Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

CT&PT - Trí tuệ nhân tạo được coi là công nghệ quan trọng nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể dẫn tới sự thay đổi trật tự toàn cầu trong tương lai. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức, diễn đàn quốc tế song phương, đa phương và của các quốc gia trong nỗ̃ lực hoạch định, hoàn thiện và triển khai hiệu quả chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế về trí tuệ nhân tạo là yêu cầu cấp thiết đối với tương lai của nhân loại. Trên cơ sở phân tích thực trạng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bài viết đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

1. Khái quát về trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) là sự tái tạo nhân tạo một phần hành vi trí tuệ của con người bằng cách sử dụng phần mềm. Theo đó, AI có thể bao gồm:

Trí tuệ nhân tạo hẹp (ANI): thực hiện một nhiệm vụ đơn lẻ thay vì phạm vi sử dụng rộng lớn (ví dụ như: chơi cờ vua với các chuyên gia, dự đoán doanh số, tự động lái ôtô…).

Trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI): còn gọi là “AI mạnh” hay “AI cấp độ con người”, là cấp độ cao tiếp theo của AI với hệ thống vận hành tự động có khả năng bắt chước bộ não con người, song, thiếu khả năng suy luận và các thuộc tính khác của não bộ.

- Siêu trí tuệ nhân tạo (ASI): AI có khả năng suy nghĩ như con người. Đây là bước phát triển cuối cùng của AI.

Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề và có thể giao tiếp như con người. Theo dự báo của Công ty Kiểm toán và tư vấn tài chính PwC, đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo1. Hiện nay, AI đang được nghiên cứu và từng bước ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, quân sự, ngoại giao, nông nghiệp…

2. Thực trạng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hiện nay

Thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua mới, không ngừng cạnh tranh, kiềm tỏa lẫn nhau giữa các cường quốc nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ AI, nổi bật là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều này làm gia tăng nguy cơ phá vỡ cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ AI đòi hỏi một nguồn lực trí tuệ và tài chính vô cùng lớn, vượt xa ngân sách của bất kỳ doanh nghiệp hoặc quốc gia đơn lẻ nào. Đồng thời, các nền tảng công nghệ mạng với bản chất “phi biên giới” cũng đặt ra những thách thức về văn hóa và địa chính trị không chỉ cho từng quốc gia, mà còn cho mối quan hệ giữa các chính phủ, các khu vực. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên bốn khía cạnh: (i) Hợp tác trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, đào tạo nguồn nhân lực; (ii) Hợp tác trong chia sẻ nguồn dữ liệu; (iii) Hợp tác trong tiêu chuẩn quốc tế; (iv) Hợp tác trong các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ. Theo thống kê, tổng số vốn hợp tác đầu tư vào AI đã đạt 60 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật trong hợp tác quốc tế về trí tuệ nhân tạo thời gian qua như: Tháng 4/2018, 25 quốc gia châu Âu đã ký tuyên bố hợp tác về AI, theo đó cam kết hợp tác cùng nhau hướng tới mục tiêu “tăng năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn và sự xuất sắc của EU trong nghiên cứu và phát triển về AI”. Tháng 5/2018, tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris, 36 quốc gia thành viên của OECD, cùng với các nước Argentina, Brazil, Colombia, Costa Rica, Peru và Rumani, đã ký kết tham gia Bộ Nguyên tắc OECD về AI. Năm 2018, nhóm các nước G7 cũng thông qua việc thiết lập Quan hệ Đối tác toàn cầu về AI, một sáng kiến để thực hiện các dự án về pháp lý và cơ hội phát triển AI.

Sau hai năm chuẩn bị để thực hiện lời kêu gọi được đưa ra trong Tuyên bố năm 2018 về AI, tháng 6/2020, Canada và Pháp đã phát động sáng kiến Đối tác toàn cầu về AI (GPAI) cùng với Australia, Singapore, Slovenia, Anh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Theo tuyên bố này, GPAI sẽ hỗ trợ và hướng dẫn phát triển AI có trách nhiệm dựa trên quyền con người, hòa nhập, đa dạng, đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Sáng kiến này hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành về AI bằng cách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến về các lĩnh vực ưu tiên liên quan tới AI.

Năm 2023 được coi là năm của quản trị AI khi hàng loạt các diễn đàn đa phương đều tập trung vào chủ đề này. Bất chấp cạnh tranh chiến lược đang diễn ra quyết liệt, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc nhất trí về sự cần thiết của việc sử dụng công nghệ AI một cách an toàn và duy trì các kênh đối thoại về AI nhằm ngăn ngừa rủi ro. Nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật và các quy định về quản trị AI ở cấp quốc gia và khu vực. Đáng chú ý, tháng 10/2023, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến, trong đó đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro do công nghệ này mang lại cho những nhà phát triển và người dân sử dụng. Tháng 11/2023, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra tại Bletchley, London, Vương quốc Anh. Tháng 12/2023 đánh dấu việc thành lập Liên minh AI vì sự đổi mới có trách nhiệm do Meta và IBM cùng với khoảng 50 công ty và tổ chức nghiên cứu thành lập. Liên minh này chuyên phát triển AI nguồn mở, chia sẻ công nghệ và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến công nghệ này. Sự ra đời của liên minh này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về sự phát triển AI có trách nhiệm và an toàn, nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và quản lý trong phát triển AI.

Liên hợp quốc cũng công bố thành lập Ban cố vấn AI với 39 thành viên là giám đốc các doanh nghiệp, quan chức chính phủ và các học giả, có nhiệm vụ đưa ra định hướng quản lý AI tầm quốc tế. Ngày 21/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý, được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các chính sách về bảo vệ quyền riêng tư. Nghị quyết là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, thúc đẩy việc sử dụng hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Trong hợp tác đa phương về AI, có thể nói Liên minh châu Âu (EU) đang đi tiên phong khi xây dựng quy định pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới về sử dụng AI một cách an toàn, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người, cũng như tạo cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển dựa trên công nghệ này. Ngày 13/3/2024, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua Đạo luật AI (The AI Act), đặt nền tảng pháp lý đa phương đầu tiên trên thế giới về quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan. Đạo luật AI của EU là quy định toàn diện nhất, bao trùm hàng loạt vấn đề từ rủi ro cho đến bản quyền. Đạo luật cũng đặt ra nghĩa vụ đối với nhà cung cấp và người dùng dựa trên 4 cấp độ rủi ro của AI. Các nước thành viên sẽ phải đưa ra các hình thức xử lý thích đáng và có tính răn đe, trong đó có các mức xử phạt hành chính đối với những hệ thống AI vi phạm các quy định của pháp luật.

Tại khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có những bước đi đầu tiên trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. ASEAN tuyên bố sẽ triển khai 5 hoạt động liên quan đến trí tuệ nhân tạo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN (COSTI), với sự hỗ trợ của các đối tác đối thoại. Các sáng kiến mới nhằm mục đích định vị ASEAN như một đối thủ cạnh tranh trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh trên toàn cầu. Tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN lần thứ 20 

(AMMSTI-20), với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Hành trình tới tương lai” tổ chức vào tháng 6/2024, khẳng định tiềm năng ứng dụng của AI là động lực chính đối với sự tiến bộ và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời xác định nhu cầu phối hợp hành động và hợp tác để khai thác lợi ích của AI, cũng như chủ động giải quyết các tác động xã hội, kinh tế và đạo đức liên quan. Hội nghị chỉ rõ rằng, AI sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, có khả năng giúp tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 10 đến 18%, tương đương trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2030.

Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và phát triển, ngày càng có nhiều các trung tâm AI theo lãnh thổ (hệ sinh thái) được tạo ở cấp độ thành phố, khu vực hoặc các hiệp hội xuyên quốc gia riêng lẻ (AI4EU ở EU, CyberWalley ở Đức, AI Town ở Trung Quốc, Queensland AI Hub ở Australia…). Nhờ những nỗ lực hợp tác chung này, rủi ro khi phát triển và triển khai các giải pháp AI đã được giảm bớt. Ví dụ như CyberWalley ở Đức, với tư cách là cụm nghiên cứu AI lớn nhất ở châu Âu, tập hợp toàn bộ các tổ chức khoa học và các tập đoàn hàng đầu toàn cầu, bảo đảm kết quả của phát kiến cơ bản sẽ được chuyển thành các giải pháp cụ thể. Từ năm 2021, Hàn Quốc đã vận hành một trung tâm AI sáng tạo, có hơn 200 tổ chức trong và ngoài nước tham gia, hầu hết là các công ty tư nhân, bao gồm Google và Meta.

Có thể thấy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang được đẩy mạnh và ngày càng có vai trò quan trọng trong định hướng chính sách của nhiều quốc gia. Việc hợp tác diễn ra ở cả chiều dọc và chiều ngang, song phương và đa phương, trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, nội dung, đối tượng hợp tác cũng hết sức đa dạng, bao gồm các quốc gia, tổ chức quốc tế tới doanh nghiệp. Mặt khác, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra một số vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, do công nghệ AI hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình và phát triển, mặc dù tiềm năng đã được khẳng định, song chưa được khai thác tối đa. Vì vậy, lĩnh vực và phạm vi thúc đẩy hợp tác giữa các chủ thể quan hệ quốc tế mới chỉ tập trung chủ yếu ở việc hướng tới tạo lập các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung, phối hợp trong nghiên cứu và phát triển và kêu gọi sử dụng AI một cách “đạo đức”, mà chưa có một hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu. Các khuôn khổ hợp tác hiện nay cũng chưa đi sâu, làm rõ mức độ, hình thức xử lý thích đáng và có tính răn đe hay cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này. Đồng thời, vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong cách hiểu, vận dụng và ràng buộc của các quốc gia trong việc tuân thủ các “nguyên tắc đạo đức” và thực hiện “kiểm soát” về phát triển, áp dụng cũng như tích hợp AI trong các lĩnh vực đời sống của một quốc gia nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung.

Thứ hai, sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong quan hệ quốc tế đang diễn ra gay gắt, xu thế toàn cầu hóa tuy chưa bị đảo ngược nhưng nhiều khía cạnh bị chững lại do sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc; trên bình diện toàn cầu, nhiều thể chế đa phương đang chịu nhiều thách thức đáng kể, đòi hỏi phải tiến hành cải tổ. Tất cả những điều này đã tạo ra sự cản trở trong việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, sự dẫn đầu của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đồng nghĩa với sự thiếu vắng vai trò của các nước đang phát triển và kém phát triển trong việc thiết lập khuôn khổ cho “cuộc chơi chung” toàn cầu về trí tuệ nhân tạo. Khoảng cách công nghệ ngày càng lớn có thể gây nguy hiểm cho các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, khiến các quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia “thống trị” về AI, đe dọa tới mục tiêu tiếp cận công bằng, bình đẳng và bền vững trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Thứ tư, các chủ thể quan hệ quốc tế chưa cho thấy sự đối thoại, mở rộng hợp tác trong việc làm giảm đi các thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh trong quá trình nghiên cứu và phát triển AI như việc sử dụng quyền tự chủ AI của quân đội một cách có trách nhiệm. Mặc dù, trên thực tế, các thể chế và hiệp ước về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa đề cập đến vấn đề ứng dụng AI và sự phát triển của vũ khí sát thương tự động được tích hợp AI đã làm gia tăng những quan ngại, tranh cãi đối với an ninh quốc tế và khía cạnh đạo đức trong chiến tranh, đặc biệt là tại Liên hợp quốc trong thời gian qua.

3. Một số giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động ngày càng phức tạp và khó lường, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của AI là một quá trình không thể đảo ngược, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI là một yêu cầu cấp thiết, mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai của nhân loại. Để ứng phó hiệu quả với các thách thức chung toàn cầu cũng như những mặt trái của AI, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy thực hiện một số nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cụ thể:

Một là, củng cố lòng tin chiến lược. Đây là tiền đề quan trọng, có tính chất nền tảng để thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, trong đó các nước lớn đóng vai trò quan trọng, tiên phong trong xây dựng lòng tin, lan tỏa sự chân thành và tinh thần trách nhiệm. Việc xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược cần được thực hiện thông qua ứng xử ngoại giao coi trọng hòa bình, hợp tác, đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Bên cạnh đó, cần minh bạch trong triển khai các chiến lược, chính sách và hạn chế các hành động có thể làm dấy lên nghi ngờ giữa các quốc gia. Các quốc gia cần cam kết xây dựng một thị trường chung mở, công bằng thay vì thực thi các chiến lược bảo hộ, độc quyền. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, lòng tin chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng rất quan trọng, định hình quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger từng phát biểu rằng, sự tiến bộ nhanh chóng của AI sẽ khiến cho Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ còn từ 5 năm đến 10 năm để tìm cách tồn tại hòa thuận với nhau. Hai quốc gia này cần bắt đầu trao đổi một cách thẳng thắn và chân thành về tác động của công nghệ, tìm kiếm tiếng nói chung trong một số lĩnh vực để tạo tiền đề và khai thác sức mạnh ở một chừng mực nhất định.

Hai là, khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác đa phương mang tính xây dựng vẫn là cách duy nhất để bảo đảm sự an toàn và thịnh vượng của toàn nhân loại. Trong đó, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc cần phải được tôn trọng và củng cố. Liên hợp quốc cần nâng cao vai trò đi đầu trong thúc đẩy đoàn kết, tăng cường đối thoại, nhanh chóng thiết lập các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn chung trong giám sát và kiềm chế những tác động tiêu cực của công nghệ AI để thực sự quản lý và bảo đảm công nghệ AI sẽ được khai thác phục vụ vì con người. Trong đó, cần tiến tới hình thành một hiệp ước toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Liên hợp quốc là cầu nối đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữa các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới. Trong đó, cần cho thấy sự hỗ trợ lớn hơn đối với các quốc gia vừa và nhỏ nhằm bảo đảm cơ hội và sự tiếp cận công bằng với các thành tựu phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ba là, cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi. Các quốc gia đang phát triển cần thể hiện được vai trò, vị thế mới, có sự đóng góp tích cực hơn vào khung khổ pháp lý toàn cầu và khu vực về AI, đặc biệt là khi các tiêu chuẩn quốc tế về AI tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng. Điều tối quan trọng đối với các quốc gia này là phải chú trọng mở rộng, tăng cường hợp tác với các quốc gia đi đầu để nhanh chóng tối đa hóa lợi thế, giảm thiểu rủi ro và giảm bớt khoảng cách phát triển. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các liên minh, liên kết để hỗ trợ, gia tăng ảnh hưởng và cân bằng chiến lược với nhóm các nước phát triển.

Bốn là, nâng cao nhận thức quốc tế và thẳng thắn thừa nhận nguy cơ tiềm ẩn của AI đối với hòa bình và an ninh thế giới. Sự ra đời của công nghệ AI có thể thay đổi hoàn toàn khái niệm vốn có về chiến tranh. Thực tế trong những cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, các loại vũ khí, trang bị, robot quân sự sử dụng trí tuệ nhân tạo được đưa vào chiến đấu ngày càng nhiều và từng bước khẳng định vai trò quan trọng trên các chiến trường. Với xu thế đó, nhiều loại robot tác chiến đang được một số cường quốc quân sự nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng, như: máy bay không người lái - UAV, thiết bị không người lái dưới nước - AUV, vệ tinh gián điệp... Trong tương lai gần, trang bị, vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành trang bị, vũ khí tác chiến chủ yếu; tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo; và trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng cho việc ra quyết sách chỉ huy điều hành tác chiến. Nhận thức rõ về nguy cơ sẽ buộc các quốc gia không thể thờ ơ, buộc phải đàm phán và hợp tác để bảo đảm việc ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng, gia tăng xung đột và chiến tranh.


1. “Công nghệ AI của hiện tại và tương lai”, Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 09/9/2021, https://www.most. gov.vn/vn/tin-tuc/20614/cong-nghe-ai-cua-hien-tai-va-tuong-lai. aspx.

 

ThS. LÊ HỒNG VÂN

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin