1. Vai trò của thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao là quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp có áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao (như: công nghệ sinh học, giống cây con, vật nuôi…).
Thu hút FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của ngành nông nghiệp
Doanh nghiệp FDI có tiềm lực vốn lớn, công nghệ cao, kỹ năng quản lý tốt, khi đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần cải tiến các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, góp phần tăng quy mô, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp công nghệ cao trong GDP của ngành, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …
Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh, tích hợp đa giá trị trên cùng một đơn vị diện tích
Thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn các nguồn lực đầu vào - những nguồn lực đang ngày càng khan hiếm hơn (như: nước, tài nguyên đất, vốn đầu tư). Trên thế tế, một số tập đoàn nước ngoài như Nestle đã đánh giá: ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã góp phần giảm tiêu hao 40% lượng nước tưới, 20% thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo tăng năng suất cây trồng, giúp người nông dân tăng thu nhập từ 30%-100%. Đồng thời, công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cũng góp phần phát hiện những nguồn tài nguyên mới, năng lượng mới có khả năng tái tạo nhằm bổ sung sự thiếu hụt của các tài nguyên đất, tài nguyên nước.
Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần bổ sung sự thiếu hụt nguồn lực vốn đầu tư vào nông nghiệp ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam
Đồng thời, thông qua việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mới, thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống gây ô nhiễm môi trường cao sang nền nông nghiệp phát triển dựa trên công nghệ. Từ đó, góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất, hạn chế tiêu tốn tài nguyên nước, đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu về lương thực ngày càng cao, hạn chế đói nghèo.
Nếu vẫn áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, mùa vụ có nguy cơ mất trắng rất cao do các tác động của ngoại cảnh dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lương thực. Một trong những biện pháp hiệu quả để cấu trúc lại ngành nông nghiệp cũng như giải quyết vấn đề an ninh lương thực đó chính là hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp trong nước sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn với chất lượng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm ngày càng cao của con người. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện dân số tăng nhanh (dân số thế giới đạt ngưỡng 8 tỷ dân vào năm 2024, nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong khi đất đai bị hoang hóa do hạn hán, biến đổi khí hậu gây mất đất canh tác, khả năng cung ứng lương thực giảm trong khi nhu cầu lại tăng nhanh).
Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần khai thác tốt hơn các lợi thế của ngành nông nghiệp, tạo việc làm, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội và ổn định xã hội, đồng thời tạo áp lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Các doanh nghiệp FDI vào các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thường sử dụng lao động địa phương, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo ngắn để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo áp lực để đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
2. Thực trạng thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt nhiều kết quả khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước.
Tính đến hết tháng 10/2024, tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động, đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học. Các nước châu Á, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những đối tác đầu tư lớn nhất vào ngành nông nghiệp. Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam là trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản, chăn nuôi tập trung vào những địa phương có lợi thế về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, khí hậu…
FDI đã và đang tạo ra một số phương thức mới hiệu quả cao, nhất là các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, góp phần cải thiện tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2023 đạt ngưỡng 53,01 tỷ USD.
Năm 2024, đã có những động thái tích cực trong việc thu hút FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, tháng 1/2024, Công ty Finc Bio-Tech Pte.Ltd (Singapore) đề xuất thuê 10ha đất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để đầu tư dự án trồng nấm, tổng vốn đầu tư 33 triệu USD. Nhà máy trồng nấm sẽ được quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng HACCP, áp dụng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Một doanh nghiệp FDI khác là công ty HSC (Nhật Bản) hợp tác với công ty cổ phần Smart Eco Farm (SEF) đề xuất thuê 3ha tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM để xây dựng nhà máy chế biến trái cây bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản. Dự kiến, 20 - 30% lượng sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam và 70 - 80% xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường quốc tế.
Mặc dù tỷ trọng FDI của cả nước có xu hướng tăng, nhưng dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn FDI của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Mặt khác, FDI trong khu vực nông nghiệp cao cũng có sự chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh, như: chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc… Ngành trồng trọt ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
Về cơ cấu vùng, các dự án đa phần tập trung ở khu vực Đồng bằng Nam Bộ, tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là những địa bàn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Còn những khu vực có thời tiết, địa hình, giao thông… khó khăn như Trung du và miền núi phía Bắc, thì rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Hơn nữa, mặc dù đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, song đa phần các nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ chưa cao, còn những nước có nền công nghệ hiện đại, như: Mỹ, EU…, thì chúng ta chưa thu hút được nhiều dự án FDI. Không chỉ vậy, phần lớn các dự án FDI là quy mô nhỏ.
Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ: (i) Đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng rõ rệt từ khí hậu, thời tiết, bệnh dịch. (ii) Công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn hạn chế. (iii) Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và các giải pháp số phục vụ ngành và đáp ứng như cầu ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành từ trang trại đến thành phẩm. (v) Công tác vận động xúc tiến thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa hiệu quả, thiếu cả về nguồn lực và kinh phí để triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, chưa kết nối toàn quốc và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong ngành.
3. Giải pháp thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách về khuyến khích thu hút FDI trong nông nghiệp
- Khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào bốn lĩnh vực được ưu tiên (Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao, sản xuất thức ăn bổ sung phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thiết bị sản xuất chuồng trại…; Chế biến sâu nông - lâm - thuỷ sản để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; Tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
- Có chính sách hỗ trợ rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu. Cụ thể là: (1) Xây dựng quỹ hỗ trợ rủi ro từ nguồn tiền hỗ trợ của nhà nước, phụ thu từ xuất khẩu, đóng góp của các doanh nghiệp; (2) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các thể chế quốc tế về đầu tư, đảm bảo đầu tư, ký kết các hiệp định song phương, đa phương nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; 3) Hoàn thiện và tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với định hướng sản xuất được lựa chọn. Cơ sở hạ tầng nông thôn cần đồng bộ bao gồm: hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông, hệ thống kho chứa, năng lượng, nước sạch, công nghệ thông tin.
- Điều tra, triển khai thực hiện các dự án đào tạo nghề cho nông dân đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư về tay nghề, tính kỷ luật và thái độ chuyên nghiệp.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung đất trong sản xuất nông nghiệp
Luật Đất đai của Việt Nam đã được điều chỉnh 5 lần kể từ năm 1986 (năm 1988, năm 1993, năm 1998, năm 2003, năm 2013) đã tạo điều kiện cho quá trình tích tụ và tập trung đất nông nghiệp. Để triển khai quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp có hiệu quả cần phát huy vai trò của các cấp chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương, đặc biệt các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp cần phát huy vai trò trong vận động để người nông dân chủ động trong hợp tác. Chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ và tập trung đất nông nghiệp.
Thứ ba, đổi mới tư duy và tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Tăng cường vốn từ ngân sách của các địa phương cho các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cung cấp thông tin đầy đủ về những ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, chính sách bảo hiểm nông nghiệp…
Thứ tư, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có chú trọng đặc biệt đến vị trí, vai trò của người nông dân
Xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp có vai trò quan trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với người nông dân về tư duy, trình độ.
Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, thu hút được nguồn vốn FDI với số lượng, chất lượng và quy mô phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thứ năm, tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp công nghệ cao. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa vào hệ thống cầu đường… có như vậy mới sức thu hút được nhiều nguồn vốn FDI. Chính phủ cũng nên triển khai các chính sách liên quan đến logistics, hệ thống lưới điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thủy lợi, các chính sách liên quan đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để tạo nền tảng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển, giúp tăng khả năng thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hóa sản xuất nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ dịch bệnh và thiên tai. Có như vậy, Chính phủ mới điều tiết được các nguồn vốn FDI vào các địa bàn, lĩnh vực mong muốn. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể phát huy được thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn để có các phương án đầu tư hiệu quả.
ThS. LÝ THU THỦY
Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh