Sống lại ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam”

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Nội dung cuốn sách chọn lọc và giới thiệu 30 bài viết tiêu biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam với các bút danh: Trường Sơn, Người Quan sát, Bến Tre...; 36 bài viết của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh, sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và gần 50 bức ảnh tư liệu quý về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua các thời kỳ cách mạng từ khi còn là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết tham gia cách mạng đến khi trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó, làm sống lại ký ức về một vị đại tướng anh hùng của dân tộc anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

1. Những nét chính về tiểu sử cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Bình - Trị - Thiên. Từ nhỏ, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến nên Nguyễn Chí Thanh đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng. Năm 1934, khi mới vừa tròn 20 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, hoạt động tích cực trong các phong trào đấu tranh do Đảng ta phát động và lãnh đạo.

Tháng 7/1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò, tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền; được giới thiệu tham gia Tỉnh ủy lâm thời. Đầu năm 1938, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Thừa Thiên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến diễn ra mạnh mẽ. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, đồng chí Nguyễn Vịnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Năm 1947, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, gây dựng lại phong trào cách mạng ở Thừa Thiên - Huế và chỉ đạo xoay chuyển tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên.

Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động vào quân đội, được giao đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy và đến năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1964, Đại tướng được cử làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Năm 1964, trước yêu cầu của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động trở lại quân đội và được cử vào chiến trường làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và kháng chiến ở miền Nam. Năm 1967, Đại tướng qua đời vì một cơn đau tim nặng để lại sự nghiệp cách mạng còn dang dở chưa kịp hoàn thành.

2. Những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Người góp phần đắp móng, xây nền lý luận chính trị, quân sự cho Quân đội nhân dân Việt Nam

Năm 1950, trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động vào quân đội, được giao đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên quan tâm củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Theo đồng chí: “Một quân đội chân chính nhân dân, thật sự nhân dân thì phải do Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo”. Do đó, “Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng quân đội. Trong việc xây dựng Đảng lại phải nắm vững những điểm mới về tư tưởng và chính trị là mấu chốt, trong đó việc rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng cho đảng viên, làm cho đảng viên rắn như thép, đủ sức vượt qua mọi thử thách của cách mạng là quan trọng bậc nhất”; xây dựng chi bộ đảng, chú trọng vấn đề kỷ luật Đảng, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên... Cùng với Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị, đồng chí có đóng góp to lớn xây dựng nền nếp, định ra và thực hiện hiệu quả các nội dung, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, phát huy nhân tố con người trong xây dựng lực lượng vũ trang, làm cho hoạt động công tác đảng, công tác chính trị thực sự trở thành “linh hồn, mạch sống của quân đội”.

Vị tướng trên mặt trận nông nghiệp với tư duy sắc sảo và tầm nhìn vượt thời đại

Năm 1960, trên cương vị Trưởng Ban Nông nghiệp của Đảng, với nhãn quan chiến lược sắc bén của một nhà chính trị, đồng chí đã phân tích tình hình nông nghiệp nước ta: ruộng đất ít, kỹ thuật lạc hậu và lao động nông nghiệp phân bổ chưa hợp lý, vì thế tiến hành hợp tác hóa đã nhanh chóng thành công nhưng nay phải củng cố. Trên cơ sở đó, đồng chí đề ra nhiệm vụ cho nông nghiệp nước ta trong giai đoạn này, đó là phải tiếp tục xây dựng hợp tác xã trên ba mặt: cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và nâng cao đời sống xã viên.

Không chỉ đề ra phương hướng tiếp tục củng cố, xây dựng hợp tác xã, đồng chí còn trực tiếp đi xuống hợp tác xã của nhiều tỉnh, trong đó có hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại Phong là hợp tác xã nhỏ, dân số, ruộng đất ít. Đồng chí đưa ra khẩu hiệu: “Phá xiềng xích ba sào” mà xã viên đã đưa vào hợp tác xã lúc gia nhập, đồng thời giúp đỡ hợp tác xã quản lý, phân công lao động hợp lý, vừa khai hoang, vừa thâm canh, tăng vụ, tăng nghề phụ. Chỉ trong gần 3 năm, Đại Phong đã tăng diện tích lên rất nhiều, cơ sở vật chất kỹ - thuật phát triển, đời sống của xã viên được nâng cao hơn trước. Lấy Đại Phong làm điển hình, đồng chí đề ra phong trào thi đua: “Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Ngọn gió Đại Phong đã thổi mạnh vào các hợp tác xã ở miền Bắc nước ta, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp miền Bắc có bước phát triển mới.

Tiếp đó, đồng chí tiếp tục chỉ đạo và tổng kết kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình), phát động phong trào thi đua với Đại Phong trong cả nước, giúp nông dân ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, đưa nông nghiệp phát triển, đem lại những thành tựu to lớn về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Vị tướng xuất sắc trên chiến trường đánh Mỹ và thắng Mỹ

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Với nhãn quan chiến lược sắc bén, sâu sát với thực tiễn chiến trường, chỉ trong một thời gian ngắn, Đại tướng đã nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch, thấy rõ điểm mạnh và điểm yếu của địch, nhất là về cách đánh của quân Mỹ, cũng như trạng thái tâm lý, tinh thần của tướng tá, binh lính ngụy. Đây là điểm mấu chốt, là cơ sở để Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí trong Trung ương Cục miền Nam kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược. Với tư tưởng: “Dám đánh Mỹ ta sẽ tìm ra cách đánh Mỹ và nhất định thắng Mỹ”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục miền Nam trực tiếp chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, tập trung xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, tạo lập thế đứng vững chắc ở cả ba vùng chiến lược, mở các mặt trận ở những địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, tiến hành đồng thời ba mũi giáp công, góp phần xác định đúng bước chuyển biến từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, chủ động đánh Mỹ kéo vào miền Nam.

Đại tướng khẳng định: Với đường lối chiến tranh nhân dân của chúng ta, với phương châm kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, với việc sử dụng tốt và phát huy tác dụng của ba thứ quân, với khí thế hăng say “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt” của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn quân và toàn dân, có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt hàng vạn quân Mỹ, tiêu diệt gọn hàng chục đơn vị của Mỹ.

Các phong trào lập công giành danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt ngụy với khẩu hiệu: “Tìm Mỹ mà đánh”,“Tìm ngụy mà diệt”, “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động và tổng kết đã nhanh chóng phát triển thành cao trào, mang lại những chiến công vang dội trên chiến trường miền Nam như các trận thắng Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Nhà Đỏ Bông Trang, Plâyme và thung lũng Ia Đrăng, cuộc hành quân Áttơnborơ, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân tổng lực để “tìm diệt” mang tên Gianxơn Xiti đã làm nức lòng nhân dân cả nước; trực tiếp xây dựng, củng cố niềm tin, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc.

Chỉ sau 3 năm trực tiếp chỉ huy tại chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Bộ Chỉ huy miền lãnh đạo quân dân miền Nam từng bước đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của Mỹ trong những năm 1965 - 1967, góp phần làm chuyển biến tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Quân Mỹ - ngụy từ thế thắng, thế chủ động về chiến lược chuyển sang thế thua và bị động, quân ta từ thế bị động đã giành được thế chủ động và tiến công về chiến lược.

Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của đồng chí đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam. Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; một vị tướng tài ba, văn võ kiêm toàn, vô cùng khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào, sâu sát thực tế, hết mình với công việc. Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta thêm tự hào về bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và nguyện phấn đấu rèn luyện học tập, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trung tá NGUYỄN QUANG TÂM

Quân chủng Phòng không, không quân

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin