Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa

Phạm Thị Hương

CT&PT - Cuốn sách “Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm về nhân tố tạo nên sức mạnh của Mỹ, quá trình cũng như cách thức Mỹ mở rộng quyền lực và sức ảnh hưởng trong quan hệ đối ngoại thông qua lăng kính lịch sử và văn hóa, từ đó có cái nhìn toàn diện và hệ thống về quyền lực Mỹ.

“Tính cách hoặc đặc trưng văn hóa ảnh hưởng như thế nào chính sách mở rộng ảnh hưởng (quyền lực) của Mỹ?” là câu hỏi được đặt ra xuyên suốt cuốn sách Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa. Với cách tiếp cận đi từ lý luận đến thực tiễn, cuốn sách đã giải quyết thấu đáo câu hỏi trên. Nội dung sách gồm ba chương: (1) Một số vấn đề chung về quyền lực và quyền lực Mỹ; (2) Văn hoá và quá trình mở rộng quyền lực của Mỹ; (3) Xu hướng sử dụng quyền lực của Mỹ trong thời gian tới. Qua đó, xem xét vấn đề quyền lực qua nhiều học thuyết trong quan hệ quốc tế, làm rõ nhận thức, quan niệm của người Mỹ về quyền lực và cách thức nước Mỹ mở rộng quyền lực trên toàn cầu.

Trên cơ sở phân tích những bằng chứng thực tiễn, cuốn sách không chỉ khắc hoạ hình ảnh nước Mỹ qua các giai đoạn lịch sử phát triển thăng trầm, trong đó “quyền lực” luôn song hành với cách thức siêu cường này triển khai quan hệ đối ngoại với thế giới bên ngoài và gần đây được triển khai dưới dạng thức “quyền lực thông minh”, mà còn làm rõ các nhân tố tác động đến phương thức Mỹ sử dụng quyền lực trong quan hệ đối ngoại.

Xét dưới góc độ lịch sử và văn hóa, đặc trưng văn hóa Mỹ chính là cội nguồn tạo nên cách tiếp cận quyền lực Mỹ mang tính “riêng có”, là kết quả của quá trình phát triển lịch sử Mỹ với những tư tưởng văn hóa kế thừa từ châu Âu, kết hợp với những đặc điểm về địa lý, kinh tế Mỹ và những xu thế mới trong xã hội. Trong chương 2, cuốn sách tập trung phân tích và làm rõ nhận định việc sử dụng văn hóa để mở rộng quyền lực là chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù có sự khác biệt về mức độ và cách thức thực hiện, song mục tiêu không thay đổi. Với khả năng vượt trội về kinh tế và quân sự cùng chiến lược lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới các giá trị văn hóa mang đặc trưng Mỹ, nói cách khác là bằng cách sử dụng linh hoạt sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, Mỹ đã xác lập thành công vị thế siêu cường ở cả khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, ở chương 3, nhóm tác giả đã phân tích triển vọng triển khai các phương thức nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, đó là kết hợp đa dạng các biện pháp, từ mở rộng lãnh thổ thông qua mua bán, sáp nhập, thậm chí chiếm đoạt, đến triển khai các giải pháp hữu hiệu về kinh tế, ngoại giao, văn hóa và giáo dục.

Với nội dung được trình bày, Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa là tài liệu tham khảo mang tính hệ thống và tương đối toàn diện về quyền lực Mỹ, góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy, khảo cứu các chuyên đề nghiên cứu về Mỹ hoặc ứng xử của các nước lớn trong dòng chảy quốc tế.

ThS. Phạm Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin