Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam

CT&PT - Mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Trên thực tế, kết quả thu hút FDI vào Việt Nam ngày càng được cải thiện, gia tăng về quy mô vốn đăng ký mới, vốn thực hiện và bổ sung vốn cho dự án đang hoạt động, đa dạng hóa chủ đầu tư và tăng tỷ lệ các dự án đầu tư sản xuất, công nghệ lớn... Hiện nay, dòng FDI vào Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo thêm xung lực, đột phá mới trong thu hút FDI thời gian tới.

1. Một số kết quả nổi bật trong thu hút FDI vào Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,4 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đạt gần 10 tỷ USD, tăng 0,5%1.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,3%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,6%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,8%)2.

Trong tổng số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 2,21 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 18%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,9%)3.

Trong 52 tỉnh, thành phố trên cả nước có FDI mới, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2,27 tỷ USD, chiếm gần 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 1,39 tỷ USD, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 37,1%.

Tiếp theo là Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng… Xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (chiếm 24,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 65,4%)4.

Nhìn một cách tổng thể, theo lũy kế, cả nước hiện có 37.541 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 449,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt hơn 284 tỷ USD, bằng 63,2% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực5.

Việt Nam thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là khu vực Đông Á, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; dòng vốn FDI từ châu Âu và khu vực Bắc Mỹ chưa cao...

Dòng vốn FDI đã và đang có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 7,5 - 8,5% tổng thu ngân sách nội địa từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm khoảng 39 - 41% tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cả nước trong 3 năm 2020 - 2022, luôn chiếm trên 70% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp hằng năm6. Từ đó, góp phần thúc đẩy môi trường kinh tế năng động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao cũng như giá trị hàng nông sản xuất khẩu.

Tính đến ngày 20/6/2023, xuất khẩu (bao gồm cả dầu thô) của khu vực FDI ước đạt hơn 120,44 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt gần 119,51 tỷ USD, giảm 12,7%, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt gần 99,53 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm 2023, song, khu vực FDI vẫn xuất siêu hơn 20,9 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô) và xuất siêu gần 20 tỷ USD (không kể dầu thô). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 10,3 tỷ USD7.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới và trung tâm sản xuất công nghệ của thế giới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, với nguồn vốn FDI, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng bình quân 23,8%, đưa Việt Nam từ vị trí 47 (năm 2001) lên vị trí 12 trên thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử8. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ một số nước sang Việt Nam; đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại; thành lập hàng chục trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, “vườn ươm” công nghệ, liên kết thành công với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ... Điển hình là các khoản đầu tư quy mô lớn của Samsung, Pegatron, Foxconn, Luxshare, Goertek, Google, LG, Quanta Computer (Đài Loan - Trung Quốc), Lego (Đan Mạch), Intel và một số nhà đầu tư nước ngoài khác9. Đây là cơ sở để kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển từ những nền tảng hiện có về giáo dục, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng cho công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Theo kết quả điều tra lao động - việc làm Quý I/2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang trực tiếp tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu lao động, chiếm 15% tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam; đồng thời, gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Theo số liệu điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017, trên 57% doanh nghiệp FDI thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động, trong đó tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%.

Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học và công nghệ vẫn còn hạn chế. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến đầu năm 2020, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp FDI sử dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu và Mỹ, 30% - 45% doanh nghiệp FDI đang sử dụng các công nghệ của Trung Quốc. Công nghệ được sử dụng chủ yếu là công nghệ ra đời từ năm 2000 đến năm 2005, phần lớn là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến của khu vực. Các doanh nghiệp FDI chưa tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)10. Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và nhiều sự cố môi trường xảy ra do hoạt động xả thải của các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua đã cho thấy tác động tiêu cực, mặt trái của việc thu hút FDI ở Việt Nam.

2. Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam và một số giải pháp

Việt Nam có nhiều triển vọng và lợi thế trong việc thu hút đa dạng và đa kênh dòng vốn FDI trên toàn cầu nhờ những yếu tố nền tảng: sự ổn định chính trị; vị trí địa lý; kết cấu hạ tầng; chính sách ưu đãi hấp dẫn, mức tăng trưởng cao; quy mô dân số tăng nhanh; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao; ngành sản xuất tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, môi trường kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện, với hơn 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang được đàm phán, bao gồm cả hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài.

Theo Báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố tháng 02/2023, có tới 68,5% doanh nghiệp FDI khẳng định họ cân nhắc đầu tư tại Việt Nam vì đây là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi cộm tại Việt Nam, đòi hỏi phải mau chóng khắc phục nhằm gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 12/01/2023, EuroCham công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI). Theo đó, khoảng 35% trong tổng số 1.300 thành viên của EuroCham được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó có 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản đối với doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, trong đó, 3 rào cản lớn nhất về pháp lý đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là: thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (chiếm 51%), khó khăn hành chính (chiếm 41%), khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (chiếm 30%)11.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) năm 2023, 88% người tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam, 91% nhà đầu tư Đức mong muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, khoảng 40 % trong số này có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp vẫn quan ngại về chính sách phát triển kinh tế, tình trạng lạm phát, thiếu hụt lao động có tay nghề, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như xu hướng tách rời sự phụ thuộc của các nền kinh tế lớn và sự ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực đã và đang làm xuất hiện xu hướng dịch chuyển một phần dòng FDI (trước hết là trong lĩnh vực dệt may và da giày) từ Việt Nam sang các nước khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có tình trạng mất sức cạnh tranh trong chi trả lương công nhân (hiện mức lương bình quân của công nhân may mặc ở Bangladesh là 120 USD/tháng, thấp hơn nhiều ở Việt Nam), sự thua kém về khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh và phát thải ròng cácbon bằng 0 trong chuỗi cung ứng...

Hơn nữa, viễn cảnh FDI toàn cầu ngày càng “phân mảnh” sâu sắc theo các khối liên minh, hay nói cách khác, dấu ấn địa lý của FDI tỷ lệ thuận với xu hướng liên kết địa chính trị hiện nay, thể hiện qua tỷ trọng FDI giữa các nền kinh tế có liên kết địa chính trị không ngừng tăng lên, vượt trội so với tỷ trọng FDI giữa các nước gần gũi thuần túy về mặt địa lý.

Theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài do Chính phủ ban hành, giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam coi trọng thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, trực tiếp hỗ trợ quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Việt Nam cũng đặt mục tiêu duy trì xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): đến năm 2025, thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á… Theo đó, định hướng này sẽ chi phối chính sách thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tương lai.

Năm 2022, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2, thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỷ trọng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam), đồng thời là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Mỹ cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước ta từ năm 201812. Trong giai đoạn 2020 - 2022, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2013 và tăng tới 273 lần so với năm 1994 (450 triệu USD)13.

Mỹ là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD14. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam và đưa ra thông điệp đáng tin cậy về xu hướng các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam: Tập đoàn General Electric (GE), Intel, Nike Exxon Mobil, Amazon, Cocacola, Google, Facebook, Paypal, Visa... Hiện nay, xuất hiện xu hướng các tập đoàn lớn của Mỹ: Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài của toàn chuỗi. Nhiều công ty Mỹ đang hợp tác, hỗ trợ, cung cấp cho Việt Nam nguồn nhân lực có kỹ thuật cao và xây dựng các khu công nghiệp cácbon thấp. Trong thời gian tới, AmCham sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu được đưa ra tại COP26.

Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hai ngày 10 và 11/9/2023 đã mở ra cơ hội và kỳ vọng mới trong thu hút FDI vào Việt Nam, dựa trên những kết quả đột phá mà hai nước đã đạt được trong quan hệ song phương, được ghi nhận trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện (ngày 11/9/2023), theo đó, hai bên tiếp tục quan hệ hợp tác giữa các chính đảng và các cơ quan lập pháp của hai nước, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố lòng tin chính trị, phối hợp và triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác mà hai bên đã nhất trí; tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu; cùng nhau giải quyết các vấn đề: rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư; tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, công bằng, bao trùm, bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giữ vai trò nòng cốt.

Việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện cũng như việc Mỹ sẽ tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Mỹ là những trụ cột vững chắc mới, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp với Chính phủ, giữa Chính phủ với Chính phủ và giữa nhân dân hai nước với nhau; tạo cơ sở, động lực, cơ hội mới trong thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, trong đó có hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư, giúp Việt Nam trở thành trung tâm thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các dòng FDI từ các đối tác hàng đầu nắm giữ công nghệ nguồn, có sức mạnh tài chính và chiến lược đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, để khai thác tốt hơn các cơ hội, từng bước hiện thực hóa triển vọng thu hút FDI, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, bên cạnh yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị thế và năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia; phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với cơ chế quản lý linh hoạt; cải thiện môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực ưu tiên, nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.

Theo đó, cần xác định lợi thế cạnh tranh của nước ta trong giai đoạn mới, không chỉ dừng lại ở giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào, mà còn có các yếu tố mới: sức hấp dẫn và sự minh bạch của môi trường đầu tư trên cơ sở đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa thủ tục hành chính; mức độ làm quen với các dự án công nghệ và yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ; phát triển kết cấu hạ tầng; coi trọng vấn đề bảo vệ và thân thiện với môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động lành nghề và năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ…; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn nhằm sàng lọc hiệu quả nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và năng lực sản xuất tốt.

Đồng thời, trong bối cảnh thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% theo trụ cột 2 của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2024, Việt Nam cần sớm nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI, trước hết là ưu đãi về thời hạn visa doanh nghiệp, thủ tục và chi phí tuân thủ cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát hải quan, giá thuê đất khu công nghiệp, đào tạo lao động; đồng thời loại bỏ các chi phí không chính thức.

Thứ hai, nhanh chóng hình thành hệ sinh thái hỗ trợ thực chất chuỗi các nhà cung ứng nội địa, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thường xuyên cải tiến; nỗ lực phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tiến tới cung ứng những sản phẩm vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa nêu cao tinh thần dân tộc, tự hào thương hiệu Việt...

Chủ động phối hợp với chính phủ các nước trong việc sớm gỡ bỏ các rào cản liên quan đến kỹ thuật, thủ tục pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, bảo đảm công bằng và mở rộng thị trường cho các bên; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp các bên kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả, thành công tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà các nước chủ đầu tư có thế mạnh và Việt Nam cũng đang mong muốn phát triển: công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông, bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục và đào tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, ôtô, hàng không…

Thứ ba, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, bảo đảm thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, phòng, chống các biểu hiện trốn thuế và gian lận thương mại cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; xây dựng và tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; tăng cường kết nối, phát huy sức mạnh cộng đồng, khơi dậy khát vọng hùng cường của cộng đồng doanh nhân, người dân trong nước cũng như người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo sự gắn kết sâu sắc với chuỗi cung ứng toàn cầu...


1. Đức Trung: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2023, Trang thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 25/8/2023, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-25/Tinh-hinh-thuhut-dau-tu-nuoc-ngoai-8-thang-nam-20yx2y7w.aspx.

2, 4. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

3, 7. Thúy Quyên: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023, Trang Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26/6/2023, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-6-28/ Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-6-thang-dau-nafv0c86.aspx.

5. Infographic: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023, Trang thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 29/6/2023, https:// www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-2/INFOGRAPHIC-Tinh-hinhthu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-ta81gnqf.aspx#:~:text=B%E1%BB%99%20 k%E1%BA%BF%20ho%E1%BA%A1ch%20v%C3%A0%20 %C4%90%E1%BA%A7u%20t%C6%B0&text=V%E1%BB%91n%20 th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20c%E1%BB%A7a%20 d%E1%BB%B1,k%C3%BD%20449%2C48%20t%E1%BB%B7%20USD.

6. Lê Sáng: Chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khối FDI chỉ góp 7,5 - 8,5% tổng thu ngân sách nội địa, Tạp chí điện tử Markettimes, ngày 16/5/2023, https://markettimes.vn/chiem-72-tong-gia-tri-xuat-khau-khoi-fdi-chi-gop-75-8-5-tong-thu-ngan-sach-noi-dia-27776.html.

8. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020.

9. Thảo Nguyên: Thách thức thu hút FDI, Báo điện tử Kinh tế Đô thị, ngày 21/5/2023, https://kinhtedothi.vn/thach-thuc-thu-hut-fdi.html.

10. Đỗ Thị Thu: Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, ngày 19/7/2021, https://mof.gov.vn/webcenter/ portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM205169.

11. Quỳnh Trang: Chỉ số Môi trường kinh doanh Quý I/2023 ổn định, triển vọng kinh doanh tại Việt Nam cải thiện tích cực, Tạp chí Công thương điện tử, ngày 12/4/2023, https://tapchicongthuong.vn/ bai-viet/chi-so-moi-truong-kinh-doanh-quy-12023-on-dinh-trienvong-kinh-doanh-tai-viet-nam-cai-thien-tich-cuc-104104.htm.

12. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, ngày 17/6/2019, https:// mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tinttpltc?dDocName=MOFUCM154795.

13. Nguyễn Minh Phong: Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt - Mỹ nhiều tiềm năng phát triển, Báo điện tử Chính phủ, ngày 09/9/2023, https://baochinhphu.vn/quan-he-kinh-te-viet-mynhung-diem-nhan-noi-bat-102230904162103725.htm.

14. Hương Dịu: Nâng tầm thương mại, đầu tư Việt - Mỹ: Từ tin tưởng đến những kỳ vọng, Tạp chí Hải quan online, ngày 02/5/2023, https://haiquanonline.com.vn/nang-tam-thuong-mai-dau-tu-vietmy-tu-tin-tuong-den-nhung-ky-vong-173825-173825.html.

ThS. PHẠM THỊ HƯƠNG (tổng hợp)

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin