải quyết một số vấn đề có tính liên tỉnh, đồng thời góp phần hóa giải tình trạng cục bộ, địa phương và tệ nạn phân mảnh trong tiếp cận phát triển. Hội đồng điều phối vùng có thể xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác để chuyển trọng tâm của quy hoạch và đầu tư kinh tế địa phương từ cạnh tranh giữa các tỉnh lân cận khi đầu tư các công trình tương tự nhau sang chuyên môn hóa và hợp tác liên tỉnh.
Ba là, cần xác định phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Trong điều hành, không nên tách biệt riêng rẽ kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác, mà cần xác định được mối quan hệ tương tác, đặt trong sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, giữa các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong các giao dịch với chính quyền, như thực thi pháp luật, mua sắm đấu thầu, giao quyền sử dụng đất... cần được xác lập trên thực tế, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những sự phân biệt. Tập trung phát triển thị trường vốn và thị trường đất đai, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở cấp độ Trung ương, sự phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi ở cấp độ địa phương.
Kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, đa dạng, bền vững và hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân đủ năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Các tập đoàn kinh tế tư nhân thúc đẩy liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo ra sự lan tỏa công nghệ, hình thành mạng sản xuất và kênh phân phối hiện đại. Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư có tính chất nhà nước (đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) ở cấp Trung ương và địa phương. Nguồn vốn đầu tư có tính chất nhà nước phải mang hai tính chất quan trọng: (1) Thể hiện rõ vai trò và hiệu quả của vốn mồi; (2) Có tính nghịch chu kỳ chứ không phải thuận chu kỳ như hiện nay2 (các nước khi chuyển từ nhóm đang phát triển lên phát triển sẽ chuyển chính sách ngân sách từ thuận chu kỳ sang nghịch chu kỳ). Hình thành cơ chế hợp tác đầu tư giữa Nhà nước và các nhà sản xuất “thượng nguồn”, sản xuất “đầu vào” (trong đó Nhà nước sẽ thực hiện đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào các hạng mục mà nhà đầu tư tư nhân không thực hiện) để khuyến khích, định hình hướng phát triển của các nhà sản xuất “hạ nguồn”, “đầu ra”, thay vì áp dụng các ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất như hiện nay.
Bốn là, việc ứng dụng khoa học, công nghệ làm cho một bộ phận lao động bị dôi dư do máy móc hiện đại đã thay thế. Tuy nhiên, cần nhận thức được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể giảm bớt nhu cầu lao động ở một số ngành, nghề, nhưng tổng thể nhu cầu lao động trong nền kinh tế không giảm mà còn có thể tăng thêm. Trong một chuỗi giá trị, song song với quá trình tự động hóa và giảm lao động ở một khâu, thì các việc làm mới lại được tạo ra ở các khâu khác nhờ vào sự phát triển chung của cả chuỗi. Như vậy, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một ngành hoặc một khâu của quá trình sản xuất sẽ tạo ra động lực để phát triển các ngành hoặc các khâu của quá trình sản xuất có liên quan. Nói cách khác, không thể chỉ dừng ở việc đầu tư vốn để nâng cao trình độ sản xuất của một ngành hay một khâu, mà còn cần huy động các nguồn lực của các ngành khác để tạo ra sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế. Chính vì vậy, trong bài toán về đầu tư, thay vì tính một khâu hay một đồng vốn đầu tư vào đổi mới khoa học, công nghệ sẽ đem đến lợi nhuận bao nhiêu, thì cũng cần tính trên tổng thể các nguồn lực (con người, tài nguyên, tài chính...) được huy động và lợi ích tổng thể thu được đối với kinh tế cả vùng.
Năm là, cần xác định các hành lang kinh tế chủ chốt và các chuỗi giá trị kinh tế lớn trong vùng và kết nối với các vùng khác để dự báo nhu cầu vận chuyển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, xác định các tuyến giao thông đường bộ hiện tại sẽ được mở rộng, đầu tư mới, hay thay thế bằng phương thức vận tải khác (vận tải đường thủy nội địa, ven biển thông qua tận dụng các cảng biển quy mô nhỏ và phát triển vận tải đường sắt giảm tải cho vận tải đường bộ). Khi hành lang giao thông phát triển và có sự kết nối tốt, các khu công nghiệp không nhất thiết phải tập trung quá nhiều tại các địa phương gần các điểm trung chuyển lớn như cảng biển hay sân bay, mà có thể đặt tại các địa phương với lợi thế về nguyên liệu hoặc nguồn lao động. Nếu điều này không được giải quyết sẽ tạo ra áp lực cho một số địa phương và làm giảm hiệu quả cận biên của sản xuất, kinh doanh, trong khi lại khiến một số địa phương khác khó tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của cả nước và toàn cầu, lãng phí một lượng lớn các nguồn lực hiện có. Đồng thời, cần phân tích rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu tới hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là tại các vùng ven biển và có các giải pháp về hạ tầng giao thông ứng phó tốt nhất với thách thức này.
Sáu là, kết nối kinh tế địa phương với kinh tế vùng, kinh tế đất nước phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, vùng, đặt trong tổng thể thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Hiện đang phổ biến tình trạng các địa phương hình thành cơ cấu sản xuất tương đồng nhau, kéo theo là các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút lao động... giống nhau, gây lãng phí nguồn lực và giảm tính hiệu quả của quá trình chuyên môn hóa sản xuất. Quá trình triển khai Luật Quy hoạch (năm 2017) vào thực tiễn để xây dựng phương án phân vùng kinh tế và quy hoạch tích hợp cần dựa trên lợi thế cạnh tranh. Tương tự, phát triển bên trong từng địa phương và kết nối kinh tế giữa các địa phương phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từ đó hình thành các chuỗi giá trị trong nội bộ và giữa các địa phương (một địa phương thu hút nhà đầu tư thành lập khu công nghiệp thì các địa phương lân cận cung ứng nguồn lao động, nguyên vật liệu, dịch vụ hậu cần, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu..., từ đó hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, có tính gắn kết). Nhà nước chỉ định hướng và khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, còn nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương tự xác định trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của mình phù hợp với lợi thế cạnh tranh của cả vùng và của cả nước.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 251.
2. Khi nền kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân thấp, để vực dậy nền kinh tế thì Nhà nước tăng đầu tư. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng cao, Nhà nước sẽ giảm bớt đầu tư tránh đẩy nền kinh tế tăng trưởng nóng.
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Thu Hằng tổng hợp